Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

LYCÉE YERSIN XƯA- CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NAY

Cao đẳng sư phạm Đà Lạt còn là một di sản kiến trúc văn hóa xinh đẹp, độc đáo nổi tiếng Đông Dương, là chứng nhân của một sự kiện lịch sử bi hùng có liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam...Nhân dịp đầu năm học mới, Văn Đà Lạt 11 xin giới thiệu.


MỘT VẺ KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO
Trường CĐSP Đà Lạt vốn ngày xưa mang tên: Lycée Yersin. Ngôi trường được khánh thành vào năm 1935 dưới thời Toàn quyền Varenn với tên gọi Grand Lyccé. Tháng 6/1936 hai trường Petit Lycée (nay là Trường Kỹ thuật Đà Lạt được xây dựng năm 1927) và Grand Lycée hợp nhất lấy tên chung là Lycée Yersin, để ghi nhớ công ơn của BS Yersin - người thám hiểm cao nguyên Lang Bian và có công khai sinh thành phố Đà Lạt xinh đẹp. Ngày 28/6/1935 Lycée Yersin làm lễ khai giảng khóa học đầu tiên, BS Yersin đã đến dự và xúc động phát biểu: "Tôi rất cảm động về tình cảm mà các em đối với tôi. Các em hãy tin rằng tôi cũng rất yêu mến và thân ái đối với các em... Các em làm tôi nhớ đến việc phát hiện ra cao nguyên Lang Bian vào tháng 6 năm 1893 trong một cuộc tìm kiếm , nghiên cứu nhằm mục đích khai phá một vùng rừng núi phía Nam Trung phần cho đến lúc đó vẫn chưa ái biết... Các em muốn đặt cho trường trung học đẹp đẽ này cái tên của người sống sót cuối cùng của phòng thí nghiệm Pasteur. Tôi xin cảm ơn các em".
Ai đã thiết kế và thi công công trình kỳ vĩ Lycée Yersin? Theo các tài liệu còn để lại thì công trình này được phác họa đầu tiên bởi sáng kiến của kiến trúc sư E.Hébard, nhưng lại được thiết kế và chỉ huy thi công một cách táo bạo và tài tình bởi kiến trúc sư Moncet. Cuối năm 1927, Grand Lycée chính thức khởi công trên một quả đồi bằng phẳng có diện tích tự nhiên khoảng 8 ha. Để xây dựng công trình này, lúc ấy người Pháp đã huy động hàng trăm phu phen, thợ nề, thợ mộc người Việt có tay nghề sắc sảo tại Đà Lạt và khắp nơi đưa về thi công. Có ai ngờ rằng họ đã phải vượt qua bao khó khăn, thử thách khắc nghiệt trong suốt 8 năm ròng rã chỉ bằng... đôi tay khéo léo và những giọt mồ hôi mặn đắng của chính mình! Do kết cấu các hạng mục phức tạp, nên lúc đó những người thợ đã phải dùng gạch ép để xây tường và đầu tiên ngôi trường được lợp bằng ngói Ardoise xanh đen từ Pháp đem qua. Để thực hiện cho bằng được những nét tinh tế theo đúng bản vẽ của các kiến trúc sư người Pháp, những người công nhân Việt đã phải liều mạng sống trên độ cao hàng chục mét. Nhờ đó mà hôm nay Cao đẳng sư phạm Đà Lạt mới có được một kiến trúc khá ngoạn mục về trường học và hiếm thấy ở Việt Nam: Mặt bằng tuy vẫn ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cổ điển, nhưng đã vượt lên bằng cách tự uốn mình theo một đường cung tròn mềm mại ôm lấy một khoảng sân rộng bên trong với tháp bút lợp bản thạch, vươn cao giữa những rặng thông xanh biếc hướng về hồ Xuân Hương, ghi một dấu ấn mạnh mẽ vào bức tranh thơ mộng chung của Đà Lạt.
MỘT HỘI NGHỊ LỊCH SỬ KHÓ QUÊN
9 giờ sáng ngày 19/4/1946, Hội nghị Đà Lạt trù bị cho Hội nghị Fontainebleau bàn về vận mệnh đất nước Việt Nam chính thức khai mạc tại Lycée Yersin, nay là Trường Cao Đẳng sư phạm Đà Lạt. Sau hơn 80 năm nô lệ, những người con ưu tú nước Việt đã ngẩng cao đầu ngồi vào bàn đàm phán với một đế quốc hung hãn như thực dân Pháp. Phái đoàn VNDCCH có 11 thành viên gồm: Nguyễn Tường Tam (Trường đoàn), Võ Nguyên Giáp (Phó đoàn), Trịnh Văn Bính, Cù Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Vũ Hồng Khanh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Luyện, Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường và 12 cố vấn. Phái đoàn Pháp cũng có 11 người gồm: Max Anndré (Trưởng đoàn), Ren Pignon (Phó đoàn), Mesmer , Bousquet , D’arcy,Gourou, Bourgoin, Torel, Clarac, Gonon, Ner, Guilanton, Sa lan. Phóng viên thông tấn, báo chí của các nước Pháp, Bỉ, Tiệp... và Ana Lê Trung Cang của Nhật báo Điện Tín Sài Gòn đã có mặt để theo dõi, đưa tin và tường thuật hội nghị. Trong gần 1 tháng cả 2 phái đoàn tranh cãi quyết liệt về các vấn đề: Đình chiến; hợp nhất ba "Kỳ" (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ); liên lạc ngoại giao giữa Việt Nam với các nước; quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Liên hiệp Pháp; liên lạc văn hóa Pháp - Việt; các trường của Pháp ở Việt Nam; Pháp tham gia giáo dục tại Việt Nam; tiền tệ; thuế quan; hoạt động của các doanh nghiệp của Pháp hiện có tại Việt Nam; Pháp tham gia vào việc phát triển kinh tế ở Việt Nam và các vấn đề về quân sự... Lúc ấy báo chí đưa tin: Mặc dù Phái đoàn Việt Nam đã tỏ ra hết sức thiện chí trong đàm phán, song cuối cùng chỉ vì tham vọng điên cuồng muốn chia cắt Nam Bộ và quay trở lại cướp Việt Nam một lần nữa của thực dân Pháp nên hội nghị đã lâm vào con đường bế tắc! Trước khi đóng sầm cánh cửa phòng họp báo hiệu hội nghị vỡ tan, chính tại ngôi trường này Phó trưởng đoàn VNDCCH - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố một câu bất hủ: "Nhân danh một dân tộc đã được tôi luyện qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tôi khẳng định với các ông rằng: Ngày nào Nam Bộ còn bị chia tách khỏi Việt Nam, thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam Bộ về lại với Tổ quốc. Nếu tiếng nói của chúng tôi không được đáp lại một cách công bằng, bản Hiệp định sơ bộ không được tôn trọng thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong tương lai. Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng!". Vâng! Sau đó hội nghị Đà Lạt bất thành, song cũng từ ấy đã đưa dân tộc Việt Nam vào cuộc kháng chiến trường kỳ và dẫn đến đài vinh quang: "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
7 giờ 30 phút ngày 12 tháng 5 năm 1946, Phái đoàn VNDCCH rời Đà Lạt, tạm biệt Lycée Yersin khi làn sương mù hãy còn giăng trên khắp các nẻo đường của "thành phố hoa". Mỗi người mang theo một tâm trạng, buồn vui lẫn lộn. Buồn vì tham vọng cướp nước của thực dân Pháp đã đẩy Hội nghị Đè Lạt đến chỗ vỡ tan. Buồn vì thấy một số người Pháp vốn trước đây một thời đã từng đau khổ vì bị Phát xít Đức cướp nước, nay lại toan đem cái điều mà họ không muốn để áp đặt lên một dân tộc nhỏ bé khác. Vui vì thấy cả phái đoàn đều đoàn kết, nhất trí để bảo vệ quyền lợi dân tộc, lo với nỗi lo nước mất nhà tan. Vui vì nhân dân Đà Lạt nói riêng và cả nước nói chung, đều quan tâm ủng hộ cho Hội nghị Đà Lạt và hạ quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và tài sản, nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của non sông. Hôm nay đến thăm Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nhiều người không khỏi bàng hoàng khi được biết rằng ngôi trường xinh đẹp này có một bề dày lịch sử gắn liền với Đà Lạt và vận mệnh đất nước Việt Nam như thế. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngày 28/12/2001 Bộ VHTT chỉ mới ký Quyết định số 52/2001/ QĐ-BVHTT xếp hạng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt vào di tích kiến trúc quốc gia chứ chưa thấy hết nơi đây còn là di tích văn hóa, lịch sử có liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam trong những giờ phút "ngàn cân treo sợi tóc". Để kết thúc bài viết này, tôi xin được mạn phép mượn mấy vần thơ của cố GS Hoàng Xuân Hãn nói về tâm sự của ông và Phái đoàn VNDCCH trong Hội nghị lịch sử này:
"Núi Đà Lạt xa quanh mình uốn éo
Lũng lưng đồi, ai khéo vẽ rừng thông
Mặt hồ xanh, mây bạc bóng gương lồng
Trên cỏ lục, lối hồng đang uốn khúc
Ngắm cảnh tay người, thêm tâm tức
Gẫm mình việc nước vẫn đeo đai!
Giữ non sông, thao lược đã không tài
Nêu sứ mệnh một vài câu biện luận
Thấy lẽ mạnh ép hèn, sôi nổi giận
Tuốt gươm thù, toan quyết trận phong ba”.
TRƯƠNG PHÚC ÂN

1 nhận xét: