Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

BẢO THÚY BÌNH THƠ PHẠM ÁNH


Chiếc lá – Phạm Ánh -

Giữa cuộc đời nhộn nhịp
Biết bao người cô đơn
Giữa xóm làng thân thuộc
Đôi khi lạc thâm sơn.

Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực.

Như chiếc lá đầu cành
Xanh tận cùng mưa nắng
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông

MỘT “CHIẾC LÁ” CỦA NIỀM TIN VÀ HI VỌNG – Bảo Thúy

Có khi nào giữa dòng đời tấp nập, ta ngẩn ngơ nhìn tất cả trôi qua mà thảng thốt không biết mình là ai giữa cái chốn cuộc đời? Tưởng chừng vô lí mà có thật bởi
“Giữa cuộc đời nhộn nhịp
Biết bao người cô đơn
Giữa xóm làng thân thuộc
Đôi khi lạc thâm sơn.”
Đoạn mở đầu bài thơ chỉ 4 câu ngắn ngủi mà mang cái triết lí của một người trải đời, trải lòng với số phận. Sự chiêm nghiệm của anh từ câu thơ được tạo nên bởi cách đối lập trong từng cặp câu thơ ngắn:
“Giữa cuộc đời nhộn nhịp >< Biết bao người cô đơn”.
Đau là ở đó, là trong cái nhộn nhịp của cuộc đời vẫn còn biết bao những thân phận cô đơn, lẻ loi và không thể chia sẻ cùng ai nỗi đau của một khoảng lặng tâm hồn. Nỗi đau bởi làm người, bởi ở giữa con người, giữa cuộc đời nhộn nhịp, tấp nập mà lẻ loi, mà chỉ có một mình. Đọc câu thơ và ngẫm nghĩ, người đọc sẽ nhận ra một khoảng lặng của nỗi đau, khoảng lặng của sự từng trải và đắng lòng, cái khoảng lặng làm nên một cõi riêng của anh, của Phạm Ánh. Sự trải nghiệm đó, theo anh lại bắt đầu từ nỗi đau vì trống vắng tình người, vì thiếu sự ấm áp của tình người.
“Giữa xóm làng thân thuộc>< Đôi khi lạc thâm sơn.”
Hai chữ thân thuộc nghe thì ấm lòng mà lại đau, đau vì thân thuộc đấy, con người đấy mà lạnh lẽo, mà vô cảm để con người tưởng mình đang giữa chốn thâm sơn. Đọc câu thơ của anh tưởng như nhìn thấy anh, thấy cái khuôn mặt tròn tròn, tưng tửng, ngẫm nghĩ mà triết lí, tư lự và nhả ra từng từ, từng chữ để mỗi con chữ mang cái hàm ý riêng của nó, trọn vẹn, đầy đủ một bản lĩnh, một con người từng trải và luôn tự tìm ra cái triết lí cho mỗi một cuộc đời. Người ta bảo: thơ là người, thơ là cuộc đời, là số phận…không thể qui thơ anh là anh nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn là cái cách anh nhìn cuộc sống, nhìn cuộc đời đi qua trong đôi mắt tròn xoe, tư lự rất riêng của một hồn thơ Văn 11. Để rồi cái tưng tửng đó ngấm trong từng câu chữ:
“Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực”
Đoạn thơ thứ hai là những câu phủ định. Cái cách phủ định “Không ai” trầm tĩnh mở đầu từng câu vừa là sự chấp nhận, chấp nhận bằng lòng với cuộc đời, với số phận nhưng cũng chính là bản lĩnh, là Phạm Ánh, là phương cách để anh tồn tại và hiểu hơn cuộc sống vốn nhiều đa đoan, phức tạp này. Cái lẽ sống bình thường nhưng không dễ bất kì một ai cũng có thể nhận ra để hiểu hơn cuộc sống, để bình tĩnh hơn giữa muôn nẻo cuộc đời. Người đọc sẽ nghe ở câu thơ cái nức nở từ những từ “bỏ rơi, cay cực”, sẽ nghe từ câu chữ của anh một nỗi ngậm ngùi, một sự “bằng lòng” của một con người từng trải. Tháng năm cuộc đời đã làm nên câu thơ, đã làm nên cách nghĩ bình tâm, tự tại và bao dung của anh về cuộc sống để có một ai được đọc câu thơ cũng có thêm một lần bao dung hơn, nhẹ nhàng với mỗi lúc thăng trầm của số phận. Thơ Phạm Ánh là thế và có lẽ mỗi một hồn thơ Văn 11 là thế, có thể chưa thật hay, chưa đánh ngay vào tâm trạng của con người nhưng nó buộc người ta đã đọc là phải ngẫm, phải nhớ và day dứt. Cái lí lẽ bình thường:
“Không ai chọn gia tộc
Để họ hàng bỏ rơi
Không ai chọn mồ côi
Để khởi đầu cay cực”
mấy ai hiểu được ngoài anh? Kết thúc khổ thơ thứ hai là sự “khởi đầu cay cực” từ một cuộc đời mồ côi nhưng lại mở ra một thế giới của sự bắt đầu đầy bản lĩnh. Có thấm thía những nỗi cay cực của cuộc đời thì mới có thể hiểu được, chia sẻ được sự bắt đầu cay cực này để thông cảm hơn, hiểu hơn mỗi thân phận, mỗi cuộc đời. Đó là anh, là con người có một phần mất mát từ cơ thể mà lại trọn vẹn một tâm hồn, trọn vẹn một câu thơ với đúng nghĩa: thơ là đời, thơ là cuộc sống làm nên một Chiếc lá xanh đến tận cùng của sự bất diệt, xanh đến tận cùng của nỗi lòng, của trăn trở và suy ngẫm để kết thúc bài thơ là những câu thơ đầy triết lí:
“Như chiếc lá đầu cành
Xanh tận cùng mưa nắng
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông.”
Phải, con người ta dù có đi đến tận cùng của những đớn đau cả về vật chất và tinh thần thì vẫn dành riêng cho mình một khoảng tâm hồn của niềm tin và hi vọng như Chiếc lá kia vẫn Xanh tận cùng mưa nắng, chiếc lá vẫn tồn tại để làm nên màu xanh cho cuộc sống, làm nên màu xanh của niềm tin, hi vọng. Và con người dẫu khởi đầu cay cực vẫn bất diệt một niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời, tin để sống và tồn tại. Để rồi:
Dẫu một đời tay trắng
Vẫn cội nguồn tổ tông.”
Cái lẽ của cuộc đời là thế, đó là qui luật, là con người, là cuộc đời mà bất kì ai dù không nghĩ ra cũng cứ thế mà tồn tại.
Cám ơn những câu thơ từ Chiếc lá, những câu thơ của màu xanh, của niềm tin để mỗi người đọc yêu hơn, tin hơn, bao dung hơn và thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn từ mỗi phút giây được sống, được làm người.
Bảo Lộc, 4.7.2009