Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

VÀ NHỚ RA…


BẢO THÚY
Có một đồ ngốc nào đó cứ nằng năc đòi đi dạy, học đòi thôi mà cũng tại thích nữa chứ, rồi ân hận. Ân hận mà không bỏ được vì chẳng thể nào đi bán cà rem…
Cứ tưởng nhàn hóa ra là vất vả, chẳng còn kịp thở, chẳng có thời gian mà nhớ ra là mình đã học Văn, không viết lách và cũng không luôn nhớ ra mình là ai giữa cái chốn cuộc đời. Nghe thì buồn cười mà thật, thật đến đau lòng. Sáng vội vội vàng vàng đến lớp, chiều cũng tất bật đến lớp lúc thì dạy chính khóa, lúc dạy thêm ở trường khác, tối lại trung tâm rồi soạn bài, chấm bài…Cứ nghĩ nghề khác được thảnh thơi là tức đến phát điên và ghen tị. Vậy mà nó thành nghiệp, thành bệnh, không đến trường lại nhớ, không được dạy thì cứ nói nhảm một mình, bằng không thì hát, không đầu không đuôi chỉ cốt cho cơ miệng hoạt động.
Rồi đọc tất cả những gì của học trò và nhiễm luôn cái cách viết vụng về và dở dang như thế. Bây giờ thì thấm thía cái điều mà bạn mình từng viết:
“Nếu mà tôi có được một lời khuyên
Thì xin em hãy đừng theo nghiệp giáo…”
Lúc đó nghe mà tức, ngẫm ra bây giờ đúng thiệt! Người ta bảo không giải tỏa được thì phát bệnh còn nghiệp giáo muốn street cũng khó, bởi ngày nào cũng nói, cũng nhìn vào bài vở của học trò, nhớ như in từng nét chữ sau một bài kiểm tra một tiết, tài vậy đó nhưng mà nhớ chữ chứ nhớ người thật khó.

Rồi một ngày nghe lại giọng nói của bạn bè mới vỡ ra một điều: nếu lâu không nghe tiếng người thân cũng dễ quên dần theo năm tháng, dám ở lâu không được nghe tiếng người là quên luôn giọng nói! Sợ thật! Sợ nhất là tiếng con người cũng “già” theo năm tháng. Ừ mà tức cười, người ta nói, mặt người già đi cùng năm tháng, còn mình thì cảm nhận cả giọng nói của bạn mình cũng “xuống cấp” với thời gian: Nhỏ Phượng gọi từ Nha Trang, vẫn “điệu” vậy nhưng cũng đến tuổi rồi, anh Lin khàn khàn phảng phất một chút gì của cái thời xa lắc, anh Quang thì “nhão” cùng với rượu – là mình nghĩ thế, nếu sai chắc anh ấy cũng chẳng giận, mà giận thì làm gì được! Thế Hải cũng vậy qua cái cảm giác trong giọng nói của một người đứng tuổi, còn Bảo Long đã một lần mình tưởng tiếng học trò hay phụ huynh gì đó, bệnh nghề nghiệp mà. Dám chắc là chị Tùng Chinh hay chị Linh Thảo, chị Hảo (dạy cấp II ở Hà Nội 04.755.3765) hay là Thanh ở Lâm Hà cũng nghĩ như mình thôi. Lâu quá rồi chẳng thấy chị Chinh có bài mới, đọc cái cũ cho đỡ buồn và chờ cái mới mỏi mệt ghê, cũng biết chị Chinh đi dạy mà vẫn chờ…
Đọc của học trò hoài cũng chán, có một cái blog Văn 11 để đọc và nhớ cũng thích, chỉ có điều đứa nào cũng tất bật, viết lách thì “chán òm” mà vẫn muốn đọc, đọc để nhớ, đọc để hiểu là mình cần bạn bè đến độ nào, cần cái đám “dở dở ương ương” giúp mình thành một con người mà lúc nào nhớ lại cũng cứ tự hào “Văn 11”!
Mười mấy năm rồi mà câu chuyện về cái đám “Văn 11” vẫn như mới hôm qua, nhớ đấy rồi quên và lại nhớ bởi nó là kỉ niệm, là cái nơi mà mỗi lúc chán chường lắm lắm về trường lớp mỗi đứa lại có riêng một chỗ dựa tinh thần.
Và nhớ ra là mình cần mọi người, cần nơi để “trút” vào bất cứ cái gì có thể!
Cần một nơi để giải tỏa và chia sẻ…như “cái túi hồ lô khổng lồ” nhận mà không phản ứng!
Bảo Lộc, 25.3.2009
Bảo Thúy