Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

THỜI BA ĐI HỌC

Nhân ngày khai trường sắp đến, xin giới thiệu một tản văn của Trương Văn Lin viết cho con. Có hơi than nghèo kể khổ...nhưng, đây có thể là tâm sự chung của nhiều người lớn lên từ nông thôn. Không biết có phải vậy không? Mời mọi người có ý kiến

Tản văn của TRƯƠNG VĂN LIN
Viết cho con trai nhân ngày khai trường



Vậy là, con đã vào lớp một, bậc đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc gia – Giáo dục tiểu học. Vậy mà ba chẳng làm được gì cho con, vì tất cả mọi việc từ áo quần, sách vở mẹ con đã lo chu toàn. Cái duy nhất mà ba có thể lo được cho con là: Chạy cho con vào một trường điểm nào đó. Nhưng ba đã không làm.

Ba đã không xin cho con vào trường điểm, vì ngôi trường đó thật ra cũng chẳng “điểm” lắm đâu. Có lẽ do đồn đãi, quá nhiều người “chạy” vào nên nó trở thành “điểm”. Cũng như các “sao” lên vùn vụt nhờ công nghệ lăng xê ấy mà. Rồi nữa, khi ngôi trường đã trở thành “điểm”, mức đóng góp sẽ cao hơn. Bạn bè con đáng lẽ được học ở trường đó, do hoàn cảnh khó khăn, không đủ sức đóng góp lại bị dạt sang trường khác ít “điểm” hơn. Thôi con ạ, lọt ra ngoài tấm chăn “trường điểm”, ba sẽ chăm sóc con bằng cách khác.

Ba lại nhớ đến cái thời ba đi học. Ba học lớp vỡ lòng (như lớp mẫu giáo của con bây giờ) ở trường làng do bác Hai con dạy. Trong khuôn viên trường có thêm trụ sở của thôn, nơi ông nội con làm việc (hồi ấy gọi bằng ấp) nên nó được gọi là Trường Lẫm. Thời chiến tranh, ở các cơ quan, công sở người ta thường đào các giao thông hào. Đây là thiên đường của ba và bạn bè. Cứ đến giờ ra chơi lại ra móc đất sét, nặn tất cả mọi thứ theo trí tưởng tượng của mình. Vào lớp, áo quần dính đầy đất sét, thế nào ba cũng bị bác Hai cho mấy roi vào mông.

Vào tiểu học, ba được học ở trường Tiểu học cộng đồng, kiến thức cũng chỉ gói gọn trong mấy quyển sách Tân Việt văn và sáu môn học yếu lược, tám môn học yếu lược. Đâu phải mang chiếc cặp nặng hàng mấy ký như con bây giờ. Học một buổi, một buổi tha hồ rong ruổi với các trò chơi bắt dế, thả diều, bắn bi, đánh trống… chẳng phải học cua, học kèm thích lắm con ạ.

Ba học cấp II sau giải phóng, cũng ở ngôi trường này, nhưng nó đã già nua, xuống cấp rất nhiều, mùa mưa cả lớp nháo nhào chạy mưa là chuyện thường. Đây là thời gia đình ta khó khăn nhất, sau giờ học ba đã biết giúp đỡ ông bà nội những việc lặt vặt. Ở trường, giờ lao động nghiêm túc hơn giờ chính khóa. Trường còn thành lập “Hợp tác xã Măng non” để học sinh lao động gây quỹ. Ba nhớ, hình như ba là thành viên Ban Quản trị của cái Hợp tác xã này.

Lên cấp III, ba được học ở trường huyện, cách nhà nội chừng 15 cây số. Nhà mình nghèo, có hai chiếc xe đạp ưu tiên để bác Bảy và mấy cô con chở giống, chở phân… đi làm ruộng. Ba đi học phải ở trọ nhà người ta, nói đúng hơn là ở ké (vì đâu có mất tiền trọ). Đầu tuần theo xe đạp bạn bè ra, cuối tuần theo về. Đã đi theo xe thì phải chở bạn. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa phùn, gió chướng chở được bạn qua khỏi cánh đồng trống khoảng năm sáu cây số, vất vả (nếu không nói là cực nhọc) vô cùng con ạ.

Suốt những năm học cấp III, trong các kỳ nghỉ hè ba và bạn bè đã biết làm đủ các nghề như hái củi, đốt than, làm gạch… để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học sau, để ông bà nội đỡ lo. Khổ nhưng mà vui lắm!

Rớt đại học lần đầu, ba ở nhà làm ruộng và đủ các nghề linh tinh khác ở nông thôn, phụ với bác Bảy con chèo chống gia đình mình, vì bấy giờ ông nội con đã mất sau một thời gian dài bị bệnh. Nhà mình lâm vào cảnh rất nghèo con ạ. Mấy năm sau, bằng sự cố gắng của cả gia đình, ba thi lại và đậu đại học. Ba và cả gia đình mừng như nhà có hội (Hồi ấy, thanh niên được mang cái mác sinh viên sang lắm con ạ).

Học đại học thời bao cấp, Nhà nước lo gần như toàn bộ, gia đình rất ít tốn kém. Thế nhưng đã bao cấp thì làm gì có đầy đủ, nên chuyện đói khổ, thiếu thốn của sinh viên đã thành “chuyện không của riêng ai”. Bốn năm sinh viên đi qua, ba cũng tích tụ một ít kiến thức để vào đời.

Ra trường, tuy hơi vất vả và cuối cùng ba cũng kiếm được một chỗ làm. Thấm thoát, vậy mà đã qua 15 năm làm công chức Nhà nước. Tuy chẳng dám gọi là thành đạt, thành danh, nhưng ba đã có một việc làm ổn định và lương thiện, không xấu hổ với đồng lương mình nhận để nuôi con ăn học nghiêm túc, đàng hoàng hơn thời ba đi học.

Đi học, ai chẳng muốn mình ngồi trong ngôi trường có nhiều chính khách, nhà khoa học, văn nghệ sĩ từng ngồi. Ba tin rằng những thế hệ sau con sẽ rất tự hào khi được ngồi trong ngôi trường mà con từng học. Hãy cố gắng nghen con!

1 nhận xét: