Thứ Ba, 27 tháng 5, 2008

VỊN THƠ…ĐI TỚI



Tản văn của
NGUYỄN NGỌC HIỂU

Tặng vợ chồng anh Ánh và các bạn Văn k11 ĐH Đà Lạt

Đầu năm 1, ban cán sự lớp đi gom sơ yếu lý lịch, phải cười bật ngữa, khi thấy một tờ khai: “Tôi sinh ra ở một ngôi làng miền Trung, nhà tôi bị cháy đi cháy lại nhiều lần do giặc càn quét”. Tra ra, nhân vật “thơ hoá” lý lịch đó là Phạm Ánh, chuyển qua từ lớp dự bị. Anh còn gây chú ý vì cụt một chân,nách bên chân cụt kẹp một cái nạn tre, còn cái tay rảnh bên kia thường xuyên bốc khói với một điếu thuốc rê tổ bố.
Hoá ra, anh là nhà thơ …thứ thiệt. Sáng tác chép đầy cả mấy cuốn sổ tay. Anh thường bỏ học ra đồi Cù (hồi đó chưa bị làm sân gol), ngồi dưới gốc thông nhả khói lên trời …làm thơ. Ban cán sự hỏi chuyện nghỉ học, anh nói giọng Phù Cát (Bình Định) nặng khẹt:“Phải nghĩ một chút, nghe quài… đau cái đàu”
Mấy đứa nhớ thơ anh: “Anh vẫn biết tình yêu không có tuổi- Xin em đừng hắt hủi tủi lòng anh..”,có bữa, rãnh quá, vây lại tra: Ông thương thầm con nào, nói thiệt đi, đi tán… chớ làm thơ không ăn đâu. Anh chối như trẻ nhỏ ăn vụng : “Làm thơ thớ thâu, chớ con nào ưng đâu, mệt quá…”
Rồi có đứa đố: “Ông nào biết ai chơi sang nhất lớp mình, nói đúng, đòi gì tui cũng chung”. Báo hại cả bọn bóp trán nghĩ nát nước: Đói chết mẹ, mà cứ lo quần lo áo, thì sang nhất là đứa con gái, chớ ai vô. Nhưng đáp án làm cả bọn chưng hửng: “Ông Ánh!...hôm qua, ra Hoà Bình mua dép mới, quăng ngay một chiếc xuống hồ Xuân Hương, chỉ mang về một chiếc thôi, chơi thế mới là sang số một”
Suốt 4 năm đại học, Phạm Ánh chỉ có một cuốn tập duy nhất chép bài giảng và thơ xen kẽ với 4 chữ ngoài bìa rất ấn tượng: “ Phạm Ánh toàn tập”. Đề từ cho “toàn tập” ấy ở trang đầu còn dữ dội hơn : “Sương gió cuộc đời không làm bạc nổi một cọng râu của tao”. Rất khinh bạc nhưng sao phải gồng lên như vậy? Rõ ràng, anh đã có một dự cảm âu lo.
Hồi ấy, lớp tôi có 38 người chia đều ra 19 nam- 19 nữ. Bọn con trai gắn bó nhau đến mức “Ăn chung một mâm, ngủ chung một giường, yêu chung một cô”, chia nhau từng chút thuốc rê, kem đánh răng, xà phòng dầu dừa…,đến kỳ nhận học bỗng, kéo ra đồi Cù đá bóng. Ai đỗ đại học năm đầu xếp vào đội trẻ, anh nào qua dự bị hoặc thi 2,3 lần xếp vào đội già. Đội thua phải chung cho đội thắng một chầu đến… ngất ngư. 19 chia 2 thừa ra một người khá hợp lý là “nhà thơ Phạm Ánh”. Hợp lý là bởi phải có người vừa giám sát trận đấu, vừa làm khán giả hò hét, vừa gom quần áo dùm cho cầu thủ.
Vào đời, chúng tôi mới nhận ra, cái sự thừa ra hợp lý ấy, trở thành khiếm khuyết lớn nhất trong đội hình của mình. Lần lượt ai cũng có công ăn việc làm. Chỉ mỗi Phạm Ánh thất nghiệp, phải về ở quê nhà với em trai với mẹ già. Và, tiếp tục làm thơ.
Năm tháng đi như gió thổi. Trong những cuộc rượu hội ngộ, bạn bè đều chạnh lòng khi nhắc đến anh. Cả bọn bàn sẽ gom thơ anh in một tập. Rồi thì đưa ra “nghị quyết” nếu đứa nào làm trưởng một cơ quan dù cấp nào, phải nhận anh vào làm văn thư hay thường trực gì đó. Chúng tôi sợ sẽ mất Phạm Ánh nếu anh không làm thơ nữa.
Thế rồi, thơ chưa kịp in, cũng chưa có đứa nào thành sếp, thì thật tuyệt vời, anh báo tin lấy vợ. Anh đã vào làm ở cơ sở khuyết tật Nguyễn Nga (Qui Nhơn) và gặp vợ anh cùng cảnh ngộ ở đấy. Bạn bè tôi từ Đà Lạt tụ về Tuy Hoà chất đầy nghẹt một xe chạy ra Phù Cát, rồi chạy vào Qui Nhơn. Đám cưới anh tổ chức ở cả hai nơi, có sự giúp đỡ của Hội những người khuyết tật, thật tưng bừng và cảm động.
Cưới vợ xong, anh in tập thơ đầu tay ( chẳng cần chúng tôi giúp như dự tính). Mừng hơn, đầu năm nay, anh được nhận vào làm ở Hội Văn học nghệ thuật Bình Định. Bạn bè hay tin có đứa bình luận: “Đúng 15 năm sau ngày ra trường, Phạm Ánh đã đặt một chân ( thật sự một chân) vào cơ quan nhà nước”
Trên tập thơ anh, ông hoạ sĩ nào đó vẽ hình người chống nạn, bóng cái nạn đổ dài xuống như những nấc thang hay một cây cầu mà con người ta phải đi qua đó vậy. Tôi nghĩ anh đã đi qua đó, không chỉ nhờ chiếc nạn gỗ mà nhờ cả thơ và tình yêu. “Tôi không may số phận tật nguyền- Đôi tay nhỏ xin làm đôi chân bước- Bao lo toan giữa cuộc đời xuôi ngược- Một chút tình người cũng hoá linh đơn”. Và linh đơn thần diệu nhất là tình yêu của chị Tuyết dành cho anh: “Năm tháng vươn lên từ đôi nạn gỗ- Thấp thoáng tiếng cười bên vạt áo em đan”
Thơ ca có nhiều chức năng cao đẹp, sách lý luận văn học viết vậy và chúng tôi đã học như thế, nhưng kính thưa cuộc đời, với chúng tôi, thơ ca còn là sự cứu chuộc con người qua khổ nạn, như Phạm Ánh đã vịn thơ mà đi tới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét