Một tản văn của Trương Văn Lin vừa mới viết ký danh MINH NHÃ
Tản văn của MINH NHÃ
Miền Trung khúc khuỷu, Miền Trung gập ghềnh, cứ mười cây số lại có một con sông, đã có sông thì phải có cầu, nên dọc dài theo khúc ruột Miền Trung, tên những quê hương thường gắn liền với một dòng sông, một cây cầu. Có những dòng sông, cây cầu gắn liền với những chiến công hiển hách, trở thành di tích lịch sử của đất nước như: Cầu Hàm Rồng - Sông Mã, Cầu Hiền Lương Sông - Bến Hải, cũng có những cây cầu đã trở thành danh thắng của đất nước như Cầu Tràng Tiền - Sông Hương và những cây cầu biểu trưng cho tiềm lực kinh tế của đất nước thời đổi mới như cầu xoay qua Sông Hàn...
Cây cầu của quê tôi không được như thế, nó chỉ là một cây cầu nhỏ trên Quốc lộ 1A bắc qua Sông Bàn Thạch (một nhánh của Sông Ba). Tên cây cầu trùng với tên sông: Cầu Bàn Thạch.
Tôi biết cây cầu lần đầu tiên khi... nó đang bị sập do chiến tranh. Đó là lúc tôi cùng gia đình đưa Chị tôi sang xã bên lấy chồng. Chị tôi “sang sông” bằng thuyền, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này.
Những năm tôi học cấp III, cây cầu là nơi nghỉ chân của chúng tôi sau một chặng đường dài đạp xe. Ở đó chúng tôi nhấm nháp vài món quà vặt mua ở dọc đường, khi thì vài lóng mía, khi thì mấy củ sắn nước mua (hoặc xin) được dọc đường, tán đủ thứ chuyện tầm phào trước khi về nhà cho kịp bữa cơm chiều.
Rồi sau đó, cây cầu này lại là nơi hò hẹn của tôi và cô bạn gái cùng lớp 12 và cũng là nơi chứng kiến sự thất bại của một chàng trai lần đầu tiên tỏ tình. Bây giờ nàng đã là một cô giáo, lấy chồng ở một xã thượng nguồn của dòng sông Bàn Thạch. Câu cổ thi: “Quân tại Tương Giang đầu, Thiếp tại Tương Giang vĩ” đành phải viết ngược lại. Buồn, nhưng biết làm sao được.
Thời gian như nước trôi qua cầu, thắm thoát vậy mà đã hơn ba mươi năm kể từ khi tôi biết cây cầu. Nó đã được tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn không chịu nổi cường độ và sức nặng của những chuyến xe thời đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vậy là người ta phải xây một cây cầu mới cao vời vợi, cách cây cầu cũ không xa. Với lan can bằng thép và giàn đèn cao áp sáng choang rất hoàng tráng.
Bây giờ mỗi khi về quê, chạy xe trên cây cầu mới, nhìn xuống cây cầu cũ nhỏ nhoi, lác đác đôi bóng người nhỏ nhoi lầm lũi đạp xe qua lại, chìm khuất trong mưa nắng. Tự nhiên, lòng tôi dậy lên một niềm rưng rưng thương cảm như thương con bò già đã hết thời cày bừa, nhưng những người nông dân không thể giết thịt vì nó đã gắn bó với mình trong việc nông gia cả đời.
Tôi biết, một ngày không xa, cây cầu Bàn Thạch cũ của tôi sẽ bị dỡ bỏ như bao cây cũ trên Quốc lộ 1A, nhưng kỷ niệm của tôi với cây cầu chắc còn rất lâu mới phai nhạt
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét