Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

BỨC TƯỢNG BÁN THÂN

Truyện ngắn mới gởi cho Văn11 Đà Lạt của TÙNG CHINH nữ sĩ
Đèn đường bật sáng. Aïnh sáng màu vàng như bao nhiêu ngọn đèn đường khác...
Như tựa vào ban công, ngắm nhìn thị trấn vào đêm. Thị trấn khum khum, nhỏ như lòng bàn tay, bỗng sáng rực với muôn ánh đèn màu rực rỡ. Với Như, thị trấn này còn chứa đựng bao điều bí mật. Ngay sự tồn tại của nàng và ngôi nhà xinh xắn của vợ chồng nàng đã là một trong những điều bí mật đó.
Sau cái chết đột ngột của người chồng, Như rơi vào một trạng thái hết sức lạ lùng. Không buồn, không vui. Không đam mê, không tuyệt vọng. Như luôn tự hỏi: Hiếu - chồng nàng không yêu nàng trong suốt thời gian chung sống ư ? Nàng không biết chia sẻ mối nghi ngờ này cùng ai. Hiếu mất rồi, để lại nỗi trống vắng lớn trong tâm hồn nàng. Nguyệt, Hoa- hai cô bạn gái thân dù thương nàng nhưng không hiểu được nàng. Ban chiều, ra mộ chồng, Như nán lại đến chiều tối hầu mong tìm trong cõi hư vô lời giải đáp đang đè nặng lòng nàng. Sau khi bày ra mấy chén con, một chai rượu nếp hương, bì bò khô và hộp bánh nhỏ “Choco-Pie”..., các cô gái thắp hương xì xụp khấn vái một hồi lâu. Họ rót rượu, nhấm nháp và nói chuyện trước mộ Hiếu.
-“Mới đó mà gần hai năm. Nhanh quá phải không ?” Nguyệt lên tiếng trước.
-“Ờ, sống thì thấy lâu chớ chết thì thấy nhanh lắm !”. Hoa phụ hoạ.
-“Bà thấy nhanh không Như ?”
Chợt thấy Như có cái sự lạ, Nguyệt nháy mắt ra hiệu làm Hoa im bặt. Như đang nhìn thẳng bức ảnh của Hiếu tạc vào bia mộ, không nói một lời. Bao nhiêu lần cùng với Như ra mộ Hiếu là bấy nhiêu lần Hoa và Nguyệt chứng kiến thái độ lạ của Như. Đó là cái nhìn thẳng thắn, kiên quyết đối với người sống chứ không phải cái nhìn bao dung tha thứ với người đã chết. Như tránh cái nhìn ngạc nhiên của hai cô bạn thân rồi nàng cố chuyện trò kể những chuyện vui của Hiếu... Cả hai cô cười như nắc nẻ. “Không ai khổ tâm như mình”. Như tự nhủ. Sắp tới giờ về, Như bần thần một lúc rồi lấy cây bút lông viết sau bia mộ Hiếu, dòng chữ nổi rõ trên phiến đá hoa cương:” Anh còn nợ em một lời giải thích lớn đó nghe!”. Hai cô bạn kia tròn xoe mắt, lắc đầu chẳng hiểu gì...
Nhớ lại thái độ của hai cô bạn lúc ban chiều, Như mỉm cười một mình. Cười mà không vui. Có gì vui đâu, nàng đã thành một thiếu phụ goá chồng khi chưa đầy ba mươi. Bảy năm về trước, Như quyết định lấy Hiếu, cả gia đình nàng đã phản đối kịch liệt. Họ bảo lấy một người đàn ông từng có một đời vợ như thế, Như sẽ khổ suốt đời. Như gạt hết mọi ngăn cản để đến với Hiếu bằng tiếng gọi của trái tim. Vả lại Như tin rằng một người chồng hơn mình mười bốn tuổi sẽ bao dung, thương yêu và tôn trọng nàng. Anh sẽ là chỗ dựa tinh thần của đời nàng. Đôi uyên ương dành dụm xây được ngôi nhà nhỏ xinh đẹp. Chồng nàng có đôi bàn tay tài hoa và bộ óc thẩm mỹ đã biến ngôi nhà thành một thiên đường diễm lệ. Duy có một điều là họ vẫn chưa có con. Hình như một đôi lần trước khi Hiếu mất, khi đề cập đến chuyện có con, Như bắt gặp Hiếu thở dài...

...Đèn đường sáng hơn. Thứ ánh sáng vàng vọt, huyền bí xuyên qua căn phòng tạo những vệt sáng tối. Gợi cô đơn, trống vắng, trường liên tưởng miên man...
Có tiếng chim vọng từ nơi mơ hồ...
Có tiếng thầm thì của đêm...
Có người đàn bà là Như đang độc thoại với bóng đêm. Đã thành lệ, từ khi Hiếu mất Như không ăn cơm chiều, đứng lặng hàng giờ trước ban công ngắm nhìn phố thị lên đèn. Đây chính là thời khắc quan trọng của nàng sau một ngày làm việc. Trước kia, nàng và Hiếu vẫn thường ngồi trước ban công như thế. Anh thổi kèn ắcmônica cho nàng nghe. Đó là những ca khúc thời anh còn là một chiến sĩ bộ đội biên phòng trấn giữ đồn 619 ở biên giới Tây Nam. Có khi họ chẳng nói gì nhiều. Mà Hiếu có chịu nói gì đâu. Anh sống lẳng lặng. Làm việc im lặng. Yêu thương cũng im lặng. Ngày họ tỏ tình với nhau, anh chỉ nói bằng ngôn ngữ đôi mắt, cầm lấy đôi bàn tay run rẩy của Như. Rồi họ thành vợ thành chồng. Cái cách anh ân ái với vợ cũng thật lạ. Ngoại trừ những khi anh ho khục khặc vì di chứng của trận cảm cúm còn để lại, chẳng bao giờ thấy anh nói gì. Mà Như muốn nghe anh nói dù chỉ một lời biểu hiện của yêu thương. Có lần Như hỏi:
-” Nè, ông xã đi công tác suốt. Có nhớ người ta không ?”.
-“Nhớ sao không nhớ !”. Chồng Như trả lời.
-“ Có thấy ông xã nói gì đâu ?”.
-“Cần gì phải nói mới là nhớ !”.
Như im lặng và chấp nhận. Có thể đó là cái cách yêu thương của chồng Như. Nhưng Như là đàn bà . Phàm đã là đàn bà trên thế giới này ai mà không muốn được nghe chồng âu yếm, yêu thương. Chồng Như là chuyên viên thiết kế xây dựng, hết việc ở cơ quan về nhà lại chúi mũi vào màn hình vi tính, tính toán đo đạc, chữa bản vẽ rồi lại ra đi...Như làm kế toán sổ sách cho một công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân nên cũng bận suốt ngày. Vậy mà“cuộc sống không lời” ấy vẫn gắn kết họ chừng ấy năm. Cho đến khi... chồng Như đột ngột qua đời vì cơn nhồi máu cơ tim. Âúy là lần họp lớp 12C1 của anh sau hai mươi năm ra trường. Như cũng có tham dự. Chẳng phải do vui được gặp lại bạn bè thời phổ thông mà anh quá chén hay không ? Sau khi lo ma chay, hậu sự cho anh, Như hụt hẫng đến cả tháng trời. Chuyện buồn nào rồi cũng có thể nguôi ngoai theo thời gian. Vì dù sao Như vẫn phải tiếp tục sống, tiếp tục làm việc...
Sau đó ít lâu, một lần sắp xếp lại tủ sách, Như tìm thấy một cuốn sổ nhàu cũ. Đó là những dòng nhật ký đầy yêu thương mà chồng nàng dành cho một phụ nữ khác: Điệp - vợ cũ của anh. Có cả nhớ thương, những ái ân trong tưởng tượng... Như sững sờ. Nàng lờ mờ hiểu được người vợ cũ có ý nghĩa với anh như thế nào ? Vậy là anh không yêu nàng ?. Nàng đau khổ và giận dữ. Giận dữ với cả chính mình. Nàng còn tìm thấy một thùng quà nhỏ được bao bọc bằng giấy hoa cẩn thận. Như run run mở hộp quà một cách chậm chạp. Một bức tượng đôi nam nữ bán thân kèm theo mảnh giấy nhỏ:”Tặng Quỳnh Như”. Đây là món quà bất ngờ vì chồng nàng tặng không phải nhân dịp kỷ niệm ngày cưới hay sinh nhật của nàng. Nhưng anh đã không còn nữa, món quà đối với nàng cũng có ý nghĩa gì đâu. Nhất là khi mà anh không yêu nàng! Nàng thờ ơ để bức tượng ở trên bàn...

Như bước vào phòng. Bây giờ thì bức tượng ấy vẫn còn nguyên ở đó. Nó như một dấu hỏi lớn tác động vào tâm thức của nàng, dày vò nàng ngày cũng như đêm.
...Đèn đường vẫn sáng. Thứ ánh sáng sẫm màu vàng đặc, xuyên qua căn phòng tạo những vệt sáng tối. Mọi vật trong phòng đều được nhuộm vàng trừ bức tượng bán thân bằng than đá đen tuyền. Và ánh sáng đèn từ bên trên bức tượng chảy xuống in hình bóng nó, nằm nổi trôi trên thềm...


* *
*

Có một đêm...
Đèn đường không sáng nữa. Trên ti vi, cô phát thanh viên của trang thời sự địa phương thông báo có sự cố của lưới điện trong khu vực. Vậy là không có thứ ánh sáng màu vàng sẫm xuyên qua căn phòng gợi những vệt sáng tối. Không có tiếng chim vọng từ nơi mơ hồ.
Và Như cũng không đứng ngoài ban công ngắm nhìn phố thị như mọi khi nữa. Nàng bật đèn nê-ông. Thứ ánh sáng trắng nhợt nhạt phản chiếu khắp gian phòng, dội lại trong hồn Như một nỗi buồn khó tả. Nàng đang sắp xếp mọi thứ để giao căn nhà này cho người chủ mới. Phải bán căn nhà này, Như thấy tiếc. Nhưng nàng không có con với Hiếu. Việc giữ một căn nhà như thế cho riêng một người thiếu phụ còn quá trẻ là điều không thể được. Mẹ chồng gợi ý xa xôi... Đứa em chồng không ngần ngại gì đặt thẳng vấn đề:
-”Anh Hiếu để lại cho chị một căn nhà rộng quá hả chị Như ? Chỉ tiếc không có ai thừa tự, cúng giỗ ảnh. Hay là chị bán nhà đi về ở với mẹ cho vui ?”.
Lời nói của cô em chồng như một nhát dao đâm vào tim nàng...Thật sự Như dự định chờ mãn tang chồng, nàng sẽ bán căn nhà trang trải mọi thứ, chuyển công tác về huyện K., để lại một khoản tiền nhỏ dưỡng già cho mẹ chồng. Giờ đây, mọi thứ đối với Như không còn ý nghĩa gì nữa. Nàng như cỗ máy của thời gian. Cỗ máy ấy rệu rã vì đời sống tinh thần nàng chưa được giải toả. Nàng đau khổ vì nghĩ rằng chồng nàng không yêu nàng. Sắp xếp xong mọi thứ, Như lưỡng lự xem mình có còn quên điều gì không ? Nàng lướt qua giá sách phía bên trên. À, lại quên mất, còn bức tượng bán thân đen tuyền-quà tặng của Hiếu mua tận Quảng Ninh trước khi anh mất ba tháng ... Như bắt ghế trèo lên, với tay kệ sách trên cùng đỡ lấy bức tượng xuống. Nàng lau sạch bụi, bức tượng ánh lên vẻ đẹp lung linh: Một đôi tình nhân nửa người,cả khuôn mặt cũng bị cắt ngang chỉ nhìn thấy từ mắt trở xuống. Nửa người đàn ông làm bằng chất liệu than đá ánh kim, những nhát cắt gồ ghề nhưng mạnh mẽ. Nửa người thiếu nữ làm bằng chất liệu than đá đen bóng tuyệt đẹp với nét môi và chiếc cằm mềm mại. Nửa người đàn ông xoay người áp vào mặt nửa người thiếu nữ đang e lệ nép sát mái tóc của mình vào anh ta. Không chủ ý điêu khắc đôi mắt. Thiếu hẳn vầng trán mà bức tượng rất có hồn. Đó là tình yêu thương, tin cậy của một đôi tình nhân được toại nguyện...Ừ, phải rồi, mình và Hiếu có được toại nguyện đâu !. Như lẩm bẩm một mình...
Bỗng điện vụt tắt. Lại sự cố gì nữa đây. Như lụi cụi, mò mẫm tìm chiếc quẹt ga châm nến. Aïnh sáng ngọn nến ban đầu còn loè nhoè sau tỏ dần. Mọi vật trong căn phòng đều mờ mờ trừ bức tượng bán thân phản chiếu thứ ánh sáng lạ soi rõ cả bóng hình của Như. Như mân mê bức tượng hồi lâu rồi linh tính mách bảo có cái gì cồm cộm phía dưới bức tượng. Nàng xoay bức tượng và tìm thấy chiếc ngăn kéo nhỏ được giấu khéo léo. Có một mảnh giấy gấp tư. Một bức thư với những dòng chữ quen thuộc của Hiếu hiện ra...

“Quỳnh Như em thương! Phải viết thế này thật xấu hổ cho anh. Những ngày này ở Quảng Ninh, anh nghĩ nhiều về em. Rất sợ em buồn nhưng rồi anh quyết định sẽ nói lên sự thật có thể em đã biết nhưng chưa được đầy đủ. Em còn nhớ anh đã kể những lần bọn anh trinh sát bảo vệ đồn 619 ở biên giới Tây Nam không ? Một lần tốp trinh sát của anh dẫm phải mìn của bọn địch.Thái hy sinh ngay tại chỗ còn Thìn bị mìn nghiến đứt đôi chân. Anh may mắn hơn chỉ bị xây xát nhẹ nhưng một mảnh đạn nhỏ đâm ngang đùi trái... Mãi sau này anh mới được biết là mình không thể có con . Bức tượng này tượng trưng cho tình yêu thương của anh dành cho em. Hãy tha thứ cho anh vì đã lôi cuốn em vào một cuộc đời đầy bất trắc. Và vì anh không mang đến cho em niềm vui được làm mẹ. Anh rất yêu em.
Hi?u “
Thế là đã rõ. Quỳnh Như oà khóc. Khóc như thể chưa bao giờ được khóc. Và rồi có tiếng gọi mơ hồ từ phía sau lưng. Nàng nín bặt. Một tiếng gõ cửa phòng thôi. Thật khẽ . Như quay phắt người lại...Nàng ào ra đón bắt bóng hình của chồng nơi chiếc màn đung đưa ở ô cửa sổ nhưng đó chỉ là ảo ảnh. Không còn gì. Không còn gì nữa... Chỉ còn lại bóng ngọn nến lung linh trên nền tường. Có cả bóng của bức tượng bán thân. Hình như nửa người đàn ông của bức tượng đang chuyển động, khẽ mấp máy môi. Nàng chạy tới, hai tay ôm trọn bức tượng bán thân. Nó nóng hổi, từ khoé mắt sâu thẳm của nửa người đàn ông rỉ ra giọt nước đen quánh như hắc ín nóng bỏng trên đôi tay run rẩy của nàng. Quá bất ngờ, nàng buông tay. Bức tượng đen bằng than đá vỡ vụn ra thành nhiều thỏi lô nhô dưới chân nàng!
Ngoài kia, đèn đường đã lại bật sáng. Thứ ánh sáng màu vàng như bao nhiêu ngọn đèn đường khác...

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

VƯỜN CHUỐI

Trương Lin lại làm thơ. Trong làng Vũ Đại xứ Tuy Hòa, Trương Lin là Binh Chức.













(Tặng Hồng Ánh và Làng Vũ Đại)
Binh Chức


Có một vườn chuối xanh
Bên bờ sông Vị Hoàng rất đẹp
Ở nơi đó, có một vuông đất hẹp
Bá Kiến thí cho Chí Phèo
(Hay nói đúng hơn, trả công cho những lần rạch mặt)
Kệ những thằng tranh giành quyền lực
Chí Phèo vặt chuối xanh uống cùng gã canh chùa
Tự Lãng say, vặt râu cười hỏi “Con người đứng lên bằng cái gì”
Nhà văn buồn buồn, các bác cứ rượu đi
Con người đứng lên bằng cái gì kệ họ
Bằng nịnh bợ, bằng tiền, bằng tài năng (hay bằng cái “kia”cũng thế)
Có ảnh hưởng gì đến bữa rượu các bác đâu

Cuộc rượu Chí Phèo không biết kéo đến đâu,
Nếu không có một người con gái đến
Người con gái dẫu xấu đến thành giai thoại
Chỉ bát cháo hành vẫn cứu rỗi một gã say
Đêm Trăng của Nhà văn đẹp đến lạ kỳ
Để thịt da long lanh
Để khôn mặt rỗ chằng, trở nên thánh thiện
Để Chị Nở tôi biết thẹn thùng làm duyên
Để Anh Chí tôi, biết đòi quyền sống
Để cánh cửa làng Vũ Đại mở ra
Bằng án mạng
Để được làm người.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

THẦY CHÂU VÀ ĐỘI BÓNG KHOA NGỮ VĂN

Tình cờ lục lại lấy hình Thầy Châu- Chủ nhiệm lớp mình, người thầy rất say mê bóng đá chụp hình chung với đội bóng của Khoa. Hình do Bảo Long lưu giữ

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

ĐOẢN KHÚC NHỚ

Trương Lin dạo này cứ rượu vào là có thơ cho blog. Trời đày làm thi sĩ tới nơi mất rồi!Chết thật...













Thơ TRƯƠNG LIN

Anh nhớ em, một thuở sinh viên
Cơm mhà bếp, em nhường anh nửa suất,
Anh cười, em sợ mập mập mất eo,
Em cười theo, canh toàn quốc, mắm đại dương
cũng thành ngon miệng.
Anh nhớ Em nhớ mùa thi cực nhọc
Quyển giáo trình hai đứa học chung
Em thường trách anh học chẳng tập trung
Anh chống chế, em dề thương đến thế
Anh nhớ em, đêm hội trại bập bùng ánh lửa
Anh say em trong men rượu say nồng
Tiếng đàn hoà tiếng hát mông lung
Mai xa cách thành vết hằn kỷ niệm
Anh nhớ em, nhớ Đà Lạt hoàng hôn nhuộm tím
Ta bên nhau, không giấu nổi lo âu
Ngày mai sẽ về đâu,
Tình yêu như bọt bể
Một thuở sinh viên
Một thời để nhớ
Bạn bè ơi, tôi gọi bạn bè ơi

NGÔI SAO BĂNG

Văn Quang nói:"Đêm ngủ không được, nổi hứng sáng tác một đoạn văn gọi là... ghi chép"


Ghi chép của VĂN QUANG


Trên bầu trời vô số những vì sao - Chẳng ai có thể biết một ngôi sao sinh ra từ lúc nào. Nhưng hãy dành ít nhất một đêm trong cuộc đời nhìn lên bầu trời để thấy sự sinh tồn của những vì sao. Rồi có một lần như thế – một lần tình cờ nhận ra một ngôi sao băng – mà nhiều người vẫn bảo rằng : Sao chết, mà đó là cái chết cho những điều ước.






Có một đêm không thể ngủ. Với tay mở cánh cửa sổ, lơ đãng nhìn lên bầu trời đặc quánh những vì sao - chợt nhớ nồi đậu luộc đặt trước sân nhà mấy chục năm về trước, khói cay xè đôi mắt, rồi hướng mắt lên bầu trời đêm ấy nghe ba kể sự tích và cả tên của các chòm sao mà ông còn nhớ trong những ngày nằm ngửa trên đống rạ cũng đã thuộc về mấy chục năm về trước, khi ông còn là một cậu bé chăn bò ở vùng quê lúa. Ba bảo : Đây là chùm sao con Gà. Đây là chùm sao con Gấu. Đây là chùm sao Lưỡi cày. Đây là chùm sao ……. Chỉ có thế mà nhớ – Nhớ đến tận bây giờ.
Đêm không ngủ ngắm sao. Chợt nhận ra vì sao nào cũng sáng, cũng đẹp. Hóa ra đêm nào mỗi vì sao đều sáng ở nơi nó vẫn sáng từ những ngày rất xưa và vẫn đẹp như thế đã rất lâu – nhưng có mấy ai biết, có mấy ai nhận ra khi mãi miết cơm áo, gạo tiền – mệt nhoài mỗi ngày, để đêm về vùi mình vào chăn gối, khét ngọt giọt mồ hôi, rồi lại đợi một ngày mới để …. gạo – tiền – cơm – áo.
Đêm không ngủ ngắm sao. Chợt nhận ra có ngôi sao vừa lìa đời. Người ta bảo, đó là ngôi sao băng. Người ta cũng bảo, mỗi lần nhìn thấy sao băng hãy tự cho mình một điều ước, và có thể không chắc chắn lắm nhưng ít nhiều cũng toại nguyện. Vậy là ước …
… Ước gì có nhiều tiền để thỏa cơn khát vì thiếu thốn chứ chẳng vì nghèo. Nhưng rồi bỗng giật mình khi nhận ra rằng : tiền bấy nhiêu đó thôi cũng đủ. Bởi lẽ mấy năm rồi chưa một lần thiếu tiền đổ xăng, đâu có thiếu điếu thuốc thơm kèm ly cà phê sữa nhiều đường, và cũng chưa lần nào thiếu dăm ba xị đế, có thêm con mực khô một nắng ở quê gửi vô cho, mời bạn mỗi chiều cao hứng. Vậy thì cắc cớ gì đêm không ngủ được, có một ngôi sao băng, lại ước có thêm tiền. Uổng phí lời ước lắm !

Đêm không ngủ ngắm bầu trời đặc quánh những vì sao, có ngôi sao băng vừa về với đất mẹ – chợt nảy ra một điều ước khác. Ước gì trong cuộc mưu sinh có chút chức - quyền. Vậy mà thoáng nghĩ thế thôi mà giật thót mình, rồi nghĩ : Không ai cũng thế, nhưng đâu thiếu kẻ có chức, có quyền mỗi lần trước cấp trên là đứng đi không thẳng ; lưng gập, nín thở, miệng nở nụ cười, dẫu lòng chẳng muốn. Còn tai trái thì mở ra chờ những lời nỉ non, nịnh hót – còn tai kia gập lại bởi chẳng dám nghe tiếng oán than, hờn trách của những người dưới cấp … Thôi, có sướng ích gì mà ước cái điều không đáng có. Thôi thì mình cứ là mình để được thẳng lưng, đi đứng đàng hoàng, khóc cười bằng chính cảm xúc của mình.
Đêm không ngủ ngắm những vì sao. Nhận ra có ngôi sao băng vừa mang cho trần gian thêm một điều ước. Mong ước ấy chẳng phải tiền và địa vị – mà ước mình sống sao cho cốt cách, tròn bổn phận làm con. Hơn 40 năm được sinh ra trong cuộc đời này – vậy mà khi mái đầu đã ngã bạc thì vẫn có mái đầu đã bạc hơn chăm chút ngày lại ngày hai bữa cơm rau mắm. Chưa được làm cha nên chẳng biết suy nghĩ của người mẹ thế nào ! Nhưng được làm con nên hiểu tấm lòng người mẹ mênh mông lắm. Có lúc tự hỏi – sao lúc nào mẹ cũng coi mình là đứa trẻ lên 3, lên 4 – dẫu sáu mươi năm cuộc đời – như người ta vẫn nói, thì mình đã ở phần thừa.
Đêm không ngủ có ngôi sao băng. Cứ ước sao người đàn bà đã qua xa cái tuổi bảy mươi, không mỏi mệt trước bao thăng trầm của cuộc sống ; không thôi yêu thương những đứa con đã bạc mái đầu vẫn ngày hai buổi mưu sinh kiếm sống ; không tủi thân khi xếp lại đĩa trái cây, thắp nén hương thơm nhớ về người chồng quá cố ; nhưng hãy cứ dỗi hờn khi đứa cháu chẳng thèm mời bà nội bịch mía ghim, dẫu vẫn biết rằng hàm răng già chỉ còn sót lại mấy chiếc đã lung lay…
Đêm trắng đêm thức cùng bầu trời đặc quánh những vì sao, chợt nhận ra lòng mình thổn thức khi sống hoài mà chưa trở thành con người tử tế. Chợt thèm được làm một ngôi sao băng mình đã thấy đêm qua ….
Con gà trống tía độc thân cất tiếng gáy. Đêm giật mình làm những vì sao vỡ vụng, tan biến - để chỉ còn một bình minh đầy ắp ánh sáng của mặt trời tươi rói như là mới mọc lần đầu tiên và duy nhất trên cõi trần gian này …

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

ĐỜI CÒN CÓ NHỮNG LÚC BUỒN

Buồn quá! Ai đọc bài này buồn quá thèm rượu thì... cho chết

Thơ TRƯƠNG VĂN LIN




















Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn.
Tôi ngồi vào bàn và viết.
Có khi là một bài thơ con cóc
Khi thì một cái tản văn, câu chữ chẳng ra hồn
Cũng có khi là một bài báo lôm côm.
Rồi gửi đi đăng, được chăng hay chớ,
Cốt sao để vơi bớt nỗi buồn.

Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn.
Tôi dạo xe vòng quanh qua phố
Tạt vào quán cafe, nghe một bản nhạc buồn
Rồi trở về nhà, cảm thấy buồn hơn.

Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn.
Tôi tìm đến ông bạn già, rủ chơi cờ tướng
Ông bạn già uống từ chiều, say khướt
Chợt nhận ra, ổng còn buồn hơn mình.

Có những đêm buồn, như không thể buồn hơn,
Tôi rót rượu, một mình ngồi uống.
Vợ cằn nhằn, ông uống như thằng nghiện
Tôi cười bâng quơ, tại rượu nó nghiện mình.

Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn,
Tôi lại ngồi vào bàn và viết
Lại sản xuất thêm một bài thơ con cóc
Hoặc cái tạp văn, câu chữ chẳng ra hồn,
Cốt sao để vơi bớt nỗi buồn.