Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2008

KHÁT

Thơ VĂN QUANG



Đêm phố núi khát quá ánh trăng quê
Khát lời ru nhọc nhằn từ hạt lúa
Khát tình yêu nợ nhau lời hứa
Khát giọt phù sa lấm gốc mạ non.

Đêm thành phố khát quá một câu thơ
Khát nghĩa - khát tình - khát tình bạn bè
Khát cái đắng - khát người dưng ở trọ
Khát một đời - khát một chuyến thăm quê.

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2008

NẮNG LẠNH VÀ DÃ QUỲ


Đà Lạt có cái nóng mùa đông rất đặc biệt. Nắng vàng như rải đều khắp các lùm cây, ngọn cỏ, mái nhà. Một màu vàng trong suốt... Cứ mỗi khi thấy khắp nơi, trên đồi, dưới thung lũng một màu vàng rực của dã quỳ, và một màu nắng trong suốt, vàng như mật rải đều khắp mọi vật, thì đó, mùa đông Đà Lạt đã về. Mỗi khi mùa đông về, dã quỳ lại nở khắp nơi. Loài hoa thật lạ - hoa báo đông. Chúng nở vàng rực hai bên đường, trên hàng rào, dưới những ngọn thông vi vu cùng gió, bên mặt hồ...Chỗ nào cũng thấy dã quỳ vàng.

Mùa đông về ở Đà Lạt dễ nhận biết lắm. Buổi sáng, sương mù bao phủ khắp mặt hồ. Sương trắng đục như sữa, bàng bạc, lãng đãng, hư ảo. Thành phố chìm ngập trong sương. Mặt trời lên cao mà dường như thành phố chưa thức giấc. Những bụi hoa dại, tường vi, tóc tiên rung rinh lá. Sương đọng trên lá như hạt ngọc, lóng lánh, lung linh...

Đà Lạt có cái nóng mùa đông rất đặc biệt. Nắng vàng như rải đều khắp các lùm cây, ngọn cỏ, mái nhà. Một màu vàng trong suốt. Nắng làm cho những ngôi nhà, những căn biệt thự hoài cổ thêm sức sống, dù những ô cửa kiếng chẳng bao giờ mở, những cánh cổng nặng nề ít thấy người vào ra.

Cái nắng vàng như không thể vàng hơn. Tôi gọi đó là nắng lạnh, vì khi đi dưới nắng, đi trong nắng ta vẫn không thấy nóng, không thấy rát. Chỉ cảm thấy cái lạnh se se, tê tái. Ai đã từng thấy nắng lạnh, từng chìm đắm trong màu mật vàng của nó, dù chỉ một lần, người ấy sẽ nhớ mãi, sẽ yêu Đà Lạt và nắng lạnh.

Mùa đông, Đà Lạt buổi sáng mù sương, buổi trưa có nắng lạnh. Vào buổi chiều trời thường âm u. Lúc nào trời cũng như sắp khóc, sắp sụt sùi. Sóng lăn tăn dưới mặt hồ, rừng thông thì lúc nào cũng reo vi vu với điệu buồn ngàn năm của nó. Chiều lạnh, gió thì thầm. Tất cả không khí trầm buồn ấy đã trả lại cho những ngôi biệt thự hoài cổ kia một tâm trạng thật u buồn, lặng lẽ, cô đơn.
Đã bao nhiêu mùa dã quỳ vàng đến rồi đi. Những đóa hoa mỏng manh, mau tàn ấy đua nhau nở. Hình như chúng biết thân phận mình không hương nên chúng cứ đua nhau khoe cái màu vàng rực rỡ với trời đất, với vạn vật. Suốt ngày chúng ngả nghiêng với những cơn gió lạnh lẽo, miên man. Chúng trang điểm cho vùng đất lạnh, chúng còn trở thành vòng hoa, vương miện trên đầu những cô gái và xoay tít trong bánh xe của những chàng trai.

Nắng vàng đuổi nhau qua các ngọn đồi nhấp nhô. Mang theo cái lạnh tê tái. Nắng vàng làm mọi vật như ấm hơn, như có sức sống hơn dù tự thân nó đã lạnh. Vậy nên bao giờ nó cũng có tên là nắng lạnh.

Cứ mỗi khi thấy khắp nơi, trên đồi, dưới thung lũng một màu vàng rực của dã quỳ, và một màu nắng trong suốt, vàng như mật rải đều khắp mọi vật, thì đó, mùa đông Đà Lạt đã về.


(Dalattourist)

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2008

MAI SAU

Thơ PHẠM ÁNH



Mai sau cổ tích ca dao
Có còn để nhớ hay vào hư không
Trầu cau còn đượm duyên nồng
Gặp em biết có thẹn thùng như xưa.

Mai sau ai nhớ cày bừa
Ai thương gốc rạ những trưa khô giòn
Vọng phu hóa đá đầu non
Nhớ thương chờ đợi biết còn có ai.

Tài hoa lẻ bóng lạc loài
Trương Chi còn vượt dặm dài thời gian
Lên chùa còn nhớ nỗi oan
Về quê thương quả thị vàng nữa không.

LẠC VÀO MIỀN KÝ ỨC


Thơ NGUYỄN CÔNG TÙNG CHINH


Có kẻ mộng du nào
lạc vào miền kí ức
níu lấy tuổi thơ
“Khi xưa ta bé…”

Có kẻ mộng du nào
lạc vào miền cổ tích
Một vạt rừng ẩm ướt
vườn hoa đầy sắc xuân

Kẻ si tình
Lạc vào miền yêu thương
Nhớ nhung
với bao kỷ niệm êm đềm…

Ta lạc vào em…. miền nhớ
Một thời hồng hoang…

Ta và em vào miền hoan ca
Ngân nga khúc hát
Những vũ điệu lửa nồng nàn
Gam màu đỏ tía

Tiếng cồng chiêng thao thức âm vang
Bên than lửa
Những câu thơ vỗ cánh…

HẠT PHÙ SA


Thơ PHẠM ÁNH


Biển bên chiều mênh mông
Khi một mình mong đợi
Trời thêm cao vời vợi
Khi một mình xa trông.

Đá ngập lòng lặng im
Khi một mình lẻ bóng
Vầng trăng ngân xa vọng
Khi một mình trầm tư.

Theo suối nguồn về xuôi
Theo dòng sông ra biển
Khi một mình trong tôiHạt phù sa lắng đọng.

HAI QUÊ

Thơ NGUYỄN VĂN QUANG



Có dòng sông nào không về biển cả
Có cuộc đời nào không một quê hương
Có đi có nhớ có thương
Có về mới thấy vấn vương trong lòng

Muôn dòng sông đổ một dòng
Muôn ngày qua biết bao lần nhớ quê
Một ngày như tỉnh cơn mơ
Giật mình ai bảo hai quê là mình.

SƯƠNG MÙ ĐÀ LẠT

Đang và mùa hè, xem sương mù Đà Lạt cho mát nhé







MƯA QUA MIỀN KÝ ỨC


Tản văn của TRƯƠNG VĂN LIN

Một sáng thức giấc, bỗng thấy cây cỏ quanh nhà đẫm nước và bầu trời nằng nặng mây mù. Ta tự nhủ rằng thêm một mùa mưa đến. Bất chợt ký ức kéo ta về những mùa mưa xa lắc, xa lơ.

Ngày mưa, bữa cơm chiều thường ăn sớm. Bữa cơm chiều nhà tôi đúng như câu hát ru của mẹ
“Cơm với muối khó khăn mới có

Nhà đông con của khó cũng ngon…”

Vài chén cơm với muối nào thấm tháp gì với cái dạ dày vốn chăm chỉ của con nhà nghèo. Vậy là đến lúc lên đèn, chúng tôi bụng lại thấy cồn cào. Vào lúc ấy, mẹ tôi bưng một bếp than hồng lên đặt giữa nhà, cả nhà xúm lại hơ tay. Những bàn tay nhỏ xíu, những bàn tay gầy guộc hơ lên bếp than hồng, rồi áp lên mặt nghe ấm áp lạ thường. Cũng vào lúc ấy anh tôi đội áo tơi lá ra vườn chặt vào một rổ bắp, chúng tôi xí phần một người một trái. Bắp vườn nhà nướng lửa than, chúng tôi vừa thổi, vừa nhai vừa nghe mẹ tôi kể chuyện cái đận bể mương Máng mấy anh chị tôi phải ăn cháo nấu củ hũ chuối… mới thấy hết cái ngọt ngào của trái bắp vườn nhà.

Sau bữa ăn tối đạm bạc ấy, mẹ tôi bỏ một ít tro vào bếp than cẩn thận đặt dưới chiếc chõng tre bà tôi nằm. Nhà nghèo làm gì có đủ chăn, hai anh em chúng tôi chung một giường đắp cùng tấm chăn mỏng, nghe mưa rơi rào rạt trên mái tranh và mẹ tôi hát ru đứa em út ở võng bên. Giấc ngủ đêm mưa êm ái làm sao.

Rồi có một đêm mưa thật lớn, ba tôi bảo: “Mưa này chắc có cá ra”. Thế là không ai bảo ai, anh em chúng tôi dậy thật sớm. Vậy mà đã thấy ba tôi dậy trước rồi, đang ngồi bên bình trà. Cái nhá, xâu lờ, chiếc giỏ la (giỏ đựng cá) trên gác bếp được lấy xuống. Không biết mẹ tôi dậy lúc nào mà bữa cơm sáng đã được dọn ra. Sau bữa cơm, mẹ tôi vắt một vắt cơm cùng gói muối mè vào chiếc khăn để ba cha con lót dạ buổi trưa. Ba tôi vác nhá đi trước, anh tôi vác xâu lờ còn tôi xách chiếc giỏ la và nắm cơm theo sau.

Lang thang đuổi cá trên đồng, đến khi chiếc giỏ la đã nặng, ba tôi kéo mẻ nhá cuối cùng rồi bảo: “Nước dã rồi, đi về”. Anh em tôi cũng đi thâu lờ. Bây giờ mới thấy đói, nắm cơm muối mè được bẻ đôi. Ba tôi quấn điếu thuốc hút nhìn anh em chúng tôi nhồm nhoàm nhai cơm, nét mặt khắc khổ, trầm buồn.

Những ngày ba cha con đi đánh cá, mẹ tôi cũng hào phóng hơn, nồi cơm không còn ghé khoai và được nấu đầy hơn. Bữa cơm trắng với canh chua cá tràu, cá trê kho gừng, cá rô nướng… trong ngày mưa là đại tiệc của gia đình tôi. Bây giờ, đã đi làm việc, đã được dự nhiều cuộc liên hoan, chiêu đãi với nhiều loại đặc sản của các vùng miền, nhưng hương vị những bữa cơm ngày mưa của gia đình tôi vẫn chưa phai nhạt và tôi mới hiểu vì sao ba tôi buồn.

Mùa mưa, cánh đồng làng là thiên đường của tuổi thơ của chúng tôi. Đã qua mùa gặt, bò được thả ăn tự do khỏi phải trông coi. Chúng tôi tha hồ đào chuột, bắn cò trắng bằng ná cao su, thả lờ, đặt đó… Buổi chiều, cưỡi bò về trên sừng bò lủng lẳng xâu cá, xâu chim, oai như vị tướng thắng trận trở về.

Bây giờ những người thân của tôi đã đi xa, mùa mưa chỉ gợi lại cho tôi những ký ức buồn và gắn thêm nhiều nỗi lo toan như: bão lụt ở quê, đường sá bị ngập, đưa đón con cái khó khăn hơn. Nhưng bù lại, ngày mưa thường những cuộc lai rai với bạn bè ấm áp, nghĩa tình hơn. Nói như các “tửu hữu” của tôi có chút ngông ngạo là: “Trời mưa không nhậu nó phí trời”.

VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ

Ai có bỏ quên gì ở đây, thì trở lại mà tìm





CHIẾC VÕNG ĐỎ


Truyện ngắn của NGUYỄN CÔNG TÙNG CHINH


Ngày cưới ấn định cũng đã đến. Trước khi lên xe hoa về nhà chồng, cha nàng đưa cho nàng một hộp quà được trang trí rất đẹp:

“Ba tặng con của hồi môn về nhà chồng. Đây là món quà có ý nghĩa. Trong đời sẽ có lúc con dùng đến nó và con nhớ đến ba”.

Nàng ngập ngừng, tay run run nhận chiếc hộp, nói vài lời cho cha yên lòng.

Sau ngày cưới, vợ chồng nàng tíu tít mở tất cả các hộp quà mừng tặng. Hộp quà của cha nàng được mở sau cùng: Một chiếc võng nhỏ dành cho trẻ con. Cha nàng đã miệt mài bên bàn máy may để hoàn thành nó vào trước hôm cưới mấy ngày.

Đúng như cha nàng nói, món quà này có ý nghĩa thật. Chiếc võng được may bằng thứ vải đỏ Trung Quốc, in những hoa hồng to màu đỏ thắm, hai mép võng được viền vải màu xanh có hoa văn nhỏ li ti. Nhưng ý nghĩa ở chỗ nó được may bởi bàn tay thô ráp, sần sùi của người cha. Bao nhiêu tình cảm yêu thương của cha được dồn cả vào chiếc võng đỏ. Mẹ mất sớm. Cha nàng không đi bước nữa, ở vậy “gà trống nuôi con”.

Nàng bùi ngùi rưng lệ, cất chiếc võng trong chiếc hộp xinh xắn vào góc tủ.

Hình như chồng nàng có nhìn thấy chiếc võng nhưng anh thờ ơ, không để ý đến bao giờ…

* * *

Nàng sinh hạ con trai đầu lòng. Hai vợ chồng mới ra riêng, thiếu trước hụt sau. Tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc, nàng đành ở nhà làm nghề tráng bánh, nấu rượu và nuôi heo. Đứa con đầu lòng trái tính trái nết, khó ngủ thường gắt gỏng luôn làm khó với người mới bắt đầu làm mẹ như nàng. Chiếc võng nhỏ giúp đứa con ngủ ngon nghe những lời ru ầu ơ còn ngượng ngập của người mẹ trẻ.

Khi thằng bé lên hai, chiếc võng được giặt giũ, gói gém cất vào tủ. Dường như chẳng ai nhớ đến nó nữa, kể cả nàng. Vì sau đó gia đình nàng sung túc nhờ gia đình chồng làm nghề mua bán song mây và trầm. Các đồ vật cũ kỹ trong nhà đều bị mọi người vứt bỏ để thay vào những đồ trang trí nội thất mới, đắt tiền. Chiếc võng đỏ cũng chung số phận nhưng nhờ nàng phát hiện sớm nên đã cố giữ lại làm vật kỷ niệm của người cha quá cố.

Nàng sinh con thứ hai. Lần này, chiếc võng đã không còn được sử dụng. Con thứ hai của nàng được nằm nôi điện đắt tiền. Chỉ cần ấn nút là chiếc nôi đung đưa suốt cả buổi kèm với tiếng nhạc du dương được gài đặt phát ra. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao đứa trẻ đờ đẫn, lắm bệnh tật, không lâu sau đã rời bỏ nàng mà đi.

Mất đứa con thứ hai là điều đau buồn lớn nhất của nàng. Thêm vào đó cảnh nhà bắt đầu sa sút, gia đình chồng làm ăn lỗ lã thâm hụt, nợ nần chồng chất.

Nàng cố sinh thêm một đứa con nữa để bù vào những hụt hẫng trong tâm hồn. Ngày đứa trẻ ra đời, lòng buồn bã nàng nhớ đến chiếc võng đỏ của cha.

Chiếc võng đã cũ rách, dây dù đã sờn nhưng vẫn dùng được. Nàng âm thầm mạng lại các lỗ thủng. Nghe bùi ngùi nơi khóe mắt giọt lệ rưng rưng. Thế rồi khi đặt đứa con yêu bé bỏng vào chiếc võng để đưa, nàng sửng sốt bất ngờ… Chiếc võng đỏ thắm rực lên!

* * *

Giờ đây, chiếc võng vẫn đỏ dù nó đã cũ.

Nàng vẫn còn dùng nó để ru đứa con yêu của mình. Nàng vẫn hát ru để nhớ lời của người cha ngày xưa khi cho nàng món quà nhỏ. Có khác chăng giờ đây tiếng ru hời không còn ngập ngừng, bỡ ngỡ mà nó thấm đượm cả một quãng đời từng trả đã qua:
“Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu đời đắng cay…”.

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2008

VỊN THƠ…ĐI TỚI



Tản văn của
NGUYỄN NGỌC HIỂU

Tặng vợ chồng anh Ánh và các bạn Văn k11 ĐH Đà Lạt

Đầu năm 1, ban cán sự lớp đi gom sơ yếu lý lịch, phải cười bật ngữa, khi thấy một tờ khai: “Tôi sinh ra ở một ngôi làng miền Trung, nhà tôi bị cháy đi cháy lại nhiều lần do giặc càn quét”. Tra ra, nhân vật “thơ hoá” lý lịch đó là Phạm Ánh, chuyển qua từ lớp dự bị. Anh còn gây chú ý vì cụt một chân,nách bên chân cụt kẹp một cái nạn tre, còn cái tay rảnh bên kia thường xuyên bốc khói với một điếu thuốc rê tổ bố.
Hoá ra, anh là nhà thơ …thứ thiệt. Sáng tác chép đầy cả mấy cuốn sổ tay. Anh thường bỏ học ra đồi Cù (hồi đó chưa bị làm sân gol), ngồi dưới gốc thông nhả khói lên trời …làm thơ. Ban cán sự hỏi chuyện nghỉ học, anh nói giọng Phù Cát (Bình Định) nặng khẹt:“Phải nghĩ một chút, nghe quài… đau cái đàu”
Mấy đứa nhớ thơ anh: “Anh vẫn biết tình yêu không có tuổi- Xin em đừng hắt hủi tủi lòng anh..”,có bữa, rãnh quá, vây lại tra: Ông thương thầm con nào, nói thiệt đi, đi tán… chớ làm thơ không ăn đâu. Anh chối như trẻ nhỏ ăn vụng : “Làm thơ thớ thâu, chớ con nào ưng đâu, mệt quá…”
Rồi có đứa đố: “Ông nào biết ai chơi sang nhất lớp mình, nói đúng, đòi gì tui cũng chung”. Báo hại cả bọn bóp trán nghĩ nát nước: Đói chết mẹ, mà cứ lo quần lo áo, thì sang nhất là đứa con gái, chớ ai vô. Nhưng đáp án làm cả bọn chưng hửng: “Ông Ánh!...hôm qua, ra Hoà Bình mua dép mới, quăng ngay một chiếc xuống hồ Xuân Hương, chỉ mang về một chiếc thôi, chơi thế mới là sang số một”
Suốt 4 năm đại học, Phạm Ánh chỉ có một cuốn tập duy nhất chép bài giảng và thơ xen kẽ với 4 chữ ngoài bìa rất ấn tượng: “ Phạm Ánh toàn tập”. Đề từ cho “toàn tập” ấy ở trang đầu còn dữ dội hơn : “Sương gió cuộc đời không làm bạc nổi một cọng râu của tao”. Rất khinh bạc nhưng sao phải gồng lên như vậy? Rõ ràng, anh đã có một dự cảm âu lo.
Hồi ấy, lớp tôi có 38 người chia đều ra 19 nam- 19 nữ. Bọn con trai gắn bó nhau đến mức “Ăn chung một mâm, ngủ chung một giường, yêu chung một cô”, chia nhau từng chút thuốc rê, kem đánh răng, xà phòng dầu dừa…,đến kỳ nhận học bỗng, kéo ra đồi Cù đá bóng. Ai đỗ đại học năm đầu xếp vào đội trẻ, anh nào qua dự bị hoặc thi 2,3 lần xếp vào đội già. Đội thua phải chung cho đội thắng một chầu đến… ngất ngư. 19 chia 2 thừa ra một người khá hợp lý là “nhà thơ Phạm Ánh”. Hợp lý là bởi phải có người vừa giám sát trận đấu, vừa làm khán giả hò hét, vừa gom quần áo dùm cho cầu thủ.
Vào đời, chúng tôi mới nhận ra, cái sự thừa ra hợp lý ấy, trở thành khiếm khuyết lớn nhất trong đội hình của mình. Lần lượt ai cũng có công ăn việc làm. Chỉ mỗi Phạm Ánh thất nghiệp, phải về ở quê nhà với em trai với mẹ già. Và, tiếp tục làm thơ.
Năm tháng đi như gió thổi. Trong những cuộc rượu hội ngộ, bạn bè đều chạnh lòng khi nhắc đến anh. Cả bọn bàn sẽ gom thơ anh in một tập. Rồi thì đưa ra “nghị quyết” nếu đứa nào làm trưởng một cơ quan dù cấp nào, phải nhận anh vào làm văn thư hay thường trực gì đó. Chúng tôi sợ sẽ mất Phạm Ánh nếu anh không làm thơ nữa.
Thế rồi, thơ chưa kịp in, cũng chưa có đứa nào thành sếp, thì thật tuyệt vời, anh báo tin lấy vợ. Anh đã vào làm ở cơ sở khuyết tật Nguyễn Nga (Qui Nhơn) và gặp vợ anh cùng cảnh ngộ ở đấy. Bạn bè tôi từ Đà Lạt tụ về Tuy Hoà chất đầy nghẹt một xe chạy ra Phù Cát, rồi chạy vào Qui Nhơn. Đám cưới anh tổ chức ở cả hai nơi, có sự giúp đỡ của Hội những người khuyết tật, thật tưng bừng và cảm động.
Cưới vợ xong, anh in tập thơ đầu tay ( chẳng cần chúng tôi giúp như dự tính). Mừng hơn, đầu năm nay, anh được nhận vào làm ở Hội Văn học nghệ thuật Bình Định. Bạn bè hay tin có đứa bình luận: “Đúng 15 năm sau ngày ra trường, Phạm Ánh đã đặt một chân ( thật sự một chân) vào cơ quan nhà nước”
Trên tập thơ anh, ông hoạ sĩ nào đó vẽ hình người chống nạn, bóng cái nạn đổ dài xuống như những nấc thang hay một cây cầu mà con người ta phải đi qua đó vậy. Tôi nghĩ anh đã đi qua đó, không chỉ nhờ chiếc nạn gỗ mà nhờ cả thơ và tình yêu. “Tôi không may số phận tật nguyền- Đôi tay nhỏ xin làm đôi chân bước- Bao lo toan giữa cuộc đời xuôi ngược- Một chút tình người cũng hoá linh đơn”. Và linh đơn thần diệu nhất là tình yêu của chị Tuyết dành cho anh: “Năm tháng vươn lên từ đôi nạn gỗ- Thấp thoáng tiếng cười bên vạt áo em đan”
Thơ ca có nhiều chức năng cao đẹp, sách lý luận văn học viết vậy và chúng tôi đã học như thế, nhưng kính thưa cuộc đời, với chúng tôi, thơ ca còn là sự cứu chuộc con người qua khổ nạn, như Phạm Ánh đã vịn thơ mà đi tới./.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2008

THÔNG BÁO SỐ 1

Các bạn cựu sinh viên Văn k11 thân nhớ!
Webblog vandalat11 lập ra nhằm giúp chúng ta kịp thời biết được tin tức về nhau. Đây của là nơi trao đổi tâm tư tình cảm của các bạn. Những thông báo cần thiết của Ban liên lạc của lớp cũng sẽ đăng tải tại đây.
Để blog này thêm hấp dẫn và hữu ích, chúng ta cùng nhau gởi những ý kiến, sáng tác, hình ảnh để xây dựng blog.
Mục tin tức của blog chúng ta cũng chuyển tải các tin nhắn của tất cả các bạn.
Tin, bài ,hình ảnh xin gởi về vandalat11@gmail.com
Chúc các bạn sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn
Hẹn ngày hội ngộ
BAN LIÊN LẠC