Thứ Ba, 25 tháng 11, 2008

BẠN Ở QUY NHƠN

Ảnh của NGỌC MINH
Hồi Festival Tây Sơn-Bình Định, Ngọc Minh có gặp anh Phạm Ánh và Cù Thị Ngọc Phương (bây giờ là chuyên viên Văn Phòng UBND tỉnh Bình Định) và chị Phương Lan Văn 10 (làm ở Đài PT-TH Bình Định), hôm nay gửi cho Văn Đà Lạt 11 ảnh gia đình Phạm Ánh cùng ảnh Ngọc Phương-Phương Lan để các bạn xem bây giờ các “cố nhân” đó có trẻ đẹp hơn cái thời ăn su su không nhé!

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

NGỌC MINH ĐI MÃ LAI

Phóng sự ảnh của Ngọc Minh
Lê Ngọc Minh vừa xuất ngoại sang Mã Lai tìm hiểu đất nước con người xứ này và tình hình lao động người Việt ta ở bên ấy, không biết có tìm hiểu sâu thêm chuyện... gì nữa không, sau đó đã có phóng sự ảnh này

Tháp đôi Petronas biểu tượng của Malaysia
Một góc thủ đô Kuala Lumpur
Đường phố với 3 làn ô tô
Công nhân Việt Nam mới sang học tiếng ở nhà máy White Horse Ceramic bang Johor
Hai lao động Việt Nam làm việc ở một siêu thị
Tháp đôi Petronas về đêm

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

CHÚC MỪNG CÁC THẦY CÔ NGUYÊN LÀ SINH VIÊN VĂN K11


Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11), xin chúc mừng các thầy cô:
Nguyễn Công Tùng Chinh - Trường PTTH Bán công An Khê (Gia lai)
Trần Thị Ánh Nguyệt - Trường Kỹ thuật Lâm Đồng
Lê Tú Oanh - Trường THCS Lam Sơn (Đà Lạt)
Nguyễn Xuân Thanh - Trường THCS Hòa Lạc (Lâm Hà - Lâm Đồng)
Ngô Thị Linh Thảo - Trường THCS Hùng Vương (Bảo Lộc)
Nguyễn Thị Bảo Thúy - Trường THPT Bảo Lộc
Trần Tuấn - Trường PTCS Hoài Thanh (Hoài Nhơn- Bình Định)
Chúc các thầy cô: HẠNH PHÚC, SỨC KHỎE, THÀNH ĐẠT,sớm trở thành Nhà giáo Nhân dân
BAN LIÊN LẠC

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2008

LUẬN VỀ THƠ TÌNH

Sáng tác mới của TÙNG CHINH nữ sĩ


NGUYỄN CÔNG TÙNG CHINH
(Thơ vui tặng giới thi sĩ mày râu)

Trên thế giới này , nam giới làm thơ tình nhiều hơn nữ giới
Tạo Hóa ban tặng các anh khả năng chinh phục các bà , các cô , các chị
Thơ tình với các anh như là vũ khí
Chỉ để chinh phục các cô , các chị , các bà

Thơ tình trên thế giới này nhiều nhất vẫn là của các anh
Chỉ một chiếc lá vàng rơi
Chỉ một cơn gió thoảng
Một đôi mắt biếc vô tình bắt gặp
Một cảm xúc vu vơ . . .
Các anh thêu dệt nhiều bài thơ dài vô kể
Rồi nhân vật người tình trong thơ là tưởng tượng
Chứ làm sao mà có thật ở trên đời !
Gỉa dụ rằng người ấy là có thật
Có đến hàng trăm người tình trong cuộc đời một thi sĩ bậc trung !

Ừ , trên thế giới này thơ tình nhiều nhất vẫn là của các anh
Thứ thơ tình vu vơ còn tồn tại
Và cần thiết cho nữ giới chúng tôi : các bà , các cô , các chị
Những người có trái tim mềm yếu thường thích nghe những lời mật đường ba phải
Xin các cô , các chị , các bà cứ đọc thơ tình nhưng hãy nhìn vào trái tim
thi sĩ
Những trái tim như tổ ong lắm vách nhiều ngăn !
Ngăn nào dành cho các bà , các cô , các chị ?
Ngăn nào dành cho người tình tưởng tượng ?
Còn ngăn nào dành cho Ong Chúa - Nàng Thơ ngự trị trái tim anh ta ?

Thơ tình trên thế giới này nhiều nhất vẫn là của các anh
Tốt nhất là nữ giới chúng tôi nên chấp nhận
Như có khí trời , cây xanh , hoa cỏ
Như có tình yêu - đề tài muôn thuở
Không có những vần thơ tình , các anh vẫn là những gã đàn ông dại khờ,
ngốc nghếch
Không có những vần thơ tình , nữ giới chúng tôi vẫn là những mụ đàn bà
có trái tim mềm yếu dễ xiêu lòng
Mặc cho “bể thơ tình” ngày càng nhiều trên thế giới
Ta trở về với cội nguồn của con người
Bắt đầu từ . . .
Tình yêu của chàng AĐam và nàng Êva !

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

ĐỒI CÙ THUỞ CHƯA BỊ LÀM... SÂN GOL

Đồi Cù thuở ấy. Đó là nơi...


Đó là nơi, diễn ra những trận đá banh kịch tính và quyết liệt giữa đội già và đội trẻ lớp ta
Đó là nơi, thầy Lê Văn Sơn lấy ra dẫn chứng đi dẫn chứng lại khi giảng rằng "đối tượng nghiên cứu đòi hỏi phương pháp nghiên cứu phải phù hợp";"đối tượng thích phở thì phải đưa đi ăn phở, đối tượng thích đi dạo đồi Cù thì ta đưa đi dạo đồi Cù..."
Đó là nơi, bọn ta bị đại úy Liên bắt bò muốn chết trong mùa học quân sự để quay lên truyền hình, làm toét máu cùi chỏ
Đó là nơi, bọn ta lên ngồi sưởi nắng sau khi lội xuống hồ Xuân Hương bắt tôm,lạnh run rét mà chẳng được mấy con
Đó là nơi, ta chạy xe đạp trên đấy giống như đang đi trên những thảo nguyên mênh mông trong phim của Liên Xô
Đó là nơi, Hồ Viết Hòa thích đốt cỏ vào những chiều mùa khô để cháy xem chơi chứ chẳng để làm gì
Đó là nơi, Phạm Ánh ngồi nhả khói thuốc rê lên trời làm thơ
Đó là nơi...

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

ĐÔI KHI

Anh Minh Nhã dạo này sắp thành nhà văn thật rồi. Vừa viết tản văn vừa làm thơ đây...


MINH NHÃ

Đôi khi khóc điếng niềm vui
Đôi khi cười rũ để vơi nỗi buồn
Đôi khi chớp bể, mưa nguồn
Cũng làm son phấn điểm trang cuộc đời
Đôi khi giữa cuộc say vùi
Trong ta lại ngộ được điều cao xa
Đôi khi giữa chốn phồn hoa
Hồn ta lại ở quê nhà hắt hiu
Đôi khi giữa bể tình yêu
Thì ta lại nghĩ đến điều chia xa
Đôi khi ngồi một mình ta
Vẫn nghe ấm áp bao la tình đời
Đôi khi giữa chốn đông người
Riêng ta ngậm ngùi hát khúc cô đơn
Tự xưa nước chảy, đá mòn
Thôi thì gắng sống để còn nhìn nhau
Cuộc đời thì lắm khổ đau
Đôi khi son phấn cho nhau vừa lòng

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

NỖI LÒNG

Dạo này thơ văn lênh láng quá, cứ như nước lụt ngoài Hà Nội vậy. Sau tản văn của Minh Nhã là thơ Nỗi lòng của Phạm Ánh...

PHẠM ÁNH

Cất liềm cất cuốc tôi đi
Con đường chữ nghĩa dễ gì đâu em
Mấy đời bùn đất lấm lem
Dám đâu nghĩ chuyện sang hèn lợi danh.

Lần qua phố xá thị thành
Thêm thương vách đất mái tranh dưa cà
Đôi khi đợi một tiếng gà
Một mình thổn thức xưa xa nỗi niềm.

Lối mòn lấm tấm chân chim
Rạ rơm chưa cạn ưu phiền gió giông
Khi xa là lúc rất gần
Tôi mang dáng dấp nông dân bao đời.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

CẦU CŨ

Một tản văn của Trương Văn Lin vừa mới viết ký danh MINH NHÃ



Tản văn của MINH NHÃ

Miền Trung khúc khuỷu, Miền Trung gập ghềnh, cứ mười cây số lại có một con sông, đã có sông thì phải có cầu, nên dọc dài theo khúc ruột Miền Trung, tên những quê hương thường gắn liền với một dòng sông, một cây cầu. Có những dòng sông, cây cầu gắn liền với những chiến công hiển hách, trở thành di tích lịch sử của đất nước như: Cầu Hàm Rồng - Sông Mã, Cầu Hiền Lương Sông - Bến Hải, cũng có những cây cầu đã trở thành danh thắng của đất nước như Cầu Tràng Tiền - Sông Hương và những cây cầu biểu trưng cho tiềm lực kinh tế của đất nước thời đổi mới như cầu xoay qua Sông Hàn...
Cây cầu của quê tôi không được như thế, nó chỉ là một cây cầu nhỏ trên Quốc lộ 1A bắc qua Sông Bàn Thạch (một nhánh của Sông Ba). Tên cây cầu trùng với tên sông: Cầu Bàn Thạch.
Tôi biết cây cầu lần đầu tiên khi... nó đang bị sập do chiến tranh. Đó là lúc tôi cùng gia đình đưa Chị tôi sang xã bên lấy chồng. Chị tôi “sang sông” bằng thuyền, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này.

Những năm tôi học cấp III, cây cầu là nơi nghỉ chân của chúng tôi sau một chặng đường dài đạp xe. Ở đó chúng tôi nhấm nháp vài món quà vặt mua ở dọc đường, khi thì vài lóng mía, khi thì mấy củ sắn nước mua (hoặc xin) được dọc đường, tán đủ thứ chuyện tầm phào trước khi về nhà cho kịp bữa cơm chiều.
Rồi sau đó, cây cầu này lại là nơi hò hẹn của tôi và cô bạn gái cùng lớp 12 và cũng là nơi chứng kiến sự thất bại của một chàng trai lần đầu tiên tỏ tình. Bây giờ nàng đã là một cô giáo, lấy chồng ở một xã thượng nguồn của dòng sông Bàn Thạch. Câu cổ thi: “Quân tại Tương Giang đầu, Thiếp tại Tương Giang vĩ” đành phải viết ngược lại. Buồn, nhưng biết làm sao được.
Thời gian như nước trôi qua cầu, thắm thoát vậy mà đã hơn ba mươi năm kể từ khi tôi biết cây cầu. Nó đã được tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn không chịu nổi cường độ và sức nặng của những chuyến xe thời đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vậy là người ta phải xây một cây cầu mới cao vời vợi, cách cây cầu cũ không xa. Với lan can bằng thép và giàn đèn cao áp sáng choang rất hoàng tráng.
Bây giờ mỗi khi về quê, chạy xe trên cây cầu mới, nhìn xuống cây cầu cũ nhỏ nhoi, lác đác đôi bóng người nhỏ nhoi lầm lũi đạp xe qua lại, chìm khuất trong mưa nắng. Tự nhiên, lòng tôi dậy lên một niềm rưng rưng thương cảm như thương con bò già đã hết thời cày bừa, nhưng những người nông dân không thể giết thịt vì nó đã gắn bó với mình trong việc nông gia cả đời.
Tôi biết, một ngày không xa, cây cầu Bàn Thạch cũ của tôi sẽ bị dỡ bỏ như bao cây cũ trên Quốc lộ 1A, nhưng kỷ niệm của tôi với cây cầu chắc còn rất lâu mới phai nhạt