Thứ Hai, 28 tháng 7, 2008

NHỮNG NGÀY ĐÀ LẠT

JULIA WILKINSON

Nhà báo Julia Wilkinson là người Hồng Kông đã từng đến Đà Lạt rất nhiều lần. “Những ngày Đà Lạt” (Dalat days) là ấn tượng của những lần tìm đến thành phố Cao Nguyên, đăng trên tạp chí Macco Polo số 3-1994. Đây là một bài viết rất hay về Đà Lạt do Ngọc Hiểu sưu tầm, xin tặng các bạn



Mọi ngày bình minh lên rạng rỡ và mát lành, giống như mùa xuân tại Pháp. Mùi thơm của cà phê vừa mới pha thấm qua khu chợ của thành phố đầy ắp những rau quả từ những ngọn đồi lân cận – dâu và hoa tươi, a-ti-sô và quả bơ, dưa hấu và rau ráng. Nơi quảng trường, những tài xế tắc-xi đội mũ bê-rê đang chăm chú đánh bóng ca-pô những cái xe Peugeot 203 trắng của họ, trong khi người dân thành phố lang thang đi vào những quán cà phê ám khói bên lề đường để dùng điểm tâm với bánh croissant và cà phê.
Bạn có thể hiểu tại sao người Pháp yêu Đà Lạt, cái trạm dừng trên đồi nổi tiếng nhất của miền Nam Việt Nam. Thành phố này - cách thành phố Hồ Chí Minh 320km và cao 1.350m, nằm ở những chân đồi phủ đầy thông của vùng Cao Nguyên Trung phần – có cái mơ màng ngái ngủ và cái khí hậu dễ chịu của một thôn làng tỉnh lẻ của nước Pháp. Bao quanh bởi những khu rừng xanh muôn thuở cùng một số hồ và thác nước, Đà Lạt là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, tránh xa khỏi cái nóng thiêu đốt của những đồng bằng ven biển, bụi bặm và cái ồn ào náo nhiệt của thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả một sách hướng dẫn du lịch của những năm 1930 đã viết: “Không khí trong lành của Đà Lạt kích thích sự ngon miệng và tạo ra một khuynh hướng ưa thể dục và công việc trí óc là những cái mà người ta không bao giờ cảm nhận được tại Sài Gòn”.
Bác sĩ Alexandre Yersin - một người Pháp - được công nhận là người đã “khám phá ra” Đà Lạt vào năm 1893. Khoảng 15 năm sau đó một thành phố được thành lập. Nó nhanh chóng trở thành một nơi nghỉ mát nổi tiếng cho những cư dân châu Âu - họ xây những villa, sân tennis và thậm chí một trường châu Âu tại những sườn đồi rợp bóng cây.
Được mệnh danh là PARIS NHỎ (le petit Paris), xưa kia Đà Lạt đã luôn luôn được xem như là một nơi nghỉ dưỡng thượng lưu - Cựu Hoàng của Việt Nam, Bảo Đại – đã xây một dinh thự nghỉ mát mùa hè tại đây vào năm 1933, cũng là năm mà viên toàn quyền Đông Dương Pháp đã thiết lập ngôi nhà tạm trú 25 phòng của ông ta. Vào khoảng những năm 50, Đà Lạt nổi tiếng trong giới thượng lưu về việc săn bắn những con thú lớn. Một cuốn sách mỏng vào thời đó đã ghi nhận rằng “với 2 tiếng đồng hồ bằng xe hơi – phát xuất từ thành phố - có thể đến được những khu vực săn bắn có rất nhiều nai, hoẵng, công, trĩ, heo rừng, báo, hổ và voi”.
Việc săn thú lớn từ lâu đã không còn nữa, những lâu đài đã trở thành những điểm du lịch và phần lớn trong số 2.000 vi-la đã xuống cấp không còn sửa chữa được nữa, nhưng cái thành phố của “MÙA XUÂN VĨNH HẰNG” này (nhiệt độ trung bình hàng ngày là 24 độ C) vẫn còn quyến rũ được du khách, nhất là những tỉnh trong nước về đây để hưởng tuần trăng mật.
Nhưng họ không phải là những người duy nhất phải xiêu lòng vì những nét yêu kiều của Đà Lạt: trong mấy năm vừa qua, một công ty liên doanh Hồng Kông đã nhặt lên cái mà người Pháp trước đây đã bỏ xuống. Công ty này đang nâng cấp, tái thiết những khách sạn và vila, xây dựng một sân gôn (golf) 18 lỗ trên ngọn đồi nhìn xuống hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố.
Nhưng Đà Lạt không chỉ có những ngọn đồi xanh, những thác nước và những tiện nghi thượng lưu. Ở đây còn phảng phất một nền văn hoá Việt – Pháp, một bầu không khí Bô-hê-miên vừa lôi cuốn vừa kỳ dị. Khu trung tâm thành phố có sự pha trộn giữa cái mới và cái cổ: những quán cà phê kiểu xưa, những cửa hàng ngũ kim, những phòng chiếu video. Rạp chiếu bóng chiếm vị trí vinh dự, với những cái xe gắn máy, xe ngựa và những cái tắc-xi hiệu Peugeot lượn quanh nó từ sáng sớm đến hoàng hôn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét