Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

CHIẾC LÁ

Sáng tác mới của Phạm Ánh

PHẠM ÁNH
Giữa cuộc đời nhộn nhịp
Biết bao người cô đơn
Giữa xóm làng thân thuộc
Đôi khi lạc thâm sơn.

Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực.

Như chiếc lá đầu cành
Xanh tận cùng mưa nắng
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông.

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

CHÚC MỪNG NGỌC HIỂU SẮP LÊN XE...BÔNG!

Ngọc Minh đưa tin:
Tin này có lẽ không mới với văn k11, vì theo như Ngọc Minh biết, anh chàng quản trị blog Văn Đà Lạt 11 này đã báo cho nhiều thành viên Văn 11 nên có lẽ các bạn cũng như Minh đều đã có trong tay tấm…thiệp hồng. Sáng nay, Tiên Minh có rủ Ngọc Minh và Phạm Bai ở Nha Trang uống cà phê và chuyển…bưu thiếp. Vui quá, 3 thằng rủ nhau đi tăng hai gọi là chúc mừng trước hạnh phúc của anh Ngọc Hiểu (tăng hai là nhậu thôi đó nhen!). Trong lúc nhậu gọi là…đã đã, NM có điện một số bạn bè hỏi xem có nhận được tin gì không? Ai dè mới vừa nghe NM điện thì các đầu dây bên kia đều nói: “Chắc là hỏi cái vụ Ngọc Hiểu lên xe…bông chứ gì?”, làm cho mình…tẻn tò không biết nói gì hơn, bèn nói lãng rằng: “Ừ thì đúng là chuyện Ngọc Hiểu, nhưng Ngọc Hiểu là chính, còn chuyện phụ là nhân cơ hội này cũng là dịp để các bạn bè văn 11 mình gặp lại nhau cho vui”.
Đa số đều OK Number One. Hy vọng gặp lại các bạn sau 17 năm xa cách tại đám cưới của anh Ngọc Hiểu vào lúc 17h ngày 21/12/2008, tại 53 Độc Lập-P7-TP.Tuy Hoà-Phú Yên để cùng nhau: “ một, hai, ba…Zô, một, hai, ba…Zô!”
Ngọc Minh

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008

ĐÔI MẮT MÈO

Thêm một truyện của Tùng Chinh nữ sĩ

Truyện ngắn NGUYỄN CÔNG TÙNG CHINH
Chỉ vì yêu ánh mắt mà cưới nguyên một người phụ nữ
I
Tôi đã yêu, được yêu và bị yêu. Vậy nên tôi đau khổ vì yêu, hạnh phúc vì được yêu và bất hạnh vì bị yêu. Cái thằng tôi trong tôi đã bị dày vò lắm lắm.

Bắt đầu của một ngày nọ, ngày đẹp trời xanh trong, tại thư viện Đại học đường, tôi gặp nàng. Trời ạ, mắt nàng xanh biếc mở lớn dõi theo các kệ sách, cái thằng tôi trong tôi tê cứng người, chỉ còn biết há hốc mồm, đứng như trời trồng. Kể từ hôm đó, tôi thuộc về nàng- một giống cái có đôi mắt xanh biếc mở lớn. Nàng là con mèo cái của tôi, “đôi mắt mèo” của tôi : người thấp, béo tròn, hai gò má lấm tấm những nốt tàn nhang … Phải, tôi đã yêu đôi mắt mèo của nàng rồi cưới nàng cũng là vì đôi mắt mèo. Ít ra thì cũng chóng vánh khi tôi và nàng cùng tốt nghiệp đại học, cùng tìm mọi cách để được ở lại thành phố. Tạo hóa sinh ra Ađam là tôi và ÊVa là nàng cùng một khuôn mẫu như nhau : thông minh vừa phải , lanh lợi vừa phải, nói năng vừa phải … Chạy việc mãi thằng tôi mới xin được chân phụ việc văn phòng của một công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân. Còn nàng làm nhân viên bán hàng tiếp thị cho một cơ sở sản xuất dầu gội đầu không có tiếng trên thị trường. Kể cũng có phúc đức lắm rồi … Với nàng thì … hơi bất công vì dù sao nàng vẫn còn … có đôi mắt mèo rất xinh đẹp. Đôi mắt mèo đã gây bao sóng gió cho cuộc đời thằng tôi tỉnh lẻ …
Tháng đầu tiên chung sống, tưởng như tổ ấm chúng tôi là thiên đường, dù chúng tôi chỉ ở khu chung cư cấp 4 của thành phố. Đêm đêm tôi và nàng cuộn tròn lấy nhau sau cuộc mưu sinh vất vả cả ngày : đầu óc tôi căng thẳng còn chân nàng mỏi nhừ. Sau khi đã thuộc về nhau, đã mãn nguyện về nhau, tôi âm thầm ngắm nàng, làn da phẳng lì trắng nõn nà phập phồng nơi khuôn ngực, đôi mông tròn trịa vẫn thường nẩy lên khi tay tôi chạm vào. Thằng tôi chợt nghĩ : mông nàng có nẩy lên với bất cứ gã đàn ông nào chạm vào không ? Thằng tôi cảm thấy thích thú với ý nghĩ đó. Để chờ xem ! Và lại lấy tay chạm vào mông nàng, nàng lại nẩy người lên một cách đáng yêu. Thằng tôi cười khì khì. Thình lình mắt nàng xanh biếc mở lớn, thằng tôi bị hớp hồn, rùng mình và lại ôm ghì lấy nàng. Cứ thế … đêm đêm sau những cuộc mưu sinh vất vả, thằng tôi và “đôi mắt mèo” lại cuộn tròn lấy nhau.
Thêm một số ngày tiếp theo của tháng thứ hai kể từ ngày chung sống, nàng ôm về một con mèo cái có đôi mắt giống hệt đôi mắt mèo của nàng. Sao tôi có thể chịu được sự hiện diện của hai “đôi mắt mèo” cùng chung sống trong nhà ? Một là limh hồn của tình yêu, còn một là hiện thân của quỷ dữ, của sự rình mò đầy tội lỗi. Thử nhìn nàng và con vật mà nàng vừa ôm về. Cũng một đôi mắt mèo, khác chăng thân thể nàng phẳng lì, béo tròn, còn kẻ kia khoác bộ lông của loài mèo tuy êm mượt đấy nhưng hãy coi chừng ! Nàng lý sự : “Mèo bắt chuột cưng à ! Khu chung cư mình nhiều chuột qúa !” Biết nói gì hơn với lý sự dễ thương của nàng, thằng tôi chép miệng thở đài. Một đám mây đen vô hình khi đêm đêm tôi và nàng cuộn tròn lấy nhau.

Thoạt đầu con mèo cái nằm ở góc bếp hẹp. Nó rón rén, nhỏ nhẹ rình mò lũ chuột. Hình như một đôi lần nó có bắt được chuột . Chỉ có đôi lần thôi. Sau đó nó tiến dần vào phòng trên, mò sang ban công phòng bên cạnh của một cặp vợ chồng già và xuất hiện ở cửa phòng “tổ ấm uyên ương” của tôi và nàng. Nàng thích thú ôm lấy nó, sờ mó và tinh nghịch nó. Lũ mèo cái thường thích được vuốt ve hơn lũ mèo đực. Nàng cũng là con mèo cái thích được vuốt ve.
Dần dần thì con mèo cái đã nghiễõm nhiên chung sống với vợ chồng tôi. Thi thoảng sau những tiếng rên khe khẽ của nàng là vài tiếng “meo meo” của con mèo. Lúc đầu có thể ngộ nhận rằng : tiếng kêu của con mèo như một khúc nhạc đệm cho bản tình ca ân ái … song càng về sau tiếng kêu ấy chỉ làm tôi thêm điên tiết, thêm khốn khổ !
Tôi vẫn âm thầm ngắm nàng trong đêm, vẫn chạm tay vào đôi mông tròn trịa của nàng nhưng hễ người nàng nẩy lên vì thích thú, vì khoái cảm thì con mèo cái lại kêu ba tiếng “meo, meo, meo” để cảnh tỉnh. Nó hờn giận, ghen tuông hay chỉ đơn thuần là tiếng gọi bản năng của một loài động vật có vuốt khi đêm về yên tĩnh ? Chuyện này lặp lại khá nhiều lần, nhiều tới mức bố ai mà biết dược bao nhiêu lần ! Tôi chẳng còn sinh khí để tâm đến chuyện mơn trớn nàng nữa. Bóng đêm đã trở thành cực hình với chúng tôi. Khi gian phòng ngập ngụa màu đen tối ảm đạm, người tôi run sợ thật sự trước đôi mắt mèo xanh biếc mở lớn thèm khát của nàng và dưới chân giường kia cũng là đôi mắt sáng của loài mèo thực thụ. Tôi mất ăn mất ngủ, người suy yếu đi trông thấy. Đôi mắt mèo ám ảnh tôi ở công sở, trên đường đi xe buýt về, ở nhà vệ sinh, trên giường
ngủ … thậm chí trong cả những giấc chiêm bao tốt đẹp.
Ngày kia, rồi một chuyện đã xảy ra : Một con mèo đực lang thang đã gạ gẫm con mèo cái của nàng đi hoang. Gã mèo đực chực sẵn ngoài ban công và gọi mãi, ả mèo cái vờ õng ẹo vờn tới vơnø lui góc nhà rồi mới nhảy theo bạn tình … Với nàng chuyện này có ý nghĩa hết sức dặc biệt. Nàng có vẻ hụt hẫng, lơ đễnh trong các bữa cơm thường ngày, ít nói chuyện với chồng hơn. Còn tôi sướng rơn ra mặt : bản tình ca sắp đến không còn khúc nhạc đệm tai ác ấy nữa! Thằng tôi lại cười khì khì trong ý nghĩ … Đêm ấy tôi đã cố yêu đương nàng thật đắm say, nhưng một nửa của ám ảnh tội lỗi –nỗi sợ hãi cố hữu đã làm bản tình ca của tôi và nàng hoàn toàn dang dở. Thất bại tôi chống chế bằng giấc ngủ. Trong mơ, tôi thấy mình làmột sinh linh nhỏ bé, yếu ớt giữa một cõi vô cùng vô tận. Người tôi chơi vơi trong khoảng không của định mệnh. Hình như tôi có thấy một tia sáng rất nhỏ nhoi rồi nó lớn dần, lớn dần lên thành vệt sáng lớn … Tôi không còn tin vào mắt mình : tôi nhìn thấy những tia sáng tụ lại thành hình đôi mắt mèo ! Đôi mắt mèo của nàng hay của con mèo cái của nàng ? Tôi chưa kịp phân biệt thì một cơn lốc mạnh khủng khiếp cuốn phăng tôi vào vòng xoáy tia sáng đó. Đôi mắt mèo to lớn nuốt chửng tôi như miệng một con thú dữ khổng lồ bắt gặp miếng mồi ngon … Sợ quá tôi thét lên một tiếng. Giữa khu chung cư biệt lập mà tiếng kêu của một gã đàn ông như tôi là có vấn đề …
Hình như có tiếng người xì xào, vài tiếng lách tách mở khóa cửa, ai đó nghe ngóng và … tất cả lại im lìm như cũ.
Người tôi toát mồ hôi nhìn sang nàng. Hỡi ôi, thân thể nàng trắng nhờ nhợ không mảnh vải che thân. Vợ tôi ấy ư ? Tôi đang đi tìm cảm giác an toàn, nàng cừời khẩy : “Cái thằng làm chồng trong anh đâu rồi ? ”. Phải, nàng cười khẩy, nàng nặng lời với tôi lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Trong khoảnh khắc, tôi thấy nàng như con thú dữ, đôi mắt xanh biếc mở lớn đầy thèm khát dục tình của nàng là một cái gì tội lỗi ghê gớm. Tôi với tay sang người nàng, thay vì chạm vào đôi mông tròn trịa của nàng, không … tôi đã đưa tay sờ cổ nàng. Rồi vô thức thúc đẩy tôi nắm cổ nàng, lúc đầu cặp mắt mèo của nàng còn lim dim nhưng rồi tôi bóp mạnh, bóp mạnh dần … Nàng giãy giụa, tiếng kêu khùng khục phát ra từ cổ họng, hình như nàng giẫõy ra được, hình như nàng đã đá rất đau vào chỗ đau đớn kinh khủng nhất của bất cứ gã đàn ông nào … Hình như tôi ngất, tôi bất tỉnh … hình như tôi đã bị đưa đi đâu đó …

Trong đời tôi, sự việc xảy ra sau đó coi như là chấm hết ! Người ta đã tống tôi vào “nhà thương điên”như nhiều người vẫn thường gọi. Trốn ư ?. Một đêm, tôi đã từng trốn, chạy bộ mãi mới đến được đường ray xe lửa gần nhất cũng đã 2 giờ sáng. Nhưng bộ quần áo đặc trưng riêng của bệnh nhân tâm thần như tôi nào có thể trốn đâu được? Đứa bé bán hàng rong phát hiện, nó hét toáng lên … Vài người dân ở đó đã đem tôi trở lại khu điều dưỡng bệnh nhân tâm thần. Còn nàng ? Nhiều lần nàng có đến thăm tôi. Chúng tôi nhìn nhau : Thằng tôi trong tôi đang nghĩ gì ? Và nàng đang muốn nói gì với tôi ? Có thật nàng đã nói rất nhiều điều qua đôi mắt mở to buồn thẳm ?

Thực sự thì tôi đâu có yêu nàng, tôi chỉ yêu đôi mắt mèo của nàng. Và tôi đâu có bị điên, tôi chỉ là một thằng tôi như bao nhiêu thằng tôi khác
(Trích ký sự của bệnh nhân tâm thần phòng số 303A)

II

… “Thằng bệnh 303A”vừa có quyết định của bệnh viện tâm thần trả về điều trị ngoại trú, đã lần trở về khu chung cư ngày trước. Y thèm muốn gặp lại cô vợ trẻ, được âu yếm nàng …
Căn hộ của y ở tầng 3, đường lên cầu thang nhỏ hẹp, y gặp cơ man là người. Hết thảy họ là người quen cũ. Hết thảy họ đều gượng cười, hơi khép nép và phóng những tia nhìn ái ngại. “ Bọn họ đều nghĩ mình điên, nhưng mình điên cái quái gì được ? ” Y nghĩ thầm. Đứng trước cửa phòng “tổ ấm uyên ương”, y hơi xúc động … “Chắc nàng đang ngủ ngon giấc hay nàng đang nấu cơm? Tại sao nàng không đi đón mình?”.Cửa không khóa. Y nhẹ cửa muốn dành bất ngờ cho nàng. Nhưng … một cảnh tượng khiến y không còn tin vào mắt mình nữa : Trên giường, đôi mông tròn trịa của nàng đang nẩy lên như đánh đu, gã đàn ông nằm nghiêng chống cằm, ngắm hả hê thân thể nàng … Y há hốc mồm, đứng như trời trồng. Trước khi nhận ra gã đàn ông lực lưỡng kia là viên bác sĩ tâm thầm trực tiếp điều trị y, người y run rẩy với một ý nghĩ mới vừa lóe lên : mông nàng có thể hoàn toàn nẩy lên với bất kỳ gã đàn ông nào ! Nàng là mèo cái mà lũ mèo cái thường thích đựợc vuốt ve hơn lũ mèo đực. Và thế là y cười hơ hớ, cười rất lâu …
Thốt nhiên cô vợ trẻ thấy y xuất hiện bất ngờ, chị ta hoảng sợ thật sự, chân tay luống cuống, mồm lắp ba lắp bắp như lũ mèo thường ăn vụng bị chủ bắt gặp. Nhưng rồi nhìn thấy y cười một điệu cười vô hồn, thị cũng trâng tráo cười rũ rượi theo. Rồi thị khóc thảm thiết …
Viên bác sĩ tâm thần đã chuồn êm. Chỉ còn y và thị – hai khuôn mẫu của Tạo Hóa : chàng Ađam và nàng ÊVa. Y đỡ thị ngồi dậy, nhìn sâu vào hai hốc mắt vô hồn, trống rỗng, ngập đầy những nước là nước … Hai hốc mắt mà chỉ vài giờ trước đây, y đã nhớ, đã thèm muốn như ngày xưa vì chúng xanh biếc, to tròn, quyến rũ. Bỗng y đột ngột buông thị ra, đứng dậy bướctới bước lui ngắm nghía gian phòng cũ. Bỏ mặt cô vợ trẻ ngồi đó, đoạn y quay gót bỏ đi …

*
* *
… H. là người bạn học cũ của tôi mới cưới vợ. Đôi vợ chồng trẻ được phân căn hộ lô E2 của một khu chung cư trong thành phố. Tôi đến thăm nhà mới của vợ chồng anh. Thật là trùng hợp, thật là ngẫu nhiên, đây chính là căn hộ của đôi vợ chồng “Ađam và ÊVa”ngày trước … Câu chuyện tôi kể làm anh rất háo hức, tò mò … Nghe xong H im lặng trầm ngâm đến kỳ lạ !
Sau đó ít lâu, có dịp công tác ở thành phố, tôi gặp H. Trông anh bây giờ khá thành đạt, vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà khang trang ở khu đất ngoại ô thành phố mới được qui hoạch. Như mọi khi, tôi và H. lại bù khú một trận say sưa … Vậy mà H., vẫn còn nhớ chuyện cũ.
Anh cho biết mới đây anh đã gặp lại “thằng bệnh 303A”. Theo lời anh kể lại, bộ dạng y đã khá hơn từ dạo ấy … Chẳng biết cuộc sống riêng của y đã thay đổi gì chưa và y đã làm gì để mưu sinh ? Song cuộc gặp gỡ không hẹn trước này đã để lại ấn tượng trong tâm trí anh … Y nhìn soi mói vào mắt anh như thể bác sĩ nhãn khoa tìm kiếm con bệnh rồi độc miệng tuyên bố một câu :
- “Hay ! Hay lắm ! Mi không phải là con mèo đực đã gạ con mèo cái của tao đi hoang !”
Nói xong y cười hơ hớ. Bước khập khiễng trên phố đông người. Anh nhìn theo bóng y khuất dạng sau tán lá cây trứng cá rậm rạp ở cuối con đường.

Tháng 3 / 1999

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2008

BẠN Ở QUY NHƠN

Ảnh của NGỌC MINH
Hồi Festival Tây Sơn-Bình Định, Ngọc Minh có gặp anh Phạm Ánh và Cù Thị Ngọc Phương (bây giờ là chuyên viên Văn Phòng UBND tỉnh Bình Định) và chị Phương Lan Văn 10 (làm ở Đài PT-TH Bình Định), hôm nay gửi cho Văn Đà Lạt 11 ảnh gia đình Phạm Ánh cùng ảnh Ngọc Phương-Phương Lan để các bạn xem bây giờ các “cố nhân” đó có trẻ đẹp hơn cái thời ăn su su không nhé!

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

NGỌC MINH ĐI MÃ LAI

Phóng sự ảnh của Ngọc Minh
Lê Ngọc Minh vừa xuất ngoại sang Mã Lai tìm hiểu đất nước con người xứ này và tình hình lao động người Việt ta ở bên ấy, không biết có tìm hiểu sâu thêm chuyện... gì nữa không, sau đó đã có phóng sự ảnh này

Tháp đôi Petronas biểu tượng của Malaysia
Một góc thủ đô Kuala Lumpur
Đường phố với 3 làn ô tô
Công nhân Việt Nam mới sang học tiếng ở nhà máy White Horse Ceramic bang Johor
Hai lao động Việt Nam làm việc ở một siêu thị
Tháp đôi Petronas về đêm

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

CHÚC MỪNG CÁC THẦY CÔ NGUYÊN LÀ SINH VIÊN VĂN K11


Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11), xin chúc mừng các thầy cô:
Nguyễn Công Tùng Chinh - Trường PTTH Bán công An Khê (Gia lai)
Trần Thị Ánh Nguyệt - Trường Kỹ thuật Lâm Đồng
Lê Tú Oanh - Trường THCS Lam Sơn (Đà Lạt)
Nguyễn Xuân Thanh - Trường THCS Hòa Lạc (Lâm Hà - Lâm Đồng)
Ngô Thị Linh Thảo - Trường THCS Hùng Vương (Bảo Lộc)
Nguyễn Thị Bảo Thúy - Trường THPT Bảo Lộc
Trần Tuấn - Trường PTCS Hoài Thanh (Hoài Nhơn- Bình Định)
Chúc các thầy cô: HẠNH PHÚC, SỨC KHỎE, THÀNH ĐẠT,sớm trở thành Nhà giáo Nhân dân
BAN LIÊN LẠC

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2008

LUẬN VỀ THƠ TÌNH

Sáng tác mới của TÙNG CHINH nữ sĩ


NGUYỄN CÔNG TÙNG CHINH
(Thơ vui tặng giới thi sĩ mày râu)

Trên thế giới này , nam giới làm thơ tình nhiều hơn nữ giới
Tạo Hóa ban tặng các anh khả năng chinh phục các bà , các cô , các chị
Thơ tình với các anh như là vũ khí
Chỉ để chinh phục các cô , các chị , các bà

Thơ tình trên thế giới này nhiều nhất vẫn là của các anh
Chỉ một chiếc lá vàng rơi
Chỉ một cơn gió thoảng
Một đôi mắt biếc vô tình bắt gặp
Một cảm xúc vu vơ . . .
Các anh thêu dệt nhiều bài thơ dài vô kể
Rồi nhân vật người tình trong thơ là tưởng tượng
Chứ làm sao mà có thật ở trên đời !
Gỉa dụ rằng người ấy là có thật
Có đến hàng trăm người tình trong cuộc đời một thi sĩ bậc trung !

Ừ , trên thế giới này thơ tình nhiều nhất vẫn là của các anh
Thứ thơ tình vu vơ còn tồn tại
Và cần thiết cho nữ giới chúng tôi : các bà , các cô , các chị
Những người có trái tim mềm yếu thường thích nghe những lời mật đường ba phải
Xin các cô , các chị , các bà cứ đọc thơ tình nhưng hãy nhìn vào trái tim
thi sĩ
Những trái tim như tổ ong lắm vách nhiều ngăn !
Ngăn nào dành cho các bà , các cô , các chị ?
Ngăn nào dành cho người tình tưởng tượng ?
Còn ngăn nào dành cho Ong Chúa - Nàng Thơ ngự trị trái tim anh ta ?

Thơ tình trên thế giới này nhiều nhất vẫn là của các anh
Tốt nhất là nữ giới chúng tôi nên chấp nhận
Như có khí trời , cây xanh , hoa cỏ
Như có tình yêu - đề tài muôn thuở
Không có những vần thơ tình , các anh vẫn là những gã đàn ông dại khờ,
ngốc nghếch
Không có những vần thơ tình , nữ giới chúng tôi vẫn là những mụ đàn bà
có trái tim mềm yếu dễ xiêu lòng
Mặc cho “bể thơ tình” ngày càng nhiều trên thế giới
Ta trở về với cội nguồn của con người
Bắt đầu từ . . .
Tình yêu của chàng AĐam và nàng Êva !

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

ĐỒI CÙ THUỞ CHƯA BỊ LÀM... SÂN GOL

Đồi Cù thuở ấy. Đó là nơi...


Đó là nơi, diễn ra những trận đá banh kịch tính và quyết liệt giữa đội già và đội trẻ lớp ta
Đó là nơi, thầy Lê Văn Sơn lấy ra dẫn chứng đi dẫn chứng lại khi giảng rằng "đối tượng nghiên cứu đòi hỏi phương pháp nghiên cứu phải phù hợp";"đối tượng thích phở thì phải đưa đi ăn phở, đối tượng thích đi dạo đồi Cù thì ta đưa đi dạo đồi Cù..."
Đó là nơi, bọn ta bị đại úy Liên bắt bò muốn chết trong mùa học quân sự để quay lên truyền hình, làm toét máu cùi chỏ
Đó là nơi, bọn ta lên ngồi sưởi nắng sau khi lội xuống hồ Xuân Hương bắt tôm,lạnh run rét mà chẳng được mấy con
Đó là nơi, ta chạy xe đạp trên đấy giống như đang đi trên những thảo nguyên mênh mông trong phim của Liên Xô
Đó là nơi, Hồ Viết Hòa thích đốt cỏ vào những chiều mùa khô để cháy xem chơi chứ chẳng để làm gì
Đó là nơi, Phạm Ánh ngồi nhả khói thuốc rê lên trời làm thơ
Đó là nơi...

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

ĐÔI KHI

Anh Minh Nhã dạo này sắp thành nhà văn thật rồi. Vừa viết tản văn vừa làm thơ đây...


MINH NHÃ

Đôi khi khóc điếng niềm vui
Đôi khi cười rũ để vơi nỗi buồn
Đôi khi chớp bể, mưa nguồn
Cũng làm son phấn điểm trang cuộc đời
Đôi khi giữa cuộc say vùi
Trong ta lại ngộ được điều cao xa
Đôi khi giữa chốn phồn hoa
Hồn ta lại ở quê nhà hắt hiu
Đôi khi giữa bể tình yêu
Thì ta lại nghĩ đến điều chia xa
Đôi khi ngồi một mình ta
Vẫn nghe ấm áp bao la tình đời
Đôi khi giữa chốn đông người
Riêng ta ngậm ngùi hát khúc cô đơn
Tự xưa nước chảy, đá mòn
Thôi thì gắng sống để còn nhìn nhau
Cuộc đời thì lắm khổ đau
Đôi khi son phấn cho nhau vừa lòng

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

NỖI LÒNG

Dạo này thơ văn lênh láng quá, cứ như nước lụt ngoài Hà Nội vậy. Sau tản văn của Minh Nhã là thơ Nỗi lòng của Phạm Ánh...

PHẠM ÁNH

Cất liềm cất cuốc tôi đi
Con đường chữ nghĩa dễ gì đâu em
Mấy đời bùn đất lấm lem
Dám đâu nghĩ chuyện sang hèn lợi danh.

Lần qua phố xá thị thành
Thêm thương vách đất mái tranh dưa cà
Đôi khi đợi một tiếng gà
Một mình thổn thức xưa xa nỗi niềm.

Lối mòn lấm tấm chân chim
Rạ rơm chưa cạn ưu phiền gió giông
Khi xa là lúc rất gần
Tôi mang dáng dấp nông dân bao đời.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

CẦU CŨ

Một tản văn của Trương Văn Lin vừa mới viết ký danh MINH NHÃ



Tản văn của MINH NHÃ

Miền Trung khúc khuỷu, Miền Trung gập ghềnh, cứ mười cây số lại có một con sông, đã có sông thì phải có cầu, nên dọc dài theo khúc ruột Miền Trung, tên những quê hương thường gắn liền với một dòng sông, một cây cầu. Có những dòng sông, cây cầu gắn liền với những chiến công hiển hách, trở thành di tích lịch sử của đất nước như: Cầu Hàm Rồng - Sông Mã, Cầu Hiền Lương Sông - Bến Hải, cũng có những cây cầu đã trở thành danh thắng của đất nước như Cầu Tràng Tiền - Sông Hương và những cây cầu biểu trưng cho tiềm lực kinh tế của đất nước thời đổi mới như cầu xoay qua Sông Hàn...
Cây cầu của quê tôi không được như thế, nó chỉ là một cây cầu nhỏ trên Quốc lộ 1A bắc qua Sông Bàn Thạch (một nhánh của Sông Ba). Tên cây cầu trùng với tên sông: Cầu Bàn Thạch.
Tôi biết cây cầu lần đầu tiên khi... nó đang bị sập do chiến tranh. Đó là lúc tôi cùng gia đình đưa Chị tôi sang xã bên lấy chồng. Chị tôi “sang sông” bằng thuyền, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này.

Những năm tôi học cấp III, cây cầu là nơi nghỉ chân của chúng tôi sau một chặng đường dài đạp xe. Ở đó chúng tôi nhấm nháp vài món quà vặt mua ở dọc đường, khi thì vài lóng mía, khi thì mấy củ sắn nước mua (hoặc xin) được dọc đường, tán đủ thứ chuyện tầm phào trước khi về nhà cho kịp bữa cơm chiều.
Rồi sau đó, cây cầu này lại là nơi hò hẹn của tôi và cô bạn gái cùng lớp 12 và cũng là nơi chứng kiến sự thất bại của một chàng trai lần đầu tiên tỏ tình. Bây giờ nàng đã là một cô giáo, lấy chồng ở một xã thượng nguồn của dòng sông Bàn Thạch. Câu cổ thi: “Quân tại Tương Giang đầu, Thiếp tại Tương Giang vĩ” đành phải viết ngược lại. Buồn, nhưng biết làm sao được.
Thời gian như nước trôi qua cầu, thắm thoát vậy mà đã hơn ba mươi năm kể từ khi tôi biết cây cầu. Nó đã được tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn không chịu nổi cường độ và sức nặng của những chuyến xe thời đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vậy là người ta phải xây một cây cầu mới cao vời vợi, cách cây cầu cũ không xa. Với lan can bằng thép và giàn đèn cao áp sáng choang rất hoàng tráng.
Bây giờ mỗi khi về quê, chạy xe trên cây cầu mới, nhìn xuống cây cầu cũ nhỏ nhoi, lác đác đôi bóng người nhỏ nhoi lầm lũi đạp xe qua lại, chìm khuất trong mưa nắng. Tự nhiên, lòng tôi dậy lên một niềm rưng rưng thương cảm như thương con bò già đã hết thời cày bừa, nhưng những người nông dân không thể giết thịt vì nó đã gắn bó với mình trong việc nông gia cả đời.
Tôi biết, một ngày không xa, cây cầu Bàn Thạch cũ của tôi sẽ bị dỡ bỏ như bao cây cũ trên Quốc lộ 1A, nhưng kỷ niệm của tôi với cây cầu chắc còn rất lâu mới phai nhạt

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2008

KIỂM TRA DÙM CÁC ĐỊA CHỈ SAU

Ai có điều kiện kiểm tra dùm các địa chỉ sau có phải là của các bạn lớp mình không?

1- Hồ Viết Hòa- 51 Phan Đình Phùng- Hội An
2- Nguyễn Thị Bảo Thúy- Trường THPT Bảo Lộc
3- Ngô Thị Linh Thảo- Trường THSC Hùng Vương Bảo Lộc
Xin phản hồi ở mục nhận xét ở cuối bài

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2008

CHÚC MỪNG CHỊ EM NHÂN NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM

Với truyền thống kính... nữ đắc thọ, Xin chúc mừng chị em Văn K11 Đà lạt nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).
Chúc Chị em luôn xinh đẹp giỏi giang, luôn được chồng yêu, bồ quí...


Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

THẰNG HỒN VĂN CHƯƠNG

Truyện ngắn của NGUYỄN CÔNG TÙNG CHINH




KHỞI NGHIỆP MÙA XUÂN
Tiết trời xuân. Từ sáng sớm đã cảm nhận được gió mùa xuân ấm áp. Gió tràn qua từ bên kia đập, mang theo hơi nước không mát lạnh mà nồng ấm mơn man khắp da thịt. Gió làm thức tỉnh người bộ hành cái mùi ngai ngái của đất ướt đẫm sương đêm, của cỏ dại, mùi hăng hắc của phân ngựa, phân bò nằm lô xô trên đường. Bóng những con người bắt đầu xuất hiện. Đa số họ đi chợ sớm để bán mớ rau củ trong vườn. Khu này gần chợ mà vẫn giữ được cái tĩnh lặng của một xã đồng quê xa dân cư. Kim Xuyến thầm nghĩ.
Gió rối rít đuổi theo chân cô. Khi cô kết thúc buổi đi bộ tập thể dục về đến nhà là trời cũng vừa tảng sáng. Cô dừng lại trước nhà tháo đôi giày vải Bitis ra để ngay ngắn trước cửa nhà.
- Cạch, cạch, cạch.
Tiếng động quen thuộc khiến cô mỉm cười. Một thằng người ngồi ở bậc tam cấp chờ cô tự bao giờ: Cái đầu tròn to láng bóng ánh kim, khuôn người hẹp và mảnh. Một cây bút bi dài bằng cả thân hình, đầu bịt bạc thếp vàng luôn đeo dính ở bàn tay bên phải. Thói quen của thằng người là gõ cây bút bi luôn đeo dính ở bàn tay bên phải vào đầu nó để tạo ra âm thanh lạ tai - thứ âm thanh của lời chào đầy thiện cảm.
Kim Xuyến đưa tay nâng thằng người. Nó đu lên ngay để vào nhà. Cô để thằng người ngồi ở băng thế dài cạnh bàn viết lớn bằng gỗ rồi bắt đầu pha cà phê. Một tách cà phê cho thằng người và một cho cô. Trong khi cô nhấm nháp cà phê, thằng người khẽ đảo hai con mắt là viên bi kim loại theo chiều kim đồng hồ đến mấy lần. Ở vị trí miệng là cái khe sâu hút đen ngòm. Chắc là cười. Vì sau cái gọi là cười, cái khe miệng biến mất, nơi đó chỉ còn mặt phẳng nhẵn thín. Chỉ có cô nhìn thấy những nét riêng ở thằng người. Nói khác đi mọi việc đều diễn ra trong ý nghĩ của cô. Mà Kim Xuyến còn bận bịu với nghề viết nữa là. Cô làm việc ở tòa soạn báo thành phố. Thế cho nên thằng người nghiễm nhiên là bạn Kim Xuyến rồi - bạn văn chương. Cô nói thầm: “Thằng hồn văn chương!”. Điều này cũng chỉ diễn ra trong ý nghĩ mà thôi. Vì ý tưởng buổi sáng bao giờ cũng khôi hài và phong phú.
Một tiếng gõ cửa. Chị Nhiên hàng xóm sang mượn cây cuốc dẫy cỏ dại mọc trước hè. Chị Nhiên trố mắt ngạc nhiên khi thấy Kim Xuyến ngồi uống hai tách cà phê, lại gật gù nói chuyện có một mình. Ra đến cửa rồi mà chị Nhiên còn lấm lét, quay lại nhìn trộm lần nữa. Kim Xuyến tỉnh queo, cười mỉm. Cô nhớ lại vài tuần trước đó, một người bạn đồng nghệip ở tòa soạn báo đến chơi. Anh ta cũng trố mắt như thế. Tin đồn thổi nhanh: Kim xuyến có “người tình trong tranh”. Ý họ muốn nhắc lại chuyện một chàng trai mê đắm tiên nữ giáng trần trong một câu chuyện huyền thoại: “Bích Câu kỳ ngộ” xa xưa.
Mà người ta đồn cũng đúng thôi. Kim Xuyến đã hai mươi chín tuổi mà chưa nhận lời dạm ngỏ cùng ai. Cô thích sống một mình, phóng túng tự do. Vả lại, cô nghĩ, đàn bà gắn vào nghiệp viết không nên vướng bận chuyện chồng con, bếp núc. Cứ nhìn những thau quần áo trong nhà tắm, hay đống chén bát để mấy ngày mới rửa cũng đủ thấy bản lĩnh của nữ sĩ Kim Xuyến rồi.
Uống xong tách cà phê, Kim Xuyến ngồi vào bàn viết. Cô viết chậm và chắc. Ý tưởng mới mẻ, táo bạo. Mỗi khi đắc ý, cô dừng lại, nhìn thật lâu thằng hồn văn chương. Nghe tiếng “cạch, cạch, cạch” lại thấy lòng ấm lại, vui vui...

CHUYỆN NGÀY HÈ
8 giờ sáng. Chuông điện thoại reo lần thứ nhất. Không có ai nhấc máy. Không có con người. Không, hình như là có một thằng người - một thằng người kim loại. Có thể nó mới xuất hiện hoặc đã hiện diện từ lâu. Nó ngồi ở ghế sofa trong phòng khách. Ghế sofa đắt tiền thật. Nhưng không phải là cái bàn viết bằng gỗ như mọi khi mà nó thích ngồi.
Thằng người ngồi đó và nhìn một lượt khắp gian phòng...
9 giờ sáng. Chuông điện thoại reo lần thứ hai. Không có ai nhấc máy. Một thằng người kim loại cũng biến mất. Nó đứng dậy và đi đâu tự bao giờ?
9 giờ 30 sáng. Chuông điện thaọi reo lần nữa. Lại không có ai nhấc máy. Có một thằng người đang ngồi cạnh Kim Xuyến. Nó lặng lẽ quan sát tư thế của gnười đàn bà đang ngủ. Có vẻ như cô ta mãn nguyện, hài lòng. Khuôn miệng trễ ra như cười. Mũi nhỏ và thẳng. Vầng trán cao rộng, hơi dô ra. Rất bướng bỉnh và nhiều tham vọng.
Chuông điện thoại reo giòn giã. Cả điện thaọi di động nữa.
- A lô! Tòa soạn báo “Bình Minh” đây. Chào buổi sáng. Tạp chí tháng này dành đất cho bài viết của chị đấy nhé. Vâng, vâng... Chúng tôi đã lên khuôn rồi chờ bài chị thôi.
- A lô! Ờ, không. Anh T.V.T Phó tổng biên tập vẫn đang chờ bài viết của chị. Viết “mạnh” vào nhé. Thêm “lửa” vào...
Nghe xong mấy cú điện thoại, Kim Xuyến tỉnh ngủ hẳn. Khoảng 10 giờ sáng. Nữ nhà văn bỏ thói quen đi bộ buổi sáng. Toàn thân cô căng thẳng nhức mỏi. Tối qua, cô đãi tiệc nhân dịp được giải thưởng Văn nghệ trung ương. Thành công quá bất ngờ. Kim Xuyến chưa hề nghĩ mình viết được cái gì hay ho. Giải thưởng văn học lần này là lần thứ ba mà cô nhận được. Họ bảo những chuyện ngắn mới mẻ của cô gây chán động báo chí. Báo chí mê truyện cô vì cô viết quá “lửa”, quá sex. Và thế là các tạp chí mùa hè thi nhau đặt hàng nữ sĩ Kim Xuyến.
Trong làng văn, người ta có thể đưa anh lên mây xanh rồi cũng có thể vùi anh xuống tận cùng vực thẳm. Mình chẳng là “sao” nhưng cũng nên cảnh giác đề phòng “bệnh sao”. Cô dặn lòng mình vậy và trở mình qua bên phải, nhìn mọi vật trong phòng. Căn phòng đã được “rờ - tút” trước mùa hè bằng các vật dụng đắt tiền. Rèm cửa đăng ten Pháp. Ghế sofa giả gỗ Đức. Các món đồ cổ “hàng độc” Trung Quốc. Thảm trải sàn hoa văn dân gian của nga... đó là thành quả mà cô kiếm được.
Tạp chí Bình Minh có số phát hành lớn. Nhuận bút phải đến hơn mười triệu đồng một bài được đăng. Chưa kể sau khi đăng lần một, Kim Xuyến gửi cho các báo vùng, địa phương tỉnh cũng vẫn còn kiếm được mớ nữa. Rồi sau đó thì in tập. Kim Xuyến đã có tập in riêng. Vào cái thời mà Công ước Bern có hiệu lực, bản quyền của Kim Xuyến được các nhà xuất bản chào giá rất cao. Sở dĩ bản quyền của Kim Xuyến cao còn nhờ ở tên tuổi nổi như cồn của cô. Kim Xuyến học được kỹ thuật tự đánh bóng tên tuổi của một số nhà văn thuộc lớp đàn anh thời thượng. Trong vòng một thời gian ngắn, những truyện đầu tay của Kim Xuyến lập tức gây tiếng vang lớn, làm sôi động thị trường sách...
*
* *

Thời khắc của ngày hè thường mau trôi qua... Mùa hè nóng bỏng không chỉ vì thời tiết nóng nực mà “nóng sốt” vì những sự cố của con người.
Bây giờ thì Kim Xuyến không viết chậm mà cực kỳ nhanh.
Cô đọc lướt các báo, đọc các truyện ngắn rồi tổng hợp, xào nấu rất nhanh để tạo ra được một đến hai cốt truyện trong một ngày. Kỹ nghệ viết truyện ngắn của cô nay đã đạt đến tốc độ chóng mặt.
Không còn thời gian để nhấm nháp cà phê như mọi khi.
Không bạn bè chân chính. Không bình luận, mạn đàm về thứ văn chương chân chính.
Không cả thói quen gật gù với cái thằng người văn chương. Mà chiếc bàn viết bằng gỗ dổi đã được thay thế bằng bộ bàn ghế đắt tiền.
Thằng người - thằng Hồn văn chương cảm nhận mọi thứ đã thay đổi. Nó lẳng lặng quan sát trong im lặng. Không còn thói quen đánh động bằng tiếng “cạch cạch” gõ cây bút bi luôn đeo dính ở bàn tay bên phải vào cái đầu to tròn sáng bóng.
Kim Xuyến thu chân xuống giường. Không nhìn thằng người. Nói đúng hơn, cô không còn để ý gì đến thằng người nữa.
Đúng lúc ấy, những con chữ lũ lượt ở đâu kéo về nhêìu vô kể. Cứ như những con còng gió, chúng ào vào nhà giữ rịt Kim Xuyến vào bàn viết. Lũ chữ cái không thua gì lũ quỷ hiện hình trong đêm. Chỉ khác là chúng xuất hiện dữ tợn vào ban ngày. Lũ chữ cái chỉ huy cô, tuồn chữ vào tai, mắt và cả mũi cô...
Thằng người đang ở phía sau Kim Xuyến. Nếu như có thể được, cô ta hãy quay lại đi thì có lẽ... Thằng người sẽ vung cây bút bi gõ vào đầu ba tiếng để xua đi lũ chữ cái vô liêm sỉ kia. Nhưng cô chủ đã không quay lại lần nào...
Thằng kim loại thất vọng, chậm rãi lắc lư, đu đưa cái thân hình mảnh và hẹp tiến ra phía cửa chính. Nó xa dần. Cái bóng tròn to của cái đầu ánh kim thấp thoáng sau khung cửa kính và tiếng kêu “cạch cạch” còn vọng lại không ngớt…
ĐOẢN KHÚC THU
Đang độ cuối thu. Tiết trời vẫn thích hợp cho những cuộc vui chơi đầy màu sắc lãng mạn. Xa rồi những tiệc tùng đông người. Xa rồi những bộ cánh rực rỡ bắt mắt trong đêm. Nữ nhà văn của chúng ta thường ở tại nhà suốt cả buổi tối. Có thể vì cô không thích tham gia hội hè nữa. Có thể vì bây giờ cô cũng không còn là nhà văn hạng “Top Ten” của đám báo chí rầm rộ đưa tin một thời. Một nhà văn rớt hạng, lỗi thời. Kim Xuyến chua chát thở dài. Nghe cái lạnh cuối thu tràn về qua ô cửa nhỏ. Chút se lạnh làm cho con người ta thường suy tư về mùa, về năm, về quá khứ – hiện tại và tương lai.
Căn phòng trở nên ấm áp vì ánh sáng màu vàng, màu nâu đỏ phản chiếu từ các loại đèn trang trí bố trí khéo léo. Kim Xuyến có niềm kiêu hãnh riêng của mình để không phải buồn lâu hơn. Các tủ sách, giá sách và minh chứng cho điều đó. Chưa đầy bảy năm mà Kim Xuyến có tập in riêng đáng tự hào. Vài chục đầu sách với hành trang văn nghiệp của một nữ sĩ mới ngoài ba mươi. Thật xưa nay hiếm! Trừ mấy tập đầu tư in có vẻ giản dị, còn lại trang bìa phối trí kiểu chữ và tông màu gây ấn tượng hiện đại.
Người ta thường nuối tiếc một thời vàng son để kiểm định giá trị của bản thân.
Cô lật qua vài trang sách của một thời vàng son trong quá khứ. Dư âm ngọt ngào. Vinh quang và cay đắng chăng?
* *
*

Gió thu se lạnh.
Vài tiếng động sột soạt, nhè nhẹ ở rèm cửa sổ, trên bờ tường. Có thể là tiếng bước chân của những loài côn trùng ăn đêm.
Gió cuối thu dội về trong đêm càng lúc càng dữ dội hơn.
Lũ chữ cái từ trong các ngăn tủ, giá sách bò ra đầy nhà. Như lũ kiến trước cơn mưa dông. Từng con chữ kéo đi, cõng nhau chui qua lỗ thông gió, qua khe cửa để ra ngoài.
Kim Xuyến bật dậy. Điều đầu tiên, cô nghĩ rằng mình vừa trải qua một giấc mơ. Căn phòng vẫn im ắng. Nhưng các tủ sách, giá sách đã mở toang. Các trang sách in tập của cô trống hoác, trắng tinh. Không một con chữ. Trừ những tập đầu tay, những con chữ lầm lì vẫn đóng đinh ở đó. Giữa những trang sách đầu tay là khuôn dấu của một hình người đầu hơi lớn cầm cây bút rất dài như một vị Thần hộ mệnh: Vị thần giữ chân những con chữ ở lại.
Đến lúc này thì Kim Xuyến mới vụt nghĩ đến thằng người – bạn văn chương của cô. Cũng là lúc cô ta mới lắng nghe được tiếng “cạch cạch” quen thuộc nhỏ nhoi, yếu ớt.
Kim Xuyến bước ra ngoài…
ĐOẠN KẾT MÙA ĐÔNG
Kim Xuyến quì gối cạnh thằng người. Cài đầu to nhăn nhún của nó không còn sáng màu ánh kim. Nó run rẩy, hấp hối từng cơn. Cô đặt thằng người xuống bãi đất rộng cạnh nhà. Hình như cô không chờ đợi điều này: Những sợi khói mỏng tang từ khuôn hình thằng người bay lượn trong không trung, dày đặc lên rồi lại tản ra, nhạt dần. Phút chốc, khuôn thằng người chỉ còn là đường thẳng mờ mờ, trăng trắng hòa tan vào Đất Mẹ…
Một ngày mùa đông rét mướt, thằng Hồn văn chương không còn nữa. Nữ sĩ Kim Xuyến nghe nhói đau ở vùng ngực. Có cả tíeng lòng hối hận. Nhưng đã muộn mất rồi…

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2008

Ở ĐÓ MƯA NẮNG THẾ NÀO RỒI?

Tản văn của NGUYỄN NGỌC HIỂU

"Dường như mùa đông đã về..."


Mùa đông, áp thấp, gió mùa, rồi mưa bão liên miên… bạn từ vùng lũ nửa đêm bỗng gọi điện hỏi: “ Ở đó mưa nắng thế nào rồi?”. Tôi biết, nơi anh ta đang mưa dầm dề, đang thèm nắng biết dường nào.
Chuyện mưa nắng bây giờ được quan tâm nhiều hơn. Không còn nhớ từ hồi nào, những bản tin thời tiết được đặt trang trọng hơn trên các trang báo thời sự. Trên ti-vi, người ta bỗng tách ra đưa tin chuyện nắng mưa với những cô người mẫu thay đổi xiêm y là lượt như đi hội ngay cả khi báo tin bão dữ sắp ập vào đất liền. Thảm họa đến từ thiên tai như ngày càng nhiều hơn. Cái sự kiều diễm được trưng lên màn hình ấy, nhằm gây chú ý hơn đến các bản tin thời tiết khô khan, lại chỉ ra thêm một điều: Thế giới này, ngày càng bất an hơn mà thôi.
Rồi tôi đi xa. Thật không xa lắm. Chỉ tách khỏi chốn thân quen, vừa có đủ nắng mưa khác ở quê nhà. Đủ để thi thoảng phải hỏi về lung tung mấy chuyện. Và lâu lâu nhận một cái tin: “ Ngày nghỉ mà trời cứ mưa miết, chán quá! Ngoài ấy thế nào rồi, anh?”.
Nghe mưa, cố nhiên rất nhớ. Chắc là mưa lại ngập trên những cánh đồng ven thành phố đang mùa cày cấy, có khi còn ngập mấy con phố cũ. Những bóng người vừa phóng xe qua mặt phố đã khuất sau làn mưa. Đó là lúc đất trời như thu lại. Ý tưởng phóng khoáng bỗng bị nội tâm hóa. Con người co ro đi. Trong những buổi chiều đầy gió ấy, hơi ấm gia đình thường kéo người ta về nhà sớm hơn, thay vì la cà nơi quán nhậu.
Những cơn mưa miền Trung dai dẳng, lúc nào cũng kèm theo đe dọa: Lũ về…
Nhưng mưa mãi rồi cũng có ngày nắng. Những ngày nắng ít ỏi giữa hai đợt mưa dài là những ngày nắng đẹp nhất. Nó xua đi cái u uẩn của đất trời, xóa đi những ưu phiền nếu có trong lòng người. Mọi vật lại sáng lên tươi mới. Ta thấy nắng như người bạn quí lâu rồi mới gặp. Nắng về nơi này, mưa lại đến nơi kia. Con người ta dẫu xa nhau đến mấy, thì cũng cùng an trú dưới một bầu trời này thôi. Trời có nắng có mưa. Con người có thương có nhớ. Nhớ thương không từ bỏ một ai bao giờ, cho dù ai đó ở tận góc bể chân mây...
Giờ thì mỗi khi nghe hỏi: “ Ở đó, mưa nắng thế nào rồi?”. Tôi nghe không chỉ mưa nắng, mà có cả những buồn vui luân chuyển dưới bầu trời này. Nó có thể thay cho rất nhiều câu hỏi về sự quan tâm của con người dành cho nhau hơn là để có một thông tin thời tiết đơn thuần. Có thể đó là cách thay cho một lời thăm: “Anh ở đó dạo này ra sao rồi..?.”. Lời thăm quí vậy, sao lâu rồi ta cứ nghĩ, đó chỉ là một câu hỏi giản đơn thôi…
Đà Nẵng, tháng 10/2005

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2008

NỖI NHỚ CỦA PHẠM ÁNH



Nỗi nhớ trong tôi
Tiếng nôi đưa
Tiếng võng đưa
Tiếng bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa


Tiếng má gọi con
Tiếng gà gọi nắng
Tiếng vỗ cánh cào cào châu chấu...

Tất cả tiếng yêu thương
Nơi làng quê xóm cũ
Lặng lẽ trong tôi
Soi rọi nỗi niềm...

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2008

KHÔNG ĐỀ CỦA NGUYỄN VĂN QUANG



Trở về vùng trống của quá khứ
Ta thấy ta lạc lõng giữa cuộc đời
Chạy tìm hình hài cho ngày tới
Bỗng trở thành đứa trẻ mồ côi

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

LYCÉE YERSIN XƯA- CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NAY

Cao đẳng sư phạm Đà Lạt còn là một di sản kiến trúc văn hóa xinh đẹp, độc đáo nổi tiếng Đông Dương, là chứng nhân của một sự kiện lịch sử bi hùng có liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam...Nhân dịp đầu năm học mới, Văn Đà Lạt 11 xin giới thiệu.


MỘT VẺ KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO
Trường CĐSP Đà Lạt vốn ngày xưa mang tên: Lycée Yersin. Ngôi trường được khánh thành vào năm 1935 dưới thời Toàn quyền Varenn với tên gọi Grand Lyccé. Tháng 6/1936 hai trường Petit Lycée (nay là Trường Kỹ thuật Đà Lạt được xây dựng năm 1927) và Grand Lycée hợp nhất lấy tên chung là Lycée Yersin, để ghi nhớ công ơn của BS Yersin - người thám hiểm cao nguyên Lang Bian và có công khai sinh thành phố Đà Lạt xinh đẹp. Ngày 28/6/1935 Lycée Yersin làm lễ khai giảng khóa học đầu tiên, BS Yersin đã đến dự và xúc động phát biểu: "Tôi rất cảm động về tình cảm mà các em đối với tôi. Các em hãy tin rằng tôi cũng rất yêu mến và thân ái đối với các em... Các em làm tôi nhớ đến việc phát hiện ra cao nguyên Lang Bian vào tháng 6 năm 1893 trong một cuộc tìm kiếm , nghiên cứu nhằm mục đích khai phá một vùng rừng núi phía Nam Trung phần cho đến lúc đó vẫn chưa ái biết... Các em muốn đặt cho trường trung học đẹp đẽ này cái tên của người sống sót cuối cùng của phòng thí nghiệm Pasteur. Tôi xin cảm ơn các em".
Ai đã thiết kế và thi công công trình kỳ vĩ Lycée Yersin? Theo các tài liệu còn để lại thì công trình này được phác họa đầu tiên bởi sáng kiến của kiến trúc sư E.Hébard, nhưng lại được thiết kế và chỉ huy thi công một cách táo bạo và tài tình bởi kiến trúc sư Moncet. Cuối năm 1927, Grand Lycée chính thức khởi công trên một quả đồi bằng phẳng có diện tích tự nhiên khoảng 8 ha. Để xây dựng công trình này, lúc ấy người Pháp đã huy động hàng trăm phu phen, thợ nề, thợ mộc người Việt có tay nghề sắc sảo tại Đà Lạt và khắp nơi đưa về thi công. Có ai ngờ rằng họ đã phải vượt qua bao khó khăn, thử thách khắc nghiệt trong suốt 8 năm ròng rã chỉ bằng... đôi tay khéo léo và những giọt mồ hôi mặn đắng của chính mình! Do kết cấu các hạng mục phức tạp, nên lúc đó những người thợ đã phải dùng gạch ép để xây tường và đầu tiên ngôi trường được lợp bằng ngói Ardoise xanh đen từ Pháp đem qua. Để thực hiện cho bằng được những nét tinh tế theo đúng bản vẽ của các kiến trúc sư người Pháp, những người công nhân Việt đã phải liều mạng sống trên độ cao hàng chục mét. Nhờ đó mà hôm nay Cao đẳng sư phạm Đà Lạt mới có được một kiến trúc khá ngoạn mục về trường học và hiếm thấy ở Việt Nam: Mặt bằng tuy vẫn ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cổ điển, nhưng đã vượt lên bằng cách tự uốn mình theo một đường cung tròn mềm mại ôm lấy một khoảng sân rộng bên trong với tháp bút lợp bản thạch, vươn cao giữa những rặng thông xanh biếc hướng về hồ Xuân Hương, ghi một dấu ấn mạnh mẽ vào bức tranh thơ mộng chung của Đà Lạt.
MỘT HỘI NGHỊ LỊCH SỬ KHÓ QUÊN
9 giờ sáng ngày 19/4/1946, Hội nghị Đà Lạt trù bị cho Hội nghị Fontainebleau bàn về vận mệnh đất nước Việt Nam chính thức khai mạc tại Lycée Yersin, nay là Trường Cao Đẳng sư phạm Đà Lạt. Sau hơn 80 năm nô lệ, những người con ưu tú nước Việt đã ngẩng cao đầu ngồi vào bàn đàm phán với một đế quốc hung hãn như thực dân Pháp. Phái đoàn VNDCCH có 11 thành viên gồm: Nguyễn Tường Tam (Trường đoàn), Võ Nguyên Giáp (Phó đoàn), Trịnh Văn Bính, Cù Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Vũ Hồng Khanh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Luyện, Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường và 12 cố vấn. Phái đoàn Pháp cũng có 11 người gồm: Max Anndré (Trưởng đoàn), Ren Pignon (Phó đoàn), Mesmer , Bousquet , D’arcy,Gourou, Bourgoin, Torel, Clarac, Gonon, Ner, Guilanton, Sa lan. Phóng viên thông tấn, báo chí của các nước Pháp, Bỉ, Tiệp... và Ana Lê Trung Cang của Nhật báo Điện Tín Sài Gòn đã có mặt để theo dõi, đưa tin và tường thuật hội nghị. Trong gần 1 tháng cả 2 phái đoàn tranh cãi quyết liệt về các vấn đề: Đình chiến; hợp nhất ba "Kỳ" (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ); liên lạc ngoại giao giữa Việt Nam với các nước; quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Liên hiệp Pháp; liên lạc văn hóa Pháp - Việt; các trường của Pháp ở Việt Nam; Pháp tham gia giáo dục tại Việt Nam; tiền tệ; thuế quan; hoạt động của các doanh nghiệp của Pháp hiện có tại Việt Nam; Pháp tham gia vào việc phát triển kinh tế ở Việt Nam và các vấn đề về quân sự... Lúc ấy báo chí đưa tin: Mặc dù Phái đoàn Việt Nam đã tỏ ra hết sức thiện chí trong đàm phán, song cuối cùng chỉ vì tham vọng điên cuồng muốn chia cắt Nam Bộ và quay trở lại cướp Việt Nam một lần nữa của thực dân Pháp nên hội nghị đã lâm vào con đường bế tắc! Trước khi đóng sầm cánh cửa phòng họp báo hiệu hội nghị vỡ tan, chính tại ngôi trường này Phó trưởng đoàn VNDCCH - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố một câu bất hủ: "Nhân danh một dân tộc đã được tôi luyện qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tôi khẳng định với các ông rằng: Ngày nào Nam Bộ còn bị chia tách khỏi Việt Nam, thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam Bộ về lại với Tổ quốc. Nếu tiếng nói của chúng tôi không được đáp lại một cách công bằng, bản Hiệp định sơ bộ không được tôn trọng thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong tương lai. Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng!". Vâng! Sau đó hội nghị Đà Lạt bất thành, song cũng từ ấy đã đưa dân tộc Việt Nam vào cuộc kháng chiến trường kỳ và dẫn đến đài vinh quang: "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
7 giờ 30 phút ngày 12 tháng 5 năm 1946, Phái đoàn VNDCCH rời Đà Lạt, tạm biệt Lycée Yersin khi làn sương mù hãy còn giăng trên khắp các nẻo đường của "thành phố hoa". Mỗi người mang theo một tâm trạng, buồn vui lẫn lộn. Buồn vì tham vọng cướp nước của thực dân Pháp đã đẩy Hội nghị Đè Lạt đến chỗ vỡ tan. Buồn vì thấy một số người Pháp vốn trước đây một thời đã từng đau khổ vì bị Phát xít Đức cướp nước, nay lại toan đem cái điều mà họ không muốn để áp đặt lên một dân tộc nhỏ bé khác. Vui vì thấy cả phái đoàn đều đoàn kết, nhất trí để bảo vệ quyền lợi dân tộc, lo với nỗi lo nước mất nhà tan. Vui vì nhân dân Đà Lạt nói riêng và cả nước nói chung, đều quan tâm ủng hộ cho Hội nghị Đà Lạt và hạ quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và tài sản, nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của non sông. Hôm nay đến thăm Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nhiều người không khỏi bàng hoàng khi được biết rằng ngôi trường xinh đẹp này có một bề dày lịch sử gắn liền với Đà Lạt và vận mệnh đất nước Việt Nam như thế. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngày 28/12/2001 Bộ VHTT chỉ mới ký Quyết định số 52/2001/ QĐ-BVHTT xếp hạng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt vào di tích kiến trúc quốc gia chứ chưa thấy hết nơi đây còn là di tích văn hóa, lịch sử có liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam trong những giờ phút "ngàn cân treo sợi tóc". Để kết thúc bài viết này, tôi xin được mạn phép mượn mấy vần thơ của cố GS Hoàng Xuân Hãn nói về tâm sự của ông và Phái đoàn VNDCCH trong Hội nghị lịch sử này:
"Núi Đà Lạt xa quanh mình uốn éo
Lũng lưng đồi, ai khéo vẽ rừng thông
Mặt hồ xanh, mây bạc bóng gương lồng
Trên cỏ lục, lối hồng đang uốn khúc
Ngắm cảnh tay người, thêm tâm tức
Gẫm mình việc nước vẫn đeo đai!
Giữ non sông, thao lược đã không tài
Nêu sứ mệnh một vài câu biện luận
Thấy lẽ mạnh ép hèn, sôi nổi giận
Tuốt gươm thù, toan quyết trận phong ba”.
TRƯƠNG PHÚC ÂN

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

THỜI BA ĐI HỌC

Nhân ngày khai trường sắp đến, xin giới thiệu một tản văn của Trương Văn Lin viết cho con. Có hơi than nghèo kể khổ...nhưng, đây có thể là tâm sự chung của nhiều người lớn lên từ nông thôn. Không biết có phải vậy không? Mời mọi người có ý kiến

Tản văn của TRƯƠNG VĂN LIN
Viết cho con trai nhân ngày khai trường



Vậy là, con đã vào lớp một, bậc đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc gia – Giáo dục tiểu học. Vậy mà ba chẳng làm được gì cho con, vì tất cả mọi việc từ áo quần, sách vở mẹ con đã lo chu toàn. Cái duy nhất mà ba có thể lo được cho con là: Chạy cho con vào một trường điểm nào đó. Nhưng ba đã không làm.

Ba đã không xin cho con vào trường điểm, vì ngôi trường đó thật ra cũng chẳng “điểm” lắm đâu. Có lẽ do đồn đãi, quá nhiều người “chạy” vào nên nó trở thành “điểm”. Cũng như các “sao” lên vùn vụt nhờ công nghệ lăng xê ấy mà. Rồi nữa, khi ngôi trường đã trở thành “điểm”, mức đóng góp sẽ cao hơn. Bạn bè con đáng lẽ được học ở trường đó, do hoàn cảnh khó khăn, không đủ sức đóng góp lại bị dạt sang trường khác ít “điểm” hơn. Thôi con ạ, lọt ra ngoài tấm chăn “trường điểm”, ba sẽ chăm sóc con bằng cách khác.

Ba lại nhớ đến cái thời ba đi học. Ba học lớp vỡ lòng (như lớp mẫu giáo của con bây giờ) ở trường làng do bác Hai con dạy. Trong khuôn viên trường có thêm trụ sở của thôn, nơi ông nội con làm việc (hồi ấy gọi bằng ấp) nên nó được gọi là Trường Lẫm. Thời chiến tranh, ở các cơ quan, công sở người ta thường đào các giao thông hào. Đây là thiên đường của ba và bạn bè. Cứ đến giờ ra chơi lại ra móc đất sét, nặn tất cả mọi thứ theo trí tưởng tượng của mình. Vào lớp, áo quần dính đầy đất sét, thế nào ba cũng bị bác Hai cho mấy roi vào mông.

Vào tiểu học, ba được học ở trường Tiểu học cộng đồng, kiến thức cũng chỉ gói gọn trong mấy quyển sách Tân Việt văn và sáu môn học yếu lược, tám môn học yếu lược. Đâu phải mang chiếc cặp nặng hàng mấy ký như con bây giờ. Học một buổi, một buổi tha hồ rong ruổi với các trò chơi bắt dế, thả diều, bắn bi, đánh trống… chẳng phải học cua, học kèm thích lắm con ạ.

Ba học cấp II sau giải phóng, cũng ở ngôi trường này, nhưng nó đã già nua, xuống cấp rất nhiều, mùa mưa cả lớp nháo nhào chạy mưa là chuyện thường. Đây là thời gia đình ta khó khăn nhất, sau giờ học ba đã biết giúp đỡ ông bà nội những việc lặt vặt. Ở trường, giờ lao động nghiêm túc hơn giờ chính khóa. Trường còn thành lập “Hợp tác xã Măng non” để học sinh lao động gây quỹ. Ba nhớ, hình như ba là thành viên Ban Quản trị của cái Hợp tác xã này.

Lên cấp III, ba được học ở trường huyện, cách nhà nội chừng 15 cây số. Nhà mình nghèo, có hai chiếc xe đạp ưu tiên để bác Bảy và mấy cô con chở giống, chở phân… đi làm ruộng. Ba đi học phải ở trọ nhà người ta, nói đúng hơn là ở ké (vì đâu có mất tiền trọ). Đầu tuần theo xe đạp bạn bè ra, cuối tuần theo về. Đã đi theo xe thì phải chở bạn. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa phùn, gió chướng chở được bạn qua khỏi cánh đồng trống khoảng năm sáu cây số, vất vả (nếu không nói là cực nhọc) vô cùng con ạ.

Suốt những năm học cấp III, trong các kỳ nghỉ hè ba và bạn bè đã biết làm đủ các nghề như hái củi, đốt than, làm gạch… để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học sau, để ông bà nội đỡ lo. Khổ nhưng mà vui lắm!

Rớt đại học lần đầu, ba ở nhà làm ruộng và đủ các nghề linh tinh khác ở nông thôn, phụ với bác Bảy con chèo chống gia đình mình, vì bấy giờ ông nội con đã mất sau một thời gian dài bị bệnh. Nhà mình lâm vào cảnh rất nghèo con ạ. Mấy năm sau, bằng sự cố gắng của cả gia đình, ba thi lại và đậu đại học. Ba và cả gia đình mừng như nhà có hội (Hồi ấy, thanh niên được mang cái mác sinh viên sang lắm con ạ).

Học đại học thời bao cấp, Nhà nước lo gần như toàn bộ, gia đình rất ít tốn kém. Thế nhưng đã bao cấp thì làm gì có đầy đủ, nên chuyện đói khổ, thiếu thốn của sinh viên đã thành “chuyện không của riêng ai”. Bốn năm sinh viên đi qua, ba cũng tích tụ một ít kiến thức để vào đời.

Ra trường, tuy hơi vất vả và cuối cùng ba cũng kiếm được một chỗ làm. Thấm thoát, vậy mà đã qua 15 năm làm công chức Nhà nước. Tuy chẳng dám gọi là thành đạt, thành danh, nhưng ba đã có một việc làm ổn định và lương thiện, không xấu hổ với đồng lương mình nhận để nuôi con ăn học nghiêm túc, đàng hoàng hơn thời ba đi học.

Đi học, ai chẳng muốn mình ngồi trong ngôi trường có nhiều chính khách, nhà khoa học, văn nghệ sĩ từng ngồi. Ba tin rằng những thế hệ sau con sẽ rất tự hào khi được ngồi trong ngôi trường mà con từng học. Hãy cố gắng nghen con!

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

TỔ QUỐC CỦA THẦY CA

Nhân kỷ niệm Quốc khánh, mời các bạn đọc lại bài thơ "Tổ quốc" của thầy Phạm Quốc Ca



Tuổi thơ con chỉ được ngắm hình cha
Áo trấn thủ vành mũ nan Vệ Quốc
Dòng chữ đỏ ghi công con đánh vần tên Nước:
“ Việt Nam”…

Trời xanh trên cánh buồm
Bóng tre mát đường làng con đi học
Đất nước đẹp như Đồng Nai, Phú Xuân…
Mẹ cặm cụi với đồng sâu, nước bạc
Lời ru gửi bao nhiêu mong ước
Mà lớn lên con khát những chân trời?

Con đã kịp yêu đâu những vẻ đẹp của Người
Ôi Đất Nước nghìn năm lời “ Giã bạn”!
Nghỉ lại núi Hội Thề dọc đường ra mặt trận
Câu thơ Kiều xanh sắc cỏ ngày xuân.

Chiều mùa khô cháy khát cả cánh rừng
Gặp suối đá trong như chảy từ nguyên thuỷ
Chợt nhận ra: Tổ quốc gần gũi như lòng mẹ
Giữa ngực con ngụm nước diụ dàng.

Khi cờ thắp bừng bừng trên tuyến giáp ranh
Con đã khóc trước thiêng liêng màu đỏ
Tổ quốc là đích giặc bắn ngày đêm
Lá cờ rách tả tơi ngọn gió

Tổ quốc
Là trần trụi một mô đất nhỏ
Giặc lấn sang con giành lại mấy lần
Là một mảng lục bình kịp trôi đến che lưng
Lúc tàu giặc bật đèn pha bất chợt
Trưa khét nắng Tổ quốc là bóng mát
Trước cửa hầm: Tổ quốc- trời xanh…

Phải cách xa mới hiểu lòng mình
Con đã trải nỗi vắng xa Tổ quốc
Trận giặc càn tháng Năm Bảy mươi
Đại đội bật sang bờ tây Vàm Cỏ
Nghe lạ lẫm cả từng cơn gió
Tiếng cuốc kêu úa đỏ trăng hè
Thương từng gốc mua rừng đẫm máu
Ngược đêm bom chúng con đánh quật về.

Con đã hát niềm vui chừng vỡ ngực
Một mùa hoa đỏ nắng Sài Gòn
Đạn Pôn Pốt lại bắn vào vết thương bom Mỹ
Thịt da con đỏ máu với biên cương.

Bão rồi gió dồn tấp lên bán đảo
Giữa lòng con cũng xoáy từng cơn
Tổ quốc là những đêm không ngủ
Con yêu Người đến xót xa, đau thương.

Hạnh phúc của con- một cuộc đời thường
Ngày đẫm ướt giọt mồ hôi mặn chát
Miếng cơm thanh sạch, trắng trong
Ai đen trắng, lương tâm nào thức ngủ
Trái tim con phẫn nộ hồi chuông.
Tổ quốc- Người là niềm khát vọng
Chúng con đứng cao hơn cơm áo ngày thường

Việt Nam!
Con của Người cả khổ đau, hạnh phúc
Bởi khi núm rau con gửi vào một đất
Con đã gửi Người một kết giao máu thịt
Trọn cuộc đời con.

1980

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2008

HÌNH CỦA LỚP DO HUỲNH THỊ PHƯỢNG LƯU GIỮ

Hoan nghênh các bạn gởi hình lưu trữ về vandalat11@gmail.com để xây dựng "bảo tàng" của lớp



Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008

PHẠM ÁNH VỚI "LỐI CŨ"

Đọc Bình Định điện tử chợt gặp bài giới thiệu này đã lâu lắc rồi

Phạm Ánh làm thơ từ khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Đà Lạt. Anh là sinh viên nam duy nhất của trường bị tàn tật nhưng có nghị lực phi thường. Tính cách anh điềm đạm, ham học hỏi và chất thơ của anh mang nặng nỗi nhớ quê hương, nỗi buồn nhớ mẹ, nhớ vùng cát cháy da nhưng đầy tự hào về truyền thống cách mạng.
Phạm Ánh được giải thưởng thơ (giải ba) của Hội văn học Nghệ thuật Bình Định từ năm 1993, và trong những năm gần đây liên tục anh có 3 tác phẩm thơ được xuất bản: Một miền trăng (năm 2002), Những vì sao mơ ước (năm 2003) và Lối cũ (năm 2004), đã chứng tỏ nghị lực của một nhà thơ bị khuyết tật này.
Với tập thơ Lối cũ (40 bài) do NXB Đà Nẵng ấn hành, Phạm Ánh đã thể hiện khá xúc động tình yêu quê hương đau đáu, thường trực trong anh. Đó là những câu thơ được gạn lọc theo những dòng hồi ức ngọt ngào, những nỗi niềm trắc ẩn: "Cuối năm về lại quê mình/ không dưng mới một chút tình đã xưa"(Chiều mưa). Những tứ thơ nhè nhẹ nhưng gợi nên bao nỗi niềm ấy, chúng ta còn gặp rất nhiều trong các bài khác như "Hương quê", "Hoa quê", "Đêm xa quê", "Hồn quê", "Chút tình quê"... Ai chẳng có một quê hương-quê hương để nhớ, để quay về nương náu tâm hồn và tìm lại cái ngày tuổi thơ ham chơi theo lũ bạn chân đất đầu trần... Chốn quê của Phạm Ánh nhắc nhớ về kỷ niệm xứ dừa xanh, cát trắng rất Bình Định: "Ôi quê hương/đã hóa hương lòng/dịu ngọt nước dừa/ mặn hồng muối biển". Và ta còn thấy hình ảnh "Một trái dừa non dịu cơn nắng gắt", hay "hạt cát long lanh nặng tình xứ sở"...
Quê hương trong thơ Phạm Ánh còn sâu nghĩa nặng tình bởi công mẹ cha khó nhọc, bởi công ông bà, công chị tần tảo, hy sinh. Với Phạm Ánh, thơ là điểm tựa trong hành trình cuộc đời một con người phải chịu cảnh tật nguyền. Vì thế, thơ anh không thể thiếu vắng hình ảnh: " Mẹ cuốc trắng, cha cấy nắng cày mưa" hay "Ngoại tôi tóc bạc lưng còng/Hai sương một nắng giờ cong bóng chiều".... Ai yêu quê hương như Phạm Ánh thì mới thấy là anh có sự thấu tận và gắn bó sâu sắc với quê hương biết nhường nào! Có lúc không ngăn được cảm xúc tuôn trào, anh đã âu yếm gọi Cát Hanh-quê anh là Mẹ: "Sông La tinh như khăn nhỏ buông mềm/ Vắt bên vai mẹ Cát Hanh ruột thịt/ Tôi là con lớn lên từ đất..."(Mẹ Cát Hanh)
Ngoài tình quê và những vần thơ về quê hương, thấp thoáng trong thơ Phạm Ánh còn là bóng dáng người phụ nữ, những niềm đồng cảm sâu lắng đối với các em học sinh khiếm thính (nơi anh công tác), là trăng, là người vợ cùng cảnh ngộ khuyết tật....
Qua thơ Phạm Ánh, người đọc còn nhận chất thơ mộc mạc nhưng truyền cảm, tứ thơ có sức lan tỏa, để từ đó cảm nhận từ cuộc sống này có biết bao điều tốt đẹp mà ta chưa nhận ra...
. Nguyễn Huỳnh Huyện

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

HỒ VIẾT HÒA BÂY GIỜ Ở ĐÂU? CÓ AI BIẾT KHÔNG?



Cho đến nay,toàn bộ cựu sinh viên Văn k11 ĐH Đà Lạt đều không biết Hồ Viết Hòa bây giờ ở đâu? Làm gì?
Trần Bảo Long cho hay, sau khi ra trường một năm hay một năm rưỡi gì đó, Hòa có trở lại trường lấy hồ sơ, và từ đó bặt âm vô tín cho đến giờ.
Khó khăn nhất là Hồ Viết Hòa không để lại tung tích gì,kể cả giấy tờ hồ sơ, lý lịch.
Ban liên lạc lớp phát lời kêu gọi toàn thể cựu sinh viên Văn k11 hãy cùng tìm Hồ Viết Hòa bằng tất cả những khả năng có thể.
Mọi thông tin xin liên lạc lại ĐT 0982374609,0905023823 và email:vandalat11@gmail.com
BAN LIÊN LẠC

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

ĐÀ LẠT- NHỮNG NƠI CHỐN TA QUA

Trong lúc chờ một entry mới phân tích thơ Phạm Ánh, mời các bạn xem lại hình ảnh những nơi mà chúng ta không thể nào quên.
Nhà thờ Chánh Tòa, Ga Đà Lạt, Trường cao đẳng, Chợ, Chùa Linh Sơn...






Thứ Năm, 7 tháng 8, 2008

KHOA NGỮ VĂN- 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Mời xem tư liệu về Khoa Ngữ văn. Gọi là uống bia...nhớ nguồn vậy



Hơn hai mươi năm xây dựng và trưởng thành khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt đã và đang khẳng định vị trí của mình là một trong những khoa có quy mô đào tạo lớn, uy tín giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngày càng được nâng cao.

Những thành viên ban đầu của Khoa là một số cán bộ giảng dạy thuộc khoa Sư phạm Đại học Tây Nguyên chuyển về Đại học Đà Lạt năm 1982. Khoa đã được bổ sung dần từ nguồn tự đào tạo và từ các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn khác. Hiện tại tổng số giáo chức tham gia giảng dạy ngữ văn là 21 người, trong đó có 10 người kiêm nhiệm công tác quản lý trong Ban Giám hiệu các khoa, phòng, trung tâm và đoàn thể. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa hầu hết đã được đào tạo sau đại học; trong đó có 02 người là PGS-TS; 9 TS; 2 ThS. Đây là vốn quý để khoa Ngữ văn tiếp tục phát triển đào tạo đại học và sau đại học.

Ban Chủ nhiệm khoa gồm TS. Phạm Quốc Ca – Trưởng khoa, TS. Phan Thị Hồng – Phó trưởng khoa. Khoa có 3 bộ môn là: Văn học Việt Nam do PGS.TS. Lê Chí Dũng làm Trưởng bộ môn; bộ môn Lý luận văn học và Văn học nước ngoài do ThS. Nguyễn Hữu Hiếu làm Trưởng bộ môn và bộ môn Ngôn ngữ học do TS. Dương Hữu Biên làm Trưởng bộ môn. Đây là mô hình tổ chức tương đối phù hợp với tính chất và quy mô đào tạo hiện nay của Khoa.

Định hướng chính trong hoạt động của khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt là đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản thuộc hệ đại học tổng hợp. Để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, ngay từ khóa đầu Khoa đã có chủ trương đúng đắn là mở thêm hướng đào tạo ngữ văn sư phạm. Gần đây để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, Khoa đã xác định và cơ cấu chương trình đào tạo theo ba hướng: ngữ văn, ngữ văn sư phạm và ngữ văn - báo chí (cho sinh viên hệ tại chức). Nội dung, chương trình giảng dạy ngày càng được cải tiến, đảm bảo chương trình chuẩn quốc gia với hệ thống học phần bắt buộc và tự chọn khá phong phú. Khoa cũng đã tham gia xây dựng chương trình đào tạo, và thực tế đã đào tạo Cao học ngành Văn học Việt Nam từ năm học 2002-2003. Khoa đang đề nghị và chuẩn bị mọi mặt cho đào tạo Tiến sĩ khi được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép.

Hơn hai mươi năm qua, đặc biệt là từ những năm gần đây, khoa Ngữ văn đã có sự mở rộng quy mô đào tạo với phương châm đa dạng hóa về ngành học và loại hình đào tạo. Từ chỗ chỉ đào tạo đại học chính quy, giờ đây Khoa song song đào tạo ba loại hình: chính quy, tại chức và đào tạo từ xa. Từ chỗ chỉ có gần 150 sinh viên chuyển về từ Đại học Tây Nguyên (1982), hiện tại Khoa đang đào tạo hơn một ngàn bốn trăm sinh viên chính quy và gần hai trăm sinh viên hệ tại chức, đào tạo từ xa.

Trong những năm qua hàng ngàn sinh viên khoa Ngữ văn đã ra trường, công tác ở mọi miền đất nước (chủ yếu là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên). Nhiều cựu sinh viên của Khoa đã làm việc có hiệu quả và trưởng thành nhanh chóng tại trường Đại học Đà Lạt, Đại học Tây Nguyên, các trường trung học phổ thông, các sở văn hóa, các báo, đài, các hội văn nghệ, và nhiều cơ quan chính quyền, đoàn thể xã hội khác.

Để đạt được những thành tích đào tạo như vậy, các thầy giáo, cô giáo trong khoa đã nỗ lực hết mình trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhiều người đã liên tục được bầu là “giảng viên giỏi” của Trường Đại học Đà Lạt.

Khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt luôn ghi nhớ công lao của các giáo sư, tiến sĩ các khoa Ngữ văn Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội & nhân văn khác đã tham gia đào tạo với tư cách là cán bộ thỉnh giảng và đã tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho khoa. Trong số đó, PGS Nguyễn Thạch Giang có thời kỳ được mời làm Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam. Thầy trò khoa Ngữ văn ghi nhớ công lao của PGS-TS Nguyễn Khắc Tụng, cựu Trưởng khoa Văn – Sử (đã trở lại Hà Nội), cố PGS - cựu Trưởng khoa Ngữ văn Hồ Tấn Trai và những cán bộ đã từng tham gia công tác quản lý Khoa.

Trong hơn hai mươi năm qua, khoa Ngữ văn đã thực hiện gần ba mươi đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và hàng trăm đề tài cấp trường. Các đề tài tập trung vào mấy hướng chủ yếu sau:
1. Nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản về văn học và ngôn ngữ học phục vụ trực tiếp nội dung giảng dạy. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và đề tài luận án tiến sĩ của TS. Nguyễn Đình Hảo, TS. Dương Hữu Biên, TS. Nguyễn Khắc Huấn, TS. Huỳnh Thông, ThS. Nguyễn Hữu Hiếu, GV. Phạm Hậu Thành… đã đáp ứng trực tiếp hướng nghiên cứu này.
2. Nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong đời sống văn học đương đại của đất nước . Các đề tài, các bài báo của PGS.TS Lê Chí Dũng, PGS.TS Phạm Quang Trung, TS. Nguyễn Văn Kha, TS. Phạm Quốc Ca, TS. Nguyễn Mạnh Hùng… đã tham gia vào việc nhận diện đặc điểm văn học Việt Nam đương đại, nghiên cứu thơ, văn xuôi và lý luận văn học… Năm 2001 tập thể cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn đã thực hiện đề tài cấp Bộ “Văn học Việt Nam thế kỷ XX”. Công trình này đã được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 2002.

3. Nghiên cứu những vấn đề văn học, ngôn ngữ và rộng ra là xã hội, nhân văn gắn với địa bàn Tây Nguyên . PGS.TS Lê Chí Dũng tham gia Ban chỉ đạo các chương trình Khoa học xã hội và Nhân văn của tỉnh Lâm Đồng. TS. Lê Hồng Phong, TS. Phan Thị Hồng, GV Nguyễn Tuấn Tài… đã tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu địa chí Lâm Đồng, Đà Lạt, văn hóa, văn học dân gian Tây Nguyên, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số K’ho, Mạ, Rơ-măm, Ba-na… Nhiều buôn làng xa xôi, hẻo lánh đã in dấu chân thầy trò khoa Ngữ văn trong những chuyến đi điền dã…
Thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa đã được ghi nhận xứng đáng. Tập thể khoa Ngữ văn và nhiều cá nhân đã được Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt khen thưởng. Các công trình nghiên cứu văn học dân gian Tây Nguyên của TS. Phan Thị Hồng, TS. Lê Hồng Phong đã được tặng giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, PGS.TS Phạm Quang Trung và TS. Phạm Quốc Ca được Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Uỷ ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng về lý luận, phê bình. Nhân kỷ niệm 25 năm đổi mới và phát triển của Đại học Đà Lạt, tập thể khoa Ngữ văn và 10 cán bộ giảng dạy của Khoa đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng bằng khen.

Khoa Ngữ văn còn là cái nôi trưởng thành của nhiều cây bút sáng tác văn học và đã có đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội Văn học - nghệ thuật Lâm Đồng, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (Khoa Ngữ văn có PGS.TS Phạm Quang Trung và TS. Phạm Quốc Ca là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, TS. Lê Hồng Phong, TS. Phan Thị Hồng là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 6 cán bộ là hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Lâm Đồng). Nhiều sinh viên khoa Ngữ văn đã có tác phẩm được in ở các báo, tạp chí trung ương và địa phương và trở thành hội viên các hội văn học, nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố.

Hơn hai mươi năm qua là chặng đường nỗ lực phấn đấu của thầy trò khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt. Những gì đã đạt được là tiền đề vững chắc cho những bước phát triển trong tương lai của khoa.

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu của Khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt là đào tạo các cử nhân khoa học ngành Ngữ văn, Sư phạm Ngữ văn và Ngữ văn báo chí (đào tạo hệ tại chức). Sinh viên Ngữ văn khi ra trường có thể công tác trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, báo chí đài, báo hoặc có thể tiếp tục nâng cao trình độ, đi sâu vào nghiên cứu các vấn đề văn học, ngôn ngữ học và các vấn đề xã hội – nhân văn gắn với địa bàn Tây Nguyên và của đất nước.

Về chương trình học: ngoài khối kiến thức giáo dục đại cương, sinh viên được cung cấp các kiến thức chuyên ngành về Văn học Sử (Văn học Việt Nam các thời đại, Văn học nước ngoài (Văn học Phương Tây; Văn học Trung Quốc; Ấn Độ; Văn học Đông Nam Á, Văn học Mỹ, Văn học Nga, Văn học Xô Viết…), Lý luận, phê bình văn học, Phương pháp sáng tác văn học và Ngôn ngữ học… cùng các tác gia và tác phẩm tiêu biểu của mỗi thời đại văn học.

Bên cạnh phần kiến thức cốt lõi, chương trình đào tạo còn bao gồm một danh mục phong phú các chuyên đề về văn học VN, văn học nước ngoài, các tác gia và tác phẩm tiêu biểu, Tâm lý học sáng tạo văn chương, Ngôn ngữ thơ, Lịch sử Tiếng Việt, Loại hình học Tiếng Việt, Lịch sử báo chí, Ngôn ngữ báo chí, cách thể ký văn chương và thể ký báo chí…

Ngoài chương trình chính khóa, sinh viên còn tham gia các chương trình ngoại khóa gồm:
- Các buổi Xêmina, giao lưu văn học với các GS, các nhà nghiên cứu văn học, các nhà văn…
- Tham gia các đợt thực tập điền dã hoặc tham quan các cơ quan văn hóa, Báo, Đà trong và ngoài Tỉnh. Đặc biệt tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên khác như Gia Lai, Kontum, DakLak.
(Theo website Trường Đại học Đà Lạt)

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2008

HÌNH CỦA LỚP DO BẢO LONG VÀ HỒNG NGA LƯU GIỮ (Phần 2)

Mời các bạn xem tiếp bộ sưu tập hình lớp ta của Bảo Long và Hồng Nga. Nhân tiện tiếp tục kêu gọi mọi người gởi hình cũ về vandalat11@gmail.com để cùng xây dựng "bảo tàng" của lớp.