Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

LUẬN VỀ CHIẾC MẶT NẠ

Thơ của NGUYỄN CÔNG TÙNG CHINH

















-Tặng những ai đã, đang và sẽ phải dùng mặt nạ để sinh tồn!

Trẻ con có những chiếc mặt nạ màu cam, màu đỏ
Mặt nạ Tôn Ngộ Không, mặt nạ Trư Bát Giới
Chúng cười khanh khách, đuổi bắt nhau sau những chiếc mặt nạ
Hết cuộc chơi, những chiếc mặt nạ nằm lăn lóc
Lũ trẻ con không phải bận tâm gì…

Rồi một ngày lũ trẻ con lớn khôn
Trong số người lớn đó, nhiều người vẫn còn thích chơi mặt nạ
Những chiếc mặt nạ giờ đây trong suốt, siêu hình
Như anh trưởng phòng ăn xén quỹ tiền công
Với chiếc mặt nạ, anh tươi cười trung thực
Thủ trưởng một cơ quan ôm cô nhân viên ngủ mơ màng
Có mặt nạ, ông ta sẽ họp hành tử tế
Còn người đàn bà ngoại tình nhiều lần
Chiếc mặt nạ giúp chị làm tròn vai người vợ đảm đang
Nhà văn kia muốn biết nhiều câu chuyện buồn trên thế giới
Anh ta cần nhiều chiếc mặt nạ để quan sát cuộc sống muôn màu…

Vậy là có nhiều chiếc mặt nạ trong một đời người
Cũng như rất nhiều người phải dùng đến mặt nạ
Những chiếc mặt nạ trong suốt, siêu hình
Chỉ một bản thân anh ta nhìn thấy…

Rồi một ngày anh ta chết đi
Có thể anh ta trút bỏ bộ mặt nạ
Những thói xấu bị phanh phui…
Theo lẽ thường, những tính tốt được giữ lại
Nghĩa tử là nghĩa tận!

Rồi một ngày anh ta chết đi
Cuối cuộc đời tôi mới ngỡ ngàng nhận thấy
Đâu rồi những chiếc mặt nạ màu cam, màu đỏ ?
Đâu rồi những chiếc mặt nạ trong suốt, siêu hình ?
Trong chập chờn khói hương lan tỏa
Bóng một con người trung thực đáng thương!
An Khê, ngày 23/07/2009
N.C.T.C

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

BẢO THÚY BÌNH THƠ PHẠM ÁNH


Chiếc lá – Phạm Ánh -

Giữa cuộc đời nhộn nhịp
Biết bao người cô đơn
Giữa xóm làng thân thuộc
Đôi khi lạc thâm sơn.

Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực.

Như chiếc lá đầu cành
Xanh tận cùng mưa nắng
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông

MỘT “CHIẾC LÁ” CỦA NIỀM TIN VÀ HI VỌNG – Bảo Thúy

Có khi nào giữa dòng đời tấp nập, ta ngẩn ngơ nhìn tất cả trôi qua mà thảng thốt không biết mình là ai giữa cái chốn cuộc đời? Tưởng chừng vô lí mà có thật bởi
“Giữa cuộc đời nhộn nhịp
Biết bao người cô đơn
Giữa xóm làng thân thuộc
Đôi khi lạc thâm sơn.”
Đoạn mở đầu bài thơ chỉ 4 câu ngắn ngủi mà mang cái triết lí của một người trải đời, trải lòng với số phận. Sự chiêm nghiệm của anh từ câu thơ được tạo nên bởi cách đối lập trong từng cặp câu thơ ngắn:
“Giữa cuộc đời nhộn nhịp >< Biết bao người cô đơn”.
Đau là ở đó, là trong cái nhộn nhịp của cuộc đời vẫn còn biết bao những thân phận cô đơn, lẻ loi và không thể chia sẻ cùng ai nỗi đau của một khoảng lặng tâm hồn. Nỗi đau bởi làm người, bởi ở giữa con người, giữa cuộc đời nhộn nhịp, tấp nập mà lẻ loi, mà chỉ có một mình. Đọc câu thơ và ngẫm nghĩ, người đọc sẽ nhận ra một khoảng lặng của nỗi đau, khoảng lặng của sự từng trải và đắng lòng, cái khoảng lặng làm nên một cõi riêng của anh, của Phạm Ánh. Sự trải nghiệm đó, theo anh lại bắt đầu từ nỗi đau vì trống vắng tình người, vì thiếu sự ấm áp của tình người.
“Giữa xóm làng thân thuộc>< Đôi khi lạc thâm sơn.”
Hai chữ thân thuộc nghe thì ấm lòng mà lại đau, đau vì thân thuộc đấy, con người đấy mà lạnh lẽo, mà vô cảm để con người tưởng mình đang giữa chốn thâm sơn. Đọc câu thơ của anh tưởng như nhìn thấy anh, thấy cái khuôn mặt tròn tròn, tưng tửng, ngẫm nghĩ mà triết lí, tư lự và nhả ra từng từ, từng chữ để mỗi con chữ mang cái hàm ý riêng của nó, trọn vẹn, đầy đủ một bản lĩnh, một con người từng trải và luôn tự tìm ra cái triết lí cho mỗi một cuộc đời. Người ta bảo: thơ là người, thơ là cuộc đời, là số phận…không thể qui thơ anh là anh nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn là cái cách anh nhìn cuộc sống, nhìn cuộc đời đi qua trong đôi mắt tròn xoe, tư lự rất riêng của một hồn thơ Văn 11. Để rồi cái tưng tửng đó ngấm trong từng câu chữ:
“Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực”
Đoạn thơ thứ hai là những câu phủ định. Cái cách phủ định “Không ai” trầm tĩnh mở đầu từng câu vừa là sự chấp nhận, chấp nhận bằng lòng với cuộc đời, với số phận nhưng cũng chính là bản lĩnh, là Phạm Ánh, là phương cách để anh tồn tại và hiểu hơn cuộc sống vốn nhiều đa đoan, phức tạp này. Cái lẽ sống bình thường nhưng không dễ bất kì một ai cũng có thể nhận ra để hiểu hơn cuộc sống, để bình tĩnh hơn giữa muôn nẻo cuộc đời. Người đọc sẽ nghe ở câu thơ cái nức nở từ những từ “bỏ rơi, cay cực”, sẽ nghe từ câu chữ của anh một nỗi ngậm ngùi, một sự “bằng lòng” của một con người từng trải. Tháng năm cuộc đời đã làm nên câu thơ, đã làm nên cách nghĩ bình tâm, tự tại và bao dung của anh về cuộc sống để có một ai được đọc câu thơ cũng có thêm một lần bao dung hơn, nhẹ nhàng với mỗi lúc thăng trầm của số phận. Thơ Phạm Ánh là thế và có lẽ mỗi một hồn thơ Văn 11 là thế, có thể chưa thật hay, chưa đánh ngay vào tâm trạng của con người nhưng nó buộc người ta đã đọc là phải ngẫm, phải nhớ và day dứt. Cái lí lẽ bình thường:
“Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực”
mấy ai hiểu được ngoài anh? Kết thúc khổ thơ thứ hai là sự “khởi đầu cay cực” từ một cuộc đời mồ côi nhưng lại mở ra một thế giới của sự bắt đầu đầy bản lĩnh. Có thấm thía những nỗi cay cực của cuộc đời thì mới có thể hiểu được, chia sẻ được sự bắt đầu cay cực này để thông cảm hơn, hiểu hơn mỗi thân phận, mỗi cuộc đời. Đó là anh, là con người có một phần mất mát từ cơ thể mà lại trọn vẹn một tâm hồn, trọn vẹn một câu thơ với đúng nghĩa: thơ là đời, thơ là cuộc sống làm nên một Chiếc lá xanh đến tận cùng của sự bất diệt, xanh đến tận cùng của nỗi lòng, của trăn trở và suy ngẫm để kết thúc bài thơ là những câu thơ đầy triết lí:
“Như chiếc lá đầu cành
Xanh tận cùng mưa nắng
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông.”
Phải, con người ta dù có đi đến tận cùng của những đớn đau cả về vật chất và tinh thần thì vẫn dành riêng cho mình một khoảng tâm hồn của niềm tin và hi vọng như Chiếc lá kia vẫn Xanh tận cùng mưa nắng, chiếc lá vẫn tồn tại để làm nên màu xanh cho cuộc sống, làm nên màu xanh của niềm tin, hi vọng. Và con người dẫu khởi đầu cay cực vẫn bất diệt một niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời, tin để sống và tồn tại. Để rồi:
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông.”
Cái lẽ của cuộc đời là thế, đó là qui luật, là con người, là cuộc đời mà bất kì ai dù không nghĩ ra cũng cứ thế mà tồn tại.
Cám ơn những câu thơ từ Chiếc lá, những câu thơ của màu xanh, của niềm tin để mỗi người đọc yêu hơn, tin hơn, bao dung hơn và thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn từ mỗi phút giây được sống, được làm người.
Bảo Lộc, 4.7.2009

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

ĐỂ LÀM MỘT CON NGƯỜI

Thơ NGUYỄN VĂN QUANG


















Ta đang đến gần hơn để làm một con người
Có lẽ muộn nhưng vì đời bận quá
Máu cứ chảy mà tim người đóng cả
Với cơn say làm chiếc bóng cuối ngày.


Có một lần ta tham lam quá
Ôm hết mùa thu mà chẳng chiếc lá vàng.
Có một lần ta hờ hững quá
Ôm hết là vàng mà chẳng chút mùa thu.


Loay hoay mãi ở cuộc đời vật vã
Ta nhận ra ta giữa chốn người
Loay hoay suốt bốn mùa mệt lã
Chỉ có … thời gian giết được ta.


Gần cuối cuộc đời mới kịp hiểu ra
Chúa không phải là kẻ duy nhất trao cuộc sống
Cứ tưởng hổ báo tàn ác nhất
Chợt nhận ra lại là chính con người .

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

NGỌC HIỂU VIẾT BÌNH LUẬN

Lâu nay, đã nhiều thơ văn; lần này, thử đổi món sang...bình luận: Bài bình luận của Ngọc Hiểu đăng trên mục "Chào buổi sáng" của Báo Thanh Niên, ngày 17/7.



Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

VĂN QUANG Ở NƯỚC NGOÀI

Hình Văn Quang ở nước ngoài, mời các bạn coi thử có "xì ngầu" không nhé?



Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

TỰ NHIÊN

Thơ của BẢO THÚY

















Tự nhiên nỗi nhớ lại dềnh lên
Năm tháng cũ lại hiện về trong mắt.
Cho dẫu tháng năm có dần trôi mất,
Em vẫn là em: nguyên vẹn đến…không ngờ!

Người ta quên nhau để chẳng nhớ bao giờ,
Nhưng con sóng cứ hôn bờ, hôn mãi.
Đằng sau kia là những gì ngang trái,
Đâu thể dối lừa, đâu dễ nguôi quên.

Dòng sông ơi, bờ bãi đẹp dần lên.
Anh có thấy nước sông giờ trong vắt,
Anh có thấy khi nhìn sâu trong mắt:
Mới thật lòng mình: Em vẫn yêu anh?

Dòng sông ơi, sóng cứ chối loanh quanh,
Nhưng lại lén hôn bờ, hôn mãi…

Bảo Lộc, 3.8.1991.