Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

TẠ TỪ ĐÀ LẠT

Văn Đà lạt 11 xin giới thiệu một tản văn của anh Huỳnh Văn Thông (Văn K9) hiện đang là chủ nhiệm khoa báo chí- ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
 
HUỲNH VĂN THÔNG
 

 
Thứ Tư, Mười Ba tháng Tám, 2008, 08:45 … Xe khởi hành … Sao nhạc trên xe lại mở bài “Đà Lạt lập đông”? Câu hát tình cờ đến ngơ ngác “Ta qua con dốc xưa, cánh hoa vàng năm ấy …Em bây giờ lẽ nào, quên đồi dốc trên cao” …
 
Thế là rời xa, để lại sau lưng hơn 20 năm trời gắn bó với Đà Lạt. Tôi không thật sự biết cảm giác trong lòng mình là gì. Chỉ cố để không nghĩ đến … Chỉ cố để không ngoái đầu nhìn lại … Người ơi ngày xa …
 
Tạ từ Đà Lạt – thành phố đã cho tôi những năm tháng bình yên. Giờ phải rời xa, nếu được chút ước muốn mang theo điều gì đó của Đà Lạt, tôi sẽ ước mang theo sự bình yên ấy.
 
Tôi đã có tình yêu với Đà Lạt hết sức hồn nhiên và đầy cảm hứng. Hè năm 1982, có một cậu bé trong đoàn cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu của Nha Trang được đi tham quan Đà Lạt, đã tình cờ đến trước cổng trường Đại học Đà Lạt. Một ngày mưa gió, nhưng cậu bé vẫn kịp nhận ra vẻ đẹp đặc biệt của hàng tùng tĩnh lặng, của những cung đường uốn khúc lãng mạn bên trong cánh cổng. Không có một diễn giải ngôn từ nào thích hợp với những cảm xúc có thật bên trong cậu bé lúc ấy. Chỉ biết là Yêu …
 
Tháng 9/1985, cậu bé ấy trở thành sinh viên Đại học Đà Lạt. Cậu càng thích thú hơn khi biết mình có ngày sinh nhật trùng với ngày thành lập trường (27/10). Thế là chút thích thú con trẻ ấy đã tạo cảm hứng cho cậu bé trong quá trình học, tự coi đó là một biểu hiện của run rủi định mệnh đưa cậu đến ngôi trường này. Lạ thay, chính điều ngộ nghĩnh ấy đã thúc đẩy cậu phấn đấu trở thành một trong những sinh viên xuất sắc của trường. Và sau này cũng chính điều đó thúc đẩy cậu cống hiến hết mình cho Đại học Đà Lạt khi đã trở thành giảng viên của trường.
 
Năm 1989, tôi tốt nghiệp đại học, tưởng là sẽ rời xa Đà Lạt. Lời khuyên của những người thầy yêu thương tôi: “Nếu có chỗ thì đi đi em à, làm nghề giáo nghèo lắm!”. Nữa là tình thương yêu của chị: “Chỉ có hai chị em mình, về Nha Trang cho có chị có em!” Bài thơ viết chia tay Đà Lạt năm ấy cũng đã tròn tứ, giờ tôi vẫn thuộc:
 
Giảng đường ơi! Hãy lặng im
Như biển cả bình yên trước ngày giông bão
Sao anh phải đi xa khi anh vừa biết nhớ?
Một mảnh hồ … Một lối nhỏ …
Giảng đường ơi!
 
Phấn trắng ơi cứ trắng hoài đến vậy
Mà mắt người đỏ sắc lá Trạng nguyên
Thầy ở lại làm chúng em suy nghĩ
Phấn thì trắng rồi, sao tóc bạc làm chi?
… … …
 
Nhưng rồi bài thơ chia tay Đà Lạt ấy trở nên vô duyên, đành cất kỹ trong trang thơ nhật ký. Tôi ở lại Đà Lạt, trở thành giảng viên đại học nghèo. Cũng chẳng phải vì lựa chọn gì cho lý tưởng, mà chỉ vì yêu. Thứ tình yêu có phần khờ dại tôi dành cho Đà Lạt …
 
Thế rồi là gian nan, thiếu thốn … Rồi đến hạnh phúc, đủ đầy … Có đầy đủ những cung bậc của cuộc sống mà tôi đã nếm trải trong chặng đường hơn 20 năm. Đà Lạt cho tôi cơ hội để trưởng thành vượt bậc trong nghề nghiệp, cho tôi dịp may để được biết đến những người tử tế, cho tôi vận hội để chắp cánh bay xa. Nhất là, Đà Lạt đã cho tôi những tháng ngày bình yên, đủ để bình tĩnh mài bén những khả năng trí tuệ của mình, đủ để nhận ra mình đa cảm và lãng mạn. Nhờ vậy mà luôn giữ được yêu thương trong lòng, ngay cả khi bận rộn đến mức vô cảm.
 
Giờ phải rời xa … Tôi không muốn định nghĩa, không muốn gọi tên sự thay đổi này. Đơn giản là vì chẳng có cái tên nào thật sự diễn tả được sự lựa chọn này trong cuộc sống của tôi và gia đình. Chip và Tim của tôi cần được tiếp cận với những điều kiện giáo dục tốt hơn, tôi và vợ tôi cũng cần có môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn.
 
Chỉ có điều, có những việc còn chưa kịp làm trước khi rời ra Đà Lạt. Đó là nói với những người yêu thương tôi lời chia tay.
 
Với thầy cô: “Thưa Thầy, em đi!”
Với những học trò thương yêu: “Thầy đi nhé! Hãy luôn cố gắng như các em đã từng!”
Với những đồng nghiệp dễ thương: “Mình đi nhé! Cảm ơn các bạn đã luôn ủng hộ!”
 Với những bạn bè thân thiết: “Giữ liên lạc nhé! Về Sài Gòn thì alô!”
 
Đà Lạt ơi, tạ từ! Lời tạ từ sao đơn giản quá!
Người ơi, tạ từ! Ước gì học trò đã chưa từng yêu quý tôi, để tôi không phải nhận những tin nhắn chia tay của các em: “Thầy ơi, mong thầy bình yên! Chúng em sẽ rất nhớ thầy!” …
Đà Lạt ơi, tạ từ! Bài hát đã nghe hết rồi, mà câu hát sao vẫn còn đọng lại trong suy nghĩ “Em nói cùng ta, giấc mơ một loài hoa …”