Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

TẢN MẠN VỚI THƠ VĂN 11

Ngày xuân, thạc sĩ Bảo Thúy bình thơ bạn bè.

Không thể lí giải cho câu hỏi tại sao do chính mình đặt ra vì nó đến tự nhiên như thể là qui luật tất yếu của sự vận động trong tâm tưởng.
Mỗi lần đọc Văn 11 là lại như tìm thấy ở đó một chút gì của chính mình. Lâu lâu không đọc cũng thấy nhớ, thấy thiêu thiếu một cái gì đó vậy.
Và mỗi lần có một chút ngổn ngang từ cuộc sống làm ta chạnh lòng thì câu chữ từ Văn 11 lại góp phần chia sẻ.
Chị Tùng Chinh mang những chiếc mặt nạ ra giữa cuộc đời mà soi chiếu, luận bàn:
Những chiếc mặt nạ giờ đây trong suốt, siêu hình
Như anh trưởng phòng ăn xén quỹ tiền công
Với chiếc mặt nạ, anh tươi cười trung thực
Thủ trưởng một cơ quan ôm cô nhân viên ngủ mơ màng
Có mặt nạ, ông ta sẽ họp hành tử tế
Còn người đàn bà ngoại tình nhiều lần
Chiếc mặt nạ giúp chị làm tròn vai người vợ đảm đang
Nhà văn kia muốn biết nhiều câu chuyện buồn trên thế giới
Anh ta cần nhiều chiếc mặt nạ để quan sát cuộc sống muôn màu…
Vậy là có nhiều chiếc mặt nạ trong một đời người
Cũng như rất nhiều người phải dùng đến mặt nạ
Những chiếc mặt nạ trong suốt, siêu hình

đọc mà thích vì cuộc sống quanh ta cũng có nhiều người sống bằng mặt nạ mà sao ta không thể viết thành câu chữ, đọc và thấm thía, thấm thía “cái mặt nạ trong một đời người” và “Những chiếc mặt nạ trong suốt, siêu hình” làm người ta cứ tưởng nhầm “thánh thiện”.
Hay với anh Lin là “Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn”.
Đúng, khi không thể buồn hơn, người đàn ông còn có thể
“dạo xe vòng quanh qua phố
Tạt vào quán cafe, nghe một bản nhạc buồn”,
hay
“Có những đêm buồn, như không thể buồn hơn,
Tôi rót rượu, một mình ngồi uống.
Vợ cằn nhằn, ông uống như thằng nghiện
Tôi cười bâng quơ, tại rượu nó nghiện mình.”

ừ mà tức cười thật, “tại rượu nó nghiện mình” chứ bộ. Nghe ra cũng có lí, cái lí của một người thích cười với cuộc đời, cười với những khổ đau đến từ cuộc sống mà anh nhận thức rõ: “Đời còn có những lúc buồn”. Như thế là mượn rượu giải sầu, mượn rượu để làm vơi đi một chút buồn của cuộc đời vốn rất nhiều vất vả, đọc câu thơ của anh mà ghen tị vì mình không biết uống để giải sầu. Nhưng có lẽ những câu thơ của anh thì không thể là kết quả của những lần “mượn rượu giải sầu” như thế, vì nó tỉnh táo quá, tỉnh táo để nhận ra : “Đời còn có những lúc buồn”, đã nhận ra thì chắc chắn là phải tỉnh táo, tỉnh táo để nhớ về quá khứ, nhớ về những năm tháng ở giảng đường :

“Quyển giáo trình hai đứa học chung
Em thường trách anh học chẳng tập trung
Anh chống chế, em dề thương đến thế
Anh nhớ em, đêm hội trại bập bùng ánh lửa
Anh say em trong men rượu say nồng
Tiếng đàn hoà tiếng hát mông lung
Mai xa cách thành vết hằn kỷ niệm
Anh nhớ em, nhớ Đà Lạt hoàng hôn nhuộm tím
Ta bên nhau, không giấu nổi lo âu
Ngày mai sẽ về đâu,
Tình yêu như bọt bể.”

Hay tỉnh táo để chúc mừng Ngọc Hiểu:
Tối nay, ta rót rượu mời ... riêng ta
Ly này mừng được làm cha
Của thằng Cu Nhóc, khà khà... sướng không

chắc chắn là tỉnh táo lắm để nhắc nhở bạn mình về vai trò và trách nhiệm:
Thôi từ nay cố làm ăn
Kéo cày kiếm lúa nuôi thằng con trai.

Và đặc biệt là kết thúc những lời chú mừng bạn thì anh trở về đúng nghĩa “Trương Lin” thật khéo léo:
Viết thay cho chú hơi dài
Chú trả nhuận bút mấy chai gọi là.

Như thế là thật, thật mà không ai có thể giận vì anh đang nói hộ cho niềm vui của bạn và khẳng định có biết bao nhiêu bạn bè cũng muốn nâng ly chúc mừng bạn dù là trong tưởng tượng!
Đọc Trương Lin là thấy một góc Văn 11, là thấy một tấm lòng rất thật của miệt Tuy Hòa không lẫn vào đâu được, mà trộm nghĩ rằng anh “chinh phục” được “chị nhà” có lẽ bởi cũng bắt đầu từ những gì thành thật như thế.
Còn đọc Văn Quang là đọc và suy ngẫm: Có được bao nhiêu lần trong cuộc đời này bạn sống thật nhất với lòng mình? Câu hỏi dễ lắm nhưng mấy người trải lòng ra thênh thang như thế? Vậy mà bạn đang nghe một lời thành thật với chính mình “Ta đang đến gần hơn để làm một con người”. “Gần hơn” chứ chưa phải làm một con người đúng nghĩa, trăn trở và người nghe có thể sẽ tin hơn, dễ chịu hơn vì nó đúng với tâm trạng của mình. Đọc anh Quang là thấy một nỗi niềm, một lời trần tình của rất nhiều tâm trạng:
Loay hoay mãi ở cuộc đời vật vã
Ta nhận ra ta giữa chốn người
những “loay hoay”, “vật vã” ở cuộc đời làm người ta dễ quên đi tất cả, quên đi chính bản thân mình để bươn chải với dòng đời xuôi ngược, ấy thế mà anh lại nhớ, lại tự nhận thức rõ ràng, rành mạch:
“Ta nhận ra ta giữa chốn người”
Nhận ra để bất cứ lúc nào con người ta cũng có thể nhớ về qúa khứ, nhớ về một thuở đẹp nhất của cuộc đời để mà sống, mà hi vọng như Phạm Ánh :
"Nhớ thương thấp thoáng bên đồi
Không dưng sóng sánh đất trời trong nhau’’


Lãng mạn nhưng đấy là duyên nợ cuộc đời, duyên nợ của cái nghiệp văn chương mà mỗi một thành viên Văn 11 cứ nghĩ mà chưa thể thành lời. Người ta có thể sống mà không cần quá khứ nhưng quá khứ vẫn đong đầy kỉ niệm, đong đầy nỗi nhớ vì nó đẹp cả trong những nỗi đau, trong những dại khờ cái thuở ngây ngô của đời người như anh Lin khẳng định:
Ngày mai sẽ về đâu,
Tình yêu như bọt bể

Thế đấy, chẳng phải là một mà có lẽ là cả 36 thành viên từ Văn 11 cũng ngổn ngang như thế, có người thì viết thành câu chữ, có kẻ « dằn vặt » mãi mà không thể nào quên đi quá khứ mà không thể thành lời...tất cả vẫn cứ thành kỉ niệm, thành nỗi nhớ trong nhau, thành « hành trang » cho mỗi thành viên sống tiếp với cuộc đời, và chắc chắn rằng những lúc buồn vui nhất người ta phải nhớ, phải nghĩ về nó như một qui luật tất yếu của cuộc sống vốn rất nhiều những nỗi đa đoan !
Bảo Lộc, 10.2.2010

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

CHÚC TẾT CANH DẦN



CHÚC CÁC BẠN CỰU SINH VIÊN VĂN ĐÀ LẠT K11 CÙNG GIA ĐÌNH NĂM MỚI:
MAY MẮN- AN LẠC- PHÁT TÀI- HẠNH PHÚC!

BAN LIÊN LẠC

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

MỘT CHÚT MÙA XUÂN

BẢO THÚY
Cảm xúc trước xuân về của cô giáo ở B'Lao



Một chút lạnh đầu đông, đâu đó trên từng góc phố những chiếc áo ấm sặc sỡ thấp thoáng ẩn hiện, áo len học trò nhiều hơn trong mỗi ngày đến lớp. Mùa đông lại về…
Hôm qua Bảo Lộc với những ngày Nôel thoáng lạnh, thế mà sáng nay mùa xuân đã tràn về.
Xuân về trên môi cười bè bạn, xuân về trong ánh mắt mỗi người, xuân về trên từng góc phố Bảo Lộc thân thương. Và sáng nay, mùa xuân vừa ghé vào trường THPT Bảo Lộc.
Cả thầy cô, cả học sinh rạo rực đón xuân về, ai đó vừa cất lên câu hát “Em ơi mùa xuân đến rồi đó, xúc động lòng ta trước cuộc đời!”. Mà xúc động hơn là những cô cậu học trò cuối cấp vì chỉ còn mấy tháng nữa thôi là rời xa mái trường, rời xa thầy cô, rời xa mười hai năm đèn sách. Biết bao điều muốn nói, biết bao lời muốn viết, ấy vậy mà cứ ngây ngô không thể thành lời…
Dù mai chưa nở nhưng cây cối đang đâm chồi nảy lộc, Bảo Lộc đã rộn ràng trong sức sống mùa xuân, lòng người cũng đang ở vào khoảnh khắc giao cảm mãnh liệt nhất với cuộc đời.
Thế đó, mùa xuân lại về, lòng học trò rạo rực với mùa xuân.
Có một ai vừa đi ngang trường mà lòng như ngổn ngang trăm mối. Một chút thôi cũng đủ để lòng người ấm áp.
Vẫn có một ai mắc nợ với cuộc đời, mắc nợ với Webblog Văn 11 mà hẹn hoài chưa trả, đừng trách, đừng giận hờn vì những tất bật của đời thường cứ kéo về ngang lối, dẫu muốn mà chưa thể thành lời.
Cứ đổ lỗi cho mùa xuân vì mải vui mà quên đi nhiều việc, người ta sẽ nhẹ lòng hơn cho mỗi lãng quên trong cuộc sống hàng ngày…
Bảo Lộc, 1.1.2010 – 8.2.2010

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

MỘT LOÀI HOA MÙA XUÂN ĐÀ LẠT


Mọi người lo ăn tết, chẳng có ai gởi gì cho Văn Đà Lạt 11 cả. Đành post một bài tư liệu vậy

Nói về một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, người ta hay nói đến dã quỳ. Nhưng dã quỳ không chỉ riêng ở Đà Lạt mà hình như có mặt khắp Tây Nguyên. Từ Kon Tum đến Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông…nơi nào cũng có chứ đâu riêng gì Đà Lạt - Lâm Đồng ! Còn Mai Anh Đào là một loài hoa của Đà Lạt và chỉ có ở Đà Lạt, nhưng Mai Anh Đào nở hoa vào cuối tháng 12, và đến tết dương lịch là hết. Chỉ có một loại hoa duy nhất, tập trung ở thành phố Đà Lạt (không địa phương nào có), nở từ cuối mùa đông năm này sang đến mùa xuân năm sau, tạo nên một nét riêng cho Đà Lạt là Mimosa. Cho nên gọi Mimosa là loài hoa mùa xuân của Đà Lạt quả không sai!

Mimosa là một loài cây thân gỗ. Cây Mimosa 10 năm tuổi có thể tạo nên một tán lá, rộng cả 10 mét. Mỗi cành Mimosa đều chi chít những nhánh nhỏ, lá kép hình ô-van, dài khoảng 2cm, mặt dưới của lá có mầu trắng bạc như phủ một lớp phấn trắng… Vào mùa mưa, những cây Mimosa đến mùa sung mãn, cây nào cũng cành lá sum xê. Đến tháng 11, khi mùa mưa cao nguyên ngớt dần, hoa đã lấm tấm đầy cành, rồi nở rộ cho đến hết mùa xuân…

Hoa Mimosa mầu vàng, có hàng trăm cánh nhỏ li ti như sợi chỉ, tròn tựa Bồ Công Anh. Mimosa nở thành chùm, nhiều chùm trên một cành… Những lúc cao điểm, Mimosa nở đầy cành, trông vào chỉ thấy một màu vàng-Mimosa, gần như không thấy lá… Đó là lúc người ta không muốn cũng phải nhìn thấy và giật mình, chợt nghĩ ra : Đà Lạt có Mimosa!

Trong một bộ phim tài liệu, Truyền hình Việt nam đã giới thiệu đất nước Hung-ga-ry với những đồi hoa Mimosa vàng rực. Mimosa được khai thác, vận chuyển bằng cơ giới về những trung tâm cắt tỉa, đóng gói vào những bao bì carton dài hơn mét và xuất đi các nước, khắp Châu Âu. Thì ra, họ đã qui hoạch thành những vùng chuyên canh Mimosa, gieo trồng, chăm bón, khai thác… theo một qui trình nghiêm ngặt để Mimosa trở thành một loại hoa hàng hóa giá trị. Nhìn thấy cảnh hằng trăm công nhân thu hoạch, cắt tỉa, đóng gói hoa và một lúc xuất đi hàng chục container, bỗng thấy chạnh lòng nghĩ đến Mimosa Đà Lạt!

Người ta gặp nhau, chỉ hỏi thăm về hoa hồng, hoa lan, hoa cúc…là những loại hoa có giá trị kinh tế, chứ chẳng ai hỏi đến Mimosa ! Cho nên, có thể nói Cây Mimosa Đà Lạt bị xem như là một loại cây thứ cấp, không có giá trị kinh tế nên không ai chủ ý trồng Mimosa, trừ khi có một chút đất trống góc vườn, dọc hàng rào, có Mimosa cũng được, không có cũng xong ! Không phải là tất cả đều vô tình trước Mimosa, Tôi đã gặp vài người cố tình trồng Mimosa trong vườn mình và hãnh diện về cái đẹp của loài hoa này.

“Mimosa có thân mảnh, cành nhiều nhưng rễ rất yếu, cho nên trồng Mimosa không cách nào hơn là phải ươm bằng hạt để bộ rễ phát triển đầy đủ nhất. Mimosa còn non ta phải biết cắt, chiết bớt cành, giảm độ cao để không bị gió mùa mưa đánh bật gốc…” Đó là phát biểu của một nghệ nhân già, một người Đà Lạt gốc, cựu học sinh Trần Hưng Đạo - Đà Lạt, học Đại học Sư phạm Sài Gòn từ năm 1962 của thế kỷ trước, sau đó dạy học ở Đà Lạt cho đến ngày nghỉ hưu… Sở dĩ ông nói về kỹ thuật trồng Mimosa như trên là do một sự ngẫu nhiên, cây Mimosa vườn nhà bạn mọc cao quá, ông phải cắt ngắn để khỏi chạm vào dây điện…Kết quả, bạn ông có một cây Mimosa đẹp như bonsai, không cao nhưng tán rộng, đến mùa hoa nở rộ, đẹp như một loại “kỳ hoa”. Ông cũng phê phán việc trồng Mimosa trên thế đất nghiêng đứng của ta-luy vì rễ sẽ không “cõng” được tán cây, sẽ đổ !

“Mimosa từ đâu em tới…?”, Du khách đã từng bị mê hoặc vì Mimosa, huống chi người Đà Lạt vì lẽ Đà Lạt là nơi duy nhất trên đất nước này có Mimosa và Mimosa chỉ chịu “kết duyên” cùng Đà Lạt mà thôi… Thực ra, ở Đà Lạt còn có nhiều người thích Mimosa, không phải vì giá trị kinh tế, không phải vì hương sắc quyến rũ của nó mà vì họ yêu một mùi hương thanh khiết nhẹ như không, một nhan sắc mộc mạc rất Đà Lạt . Đến nỗi họ sẵn sàng mang cái vốn hiểu biết riêng của mình, gieo trồng, chăm sóc không cần thù lao, nếu nhà nước muốn trồng những “đồi Mimosa” tập trung.

Dù người nhớ, dù người quên, Mimosa vẫn là hoa của Đà Lạt, một chi tiết của Đà Lạt. Mỗi mùa xuân, du khách còn tìm đến để có những tấm hình đứng cạnh Mimosa, như một ghi nhớ : Ta đã đến Đà Lạt mùa xuân này