Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

NGƯỜI NHÀ QUÊ


Ghi chép của VĂN QUANG

Cũng chỉ vì cuộc chiến dài dằng dẳng mấy chục năm. Cũng vì cuộc mưu sinh và cũng vì những lý do không thể lý giải – mà ở vùng đất này có biết bao đứa con, đứa cháu suốt cả một đời chưa một lần được về quê cha, đất tổ ; được thắp nén hương thơm lên mồ mả ông bà trong ngày giỗ, chạp hay xuân về, tết đến. Dẫu có thế, những người con tứ xứ vẫn giữ được giọng nói quê mình – vẫn giữ được chút mặn mòi, chân chất của quê hương, và dẫu có ai đó vô tình bảo : Người nhà quê ấy mà - thì cũng bằng lòng. Ghi chép : Người nhà quê, của Văn Quang :
-----------------------------------

Còn nhớ cái ngày đang học lớp 8, lớp 9 – mỗi lần thằng bạn cùng lớp lên bảng trả bài là cả lớp bụm miệng cười. Chẳng phải vì thằng bạn tôi không thuộc bài, hay vì cái quần ngắn tủn lên tận gối vì đang tuổi ăn, tuổi lớn và vì cảnh nghèo chật vật – mà chỉ vì thằng bạn cùng lớp nói tiếng Huế rặt, không lẫn vào đâu được. Bao nhiêu từ mô – tê – răng – rứa được thằng bạn tôi nhắc tới trong mỗi lời nói. Đến nỗi lúc nhận lại bài kiểm tra của thầy giáo dạy môn toán, có lần nó hỏi : Răng câu này em làm đúng mà thầy cho có một điểm ? Nghe thầy giáo dạy toán giải thích, nó bảo : Rứa hả thầy ? Vậy là cả lớp cười ầm.
Thằng bạn tôi là người gốc Huế, nhưng chưa một lần về nơi nội sinh ra ba nó, mà nó chỉ được nghe, rồi mường tượng về cánh đồng có đàn cò trắng thẳng cánh trong chập chờn hoàng hôn, qua lời kể của ba, của mạ nó. Gần trọn đời sống ở vùng đất này, nhưng vì cảnh nghèo túng, lại thêm chiến tranh dai dẳng mấy chục năm trời nên ngày ba mạ nó thành vợ, thành chồng chỉ có con gà trống mới lớn, tréo cổ thắp nhang xin phép ông bà, và thêm lít rượu nếp than mời hai nhà hàng xóm. Nhiều khi nhớ quê, nhớ người thân đêm về nằm khóc, nhưng vì bầy con sáu đứa nheo nhóc nên mỗi lần như thế ba mạ nó chỉ biết thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, nhưng không tấm hình nào mà chỉ có một lá vị. Và cũng vì nhớ quê cha, đất tổ mà ba mạ nó không nỡ bắt chước tiếng nói lợ lợ ở vùng đất mới, mà vẫn mô – tê – răng – rứa để bầy con sáu đứa giữ chất giọng quê mình. Và dẫu đám bạn cùng lớp bụm miệng cười - khi nó lên bảng trả bài, rồi bảo : Người nhà quê !.... Thế rồi hơn hai chục năm không gặp nhau vì cuộc mưu sinh, có một ngày nghe giọng nói qua điện thoại : Mi đi mô mà tau tới nhà không gặp ? Chưa kịp trả lời, nó hỏi tiếp : Vợ con mô, răng bây chừ chỉ sống có một mình ? Chỉ có thế mà nhận ra thằng bạn hồi học lớp 8, lớp 9 cách đây hơn hai chục năm. Chợt nghĩ : Người nhà quê trở thành người thành phố mấy chục năm rồi mà giọng vẫn rứa …
Có thằng bạn quê ở Hà Tĩnh, sinh ra, lớn lên trên vùng đất này. Ba nó theo nội nó vào Nam khi mới bước đi tập tễnh, rồi ba nó gặp mẹ nó là người cùng làng. Cũng vì cảnh nhà túng thiếu, thời chiến loạn lạc, kẻ mất người còn nên nó chưa một lần về mảnh đất mang tên Kỳ Anh – quê nội. Vậy mà bây giờ đã ngót nghét tuổi bốn mươi. Vậy mà bây giờ mỗi lần lên tiếng là rặt giọng quê – dẫu nó đàng hoàng đã là người thành phố. Có người bảo, người thành phố gì mà gọi con trâu là con tru ; cái chén ăn cơm mà gọi là cái đọi ; còn dang nắng cả ngày lên cơn nhức đầu thì nó lại bảo đau cái trốt. Nghe, nó chỉ cười, rồi bảo : Ba mất sớm, không biết mặt – Nội dạy sao thì nghe vậy. Giọng quê của mình mà !
Sinh ra rồi lớn lên trên vùng đất này. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua nhưng có mấy lần về thăm quê, cũng vì một lý do vẫn được nhiều người chấp nhận : Vì cuộc sống. Vài ba năm vào dịp giỗ kỵ ông bà, chú bác, người thân lại gói gém mấy ngày để về nơi chôn nhau cắt rốn của ba mình và để được làm người nhà quê – nhưng không thể. vẫn gói trà, ký mứt dâu và thanh socola làm quà cho người già, con trẻ - nhưng nghe ai đó bảo : Sao không để tiền mua nải chuối thắp nhang cho nội ? Nghe đến chạnh lòng. Bà con lối xóm đến thăm, họ hàng đủ cả để được nghe trăm lời thăm hỏi. Vậy mà … mỗi câu hỏi, giọng nói quê chỉ hiểu được phân nửa – còn nửa kia thì chịu lỗi, bởi bây giờ đã là người thành phố. Chợt nghĩ : Người thành phố về quê của chính mình mà sao lạc lõng, xa lạ quá, và cứ tiếc sao không giữ giọng quê mình – dẫu có ai bảo rằng : Mày là dân xứ nẫu !
Người nhà quê như thằng bạn gốc Huế mấy chục năm về trước bây giờ đã là dân thành phố, nhưng vẫn là người nhà quê khi bây giờ nó vẫn mô – tê – răng – rứa với bất cứ ai, chứ không riêng gì với người quê nó ; vẫn hỏi thăm bạn bằng cái giọng rất Huế mà nó nghe, nó nhớ từ lời ru của mạ nó thuở lọt lòng. Người nhà quê như thằng bạn gốc Hà Tĩnh lưu lạc nơi phố thị, gần bốn chục năm rồi chưa một lần thăm quê mà vẫn là người nhà quê, bởi con trâu nó gọi là con tru, còn cái đầu thì gọi bằng cái trốt ; vẫn cười mà chẳng giận ai bao giờ khi người ta bảo cái chén ăn cơm lại gận cổ cãi lại, gọi là cái đọi. Hóa ra người nhà quê tay bắt, mặt mừng, nước mắt rưng rưng từ lần gặp đầu tiên đâu phải vì nhà cao cửa rộng, xe hơi nhà lầu, quần là áo lụa … mà người nhà quê nhận ra nhau bằng giọng nói rất riêng của quê hương mình.
Mấy ngày mưa to, gió lớn. Mấy ngày miền Trung cam lòng cho cơn bão dữ đi qua. Người nhà quê vẫn lặng thầm gạt giọt nước mắt, ngâm mình trong lũ vớt hạt lúa non cầm hơi qua bữa ; vẫn gọi giấc mơ về sau những ngày chống lại mái nhà nát vụn, lấm lem bùn đất ; vẫn rặt giọng quê, í ới gọi nhau chia phần cứu trợ. Vậy mới biết, người nhà quê sống với nhau tình nghĩa thế nào. Vậy mới hiểu, người nhà quê có mấy ai muốn trở thành người thành phố - khi chợt nhận ra mình chẳng giữ được một chút của quê …
Văn Quang
Đàlạt tháng 10.2009

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

NỐI MẠNG LIÊN LẠC

Ngày 13/10, Minh Duong gởi tới Văn Đà Lạt 11:
Kính gửi các anh chị Văn ĐL khóa 11!
Cho phép tôi thay mặt anh em cựu sinh viên ĐH Đà Lạt xin gửi đến các anh/chị lời chúc sức khỏe và thành đạt!
Hiện nay tại Hà Nội, đại bộ phận anh em sv ra trường đang công tác tại đây mong muốn gây dựng thành Hội để gắn kết hơn và hoạt động mang tính quy cũ, thường niên, bên cạnh đó sẽ tính tới những phương án xa hơn!
Qua internet được biết tới các anh/chị Văn K11, chúng tôi rất hy vọng nhận được sự cộng tác từ phía các anh/chị trợ giúp chúng tôi về thông tin các thành viên đã từng là SV ĐH Đà Lạt hiện nay đang công tác và sinh sống tại HN để chúng tôi có thể tổng hợp và tổ chức thành công, dự kiến Buổi ra mắt tại HN diễn ra vào ngày 24 hoặc 25-10-2009 (gần ngày KN thành lập trường).
Rất mong nhận được sự trợ giúp của các anh/chị!
Trân trọng.
---------------
Ngo Minh Duong
A Buiding – Environmental Quality Standards Division (VSQI)
Directorate for Standards, Metrology & Quality – Ministry of Science and Technology
No 8 - Hoang Quoc Viet Road – Cau Giay – Ha Noi
Email: ngo_environment@yahoo.com,
Mobile: (+84) 915891898, Tel: (+84-4) 37564191.

Văn Đà Lạt 11 trả lời:

Xin chào đồng môn!
Rất vui khi nhận được email này.
Rất tiếc là các thành viên Văn k11 niên khóa 1987-1991 đa phần hiện sinh sống và làm việc ở các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Sài Gòn, nên không có liên lạc với các cựu sinh viên Đà Lạt tại Hà Nội.
Xin Minh Duong liên hệ với nhà báo Nguyễn Anh Tuấn- Tổng Biên tập Báo điện tử vietnamnet- là cựu sinh viên ĐH Đà Lạt. Thường thấy bài của anh Tuấn và thầy Trần Thanh Minh viết về trường trên vietnamnet. Chắc là anh Tuấn có thông tin về các cựu sinh viên ĐH Đà Lạt ở Hà Nội.
Chúc liên lạc thành công
VANDALAT11

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

CHIA BUỒN BẠN THU HÀ VÀ GIA ĐÌNH




TIN BUỒN:
Xin báo tin cho bạn gần xa!
Ngày 7/10/2009, email của Trần Hương Hải (hai.tran2006@yahoo.com) báo tin:
“Ba của THU HÀ đã mất. Thứ năm ngày 15 tháng 10 này là 49 ngày của Bác.
Thu Hà sẽ về Nha Trang ngày 14.
Xin thông báo cho bạn bè gần xa, nhất là các bạn Nha Trang biết để chia buồn cùng Thu Hà và gia đình”

LỜI CHIA BUỒN:
Được tin Thân phụ bạn Thu Hà vừa từ trần, Ban liên lạc Cựu sinh viên Văn K11 Đại học Đà Lạt xin chân thành gởi đến bạn và gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất.
BAN LIÊN LẠC

MỪNG VỢ ĐẺ

Thêm tác phẩm mới của Trương Lin














TRƯƠNG LIN
(Viết thay HH)
Một ngày mệt, một ngày vui
Tối nay, ta rót rượu mời ... riêng ta
Ly này mừng được làm cha
Của thằng Cu Nhóc, khà khà... sướng không

Thêm một ly, mừng vợ mình
Được làm mẹ, của một thằng con trai
Rồi mai, biển rộng sông dài
Gia đình mình có con trai chống chèo.

Làng Vũ Đại cũng mừng theo
Có thêm Chí Phèo vượng khí tăng lên
Họp làng, ta ngồi chiếu trên
Anh Đội, Chú Chí nhìn lên mà thèm
Cụ Bá chắc cũng phải khen
Bởi Cụ vất vả, mới nên một thằng.

Thôi từ nay cố làm ăn
Kéo cày kiếm lúa nuôi thằng con trai
(Viết thay cho chú hơi dài
Chú trả nhuận bút mấy chai gọi là)

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

HƯƠNG THỜI GIAN

Truyện ngắn của HOÀNG PHƯỢNG với ký danh HOA HẠ trên Khánh Hòa chủ nhật
Khi mới gặp anh lần đầu, chị biết mình đã thuộc về anh ấy. Anh đã hoàn toàn chinh phục trái tim chị bởi cách ăn nói nhẹ nhàng và phong cách lịch thiệp. Tâm hồn nhạy cảm của một người văn khoa như chị chẳng mấy chốc bị anh hút hồn…Chị càng yêu anh đắm say hơn, khi biết anh là người lính của biển và của sóng. Từ những ngày còn là sinh viên, chị đã thuộc rất nhiều những bài hát, bài thơ ca ngợi về người lính nơi đảo xa. Ngược lại, anh cũng cảm nhận được tâm hồn tươi trẻ của chị qua những tác phẩm báo chí và thơ của chị. Thời gian và sự đồng cảm đã gắn bó họ với nhau như bao nhiêu đôi lứa yêu nhau khác. Chỉ có khác một điều là giữa họ là sự xa cách mà không thể muốn là có thể gặp được… Thế nên sự chờ đợi luôn đồng hành với họ.

Sức mạnh tình yêu đã giúp chị vượt lên tất cả. Khái niệm về thời gian không tồn tại trong chị, chỉ có nỗi nhớ trong chị là lớn dần theo năm tháng. Cũng may, bây giờ có điện thoại di động nên hỗ trợ cho người ta rất nhiều. Thỉnh thoảng họ cũng gặp nhau qua điện thoại hoặc nhắn tin cho nhau…nên dù xa nhau hàng trăm dặm, họ vẫn được nghe tiếng nói của nhau, họ vẫn cảm giác như có nhau bên cạnh …Chị cảm thấy thật hạnh phúc khi yêu anh, chờ đợi anh. Hàng ngày nhớ anh, chị mân mê những kỷ vật anh tặng. Những con ốc biển trắng muốt, những cành hoa bằng san hô qua bàn tay khéo léo của anh mài dũa từ biển xa gởi về, đã trở thành những món quà vô giá đối với chị… Trong nhà chị đâu đâu cũng có những món quà của biển. Chị yêu anh, nên yêu biển và yêu tất cả những gì thuộc về anh. Chiều nào cũng vậy, sau khi tan sở trở về, chị một mình chạy xe xuống biển, chọn một chiếc ghế đá ít người qua lại, chị ngồi lặng lẽ, dõi mắt về nơi đảo xa, nơi đó có anh đang ngày đêm canh giữ biển trời của tổ quốc. Mẹ thường bảo chị con gái có thì, có lứa, mẹ không ngăn cản các con yêu nhau, nhưng tình yêu ấy liệu có vô vọng không. Chị hiểu nỗi lòng mẹ thương con gái nhiều nên mẹ lo lắng vậy, nếu gặp anh rồi chắc mẹ cũng sẽ thương anh như thương chị thôi. Mà làm sao chị không thương một người như anh cho được. Học hết đại học, không biết duyên nợ thế nào anh lại vào công tác trong quân đội. Và cuộc sống của anh từ đó gắn liền với biển. Anh cũng là người yêu biển, lại tràn đầy bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã tự nguyện gắn bó với biển nhiều năm liền và bây giờ anh đã trở thành một người chỉ huy thực thụ trên đảo, xa đảo một ngày anh thấy thật nhớ, thật không yên lòng…Chính vì mãi gắn bó với đảo, với biển nên anh không có nhiều thời gian nghĩ nhiều đến cuộc sống riêng mình. Rồi một lần gặp gỡ và giao lưu với những người lính chị đã tình cờ gặp anh và tình cảm của họ giờ đây đã trở nên sâu đậm.

Bạn bè thường bảo chị xa mặt là cách lòng và cảnh báo chị coi chừng tình cảm của anh. Nhưng chị tin vào tình cảm của anh dành cho chị và tin vào tình cảm của mình…Chị nhớ có một câu nói về tình yêu rất nổi tiếng của một văn hào nước ngoài: sự xa cách trong tình yêu giống như gió với lửa, nó thổi bùng lên những ngọn lửa mãnh liệt và làm tắt đi những ngọn lửa yếu ớt. Chị cảm thấy câu nói đó rất đúng với tình cảm của chị. Chị biết có rất nhiều người xung quanh chị, cùng một lúc yêu nhiều người, họ quan niệm mất người này, còn người khác thay thế, nhưng với chị đó là điều không thể. Chị nghĩ, khi yêu nhau ai không muốn được ở bên nhau, cho nhau hạnh phúc, nhưng ở xa nhau tình yêu cũng có màu sắc riêng của nó, vẻ đẹp riêng của nó. Chị bằng lòng với tình yêu của mình, sự xa cách làm cho chị cảm nhận được sự ngọt ngào của nỗi nhớ, cảm nhận được sự da diết trong đợi chờ…và chị cũng cảm nhận được mùi hương của thời gian đi qua tình yêu nơi chị.

Người ta thường nói khi yêu trái tim thường có lý lẽ riêng của nó. Trái tim chị cũng như vậy. Chị mong một ngày không xa nữa tình yêu của anh dành cho chị sẽ đơm hoa, kết trái, như tình yêu của bao nhiêu đôi lứa khác. Có một điều chị tin là anh sẽ về với chị, như sự chung thuỷ mà chị mãi nguyện dành cho anh.
HOA HẠ

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

BÊN ĐỒI THÔNG

PHẠM ÁNH















Mượt mà giấc cỏ dịu êm
Đôi thông lặng lẽ gió men tận lòng

Hồ thu gương nước trắng ngần
Như còn giữ vẹn một vừng trăng thơ

Em đi qua đó bao giờ
Để duyên bẽn lẽn hẹn hò cùng tôi

Nhớ thương thấp thoáng bên đồi
Không dưng sóng sánh đất trời trong nhau

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

ĐẾN TRƯỜNG MÙA ĐẠI DỊCH

Một bài rất thời sự của BẢO THÚY

Thế là cái điều khủng khiếp nhất đã đến.
Mới hôm qua thôi, H1N1 xuất hiện ở Bắc Mỹ…Dào, chuyện xa lắc tận nửa vòng trái đất…
Thế mà: dịch không cánh mà bay, nhanh thật!
Mấy nhóc lớp chủ nhiệm 12A10 nhanh nhảu: “Cô ơi, trường mình có bạn nhiễm cúm rồi. Mai lớp mình mang khẩu trang đi học nghen cô!”
Một, hai, ba rồi bảy em nhiễm bệnh.
Cả trường mang khẩu trang đi học. Cảm giác nặng nề vì tâm lí, sợ nhưng không hoảng loạn, buồn vì chẳng biết đến bao giờ mới hết cái nạn mang khẩu trang 24/24 thế này. Bước vào lớp nào, học trò cũng còn hai con mắt, thầy trò nhìn nhau chỉ mắt với mắt mà thôi. Một tuần, hai tuần…hi vọng rồi sẽ quen, là cứ tự động viên nhau như thế.
Sáng nay đến trường, lại buồn hơn vì « mất dạy » :
- Hưng thao giảng ở 11A2, học sinh nhiễm bệnh, Ban giám hiệu cho cả lớp nghỉ mất rồi. Cả tổ Lý đi dự giờ và ra về vì thầy không có lớp để dạy lấy đâu mà thao giảng ?
- Mình họp chủ nhiệm xong, xuống Nguyễn Tri Phương, thầy Trình hỏi : «Trên đó vẫn học chứ Thúy ? », mắt thầy đầy âu lo. Được dạy ở Nguyễn Tri Phương 2 lớp 12A3 và 12A4, về tới trường lại « mất dạy » vì 12A9 phải về cả lớp rồi : Lớp trưởng 12A9 nhiễm bệnh và nhiều em mệt mỏi quá.
Lại phải cho 11A1, 11A2, 11B4, 12A9…nghỉ.
Nghỉ cũng được nhưng chẳng biết tình hình sau nghỉ sẽ thế nào? Mắt học trò buồn rượi vì mệt mỏi, cứ nhìn vào đôi mắt các em mà thấy ngay tình hình dịch bệnh : cặp mắt không sáng và trong veo mà buồn , buồn rồi gục…Nản thật, có muốn xốc lũ nhóc dậy cũng không nổi vì mình cũng mệt quá mất rồi. Sốt, một ngày không biết gì nằm li bì. Nhỏ Hằng Nguyễn Tri Phương cứ gọi thảng thốt : Chị ơi đi xét nghiệm xem thế nào, chị đỡ chưa ? Nhỏ Dung Hòa Ninh thì gọi gần như khóc : Cô thế nào rồi…Mình nghe mấy đứa em lo lắng : Mang Thúy đi bệnh viện, đi xét nghiệm thôi…Rồi dậy, không thể nào nhiễm bệnh, chỉ sốt siêu vi thôi nhưng mệt quá.
Được nghỉ lễ 2.9, mưa và rằm tháng bảy, trời cũng buồn, mưa rả rích. Bảo Lộc lạ thế đó, ngày không cần mưa cứ mưa. Gía cứ nắng cho một ngày, một ngày để thầy trò nghỉ lễ và sưởi nắng cho ấm thì lại mưa, mưa làm cho dịch bệnh ủ ê thêm thì phải. Phòng vệ sinh dịch tể đi xịt thuốc lần hai khắp Thị xã, đài truyền hình thông báo : Đóng cửa trường THPT Bảo Lộc, THPT Nguyễn Tri Phương, THCS Quang Trung, Tiểu học Nguyễn Trãi…Tự nhiên lại có cảm giác sợ, sợ vì không biết đến bao giờ mới hết dịch, sợ vì công việc thì chồng chất mà lại phải nghỉ thế này…Thầy Hiệu trưởng gọi Hưng thảng thốt : Đưa thông báo khẩn của nhà trường lên Web : Phòng chống dịch và tiếp tục đến trường. Tối, học trò gọi tới tấp : cô ơi đi học hay được nghỉ ? Đừng có làm ầm lên chứ, phòng chống dịch và đi học, lớp nào có học sinh nhiễm bệnh hãy ở nhà, 5.9.khai giảng rồi...
Cảm giác nặng nề nhưng lại lắm chuyện buồn cười không chịu nổi. Nhỏ Hiền Nguyễn Tri Phương đang đọc văn bản «Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc » cho cả lớp cùng nghe : « …đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa », trời ơi ngộp quá và đưa tay giật phắt cái khẩu trang khỏi miệng, cả lớp bật cười, mình cũng không thể nhịn cười nổi, thế mà vẫn học, học trò là thế : bực, rồi học và trên hết là thiết tha đến lớp. Lũ học trò THPT Bảo Lộc lại còn đáng sợ hơn : sốt mà phải năn nỉ chúng mới chịu nghỉ vì sợ mất bài. Thầy Hiệu trưởng lên trước cờ nhắc nhở : Em nào sốt là phải ở nhà ngay, ở nhà rồi sau này khỏe thầy sẽ cử thầy cô dạy bù cho các em. Thế mà có đứa vẫn đến trường mà mặt thì đỏ gay vì sốt. Trời ơi, lũ nhóc ham học đến không còn biết gì là dịch bệnh.
Cả trường mang khẩu trang y tế, mình nghĩ : kiểu này các cô đến trường khỏi mất thời gian trang điểm, mà không khéo mang khẩu trang lâu quá, sau này người quen cũng hóa lạ mất thôi ! Cả Thị xã có dịch rồi, tình hình dịch bệnh đi vào từng thành viên của Thị xã. Thằng cháu 4 tuổi ở nhà được bà ngoại « đặc cách » nghỉ học mà mừng rơn, nó thuộc lòng mười khuyến cáo của Bộ y tế. « Sao Bin thuộc tài vậy, cô giáo Bin dạy hả ? » ; « Không , Bin nghe trong tivi đó chớ. »…
Lại mưa, Bảo Lộc thật buồn, buồn vì trường lớp thêm một ngày nặng nề vì H1N1và lo vì khai giảng đến nơi rồi mà mưa miết. Lại thêm một ngày học trong dịch bệnh, thương học trò « ngọ nguậy » trong khẩu trang, thương mình và đồng nghiệp vừa thở gấp vừa nói. Ngày hôm qua dịch còn tít xa từ nửa vòng trái đất mà hôm nay đành sống với lũ rồi. Mùa tựu trường đặc biệt, lắm nỗi niềm, lắm âu lo và thật nhiều trăn trở…
Thế thôi, ngày mốt là khai giảng, hi vọng Bảo Lộc có riêng một ngày nắng ấm, hi vọng một ngày virut cúm A phải « gồng mình lên » mà chịu cái nắng của xứ trà và chạy xa tít xa rời Bảo Lộc !
Bảo Lộc, 3.9.2009

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

BỨC TƯỢNG BÁN THÂN

Truyện ngắn mới gởi cho Văn11 Đà Lạt của TÙNG CHINH nữ sĩ
Đèn đường bật sáng. Aïnh sáng màu vàng như bao nhiêu ngọn đèn đường khác...
Như tựa vào ban công, ngắm nhìn thị trấn vào đêm. Thị trấn khum khum, nhỏ như lòng bàn tay, bỗng sáng rực với muôn ánh đèn màu rực rỡ. Với Như, thị trấn này còn chứa đựng bao điều bí mật. Ngay sự tồn tại của nàng và ngôi nhà xinh xắn của vợ chồng nàng đã là một trong những điều bí mật đó.
Sau cái chết đột ngột của người chồng, Như rơi vào một trạng thái hết sức lạ lùng. Không buồn, không vui. Không đam mê, không tuyệt vọng. Như luôn tự hỏi: Hiếu - chồng nàng không yêu nàng trong suốt thời gian chung sống ư ? Nàng không biết chia sẻ mối nghi ngờ này cùng ai. Hiếu mất rồi, để lại nỗi trống vắng lớn trong tâm hồn nàng. Nguyệt, Hoa- hai cô bạn gái thân dù thương nàng nhưng không hiểu được nàng. Ban chiều, ra mộ chồng, Như nán lại đến chiều tối hầu mong tìm trong cõi hư vô lời giải đáp đang đè nặng lòng nàng. Sau khi bày ra mấy chén con, một chai rượu nếp hương, bì bò khô và hộp bánh nhỏ “Choco-Pie”..., các cô gái thắp hương xì xụp khấn vái một hồi lâu. Họ rót rượu, nhấm nháp và nói chuyện trước mộ Hiếu.
-“Mới đó mà gần hai năm. Nhanh quá phải không ?” Nguyệt lên tiếng trước.
-“Ờ, sống thì thấy lâu chớ chết thì thấy nhanh lắm !”. Hoa phụ hoạ.
-“Bà thấy nhanh không Như ?”
Chợt thấy Như có cái sự lạ, Nguyệt nháy mắt ra hiệu làm Hoa im bặt. Như đang nhìn thẳng bức ảnh của Hiếu tạc vào bia mộ, không nói một lời. Bao nhiêu lần cùng với Như ra mộ Hiếu là bấy nhiêu lần Hoa và Nguyệt chứng kiến thái độ lạ của Như. Đó là cái nhìn thẳng thắn, kiên quyết đối với người sống chứ không phải cái nhìn bao dung tha thứ với người đã chết. Như tránh cái nhìn ngạc nhiên của hai cô bạn thân rồi nàng cố chuyện trò kể những chuyện vui của Hiếu... Cả hai cô cười như nắc nẻ. “Không ai khổ tâm như mình”. Như tự nhủ. Sắp tới giờ về, Như bần thần một lúc rồi lấy cây bút lông viết sau bia mộ Hiếu, dòng chữ nổi rõ trên phiến đá hoa cương:” Anh còn nợ em một lời giải thích lớn đó nghe!”. Hai cô bạn kia tròn xoe mắt, lắc đầu chẳng hiểu gì...
Nhớ lại thái độ của hai cô bạn lúc ban chiều, Như mỉm cười một mình. Cười mà không vui. Có gì vui đâu, nàng đã thành một thiếu phụ goá chồng khi chưa đầy ba mươi. Bảy năm về trước, Như quyết định lấy Hiếu, cả gia đình nàng đã phản đối kịch liệt. Họ bảo lấy một người đàn ông từng có một đời vợ như thế, Như sẽ khổ suốt đời. Như gạt hết mọi ngăn cản để đến với Hiếu bằng tiếng gọi của trái tim. Vả lại Như tin rằng một người chồng hơn mình mười bốn tuổi sẽ bao dung, thương yêu và tôn trọng nàng. Anh sẽ là chỗ dựa tinh thần của đời nàng. Đôi uyên ương dành dụm xây được ngôi nhà nhỏ xinh đẹp. Chồng nàng có đôi bàn tay tài hoa và bộ óc thẩm mỹ đã biến ngôi nhà thành một thiên đường diễm lệ. Duy có một điều là họ vẫn chưa có con. Hình như một đôi lần trước khi Hiếu mất, khi đề cập đến chuyện có con, Như bắt gặp Hiếu thở dài...

...Đèn đường sáng hơn. Thứ ánh sáng vàng vọt, huyền bí xuyên qua căn phòng tạo những vệt sáng tối. Gợi cô đơn, trống vắng, trường liên tưởng miên man...
Có tiếng chim vọng từ nơi mơ hồ...
Có tiếng thầm thì của đêm...
Có người đàn bà là Như đang độc thoại với bóng đêm. Đã thành lệ, từ khi Hiếu mất Như không ăn cơm chiều, đứng lặng hàng giờ trước ban công ngắm nhìn phố thị lên đèn. Đây chính là thời khắc quan trọng của nàng sau một ngày làm việc. Trước kia, nàng và Hiếu vẫn thường ngồi trước ban công như thế. Anh thổi kèn ắcmônica cho nàng nghe. Đó là những ca khúc thời anh còn là một chiến sĩ bộ đội biên phòng trấn giữ đồn 619 ở biên giới Tây Nam. Có khi họ chẳng nói gì nhiều. Mà Hiếu có chịu nói gì đâu. Anh sống lẳng lặng. Làm việc im lặng. Yêu thương cũng im lặng. Ngày họ tỏ tình với nhau, anh chỉ nói bằng ngôn ngữ đôi mắt, cầm lấy đôi bàn tay run rẩy của Như. Rồi họ thành vợ thành chồng. Cái cách anh ân ái với vợ cũng thật lạ. Ngoại trừ những khi anh ho khục khặc vì di chứng của trận cảm cúm còn để lại, chẳng bao giờ thấy anh nói gì. Mà Như muốn nghe anh nói dù chỉ một lời biểu hiện của yêu thương. Có lần Như hỏi:
-” Nè, ông xã đi công tác suốt. Có nhớ người ta không ?”.
-“Nhớ sao không nhớ !”. Chồng Như trả lời.
-“ Có thấy ông xã nói gì đâu ?”.
-“Cần gì phải nói mới là nhớ !”.
Như im lặng và chấp nhận. Có thể đó là cái cách yêu thương của chồng Như. Nhưng Như là đàn bà . Phàm đã là đàn bà trên thế giới này ai mà không muốn được nghe chồng âu yếm, yêu thương. Chồng Như là chuyên viên thiết kế xây dựng, hết việc ở cơ quan về nhà lại chúi mũi vào màn hình vi tính, tính toán đo đạc, chữa bản vẽ rồi lại ra đi...Như làm kế toán sổ sách cho một công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân nên cũng bận suốt ngày. Vậy mà“cuộc sống không lời” ấy vẫn gắn kết họ chừng ấy năm. Cho đến khi... chồng Như đột ngột qua đời vì cơn nhồi máu cơ tim. Âúy là lần họp lớp 12C1 của anh sau hai mươi năm ra trường. Như cũng có tham dự. Chẳng phải do vui được gặp lại bạn bè thời phổ thông mà anh quá chén hay không ? Sau khi lo ma chay, hậu sự cho anh, Như hụt hẫng đến cả tháng trời. Chuyện buồn nào rồi cũng có thể nguôi ngoai theo thời gian. Vì dù sao Như vẫn phải tiếp tục sống, tiếp tục làm việc...
Sau đó ít lâu, một lần sắp xếp lại tủ sách, Như tìm thấy một cuốn sổ nhàu cũ. Đó là những dòng nhật ký đầy yêu thương mà chồng nàng dành cho một phụ nữ khác: Điệp - vợ cũ của anh. Có cả nhớ thương, những ái ân trong tưởng tượng... Như sững sờ. Nàng lờ mờ hiểu được người vợ cũ có ý nghĩa với anh như thế nào ? Vậy là anh không yêu nàng ?. Nàng đau khổ và giận dữ. Giận dữ với cả chính mình. Nàng còn tìm thấy một thùng quà nhỏ được bao bọc bằng giấy hoa cẩn thận. Như run run mở hộp quà một cách chậm chạp. Một bức tượng đôi nam nữ bán thân kèm theo mảnh giấy nhỏ:”Tặng Quỳnh Như”. Đây là món quà bất ngờ vì chồng nàng tặng không phải nhân dịp kỷ niệm ngày cưới hay sinh nhật của nàng. Nhưng anh đã không còn nữa, món quà đối với nàng cũng có ý nghĩa gì đâu. Nhất là khi mà anh không yêu nàng! Nàng thờ ơ để bức tượng ở trên bàn...

Như bước vào phòng. Bây giờ thì bức tượng ấy vẫn còn nguyên ở đó. Nó như một dấu hỏi lớn tác động vào tâm thức của nàng, dày vò nàng ngày cũng như đêm.
...Đèn đường vẫn sáng. Thứ ánh sáng sẫm màu vàng đặc, xuyên qua căn phòng tạo những vệt sáng tối. Mọi vật trong phòng đều được nhuộm vàng trừ bức tượng bán thân bằng than đá đen tuyền. Và ánh sáng đèn từ bên trên bức tượng chảy xuống in hình bóng nó, nằm nổi trôi trên thềm...


* *
*

Có một đêm...
Đèn đường không sáng nữa. Trên ti vi, cô phát thanh viên của trang thời sự địa phương thông báo có sự cố của lưới điện trong khu vực. Vậy là không có thứ ánh sáng màu vàng sẫm xuyên qua căn phòng gợi những vệt sáng tối. Không có tiếng chim vọng từ nơi mơ hồ.
Và Như cũng không đứng ngoài ban công ngắm nhìn phố thị như mọi khi nữa. Nàng bật đèn nê-ông. Thứ ánh sáng trắng nhợt nhạt phản chiếu khắp gian phòng, dội lại trong hồn Như một nỗi buồn khó tả. Nàng đang sắp xếp mọi thứ để giao căn nhà này cho người chủ mới. Phải bán căn nhà này, Như thấy tiếc. Nhưng nàng không có con với Hiếu. Việc giữ một căn nhà như thế cho riêng một người thiếu phụ còn quá trẻ là điều không thể được. Mẹ chồng gợi ý xa xôi... Đứa em chồng không ngần ngại gì đặt thẳng vấn đề:
-”Anh Hiếu để lại cho chị một căn nhà rộng quá hả chị Như ? Chỉ tiếc không có ai thừa tự, cúng giỗ ảnh. Hay là chị bán nhà đi về ở với mẹ cho vui ?”.
Lời nói của cô em chồng như một nhát dao đâm vào tim nàng...Thật sự Như dự định chờ mãn tang chồng, nàng sẽ bán căn nhà trang trải mọi thứ, chuyển công tác về huyện K., để lại một khoản tiền nhỏ dưỡng già cho mẹ chồng. Giờ đây, mọi thứ đối với Như không còn ý nghĩa gì nữa. Nàng như cỗ máy của thời gian. Cỗ máy ấy rệu rã vì đời sống tinh thần nàng chưa được giải toả. Nàng đau khổ vì nghĩ rằng chồng nàng không yêu nàng. Sắp xếp xong mọi thứ, Như lưỡng lự xem mình có còn quên điều gì không ? Nàng lướt qua giá sách phía bên trên. À, lại quên mất, còn bức tượng bán thân đen tuyền-quà tặng của Hiếu mua tận Quảng Ninh trước khi anh mất ba tháng ... Như bắt ghế trèo lên, với tay kệ sách trên cùng đỡ lấy bức tượng xuống. Nàng lau sạch bụi, bức tượng ánh lên vẻ đẹp lung linh: Một đôi tình nhân nửa người,cả khuôn mặt cũng bị cắt ngang chỉ nhìn thấy từ mắt trở xuống. Nửa người đàn ông làm bằng chất liệu than đá ánh kim, những nhát cắt gồ ghề nhưng mạnh mẽ. Nửa người thiếu nữ làm bằng chất liệu than đá đen bóng tuyệt đẹp với nét môi và chiếc cằm mềm mại. Nửa người đàn ông xoay người áp vào mặt nửa người thiếu nữ đang e lệ nép sát mái tóc của mình vào anh ta. Không chủ ý điêu khắc đôi mắt. Thiếu hẳn vầng trán mà bức tượng rất có hồn. Đó là tình yêu thương, tin cậy của một đôi tình nhân được toại nguyện...Ừ, phải rồi, mình và Hiếu có được toại nguyện đâu !. Như lẩm bẩm một mình...
Bỗng điện vụt tắt. Lại sự cố gì nữa đây. Như lụi cụi, mò mẫm tìm chiếc quẹt ga châm nến. Aïnh sáng ngọn nến ban đầu còn loè nhoè sau tỏ dần. Mọi vật trong căn phòng đều mờ mờ trừ bức tượng bán thân phản chiếu thứ ánh sáng lạ soi rõ cả bóng hình của Như. Như mân mê bức tượng hồi lâu rồi linh tính mách bảo có cái gì cồm cộm phía dưới bức tượng. Nàng xoay bức tượng và tìm thấy chiếc ngăn kéo nhỏ được giấu khéo léo. Có một mảnh giấy gấp tư. Một bức thư với những dòng chữ quen thuộc của Hiếu hiện ra...

“Quỳnh Như em thương! Phải viết thế này thật xấu hổ cho anh. Những ngày này ở Quảng Ninh, anh nghĩ nhiều về em. Rất sợ em buồn nhưng rồi anh quyết định sẽ nói lên sự thật có thể em đã biết nhưng chưa được đầy đủ. Em còn nhớ anh đã kể những lần bọn anh trinh sát bảo vệ đồn 619 ở biên giới Tây Nam không ? Một lần tốp trinh sát của anh dẫm phải mìn của bọn địch.Thái hy sinh ngay tại chỗ còn Thìn bị mìn nghiến đứt đôi chân. Anh may mắn hơn chỉ bị xây xát nhẹ nhưng một mảnh đạn nhỏ đâm ngang đùi trái... Mãi sau này anh mới được biết là mình không thể có con . Bức tượng này tượng trưng cho tình yêu thương của anh dành cho em. Hãy tha thứ cho anh vì đã lôi cuốn em vào một cuộc đời đầy bất trắc. Và vì anh không mang đến cho em niềm vui được làm mẹ. Anh rất yêu em.
Hi?u “
Thế là đã rõ. Quỳnh Như oà khóc. Khóc như thể chưa bao giờ được khóc. Và rồi có tiếng gọi mơ hồ từ phía sau lưng. Nàng nín bặt. Một tiếng gõ cửa phòng thôi. Thật khẽ . Như quay phắt người lại...Nàng ào ra đón bắt bóng hình của chồng nơi chiếc màn đung đưa ở ô cửa sổ nhưng đó chỉ là ảo ảnh. Không còn gì. Không còn gì nữa... Chỉ còn lại bóng ngọn nến lung linh trên nền tường. Có cả bóng của bức tượng bán thân. Hình như nửa người đàn ông của bức tượng đang chuyển động, khẽ mấp máy môi. Nàng chạy tới, hai tay ôm trọn bức tượng bán thân. Nó nóng hổi, từ khoé mắt sâu thẳm của nửa người đàn ông rỉ ra giọt nước đen quánh như hắc ín nóng bỏng trên đôi tay run rẩy của nàng. Quá bất ngờ, nàng buông tay. Bức tượng đen bằng than đá vỡ vụn ra thành nhiều thỏi lô nhô dưới chân nàng!
Ngoài kia, đèn đường đã lại bật sáng. Thứ ánh sáng màu vàng như bao nhiêu ngọn đèn đường khác...

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

VƯỜN CHUỐI

Trương Lin lại làm thơ. Trong làng Vũ Đại xứ Tuy Hòa, Trương Lin là Binh Chức.













(Tặng Hồng Ánh và Làng Vũ Đại)
Binh Chức


Có một vườn chuối xanh
Bên bờ sông Vị Hoàng rất đẹp
Ở nơi đó, có một vuông đất hẹp
Bá Kiến thí cho Chí Phèo
(Hay nói đúng hơn, trả công cho những lần rạch mặt)
Kệ những thằng tranh giành quyền lực
Chí Phèo vặt chuối xanh uống cùng gã canh chùa
Tự Lãng say, vặt râu cười hỏi “Con người đứng lên bằng cái gì”
Nhà văn buồn buồn, các bác cứ rượu đi
Con người đứng lên bằng cái gì kệ họ
Bằng nịnh bợ, bằng tiền, bằng tài năng (hay bằng cái “kia”cũng thế)
Có ảnh hưởng gì đến bữa rượu các bác đâu

Cuộc rượu Chí Phèo không biết kéo đến đâu,
Nếu không có một người con gái đến
Người con gái dẫu xấu đến thành giai thoại
Chỉ bát cháo hành vẫn cứu rỗi một gã say
Đêm Trăng của Nhà văn đẹp đến lạ kỳ
Để thịt da long lanh
Để khôn mặt rỗ chằng, trở nên thánh thiện
Để Chị Nở tôi biết thẹn thùng làm duyên
Để Anh Chí tôi, biết đòi quyền sống
Để cánh cửa làng Vũ Đại mở ra
Bằng án mạng
Để được làm người.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

THẦY CHÂU VÀ ĐỘI BÓNG KHOA NGỮ VĂN

Tình cờ lục lại lấy hình Thầy Châu- Chủ nhiệm lớp mình, người thầy rất say mê bóng đá chụp hình chung với đội bóng của Khoa. Hình do Bảo Long lưu giữ

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

ĐOẢN KHÚC NHỚ

Trương Lin dạo này cứ rượu vào là có thơ cho blog. Trời đày làm thi sĩ tới nơi mất rồi!Chết thật...













Thơ TRƯƠNG LIN

Anh nhớ em, một thuở sinh viên
Cơm mhà bếp, em nhường anh nửa suất,
Anh cười, em sợ mập mập mất eo,
Em cười theo, canh toàn quốc, mắm đại dương
cũng thành ngon miệng.
Anh nhớ Em nhớ mùa thi cực nhọc
Quyển giáo trình hai đứa học chung
Em thường trách anh học chẳng tập trung
Anh chống chế, em dề thương đến thế
Anh nhớ em, đêm hội trại bập bùng ánh lửa
Anh say em trong men rượu say nồng
Tiếng đàn hoà tiếng hát mông lung
Mai xa cách thành vết hằn kỷ niệm
Anh nhớ em, nhớ Đà Lạt hoàng hôn nhuộm tím
Ta bên nhau, không giấu nổi lo âu
Ngày mai sẽ về đâu,
Tình yêu như bọt bể
Một thuở sinh viên
Một thời để nhớ
Bạn bè ơi, tôi gọi bạn bè ơi

NGÔI SAO BĂNG

Văn Quang nói:"Đêm ngủ không được, nổi hứng sáng tác một đoạn văn gọi là... ghi chép"


Ghi chép của VĂN QUANG


Trên bầu trời vô số những vì sao - Chẳng ai có thể biết một ngôi sao sinh ra từ lúc nào. Nhưng hãy dành ít nhất một đêm trong cuộc đời nhìn lên bầu trời để thấy sự sinh tồn của những vì sao. Rồi có một lần như thế – một lần tình cờ nhận ra một ngôi sao băng – mà nhiều người vẫn bảo rằng : Sao chết, mà đó là cái chết cho những điều ước.






Có một đêm không thể ngủ. Với tay mở cánh cửa sổ, lơ đãng nhìn lên bầu trời đặc quánh những vì sao - chợt nhớ nồi đậu luộc đặt trước sân nhà mấy chục năm về trước, khói cay xè đôi mắt, rồi hướng mắt lên bầu trời đêm ấy nghe ba kể sự tích và cả tên của các chòm sao mà ông còn nhớ trong những ngày nằm ngửa trên đống rạ cũng đã thuộc về mấy chục năm về trước, khi ông còn là một cậu bé chăn bò ở vùng quê lúa. Ba bảo : Đây là chùm sao con Gà. Đây là chùm sao con Gấu. Đây là chùm sao Lưỡi cày. Đây là chùm sao ……. Chỉ có thế mà nhớ – Nhớ đến tận bây giờ.
Đêm không ngủ ngắm sao. Chợt nhận ra vì sao nào cũng sáng, cũng đẹp. Hóa ra đêm nào mỗi vì sao đều sáng ở nơi nó vẫn sáng từ những ngày rất xưa và vẫn đẹp như thế đã rất lâu – nhưng có mấy ai biết, có mấy ai nhận ra khi mãi miết cơm áo, gạo tiền – mệt nhoài mỗi ngày, để đêm về vùi mình vào chăn gối, khét ngọt giọt mồ hôi, rồi lại đợi một ngày mới để …. gạo – tiền – cơm – áo.
Đêm không ngủ ngắm sao. Chợt nhận ra có ngôi sao vừa lìa đời. Người ta bảo, đó là ngôi sao băng. Người ta cũng bảo, mỗi lần nhìn thấy sao băng hãy tự cho mình một điều ước, và có thể không chắc chắn lắm nhưng ít nhiều cũng toại nguyện. Vậy là ước …
… Ước gì có nhiều tiền để thỏa cơn khát vì thiếu thốn chứ chẳng vì nghèo. Nhưng rồi bỗng giật mình khi nhận ra rằng : tiền bấy nhiêu đó thôi cũng đủ. Bởi lẽ mấy năm rồi chưa một lần thiếu tiền đổ xăng, đâu có thiếu điếu thuốc thơm kèm ly cà phê sữa nhiều đường, và cũng chưa lần nào thiếu dăm ba xị đế, có thêm con mực khô một nắng ở quê gửi vô cho, mời bạn mỗi chiều cao hứng. Vậy thì cắc cớ gì đêm không ngủ được, có một ngôi sao băng, lại ước có thêm tiền. Uổng phí lời ước lắm !

Đêm không ngủ ngắm bầu trời đặc quánh những vì sao, có ngôi sao băng vừa về với đất mẹ – chợt nảy ra một điều ước khác. Ước gì trong cuộc mưu sinh có chút chức - quyền. Vậy mà thoáng nghĩ thế thôi mà giật thót mình, rồi nghĩ : Không ai cũng thế, nhưng đâu thiếu kẻ có chức, có quyền mỗi lần trước cấp trên là đứng đi không thẳng ; lưng gập, nín thở, miệng nở nụ cười, dẫu lòng chẳng muốn. Còn tai trái thì mở ra chờ những lời nỉ non, nịnh hót – còn tai kia gập lại bởi chẳng dám nghe tiếng oán than, hờn trách của những người dưới cấp … Thôi, có sướng ích gì mà ước cái điều không đáng có. Thôi thì mình cứ là mình để được thẳng lưng, đi đứng đàng hoàng, khóc cười bằng chính cảm xúc của mình.
Đêm không ngủ ngắm những vì sao. Nhận ra có ngôi sao băng vừa mang cho trần gian thêm một điều ước. Mong ước ấy chẳng phải tiền và địa vị – mà ước mình sống sao cho cốt cách, tròn bổn phận làm con. Hơn 40 năm được sinh ra trong cuộc đời này – vậy mà khi mái đầu đã ngã bạc thì vẫn có mái đầu đã bạc hơn chăm chút ngày lại ngày hai bữa cơm rau mắm. Chưa được làm cha nên chẳng biết suy nghĩ của người mẹ thế nào ! Nhưng được làm con nên hiểu tấm lòng người mẹ mênh mông lắm. Có lúc tự hỏi – sao lúc nào mẹ cũng coi mình là đứa trẻ lên 3, lên 4 – dẫu sáu mươi năm cuộc đời – như người ta vẫn nói, thì mình đã ở phần thừa.
Đêm không ngủ có ngôi sao băng. Cứ ước sao người đàn bà đã qua xa cái tuổi bảy mươi, không mỏi mệt trước bao thăng trầm của cuộc sống ; không thôi yêu thương những đứa con đã bạc mái đầu vẫn ngày hai buổi mưu sinh kiếm sống ; không tủi thân khi xếp lại đĩa trái cây, thắp nén hương thơm nhớ về người chồng quá cố ; nhưng hãy cứ dỗi hờn khi đứa cháu chẳng thèm mời bà nội bịch mía ghim, dẫu vẫn biết rằng hàm răng già chỉ còn sót lại mấy chiếc đã lung lay…
Đêm trắng đêm thức cùng bầu trời đặc quánh những vì sao, chợt nhận ra lòng mình thổn thức khi sống hoài mà chưa trở thành con người tử tế. Chợt thèm được làm một ngôi sao băng mình đã thấy đêm qua ….
Con gà trống tía độc thân cất tiếng gáy. Đêm giật mình làm những vì sao vỡ vụng, tan biến - để chỉ còn một bình minh đầy ắp ánh sáng của mặt trời tươi rói như là mới mọc lần đầu tiên và duy nhất trên cõi trần gian này …

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

ĐỜI CÒN CÓ NHỮNG LÚC BUỒN

Buồn quá! Ai đọc bài này buồn quá thèm rượu thì... cho chết

Thơ TRƯƠNG VĂN LIN




















Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn.
Tôi ngồi vào bàn và viết.
Có khi là một bài thơ con cóc
Khi thì một cái tản văn, câu chữ chẳng ra hồn
Cũng có khi là một bài báo lôm côm.
Rồi gửi đi đăng, được chăng hay chớ,
Cốt sao để vơi bớt nỗi buồn.

Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn.
Tôi dạo xe vòng quanh qua phố
Tạt vào quán cafe, nghe một bản nhạc buồn
Rồi trở về nhà, cảm thấy buồn hơn.

Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn.
Tôi tìm đến ông bạn già, rủ chơi cờ tướng
Ông bạn già uống từ chiều, say khướt
Chợt nhận ra, ổng còn buồn hơn mình.

Có những đêm buồn, như không thể buồn hơn,
Tôi rót rượu, một mình ngồi uống.
Vợ cằn nhằn, ông uống như thằng nghiện
Tôi cười bâng quơ, tại rượu nó nghiện mình.

Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn,
Tôi lại ngồi vào bàn và viết
Lại sản xuất thêm một bài thơ con cóc
Hoặc cái tạp văn, câu chữ chẳng ra hồn,
Cốt sao để vơi bớt nỗi buồn.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

LUẬN VỀ CHIẾC MẶT NẠ

Thơ của NGUYỄN CÔNG TÙNG CHINH

















-Tặng những ai đã, đang và sẽ phải dùng mặt nạ để sinh tồn!

Trẻ con có những chiếc mặt nạ màu cam, màu đỏ
Mặt nạ Tôn Ngộ Không, mặt nạ Trư Bát Giới
Chúng cười khanh khách, đuổi bắt nhau sau những chiếc mặt nạ
Hết cuộc chơi, những chiếc mặt nạ nằm lăn lóc
Lũ trẻ con không phải bận tâm gì…

Rồi một ngày lũ trẻ con lớn khôn
Trong số người lớn đó, nhiều người vẫn còn thích chơi mặt nạ
Những chiếc mặt nạ giờ đây trong suốt, siêu hình
Như anh trưởng phòng ăn xén quỹ tiền công
Với chiếc mặt nạ, anh tươi cười trung thực
Thủ trưởng một cơ quan ôm cô nhân viên ngủ mơ màng
Có mặt nạ, ông ta sẽ họp hành tử tế
Còn người đàn bà ngoại tình nhiều lần
Chiếc mặt nạ giúp chị làm tròn vai người vợ đảm đang
Nhà văn kia muốn biết nhiều câu chuyện buồn trên thế giới
Anh ta cần nhiều chiếc mặt nạ để quan sát cuộc sống muôn màu…

Vậy là có nhiều chiếc mặt nạ trong một đời người
Cũng như rất nhiều người phải dùng đến mặt nạ
Những chiếc mặt nạ trong suốt, siêu hình
Chỉ một bản thân anh ta nhìn thấy…

Rồi một ngày anh ta chết đi
Có thể anh ta trút bỏ bộ mặt nạ
Những thói xấu bị phanh phui…
Theo lẽ thường, những tính tốt được giữ lại
Nghĩa tử là nghĩa tận!

Rồi một ngày anh ta chết đi
Cuối cuộc đời tôi mới ngỡ ngàng nhận thấy
Đâu rồi những chiếc mặt nạ màu cam, màu đỏ ?
Đâu rồi những chiếc mặt nạ trong suốt, siêu hình ?
Trong chập chờn khói hương lan tỏa
Bóng một con người trung thực đáng thương!
An Khê, ngày 23/07/2009
N.C.T.C

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

BẢO THÚY BÌNH THƠ PHẠM ÁNH


Chiếc lá – Phạm Ánh -

Giữa cuộc đời nhộn nhịp
Biết bao người cô đơn
Giữa xóm làng thân thuộc
Đôi khi lạc thâm sơn.

Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực.

Như chiếc lá đầu cành
Xanh tận cùng mưa nắng
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông

MỘT “CHIẾC LÁ” CỦA NIỀM TIN VÀ HI VỌNG – Bảo Thúy

Có khi nào giữa dòng đời tấp nập, ta ngẩn ngơ nhìn tất cả trôi qua mà thảng thốt không biết mình là ai giữa cái chốn cuộc đời? Tưởng chừng vô lí mà có thật bởi
“Giữa cuộc đời nhộn nhịp
Biết bao người cô đơn
Giữa xóm làng thân thuộc
Đôi khi lạc thâm sơn.”
Đoạn mở đầu bài thơ chỉ 4 câu ngắn ngủi mà mang cái triết lí của một người trải đời, trải lòng với số phận. Sự chiêm nghiệm của anh từ câu thơ được tạo nên bởi cách đối lập trong từng cặp câu thơ ngắn:
“Giữa cuộc đời nhộn nhịp >< Biết bao người cô đơn”.
Đau là ở đó, là trong cái nhộn nhịp của cuộc đời vẫn còn biết bao những thân phận cô đơn, lẻ loi và không thể chia sẻ cùng ai nỗi đau của một khoảng lặng tâm hồn. Nỗi đau bởi làm người, bởi ở giữa con người, giữa cuộc đời nhộn nhịp, tấp nập mà lẻ loi, mà chỉ có một mình. Đọc câu thơ và ngẫm nghĩ, người đọc sẽ nhận ra một khoảng lặng của nỗi đau, khoảng lặng của sự từng trải và đắng lòng, cái khoảng lặng làm nên một cõi riêng của anh, của Phạm Ánh. Sự trải nghiệm đó, theo anh lại bắt đầu từ nỗi đau vì trống vắng tình người, vì thiếu sự ấm áp của tình người.
“Giữa xóm làng thân thuộc>< Đôi khi lạc thâm sơn.”
Hai chữ thân thuộc nghe thì ấm lòng mà lại đau, đau vì thân thuộc đấy, con người đấy mà lạnh lẽo, mà vô cảm để con người tưởng mình đang giữa chốn thâm sơn. Đọc câu thơ của anh tưởng như nhìn thấy anh, thấy cái khuôn mặt tròn tròn, tưng tửng, ngẫm nghĩ mà triết lí, tư lự và nhả ra từng từ, từng chữ để mỗi con chữ mang cái hàm ý riêng của nó, trọn vẹn, đầy đủ một bản lĩnh, một con người từng trải và luôn tự tìm ra cái triết lí cho mỗi một cuộc đời. Người ta bảo: thơ là người, thơ là cuộc đời, là số phận…không thể qui thơ anh là anh nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn là cái cách anh nhìn cuộc sống, nhìn cuộc đời đi qua trong đôi mắt tròn xoe, tư lự rất riêng của một hồn thơ Văn 11. Để rồi cái tưng tửng đó ngấm trong từng câu chữ:
“Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực”
Đoạn thơ thứ hai là những câu phủ định. Cái cách phủ định “Không ai” trầm tĩnh mở đầu từng câu vừa là sự chấp nhận, chấp nhận bằng lòng với cuộc đời, với số phận nhưng cũng chính là bản lĩnh, là Phạm Ánh, là phương cách để anh tồn tại và hiểu hơn cuộc sống vốn nhiều đa đoan, phức tạp này. Cái lẽ sống bình thường nhưng không dễ bất kì một ai cũng có thể nhận ra để hiểu hơn cuộc sống, để bình tĩnh hơn giữa muôn nẻo cuộc đời. Người đọc sẽ nghe ở câu thơ cái nức nở từ những từ “bỏ rơi, cay cực”, sẽ nghe từ câu chữ của anh một nỗi ngậm ngùi, một sự “bằng lòng” của một con người từng trải. Tháng năm cuộc đời đã làm nên câu thơ, đã làm nên cách nghĩ bình tâm, tự tại và bao dung của anh về cuộc sống để có một ai được đọc câu thơ cũng có thêm một lần bao dung hơn, nhẹ nhàng với mỗi lúc thăng trầm của số phận. Thơ Phạm Ánh là thế và có lẽ mỗi một hồn thơ Văn 11 là thế, có thể chưa thật hay, chưa đánh ngay vào tâm trạng của con người nhưng nó buộc người ta đã đọc là phải ngẫm, phải nhớ và day dứt. Cái lí lẽ bình thường:
“Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực”
mấy ai hiểu được ngoài anh? Kết thúc khổ thơ thứ hai là sự “khởi đầu cay cực” từ một cuộc đời mồ côi nhưng lại mở ra một thế giới của sự bắt đầu đầy bản lĩnh. Có thấm thía những nỗi cay cực của cuộc đời thì mới có thể hiểu được, chia sẻ được sự bắt đầu cay cực này để thông cảm hơn, hiểu hơn mỗi thân phận, mỗi cuộc đời. Đó là anh, là con người có một phần mất mát từ cơ thể mà lại trọn vẹn một tâm hồn, trọn vẹn một câu thơ với đúng nghĩa: thơ là đời, thơ là cuộc sống làm nên một Chiếc lá xanh đến tận cùng của sự bất diệt, xanh đến tận cùng của nỗi lòng, của trăn trở và suy ngẫm để kết thúc bài thơ là những câu thơ đầy triết lí:
“Như chiếc lá đầu cành
Xanh tận cùng mưa nắng
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông.”
Phải, con người ta dù có đi đến tận cùng của những đớn đau cả về vật chất và tinh thần thì vẫn dành riêng cho mình một khoảng tâm hồn của niềm tin và hi vọng như Chiếc lá kia vẫn Xanh tận cùng mưa nắng, chiếc lá vẫn tồn tại để làm nên màu xanh cho cuộc sống, làm nên màu xanh của niềm tin, hi vọng. Và con người dẫu khởi đầu cay cực vẫn bất diệt một niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời, tin để sống và tồn tại. Để rồi:
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông.”
Cái lẽ của cuộc đời là thế, đó là qui luật, là con người, là cuộc đời mà bất kì ai dù không nghĩ ra cũng cứ thế mà tồn tại.
Cám ơn những câu thơ từ Chiếc lá, những câu thơ của màu xanh, của niềm tin để mỗi người đọc yêu hơn, tin hơn, bao dung hơn và thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn từ mỗi phút giây được sống, được làm người.
Bảo Lộc, 4.7.2009

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

ĐỂ LÀM MỘT CON NGƯỜI

Thơ NGUYỄN VĂN QUANG


















Ta đang đến gần hơn để làm một con người
Có lẽ muộn nhưng vì đời bận quá
Máu cứ chảy mà tim người đóng cả
Với cơn say làm chiếc bóng cuối ngày.


Có một lần ta tham lam quá
Ôm hết mùa thu mà chẳng chiếc lá vàng.
Có một lần ta hờ hững quá
Ôm hết là vàng mà chẳng chút mùa thu.


Loay hoay mãi ở cuộc đời vật vã
Ta nhận ra ta giữa chốn người
Loay hoay suốt bốn mùa mệt lã
Chỉ có … thời gian giết được ta.


Gần cuối cuộc đời mới kịp hiểu ra
Chúa không phải là kẻ duy nhất trao cuộc sống
Cứ tưởng hổ báo tàn ác nhất
Chợt nhận ra lại là chính con người .

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

NGỌC HIỂU VIẾT BÌNH LUẬN

Lâu nay, đã nhiều thơ văn; lần này, thử đổi món sang...bình luận: Bài bình luận của Ngọc Hiểu đăng trên mục "Chào buổi sáng" của Báo Thanh Niên, ngày 17/7.



Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

VĂN QUANG Ở NƯỚC NGOÀI

Hình Văn Quang ở nước ngoài, mời các bạn coi thử có "xì ngầu" không nhé?



Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

TỰ NHIÊN

Thơ của BẢO THÚY

















Tự nhiên nỗi nhớ lại dềnh lên
Năm tháng cũ lại hiện về trong mắt.
Cho dẫu tháng năm có dần trôi mất,
Em vẫn là em: nguyên vẹn đến…không ngờ!

Người ta quên nhau để chẳng nhớ bao giờ,
Nhưng con sóng cứ hôn bờ, hôn mãi.
Đằng sau kia là những gì ngang trái,
Đâu thể dối lừa, đâu dễ nguôi quên.

Dòng sông ơi, bờ bãi đẹp dần lên.
Anh có thấy nước sông giờ trong vắt,
Anh có thấy khi nhìn sâu trong mắt:
Mới thật lòng mình: Em vẫn yêu anh?

Dòng sông ơi, sóng cứ chối loanh quanh,
Nhưng lại lén hôn bờ, hôn mãi…

Bảo Lộc, 3.8.1991.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

TẠI SAO KHÔNG?

Một trăn trở với nhân tình thế thái














TRƯƠNG VĂN LIN

"Với lòng nhân hậu và vị tha thì không có gi
là không thể không làm được"


Thì cũng giản đơn như cuộc sống vậy thôi
Tại sao không, sống với nhau bằng tình nghĩa
Tại sao không, chia sẻ nhau như những khi khốn khó
Kèn cựa cuối cùng có được gì đâu ?

Tại sao không nhớ nhau lúc nâng cốc, cạn ly
Mà cứ nhớ nhau lúc phê bình, kiểm điểm
Vạch lá tìm sâu, ngộ nhận mình trung thực
Cầm lá phiếu bầu, có nghe thẹn trong tâm.

Tại sao không thương nhau trong lúc lỡ lầm
Mà cứ tung huê nhau, khi hiển vinh, thành đạt
Một chén nước cho người trong sa mạc
Quý hơn nhiều ly bia, trong những bữa tiệc mừng.

Tại sao không nhường nhau khi bếp lửa chiều đông
Mà cứ tranh nhau, cơn gió nồm mát rượi
Dẫu gió của trời, vẫn muôn đời phóng khoáng
Có nhường cho nhau, cũng đâu mất mát gì.

Tại sao trên quãng đường nhiều người cùng đi,
Lại cứ mong có người vấp ngã
Cũng như trong cuộc đời nghiệt ngã
Cứ mong có người bất hạnh hơn mình.

Đơn giản như tôi,
buổi sáng chào bình minh
Buổi chiều chào hoàng hôn
Làm vài ly, đi ngủ.

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2009

CÕI LẶNG IM

Lâu quá nhà thơ Phạm Ánh mới gởi thơ cho Văn Đà Lạt 11














Anh về buồn với cỏ cây
Lặng soi gương nước lòng đầy trăng sao
Ngược dòng cổ tích ca dao
Đò đưa mấy chuyến tri giao một mình.

Thương ai lỡ vận phiêu linh
Bơ vơ cảnh cũ thất tình lên non
Nghìn năm bia đá cũng mòn
Em ơi một tấm lòng son sáng ngời.

Ai xui ai đến tìm người
Hình như để khóc để cười trong tim
Gió về trong cõi lặng im
Bóng ai lay động nỗi niềm nghìn thu.

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

ĐÀ LẠT XƯA QUA HỒI ỨC NHỮNG NGƯỜI LÀM VƯỜN

Thời gian đã qua đi không trở lại… Bây giờ vãn cảnh Đà Lạt trong không gian cổ tích sương giăng bảng lảng và cả trong sự phát triển đô thị theo guồng quay cuộc sống, đã đôi lần du khách vẫn tự vấn rằng: Đà Lạt hiện hữu, còn Đà Lạt trong giấc mơ xưa…?

Đà Lạt nước mênh mang, nước xanh rờn…

Đà Lạt xưa hoang vu, huyền bí. Đà Lạt nay như huyền thoại của hiện thực. “50 năm trước (1953) tôi đưa vợ và 6 đứa con từ Xiêng Khoảng – Lào trở về Việt Nam, nhưng không về quê ở Nghệ An mà tìm đường lên Đà Lạt cùng với 17 hộ khác” - cụ Hoàng Nghĩa Trân tự là Dần – 81 tuổi kể. Ông nói tiếp: “Tất cả mọi con đường đều rất nhỏ, len lỏi dưới cánh rừng thông, rừng dẻ. Từ đây toả về các ngả đều là rừng hết, hoang vu và xanh ngút ngàn. Buổi sáng sương mù mịt, nước lạnh cứng không thể thò tay được. Hồi đó đi đến đâu cũng thấy suối và hồ nước. Nước xanh rờn, sâu và đẹp lắm: Những vạt bông súng nở tím ngắt suốt chiều dài của những hồ nước, hầu hết những con suối nước màu xanh ngắt, cắm cây tre thật dài cũng chưa thấy đáy. Vào tháng 8, sương muối dày đặc. Mưa đá liên tục, mỗi lần mưa đá vừa dứt, ra xúc hàng thúng đá…”
Một vùng muông thú và chim chóc
“Hổ, nai, đỏ, heo, trăn, rắn, chim, gà rừng… nhiều quá trời”.
Cụ Lê Kế - 95 tuổi, hiện ở ấp Thái Phiên, phường 12 – thành phố Đà Lạt nhớ lại:
Tôi là một trong 17 hộ đầu tiên đến khai hoang lập ấp ở vùng Thái Phiên này. Hồi đó vùng này bạt ngàn rừng ngo, rừng dẻ, rừng dớn… những gốc ngo, gốc dẻ to mấy người ôm không xuể. Thú rừng rất nhiều. Tôi làm cái chòi ở trong, đêm đến cọp cứ đi bép bép ở ngoài. Cọp xứ này rất hiền, có lần cọp đi trước, tôi tưởng người nên cứ kêu hoài “chờ với” tôi chạy theo miết, đến sáng ra mới thấy đi trước mình là những dấu chân cọp to bằng nắm đấm người lớn. Tôi đã gặp cọp nhiều lần. Gặp “ổng” thì đừng có chọc, mà chỉ cần lấy cái cày quắt chóc chóc vào không khí, hoặc cầm cục đá “chó cữ thổ, hổ cữ thạch” mà. Hồi đó trăn, rắn, đỏ, thỏ, heo rừng, chim chóc, gà rừng… thứ gì cũng có. Ăn tối xong, nai, mang kêu dầm dầm, cọp đi vòng vòng ngoài chòi, nhưng không bao giờ vào chòi vồ người, hoặc bắt heo, gà trong chòi.
Người đi mở đất lập làng
Ông Nguyễn Xuân Bách – 76 tuổi bắt đầu câu chuyện của ông từ việc mới đây người dân ấp Thái Phiên đã xây dựng một ngôi đình thờ cụ Phan Văn Miễu, người đầu tiên đưa dân về Thái Phiên mở đất, lập làng. Ngoài việc suy tôn cụ Phan Văn Miễu là “Thành hoàng làng”. Đến nay các bậc cao niên ở Thái Phiên vẫn kể lại và nhắc nhở cho con cháu về lòng biết ơn đối với những người đã có công dẫn dắt những người nghèo khổ đến vùng đất này tìm đất sống. “Ngoài tấm lòng thương dân, cụ Phan Văn Miễu còn là một người yêu nước” – ông Nguyễn Xuân Bách khẳng định: “Vì cụ đã chọn chữ Thái Phiên là tên của một nhà yêu nước nổi tiếng để đặt cho ngôi làng mới này”.
Một người có cùng tâm huyết, cùng chí hướng với ông Phan Văn Miễu là ông Bát Kỳ… Sau đận Mậu Thân 68, Mỹ ném bom tan nát làng Phước Yên - huyện Quảng Điền - tỉnh Thừa Thiên Huế, ông bà Bát Kỳ dẫn nhau vào Thái Phiên khai khẩn đất đai, thấy vùng đất lành, ông bà đã trở về làng đỡ đần toàn bộ trẻ mồ côi làm con nuôi và 200 hộ người cùng làng quê nghèo đói vào đây sinh sống.
Những căn nhà mộc mạc bên những con đường đất đỏ
“45 năm trước (1957) tôi mang vợ con từ Sài Gòn lên Đà Lạt, cuốc sạch một đám cỏ sình, tôi cất một túp lều lá buông để ở - sình cỏ đó bây giờ là chợ Đà Lạt”. Bác Nguyễn Hữu Nam tự Tư Phong – 74 tuổi kể lại: Lúc đó Đà Lạt chỉ có vài chục biệt thự, dinh thự, còn nhà dân hầu hết làm bằng gỗ, vách đất, mái lợp lá buông. Mọi con đường đều bằng đất rất nhỏ xuyên qua những cánh rừng hoang vu, những đồi thông nối tiếp nhau đến bất tận. Đến năm 1963 – 1964 những con đường mới đổ đá cấp phối, khoảng năm 1966 – 1967 vùng Thái Phiên này mới có điện. Khoảng năm 1964 – 1965 một người dân là ông Chỉnh xây được một căn nhà, nổi tiếng đến mức vùng này đặt chết tên là “Chỉnh nhà lầu”. Hồi đó thích che chòi, che trái kiểu gì cũng được. Người đi mở đất vất vả lắm, hầu hết dân sống bằng nghề trồng la gim, ngày ngày gánh nước từ dưới hục lên tưới rau. Đến năm 1966, tôi mua được máy Bẹc Na tưới nước cho rau là mừng hung rồi. Mãi tận sau giải phóng người dân mới bắt đầu trồng hồng (ăn trái), atisô và hoa các loại để kinh doanh. Từ đây người dân có của ăn của để, nếu đủ đầu tư xây nhà cửa - hạ tầng cơ sở được nhà nước đầu tư nên thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
(Dalatnews)

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

CHIA BUỒN CÙNG BẠN HUỲNH THỊ SEN VÀ GIA ĐÌNH


TIN BUỒN:
Ban liên lạc xin được báo tin đến tất cả các bạn Cựu sinh viên Văn K11 Đại học Đà Lạt : Thân phụ bạn Huỳnh Thị Sen vừa từ trần vào sáng nay(12/5) tại Ninh Hòa- Khánh Hòa. Lễ viếng được tiến hành vào ngày mai (13/5). Lễ an táng được tiến hành vào ngày mốt (14/5). Xin được báo các bạn biết để chia buồn với bạn Sen và gia đình.
(ĐT bạn Sen đang sử dụng:0633.755.751)
LỜI CHIA BUỒN:
Được tin Thân phụ bạn Huỳnh Thị Sen vừa từ trần, Ban liên lạc Cựu sinh viên Văn K11 Đại học Đà Lạt xin chân thành gởi đến bạn và gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất.
BAN LIÊN LẠC

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

ĐIỀU KHÔNG THỂ NÓI

Được mùa truyện ngắn. Sáng tác mới của Huỳnh Thị Phượng ký danh Hoàng Phượng


Truyện ngắn của HOÀNG PHƯỢNG

Gần 40 tuổi, nàng đã từng đi qua một vài mối tình, nhưng chưa có mối tình nào bén duyên ở lại với nàng. Thuộc típ người lạc quan, nàng không lấy thế làm lo lắng, trong khi cha mẹ nàng thì lo ngay ngáy, sợ nàng làm bà cô suốt đời. Ngoài thời gian làm việc ở công sở, nàng dành thời gian đi thể dục thẩm mỹ, đi uống cà phê, nghe nhạc với bạn bè và lang thang trên internet. Nàng cảm thấy cuộc sống độc thân thật nhẹ nhàng, dễ chịu. Nghĩ tới mấy đứa bạn của cô bây giờ suốt ngày lo toan cơm áo gạo tiền, con cái tay bế, tay bồng; có đứa cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, hôm nay đánh đập, ngày mai dắt nhau ra toà trong cái nhìn ngây thơ của mấy đứa trẻ vô tội mà nàng thấy ngán ngẫm…Nàng không nói ra với ai cái sự ngán ngẫm của mình, nhưng nàng quyết tôn thờ chủ nghĩa độc thân.
Nhưng rồi cái quyết tâm của nàng cũng bị lung lay và bị phá vỡ khi nàng gặp anh, một người ban đầu chẳng có gì làm nàng chú ý. Anh cao, hơi gầy với màu da ngăm ngăm đen của sóng và gió, lại hơn nàng gần cả mười tuổi. Nhưng rồi nàng bắt đầu để ý đến anh qua cách anh nói chuyện. Nàng phát hiện ra một điểm rất đặc biệt ở anh, đó là sự dí dỏm, khôi hài. Ban đầu nàng ngạc nhiên, sau đó nàng bắt đầu thấy thích vì điều đó làm cho anh có cá tính và dễ gần.
Một lần gặp gỡ duy nhất, một lần bắt tay duy nhất, vậy mà khi trở về nhà trái tim khó tính của nàng bắt đầu nghĩ đến anh. Cũng may, nàng có số điện thoại của anh, trước lúc chia tay họ đã kịp trao đổi cho nhau. Nàng đắn đo không biết có nên gửi tin nhắn cho anh và bắt đầu tin nhắn như thế nào! Trong lúc do dự, nàng nhận được tin anh chúc nàng ngủ ngon. Nàng hạnh phúc đến lặng người, vì nàng biết đó là tín hiệu của sự quan tâm. Cứ thế tin đến, tin đi và theo thời gian nàng biết anh đã có gia đình. Vợ anh trong một lần tai biến, đã trở thành người bệnh suốt đời. Một tay anh vừa chăm sóc người vợ bệnh tật, vừa nuôi hai con nhỏ, vừa lo công tác xã hội. Nghĩ đến anh, nàng cảm thấy anh thật thiệt thòi, nhất là trong cuộc sống vợ chồng, vừa thầm cảm phục anh là người chồng, người cha tốt. Từ cảm phục, tôn trọng, nàng yêu anh lúc nào không biết. Nàng đau khổ nhận ra sự ngang trái trong tình cảm của mình. Thỉnh thoảng anh cũng thường nhắn tin, gọi điện hỏi thăm sức khỏe của nàng, động viên nàng như với một cô em gái. Nàng cũng giấu đi những tình cảm thật của mình khi đối diện với anh. Nỗi nhớ anh làm nàng gầy đi trông thấy. Anh phát hiện ra sự ốm đi của nàng và nàng thường chống chế do mình dạo này biếng ăn. Những lúc như thế anh thường nhắc nhở nàng như một người anh trai. Sự ân cần, chu đáo của anh càng làm cho nàng đau khổ. Vốn là người hay nói hay cười, thế mà nàng thay đổi và trở thành một người khác hẳn. Nàng hay ngồi một mình với ly cà phê đen và thả hồn vào những suy tư. Có lúc nàng uống rượu một mình. Nàng biết uống rượu không tốt cho sức khỏe, nhưng nó sẽ làm cho nỗi khổ tâm của nàng lắng xuống và đưa nàng vào giấc ngủ sâu hơn, êm dịu hơn.
Lần đầu tiên trong đời nàng biết thế nào là tương tư. Trước đây, nàng đã từng được yêu, từng yêu, nhưng chưa bao giờ có cảm xúc như yêu anh. Trong những cuộc tình đó, nàng không có cảm xúc day dứt, nàng được quyền nói yêu hay khước từ. Còn tình yêu với anh, đó là điều nàng không thể nói. Theo cảm nhận của nàng, dù không có một hạnh phúc trọn vẹn, nhưng anh đang có một gia đình theo đúng nghĩa của nó. Ở đó, anh đang là người chồng, người cha đầy trách nhiệm, nàng không thể vì yêu anh mà làm cuộc sống của anh, của những thành viên trong gia đình anh bị xáo trộn. Nàng nghĩ một mình nàng đau khổ đã đủ. Không biết bao giờ thời gian mới làm cho nàng nguôi ngoai, mới quên được anh, nhưng nàng nghĩ thời gian luôn là phương thuốc màu nhiệm giúp cho người ta chữa lành mọi vết thương lòng.
Nghĩ như vậy, nàng thấy lòng nhẹ lâng lâng như chút nắng xuân đang trải nhẹ trong vườn. Sau bao tháng ngày day dứt, nàng đã chọn cho mình một lối đi, mà nàng tin đó là lối đi đúng nhất, cả cho nàng và cho cả anh nữa.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

TRUYỆN NGẮN MI-NI

Lâu quá mới có một entruy gởi cho Văn Đà Lạt 11 của Trương Lin. Xin mời các bạn gởi cho nhiều nhiều...



TIỀN NHẶT
Truyện ngắn của MINH NHÃ

Nó thức dậy khi trong phòng không còn người nào, có lẽ tất cả đều đến thư viện, mùa thi mà. Bụng kẹp lép, túi trống rỗng, mấy chén cơm ký túc xá từ chiều hôm qua chắng bõ bèn gì với cái dạ dày sinh viên vốn chăm chỉ hơn cái đầu.
Trên đường đến thư viện, nó ước mơ một cái bánh mì, một ly cafe để yên tâm ôn bài đợi giờ cơm trưa. Hình như trời có mắt, bên vệ đường một tờ bạc năm nghìn đập vào mắt nó. Nhanh chóng tạt vào mộ quán cafe, điểm tâm sinh viên nó thoả mãn ước mơ của mình.
Ra khỏi quán, nó vừa di vừa huýt sáo bài “Chủ nhật tươi hồng”. Bỗng sau lưng nó có tiếng khóc trẻ con, rồi giọng hét gay gắt của phụ nữ:
- Tao gánh nước từ khuya đến giờ mới được năm ngàn, sai mày đi mua gạo mày quăng mất, trưa nay ăn gì hở con !
Nó cuối đầu bước nhanh, sau lưng tiếng khóc trẻ con đuổi theo.

ĐIỆN THOẠI
Truyện ngắn của MINH NHÃ

Anh rất dễ bị thức giấc. Một tiếng động khẽ trong đêm cũng làm anh tỉnh ngủ và khi đã tỉnh rồi thì rất khó ngủ lại. Vậy mà từ khi mắc được cái điện thoại riêng ở nhà, anh luôn bị quấy rầy.
Có khi hơn mười giờ đêm, điện thoại reng..reng...reng. Anh cầm máy, bên kia một giọng nhừa nhựa hơi men:
- Alô, Hùng hả ? Sơn đây mà, Hợp đồng ký xong chưa ?
- Anh nhầm máy rồi, đây không phải nhà anh Hùng.
- Rụp. Tiếng cắt máy bên kia phũ phàng.
Cũng có khi lịch sự hơn: “ Alô phải nhà chị Thuỷ không ?”.
- Không phải, chị nhầm máy.
- Vậy à, tôi xin lỗi. Cám ơn anh.
Và có rất nhiều lần như vậy. Có điều, những cú điện thoại đêm khuya thường báo những điều bất thường nên lúc nào anh cũng phải cầm máy và phải thức suốt cả đêm. Đêm nay cũng vậy, vợ đi công tác, vất vả lắm anh mới dỗ được thằng nhóc ngủ. Vừa chợp mắt, thì lại reng ...reng. Anh cầm máy, giọng đầu dây bên kia có vẻ hối hả:
- Có phải nhà con Lan, con Hương trọ học không ạ.
Đang bực mình, anh đáp đại: ừ phải.
- Anh báo dùm, mẹ nó đang cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, cám ơn.
- Anh chưa kịp thanh minh, thì bên kia đã cúp máy. Nằm với con anh thầm mong có điện thoại gọi lại, song chẳng nghe reng...reng. Thêm một đêm thức trắng.

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

VÀ NHỚ RA…


BẢO THÚY
Có một đồ ngốc nào đó cứ nằng năc đòi đi dạy, học đòi thôi mà cũng tại thích nữa chứ, rồi ân hận. Ân hận mà không bỏ được vì chẳng thể nào đi bán cà rem…
Cứ tưởng nhàn hóa ra là vất vả, chẳng còn kịp thở, chẳng có thời gian mà nhớ ra là mình đã học Văn, không viết lách và cũng không luôn nhớ ra mình là ai giữa cái chốn cuộc đời. Nghe thì buồn cười mà thật, thật đến đau lòng. Sáng vội vội vàng vàng đến lớp, chiều cũng tất bật đến lớp lúc thì dạy chính khóa, lúc dạy thêm ở trường khác, tối lại trung tâm rồi soạn bài, chấm bài…Cứ nghĩ nghề khác được thảnh thơi là tức đến phát điên và ghen tị. Vậy mà nó thành nghiệp, thành bệnh, không đến trường lại nhớ, không được dạy thì cứ nói nhảm một mình, bằng không thì hát, không đầu không đuôi chỉ cốt cho cơ miệng hoạt động.
Rồi đọc tất cả những gì của học trò và nhiễm luôn cái cách viết vụng về và dở dang như thế. Bây giờ thì thấm thía cái điều mà bạn mình từng viết:
“Nếu mà tôi có được một lời khuyên
Thì xin em hãy đừng theo nghiệp giáo…”
Lúc đó nghe mà tức, ngẫm ra bây giờ đúng thiệt! Người ta bảo không giải tỏa được thì phát bệnh còn nghiệp giáo muốn street cũng khó, bởi ngày nào cũng nói, cũng nhìn vào bài vở của học trò, nhớ như in từng nét chữ sau một bài kiểm tra một tiết, tài vậy đó nhưng mà nhớ chữ chứ nhớ người thật khó.

Rồi một ngày nghe lại giọng nói của bạn bè mới vỡ ra một điều: nếu lâu không nghe tiếng người thân cũng dễ quên dần theo năm tháng, dám ở lâu không được nghe tiếng người là quên luôn giọng nói! Sợ thật! Sợ nhất là tiếng con người cũng “già” theo năm tháng. Ừ mà tức cười, người ta nói, mặt người già đi cùng năm tháng, còn mình thì cảm nhận cả giọng nói của bạn mình cũng “xuống cấp” với thời gian: Nhỏ Phượng gọi từ Nha Trang, vẫn “điệu” vậy nhưng cũng đến tuổi rồi, anh Lin khàn khàn phảng phất một chút gì của cái thời xa lắc, anh Quang thì “nhão” cùng với rượu – là mình nghĩ thế, nếu sai chắc anh ấy cũng chẳng giận, mà giận thì làm gì được! Thế Hải cũng vậy qua cái cảm giác trong giọng nói của một người đứng tuổi, còn Bảo Long đã một lần mình tưởng tiếng học trò hay phụ huynh gì đó, bệnh nghề nghiệp mà. Dám chắc là chị Tùng Chinh hay chị Linh Thảo, chị Hảo (dạy cấp II ở Hà Nội 04.755.3765) hay là Thanh ở Lâm Hà cũng nghĩ như mình thôi. Lâu quá rồi chẳng thấy chị Chinh có bài mới, đọc cái cũ cho đỡ buồn và chờ cái mới mỏi mệt ghê, cũng biết chị Chinh đi dạy mà vẫn chờ…
Đọc của học trò hoài cũng chán, có một cái blog Văn 11 để đọc và nhớ cũng thích, chỉ có điều đứa nào cũng tất bật, viết lách thì “chán òm” mà vẫn muốn đọc, đọc để nhớ, đọc để hiểu là mình cần bạn bè đến độ nào, cần cái đám “dở dở ương ương” giúp mình thành một con người mà lúc nào nhớ lại cũng cứ tự hào “Văn 11”!
Mười mấy năm rồi mà câu chuyện về cái đám “Văn 11” vẫn như mới hôm qua, nhớ đấy rồi quên và lại nhớ bởi nó là kỉ niệm, là cái nơi mà mỗi lúc chán chường lắm lắm về trường lớp mỗi đứa lại có riêng một chỗ dựa tinh thần.
Và nhớ ra là mình cần mọi người, cần nơi để “trút” vào bất cứ cái gì có thể!
Cần một nơi để giải tỏa và chia sẻ…như “cái túi hồ lô khổng lồ” nhận mà không phản ứng!
Bảo Lộc, 25.3.2009
Bảo Thúy

VỀ BÀI THƠ “KHÔNG ĐỀ” CỦA MINH NHÃ

Tặng anh Lin,
Nếu có gì chưa thật hiểu lòng tác giả bài thơ thì xin anh lượng thứ.
Mong được đọc nhiều hơn như thế!

BẢO THÚY



Không đề
Một thoáng tha phương,
Nửa tỉnh nửa say. Nhập nhoà ký ức.
Anh nhớ hình như đã gặp em ở đâu.
Không phải trong dân ca, em qua cầu trao áo,
Không phải trong ca dao, em đưa tay ngắt ngọn rau ngò,
Càng không phải trong thơ,
Để anh nhét vội bài thơ tình vào trong cặp sách.
Vậy mà Anh đã gặp,
Em dịu hiền như thể người thân
Tay nâng ly mời mọc ân cần
Cũn cỡn áo xiêm, lả lơi tiếng hát
Anh nghe trong câu ca, tiếng cá vẫy nước ròng.
Anh lang thang khắp miệt đồng bằng.
Anh mộng du tên núi, tên sông,
Anh chiêm bao, gió nội hương đồng
Nghe trong khăn tay, bùn non thơm ngọt;
Và trong ly bia mặn rất nhiều nước mắt
Em khóc phận mình. Anh khóc đời anh.
Uống nỗi buồn, bia đá lạnh tanh.
Là anh hay là em tồn tại trong “Không đề” của Minh Nhã?
Người đọc sẽ phải hỏi chính mình vì người viết những câu “Không đề” này “Nửa tỉnh nửa say. Nhập nhoà ký ức”.
Người đàn ông khi say lại thật hơn thì phải? Và nhớ cũng từ cái “nửa tỉnh nửa say” đó nên quen lắm, quen mà không nhớ vì nhớ ra thì có lẽ cũng không viết được thế này. Chẳng biết có đúng không nhưng bất kì ai cũng có thể “nửa tin nửa ngờ” như thế. Anh đâu dại gì mà xác nhận là quen bởi quen thì có nghĩa là cũng đã từng thân lắm, mà thân thì…
Một ai đó đã bảo: thơ là tiếng nói của tâm hồn, vậy thì có lẽ là người viết những câu thơ này đã nói thật, thật với chính mình, thật cả với em. Phút thật lòng đã làm nên câu chữ, bài thơ ngắn thôi nhưng tòan là những từ ngữ đầy cảm giác, của cảm giác và lẫn lộn, chen lấn tất cả những gì tồn tại trong kí ức của anh. “Hình như đã gặp em ở đâu…”Chết thật, thế này thì còn trốn vào đâu được, hai chữ “hình như” không phải là nửa nhớ nửa quên của cảm giác mà là sự thật: gặp rồi, quen lắm! Câu thơ là một lời khẳng định bởi những câu sau đã khẳng định rõ ràng:
Không phải trong dân ca, em qua cầu trao áo,
Không phải trong ca dao, em đưa tay ngắt ngọn rau ngò,
Càng không phải trong thơ,
Để anh nhét vội bài thơ tình vào trong cặp sách.
Đến đây thì người đọc đã có thể hiểu một chút gì từ người viết: cái nghiệp văn chương đầy người đã làm anh dễ cảm, dễ thương, dễ động lòng trước tất cả những đớn đau của số phận. Những người con gái đó là quen bởi “Anh nghe trong câu ca, tiếng cá vẫy nước ròng” thế thì nỗi cảm thông cũng bắt đầu từ đó. Chàng Minh Nhã cũng từng lang thang nơi đồng ruộng phải chạnh lòng trước một câu hát của miệt quê. Thế là phải sẻ chia, đồng cảm vì con người ta gặp nhau từ ruộng đồng với tháng năm vất vả. Câu thơ là tiếng lòng, là sự cảm thông. Tưởng chỉ đơn giản là chia một chút xót xa của cái “kiếp cầm ca” mà không phải anh chia với người con gái đó cả nỗi đau quặn lòng vì nhớ miệt vườn, nhớ con nước ròng, nhớ con cá quẫy…như kiếp người cũng muốn quẫy lên mà không được. Và anh nhớ, nỗi nhớ đồng quê, nỗi nhớ từ những con người tháng năm tần tảo với “gió nội hương đồng”, với “bùn non thơm ngọt”, phải chăng cái ngọt ngào từ tiếng hát của người con gái kia nhắc anh mùi vị của ruộng đồng? Hay chính nỗi cảm thông từ tiếng hát day dứt, từ nỗi nhớ mà anh cũng quặn thắt nhớ thương
Người ta cứ nói một cách tự nhiên với nhau những câu rất thật của lòng mình khi “nửa tỉnh nửa say” như thế và phần kết của câu chuyện là những lời rất thật:
Và trong ly bia mặn rất nhiều nước mắt
Em khóc phận mình. Anh khóc đời anh.
Uống nỗi buồn, bia đá lạnh tanh.
Bây giờ thì là say hay là tỉnh? Người ta không thể nghĩ là anh khóc vì say vì câu thơ tỉnh táo quá, tỉnh táo dể cảm nhận được cái vị mặn đắng của những giọt nước mắt chảy ngược vào li bia thơm mát. Tỉnh để anh nhận ra là mình khóc, khóc vì một câu hát hay vì một kiếp người, vì nỗi nhớ? Chỉ biết rằng anh khóc và thông cảm và chính xác hơn là “Em khóc phận mình. Anh khóc đời anh”. Người đàn ông trong anh cảm nhận rõ lắm: một bên là thân phận, một bên là cuộc đời. Cái cách chọn từ ngữ như thế là tỉnh táo, tỉnh táo và sáng suốt để cảm nhận nỗi đau từ cuộc đời và nỗi đau thân phận. Chắc chắn rằng: đã tỉnh táo thì câu thơ này phải được viết bằng lí trí, lí trí của một “cái thằng tôi” hiểu sự, hiểu đời mà lại dễ chạnh lòng trước mỗi cuộc đời và số phận. Vậy thì, chắc rằng bài thơ này là một cách lí giải rõ về hai chữ “Không đề”, không có nhan đề bởi nó là cảm hứng từ mỗi thân phận, mỗi cuộc đời và bất chợt đi vào kí ức. Hi vọng rằng: sẽ có nhiều hơn những “Không đề” như thế, tương tự thế từ người viết những câu thơ nặng lòng kia, để trong những trang viết của anh có cả một thế giới nghệ thuật của nỗi lòng và tâm sự. Bài thơ không chỉ dừng lại ở nỗi đau với một con người mà nhiều hơn, nó là nỗi đau của cuộc đời, là sự cảm thông cho những con người đi ngang qua mỗi một tâm hồn “Văn 11”. Nếu là như thế thì đã rõ một điều khi anh
Uống nỗi buồn, bia đá lạnh tanh.
Là uống vào đó tất cả cái nỗi buồn của cuộc sống để phần đời trước mặt không còn những nỗi buồn và rõ ràng là đằng sau câu chữ, đằng sau cái lạnh tanh của bia đá cuộc đời là một tấm lòng, một ngọn lửa đủ sưởi cho tất cả mọi mảnh đời ấm lên vì tình người, nhỏ thôi mà rất nóng. Nói như Bertolt Brecht “Làm sao mà nghệ thuật có thể làm xúc động được con người nếu như bản thân nó không xúc động trước số phận của con người”? Với giọng thơ nhẹ nhàng của một lời kể chuyện, câu chuyện thường tình mà người đọc vẫn có thể nhận ra nhiều vấn đề về thân phận con người với nỗi khắc khoải, nỗi đau của người viết.
Những cái khắc khoải đó đi vào câu chữ từ tấm lòng nhân hậu đầy trắc ẩn của một thành viên “Văn 11” rồi bày ra đó những mảnh đời nghiệt ngã, những thân phận con người buộc tất cả mọi người phải cảm thông và chia sẻ…
Đọc “Không đề” là đọc những điều như thế, tan chảy ra theo cảm xúc của người viết bài thơ để đi đến tận cùng mỗi thân phận con người mà đồng cảm, xót xa, chia sẻ… Bài thơ nặng trĩu và nhức nhối vấn đề nhân sinh của con người do đó dẫu li bia kia có “hoang lạnh” thì nỗi đau với con người vẫn đủ làm bài thơ thật nhiều ý nghĩa.
Đêm 25.3.2009
Bảo Thúy

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

THẦY SƠN VÀ THẦY PHONG

Hình cũ Thầy Sơn và Thầy Phong với các nhân vật trong lớp ta Thầy Sơn và nhóm thực tập ở Sài GònThầy Phong và Hồng Nga ở lễ bảo vệ luận văn

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

CHÚC MỪNG CHỊ EM NHÂN NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Chúc Chị em Cựu sinh viên Văn K11: Xinh đẹp, hạnh phúc- Chung thủy với chồng con, sắt son cùng bồ bịch!

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2009

VANLENTINE 2009, ĐỌC "NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI QUA ĐỜI TÔI" VÀ "KHÔNG ĐỀ" CỦA VĂN QUANG

Thạc sĩ Bảo Thúy từ Bảo Lộc bình 2 bài thơ làm sau phen mất trộm của Văn Quang hồi năm ngoái

Bảo Thúy


Có những mảnh đời đi qua nhau, khát như mùa hạ khát khao từng giọt sống và yên lặng…Thế đấy, người ta sẽ nhận ra một nỗi niềm, một chút đắng của tình người từ câu thơ của anh. Thân phận những người phụ nữ bé nhỏ, mỏng manh hơn từ mỗi số phận, mỗi cuộc đời…mà làm nên “Người đàn bà đi qua đời tôi” và những câu thơ đau đớn ở “Không đề”
Người đàn bà đi qua đời tôi
Đêm chồng vợ nhớ về thời con gái
Mảnh trăng khuyết kẻ vô tình trộm hái
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may

Ghé ngang qua cuộc đời một con người, bạn sẽ cảm nhận được tất cả những đắng cay và hạnh phúc của cuộc đời. Người đàn bà đi qua đời tôi có lẽ cũng có được cái niềm hạnh phúc ấy: Dẫu có vị chát của cuộc sống thì chính tại nơi ấy nhiều hơn vị ngọt của cuộc đời. Đọc câu thơ của anh, người đọc sẽ nhận ra một chút lòng thành, nuối tiếc, một chút bao dung và từng trải bởi
Người đàn bà đi qua đời tôi
Đêm chồng vợ nhớ về thời con gái
Mảnh trăng khuyết kẻ vô tình trộm hái
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may

Người ta đến với nhau bằng sự đồng điệu của tâm hồn, bằng khát khao được sống. Người ta hiểu nhau hơn, dễ dãi với nhau hơn khi một người nuối tiếc quãng thời gian đã qua của cuộc đời. Câu thơ là tâm sự, là tấm lòng của một người đàn ông đã “qua cái dốc bên kia của cuộc đời”, gặp anh ngoài cuộc sống, dễ mấy ai nghĩ rằng câu thơ kia lại có được từ anh? Âý vậy mà sự thấu hiểu lại bắt đầu từ đó! Người ta có thể sống chỉ cho mình, có thể sống chỉ vì mình nhưng tận đáy sâu của tâm hồn vẫn là một chút gì cho cuộc sống, cho những người đi ngang qua đời mình, tồn tại bên cạnh mình dẫu chỉ là giây phút. Cái tình người bé nhỏ, mỏng tang, tưởng khó có thể mà tồn tại lại làm nên những câu thơ thấu hiểu lòng người đến thế.
Có lẽ, với anh, khi anh cảm nhận:
Người con gái đi qua đời tôi
Ngang qua đêm rồi trở thành thiếu phụ
Chợt nghe câu hát cũ
Người đàn bà đi qua đời tôi...

thì không chỉ là cái day dứt của một người với một người có một phút thật gần mà đó là cái nặng lòng ngậm ngùi, tiếc nuối…cái thấu hiểu, sẻ chia cho cả một kiếp người.
Người đàn bà đi qua đời tôi...
câu hát vô tình mà day dứt, đi qua nhưng không thể qua đường mà đi qua cả một cuộc đời.
Trong dòng sông của một đời người, người ta có thể nhớ những khúc sông lắm ghềnh lắm thác nhưng đoạn êm đềm có mấy ai phải trăn trở, quan tâm? Câu thơ nhẹ lắm Người đàn bà đi qua đời tôi...rõ là cái nhẹ của một đoạn đường đời thoáng qua trong chốc lát, người đàn bà đó đến và đi tự nhiên như qui luật của cuộc đời…Thế mà phải nhớ, phải day dứt, trăn trở bởi một nỗi đau từ sự thật Khi em mượn một người đàn ông làm đám cưới. Đau là biết mà phải đành câm lặng, cho nên
Trong hạnh phúc vẫn thấy mình cô đơn
Khi em mượn một người đàn ông làm đám cưới
Đã lâu rồi ta quên nhóm củi
Nên lửa đâu mà sưởi một tình người.

Quả là muốn cười mà phải khóc, khóc mà không thể, nên nó đau đến tận cùng, đau đến không còn đủ sức mà nhóm củi lên cho lòng mình ấm lại. Và đến khi cố quên đi thì lòng người phải nhớ. Vỏn vẹn 4 câu thơ mà có thể nhận ra cả một câu chuyện cuộc đời mang chất giọng của một bộ tiểu thuyết thật dài. Bởi nỗi đau đó của lòng người là nỗi đau của một chuyện tình dang dở, một nỗi đau muốn quên mà phải nhớ, nó vật vã tự lòng người và đủ sức thương cảm cho cả một cuộc đời.
Đằng sau những câu thơ không đề ấy không phải một mà là hai số phận, hai mảnh đời “bị thương” và đau đớn: Một người đàn bà vì yêu mà đành lòng chắp vá, một người đàn ông hạnh phúc trong tâm hồn nguội lạnh bởi tình yêu. Song điều đáng quí nhất là người đàn ông đó là đau mà hi sinh và chấp nhận.
Người ta lại đi qua đời nhau trong bể dâu trăm nỗi của cuộc đời, nếu có một lúc nào đó người ta giành cho nhau những phút giây nhỏ nhoi như thế để cảm thông và chia sẻ thì có lẽ cuộc đời này sẽ còn có rất nhiều những điều tốt đẹp. Đọc “Người đàn bà đi qua đời tôi”“Không đề”, hi vọng rằng: mỗi người sẽ có thêm một chút gì cho nhau từ cuộc sống. Cuộc đời này sẽ đẹp hơn từ những mảnh vỡ của cuộc đời, sẽ đẹp hơn từ những câu thơ tưởng rất vô tình mà ấm lòng bất kì người nào vô tình được đọc!
Bảo Lộc, 14.2.2009

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2009

LỜI MỜI HỌP MẶT CỦA NGUYỄN VĂN BÌNH

Ngày 24/2 Nguyễn Văn Bình (Bình đại úy)mail từ Kon Tum cho Văn Đà Lạt lời mời họp mặt

Nhân dịp Lễ 30-4 nay, Bình (Đại uý) mời tất cả các bạn lớp Văn K11 (cả gia đình) tập trung về Đà Lạt để họp lớp nhân 18 năm ngày ra trường. Lễ 30-4 năm nay là thứ 5, những bạn nào là công chức nhà nước sẽ xin phép cơ quan nghĩ thêm ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật đương nhiên là ngày nghỉ hàng tuần. Trừ 2 ngày đi và về, cả lớp sẽ có 2 ngày bên nhau.
Nội dung, chương trình và mọi điều kiện cần thiết khác đảm bảo cho lễ gặp mặt diễn ra an toàn, thiết thực và tiết kiệm, Bình sẽ bàn với một số bạn ở Đà Lạt, Phú Yên, Nha Trang để thống nhất và sẽ thông báo cho các bạn biết (nếu đề xuất này được đa số các bạn chấp nhận).
Nguyễn Văn Bình