Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

VỀ BÀI THƠ “KHÔNG ĐỀ” CỦA MINH NHÃ

Tặng anh Lin,
Nếu có gì chưa thật hiểu lòng tác giả bài thơ thì xin anh lượng thứ.
Mong được đọc nhiều hơn như thế!

BẢO THÚY



Không đề
Một thoáng tha phương,
Nửa tỉnh nửa say. Nhập nhoà ký ức.
Anh nhớ hình như đã gặp em ở đâu.
Không phải trong dân ca, em qua cầu trao áo,
Không phải trong ca dao, em đưa tay ngắt ngọn rau ngò,
Càng không phải trong thơ,
Để anh nhét vội bài thơ tình vào trong cặp sách.
Vậy mà Anh đã gặp,
Em dịu hiền như thể người thân
Tay nâng ly mời mọc ân cần
Cũn cỡn áo xiêm, lả lơi tiếng hát
Anh nghe trong câu ca, tiếng cá vẫy nước ròng.
Anh lang thang khắp miệt đồng bằng.
Anh mộng du tên núi, tên sông,
Anh chiêm bao, gió nội hương đồng
Nghe trong khăn tay, bùn non thơm ngọt;
Và trong ly bia mặn rất nhiều nước mắt
Em khóc phận mình. Anh khóc đời anh.
Uống nỗi buồn, bia đá lạnh tanh.
Là anh hay là em tồn tại trong “Không đề” của Minh Nhã?
Người đọc sẽ phải hỏi chính mình vì người viết những câu “Không đề” này “Nửa tỉnh nửa say. Nhập nhoà ký ức”.
Người đàn ông khi say lại thật hơn thì phải? Và nhớ cũng từ cái “nửa tỉnh nửa say” đó nên quen lắm, quen mà không nhớ vì nhớ ra thì có lẽ cũng không viết được thế này. Chẳng biết có đúng không nhưng bất kì ai cũng có thể “nửa tin nửa ngờ” như thế. Anh đâu dại gì mà xác nhận là quen bởi quen thì có nghĩa là cũng đã từng thân lắm, mà thân thì…
Một ai đó đã bảo: thơ là tiếng nói của tâm hồn, vậy thì có lẽ là người viết những câu thơ này đã nói thật, thật với chính mình, thật cả với em. Phút thật lòng đã làm nên câu chữ, bài thơ ngắn thôi nhưng tòan là những từ ngữ đầy cảm giác, của cảm giác và lẫn lộn, chen lấn tất cả những gì tồn tại trong kí ức của anh. “Hình như đã gặp em ở đâu…”Chết thật, thế này thì còn trốn vào đâu được, hai chữ “hình như” không phải là nửa nhớ nửa quên của cảm giác mà là sự thật: gặp rồi, quen lắm! Câu thơ là một lời khẳng định bởi những câu sau đã khẳng định rõ ràng:
Không phải trong dân ca, em qua cầu trao áo,
Không phải trong ca dao, em đưa tay ngắt ngọn rau ngò,
Càng không phải trong thơ,
Để anh nhét vội bài thơ tình vào trong cặp sách.
Đến đây thì người đọc đã có thể hiểu một chút gì từ người viết: cái nghiệp văn chương đầy người đã làm anh dễ cảm, dễ thương, dễ động lòng trước tất cả những đớn đau của số phận. Những người con gái đó là quen bởi “Anh nghe trong câu ca, tiếng cá vẫy nước ròng” thế thì nỗi cảm thông cũng bắt đầu từ đó. Chàng Minh Nhã cũng từng lang thang nơi đồng ruộng phải chạnh lòng trước một câu hát của miệt quê. Thế là phải sẻ chia, đồng cảm vì con người ta gặp nhau từ ruộng đồng với tháng năm vất vả. Câu thơ là tiếng lòng, là sự cảm thông. Tưởng chỉ đơn giản là chia một chút xót xa của cái “kiếp cầm ca” mà không phải anh chia với người con gái đó cả nỗi đau quặn lòng vì nhớ miệt vườn, nhớ con nước ròng, nhớ con cá quẫy…như kiếp người cũng muốn quẫy lên mà không được. Và anh nhớ, nỗi nhớ đồng quê, nỗi nhớ từ những con người tháng năm tần tảo với “gió nội hương đồng”, với “bùn non thơm ngọt”, phải chăng cái ngọt ngào từ tiếng hát của người con gái kia nhắc anh mùi vị của ruộng đồng? Hay chính nỗi cảm thông từ tiếng hát day dứt, từ nỗi nhớ mà anh cũng quặn thắt nhớ thương
Người ta cứ nói một cách tự nhiên với nhau những câu rất thật của lòng mình khi “nửa tỉnh nửa say” như thế và phần kết của câu chuyện là những lời rất thật:
Và trong ly bia mặn rất nhiều nước mắt
Em khóc phận mình. Anh khóc đời anh.
Uống nỗi buồn, bia đá lạnh tanh.
Bây giờ thì là say hay là tỉnh? Người ta không thể nghĩ là anh khóc vì say vì câu thơ tỉnh táo quá, tỉnh táo dể cảm nhận được cái vị mặn đắng của những giọt nước mắt chảy ngược vào li bia thơm mát. Tỉnh để anh nhận ra là mình khóc, khóc vì một câu hát hay vì một kiếp người, vì nỗi nhớ? Chỉ biết rằng anh khóc và thông cảm và chính xác hơn là “Em khóc phận mình. Anh khóc đời anh”. Người đàn ông trong anh cảm nhận rõ lắm: một bên là thân phận, một bên là cuộc đời. Cái cách chọn từ ngữ như thế là tỉnh táo, tỉnh táo và sáng suốt để cảm nhận nỗi đau từ cuộc đời và nỗi đau thân phận. Chắc chắn rằng: đã tỉnh táo thì câu thơ này phải được viết bằng lí trí, lí trí của một “cái thằng tôi” hiểu sự, hiểu đời mà lại dễ chạnh lòng trước mỗi cuộc đời và số phận. Vậy thì, chắc rằng bài thơ này là một cách lí giải rõ về hai chữ “Không đề”, không có nhan đề bởi nó là cảm hứng từ mỗi thân phận, mỗi cuộc đời và bất chợt đi vào kí ức. Hi vọng rằng: sẽ có nhiều hơn những “Không đề” như thế, tương tự thế từ người viết những câu thơ nặng lòng kia, để trong những trang viết của anh có cả một thế giới nghệ thuật của nỗi lòng và tâm sự. Bài thơ không chỉ dừng lại ở nỗi đau với một con người mà nhiều hơn, nó là nỗi đau của cuộc đời, là sự cảm thông cho những con người đi ngang qua mỗi một tâm hồn “Văn 11”. Nếu là như thế thì đã rõ một điều khi anh
Uống nỗi buồn, bia đá lạnh tanh.
Là uống vào đó tất cả cái nỗi buồn của cuộc sống để phần đời trước mặt không còn những nỗi buồn và rõ ràng là đằng sau câu chữ, đằng sau cái lạnh tanh của bia đá cuộc đời là một tấm lòng, một ngọn lửa đủ sưởi cho tất cả mọi mảnh đời ấm lên vì tình người, nhỏ thôi mà rất nóng. Nói như Bertolt Brecht “Làm sao mà nghệ thuật có thể làm xúc động được con người nếu như bản thân nó không xúc động trước số phận của con người”? Với giọng thơ nhẹ nhàng của một lời kể chuyện, câu chuyện thường tình mà người đọc vẫn có thể nhận ra nhiều vấn đề về thân phận con người với nỗi khắc khoải, nỗi đau của người viết.
Những cái khắc khoải đó đi vào câu chữ từ tấm lòng nhân hậu đầy trắc ẩn của một thành viên “Văn 11” rồi bày ra đó những mảnh đời nghiệt ngã, những thân phận con người buộc tất cả mọi người phải cảm thông và chia sẻ…
Đọc “Không đề” là đọc những điều như thế, tan chảy ra theo cảm xúc của người viết bài thơ để đi đến tận cùng mỗi thân phận con người mà đồng cảm, xót xa, chia sẻ… Bài thơ nặng trĩu và nhức nhối vấn đề nhân sinh của con người do đó dẫu li bia kia có “hoang lạnh” thì nỗi đau với con người vẫn đủ làm bài thơ thật nhiều ý nghĩa.
Đêm 25.3.2009
Bảo Thúy