Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

TẢN MẠN VỚI THƠ VĂN 11

Ngày xuân, thạc sĩ Bảo Thúy bình thơ bạn bè.

Không thể lí giải cho câu hỏi tại sao do chính mình đặt ra vì nó đến tự nhiên như thể là qui luật tất yếu của sự vận động trong tâm tưởng.
Mỗi lần đọc Văn 11 là lại như tìm thấy ở đó một chút gì của chính mình. Lâu lâu không đọc cũng thấy nhớ, thấy thiêu thiếu một cái gì đó vậy.
Và mỗi lần có một chút ngổn ngang từ cuộc sống làm ta chạnh lòng thì câu chữ từ Văn 11 lại góp phần chia sẻ.
Chị Tùng Chinh mang những chiếc mặt nạ ra giữa cuộc đời mà soi chiếu, luận bàn:
Những chiếc mặt nạ giờ đây trong suốt, siêu hình
Như anh trưởng phòng ăn xén quỹ tiền công
Với chiếc mặt nạ, anh tươi cười trung thực
Thủ trưởng một cơ quan ôm cô nhân viên ngủ mơ màng
Có mặt nạ, ông ta sẽ họp hành tử tế
Còn người đàn bà ngoại tình nhiều lần
Chiếc mặt nạ giúp chị làm tròn vai người vợ đảm đang
Nhà văn kia muốn biết nhiều câu chuyện buồn trên thế giới
Anh ta cần nhiều chiếc mặt nạ để quan sát cuộc sống muôn màu…
Vậy là có nhiều chiếc mặt nạ trong một đời người
Cũng như rất nhiều người phải dùng đến mặt nạ
Những chiếc mặt nạ trong suốt, siêu hình

đọc mà thích vì cuộc sống quanh ta cũng có nhiều người sống bằng mặt nạ mà sao ta không thể viết thành câu chữ, đọc và thấm thía, thấm thía “cái mặt nạ trong một đời người” và “Những chiếc mặt nạ trong suốt, siêu hình” làm người ta cứ tưởng nhầm “thánh thiện”.
Hay với anh Lin là “Có những lúc buồn, như không thể buồn hơn”.
Đúng, khi không thể buồn hơn, người đàn ông còn có thể
“dạo xe vòng quanh qua phố
Tạt vào quán cafe, nghe một bản nhạc buồn”,
hay
“Có những đêm buồn, như không thể buồn hơn,
Tôi rót rượu, một mình ngồi uống.
Vợ cằn nhằn, ông uống như thằng nghiện
Tôi cười bâng quơ, tại rượu nó nghiện mình.”

ừ mà tức cười thật, “tại rượu nó nghiện mình” chứ bộ. Nghe ra cũng có lí, cái lí của một người thích cười với cuộc đời, cười với những khổ đau đến từ cuộc sống mà anh nhận thức rõ: “Đời còn có những lúc buồn”. Như thế là mượn rượu giải sầu, mượn rượu để làm vơi đi một chút buồn của cuộc đời vốn rất nhiều vất vả, đọc câu thơ của anh mà ghen tị vì mình không biết uống để giải sầu. Nhưng có lẽ những câu thơ của anh thì không thể là kết quả của những lần “mượn rượu giải sầu” như thế, vì nó tỉnh táo quá, tỉnh táo để nhận ra : “Đời còn có những lúc buồn”, đã nhận ra thì chắc chắn là phải tỉnh táo, tỉnh táo để nhớ về quá khứ, nhớ về những năm tháng ở giảng đường :

“Quyển giáo trình hai đứa học chung
Em thường trách anh học chẳng tập trung
Anh chống chế, em dề thương đến thế
Anh nhớ em, đêm hội trại bập bùng ánh lửa
Anh say em trong men rượu say nồng
Tiếng đàn hoà tiếng hát mông lung
Mai xa cách thành vết hằn kỷ niệm
Anh nhớ em, nhớ Đà Lạt hoàng hôn nhuộm tím
Ta bên nhau, không giấu nổi lo âu
Ngày mai sẽ về đâu,
Tình yêu như bọt bể.”

Hay tỉnh táo để chúc mừng Ngọc Hiểu:
Tối nay, ta rót rượu mời ... riêng ta
Ly này mừng được làm cha
Của thằng Cu Nhóc, khà khà... sướng không

chắc chắn là tỉnh táo lắm để nhắc nhở bạn mình về vai trò và trách nhiệm:
Thôi từ nay cố làm ăn
Kéo cày kiếm lúa nuôi thằng con trai.

Và đặc biệt là kết thúc những lời chú mừng bạn thì anh trở về đúng nghĩa “Trương Lin” thật khéo léo:
Viết thay cho chú hơi dài
Chú trả nhuận bút mấy chai gọi là.

Như thế là thật, thật mà không ai có thể giận vì anh đang nói hộ cho niềm vui của bạn và khẳng định có biết bao nhiêu bạn bè cũng muốn nâng ly chúc mừng bạn dù là trong tưởng tượng!
Đọc Trương Lin là thấy một góc Văn 11, là thấy một tấm lòng rất thật của miệt Tuy Hòa không lẫn vào đâu được, mà trộm nghĩ rằng anh “chinh phục” được “chị nhà” có lẽ bởi cũng bắt đầu từ những gì thành thật như thế.
Còn đọc Văn Quang là đọc và suy ngẫm: Có được bao nhiêu lần trong cuộc đời này bạn sống thật nhất với lòng mình? Câu hỏi dễ lắm nhưng mấy người trải lòng ra thênh thang như thế? Vậy mà bạn đang nghe một lời thành thật với chính mình “Ta đang đến gần hơn để làm một con người”. “Gần hơn” chứ chưa phải làm một con người đúng nghĩa, trăn trở và người nghe có thể sẽ tin hơn, dễ chịu hơn vì nó đúng với tâm trạng của mình. Đọc anh Quang là thấy một nỗi niềm, một lời trần tình của rất nhiều tâm trạng:
Loay hoay mãi ở cuộc đời vật vã
Ta nhận ra ta giữa chốn người
những “loay hoay”, “vật vã” ở cuộc đời làm người ta dễ quên đi tất cả, quên đi chính bản thân mình để bươn chải với dòng đời xuôi ngược, ấy thế mà anh lại nhớ, lại tự nhận thức rõ ràng, rành mạch:
“Ta nhận ra ta giữa chốn người”
Nhận ra để bất cứ lúc nào con người ta cũng có thể nhớ về qúa khứ, nhớ về một thuở đẹp nhất của cuộc đời để mà sống, mà hi vọng như Phạm Ánh :
"Nhớ thương thấp thoáng bên đồi
Không dưng sóng sánh đất trời trong nhau’’


Lãng mạn nhưng đấy là duyên nợ cuộc đời, duyên nợ của cái nghiệp văn chương mà mỗi một thành viên Văn 11 cứ nghĩ mà chưa thể thành lời. Người ta có thể sống mà không cần quá khứ nhưng quá khứ vẫn đong đầy kỉ niệm, đong đầy nỗi nhớ vì nó đẹp cả trong những nỗi đau, trong những dại khờ cái thuở ngây ngô của đời người như anh Lin khẳng định:
Ngày mai sẽ về đâu,
Tình yêu như bọt bể

Thế đấy, chẳng phải là một mà có lẽ là cả 36 thành viên từ Văn 11 cũng ngổn ngang như thế, có người thì viết thành câu chữ, có kẻ « dằn vặt » mãi mà không thể nào quên đi quá khứ mà không thể thành lời...tất cả vẫn cứ thành kỉ niệm, thành nỗi nhớ trong nhau, thành « hành trang » cho mỗi thành viên sống tiếp với cuộc đời, và chắc chắn rằng những lúc buồn vui nhất người ta phải nhớ, phải nghĩ về nó như một qui luật tất yếu của cuộc sống vốn rất nhiều những nỗi đa đoan !
Bảo Lộc, 10.2.2010