Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2008

HÌNH CỦA LỚP DO HUỲNH THỊ PHƯỢNG LƯU GIỮ

Hoan nghênh các bạn gởi hình lưu trữ về vandalat11@gmail.com để xây dựng "bảo tàng" của lớp



Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008

PHẠM ÁNH VỚI "LỐI CŨ"

Đọc Bình Định điện tử chợt gặp bài giới thiệu này đã lâu lắc rồi

Phạm Ánh làm thơ từ khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Đà Lạt. Anh là sinh viên nam duy nhất của trường bị tàn tật nhưng có nghị lực phi thường. Tính cách anh điềm đạm, ham học hỏi và chất thơ của anh mang nặng nỗi nhớ quê hương, nỗi buồn nhớ mẹ, nhớ vùng cát cháy da nhưng đầy tự hào về truyền thống cách mạng.
Phạm Ánh được giải thưởng thơ (giải ba) của Hội văn học Nghệ thuật Bình Định từ năm 1993, và trong những năm gần đây liên tục anh có 3 tác phẩm thơ được xuất bản: Một miền trăng (năm 2002), Những vì sao mơ ước (năm 2003) và Lối cũ (năm 2004), đã chứng tỏ nghị lực của một nhà thơ bị khuyết tật này.
Với tập thơ Lối cũ (40 bài) do NXB Đà Nẵng ấn hành, Phạm Ánh đã thể hiện khá xúc động tình yêu quê hương đau đáu, thường trực trong anh. Đó là những câu thơ được gạn lọc theo những dòng hồi ức ngọt ngào, những nỗi niềm trắc ẩn: "Cuối năm về lại quê mình/ không dưng mới một chút tình đã xưa"(Chiều mưa). Những tứ thơ nhè nhẹ nhưng gợi nên bao nỗi niềm ấy, chúng ta còn gặp rất nhiều trong các bài khác như "Hương quê", "Hoa quê", "Đêm xa quê", "Hồn quê", "Chút tình quê"... Ai chẳng có một quê hương-quê hương để nhớ, để quay về nương náu tâm hồn và tìm lại cái ngày tuổi thơ ham chơi theo lũ bạn chân đất đầu trần... Chốn quê của Phạm Ánh nhắc nhớ về kỷ niệm xứ dừa xanh, cát trắng rất Bình Định: "Ôi quê hương/đã hóa hương lòng/dịu ngọt nước dừa/ mặn hồng muối biển". Và ta còn thấy hình ảnh "Một trái dừa non dịu cơn nắng gắt", hay "hạt cát long lanh nặng tình xứ sở"...
Quê hương trong thơ Phạm Ánh còn sâu nghĩa nặng tình bởi công mẹ cha khó nhọc, bởi công ông bà, công chị tần tảo, hy sinh. Với Phạm Ánh, thơ là điểm tựa trong hành trình cuộc đời một con người phải chịu cảnh tật nguyền. Vì thế, thơ anh không thể thiếu vắng hình ảnh: " Mẹ cuốc trắng, cha cấy nắng cày mưa" hay "Ngoại tôi tóc bạc lưng còng/Hai sương một nắng giờ cong bóng chiều".... Ai yêu quê hương như Phạm Ánh thì mới thấy là anh có sự thấu tận và gắn bó sâu sắc với quê hương biết nhường nào! Có lúc không ngăn được cảm xúc tuôn trào, anh đã âu yếm gọi Cát Hanh-quê anh là Mẹ: "Sông La tinh như khăn nhỏ buông mềm/ Vắt bên vai mẹ Cát Hanh ruột thịt/ Tôi là con lớn lên từ đất..."(Mẹ Cát Hanh)
Ngoài tình quê và những vần thơ về quê hương, thấp thoáng trong thơ Phạm Ánh còn là bóng dáng người phụ nữ, những niềm đồng cảm sâu lắng đối với các em học sinh khiếm thính (nơi anh công tác), là trăng, là người vợ cùng cảnh ngộ khuyết tật....
Qua thơ Phạm Ánh, người đọc còn nhận chất thơ mộc mạc nhưng truyền cảm, tứ thơ có sức lan tỏa, để từ đó cảm nhận từ cuộc sống này có biết bao điều tốt đẹp mà ta chưa nhận ra...
. Nguyễn Huỳnh Huyện

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

HỒ VIẾT HÒA BÂY GIỜ Ở ĐÂU? CÓ AI BIẾT KHÔNG?



Cho đến nay,toàn bộ cựu sinh viên Văn k11 ĐH Đà Lạt đều không biết Hồ Viết Hòa bây giờ ở đâu? Làm gì?
Trần Bảo Long cho hay, sau khi ra trường một năm hay một năm rưỡi gì đó, Hòa có trở lại trường lấy hồ sơ, và từ đó bặt âm vô tín cho đến giờ.
Khó khăn nhất là Hồ Viết Hòa không để lại tung tích gì,kể cả giấy tờ hồ sơ, lý lịch.
Ban liên lạc lớp phát lời kêu gọi toàn thể cựu sinh viên Văn k11 hãy cùng tìm Hồ Viết Hòa bằng tất cả những khả năng có thể.
Mọi thông tin xin liên lạc lại ĐT 0982374609,0905023823 và email:vandalat11@gmail.com
BAN LIÊN LẠC

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

ĐÀ LẠT- NHỮNG NƠI CHỐN TA QUA

Trong lúc chờ một entry mới phân tích thơ Phạm Ánh, mời các bạn xem lại hình ảnh những nơi mà chúng ta không thể nào quên.
Nhà thờ Chánh Tòa, Ga Đà Lạt, Trường cao đẳng, Chợ, Chùa Linh Sơn...






Thứ Năm, 7 tháng 8, 2008

KHOA NGỮ VĂN- 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Mời xem tư liệu về Khoa Ngữ văn. Gọi là uống bia...nhớ nguồn vậy



Hơn hai mươi năm xây dựng và trưởng thành khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt đã và đang khẳng định vị trí của mình là một trong những khoa có quy mô đào tạo lớn, uy tín giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngày càng được nâng cao.

Những thành viên ban đầu của Khoa là một số cán bộ giảng dạy thuộc khoa Sư phạm Đại học Tây Nguyên chuyển về Đại học Đà Lạt năm 1982. Khoa đã được bổ sung dần từ nguồn tự đào tạo và từ các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn khác. Hiện tại tổng số giáo chức tham gia giảng dạy ngữ văn là 21 người, trong đó có 10 người kiêm nhiệm công tác quản lý trong Ban Giám hiệu các khoa, phòng, trung tâm và đoàn thể. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa hầu hết đã được đào tạo sau đại học; trong đó có 02 người là PGS-TS; 9 TS; 2 ThS. Đây là vốn quý để khoa Ngữ văn tiếp tục phát triển đào tạo đại học và sau đại học.

Ban Chủ nhiệm khoa gồm TS. Phạm Quốc Ca – Trưởng khoa, TS. Phan Thị Hồng – Phó trưởng khoa. Khoa có 3 bộ môn là: Văn học Việt Nam do PGS.TS. Lê Chí Dũng làm Trưởng bộ môn; bộ môn Lý luận văn học và Văn học nước ngoài do ThS. Nguyễn Hữu Hiếu làm Trưởng bộ môn và bộ môn Ngôn ngữ học do TS. Dương Hữu Biên làm Trưởng bộ môn. Đây là mô hình tổ chức tương đối phù hợp với tính chất và quy mô đào tạo hiện nay của Khoa.

Định hướng chính trong hoạt động của khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt là đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản thuộc hệ đại học tổng hợp. Để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, ngay từ khóa đầu Khoa đã có chủ trương đúng đắn là mở thêm hướng đào tạo ngữ văn sư phạm. Gần đây để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, Khoa đã xác định và cơ cấu chương trình đào tạo theo ba hướng: ngữ văn, ngữ văn sư phạm và ngữ văn - báo chí (cho sinh viên hệ tại chức). Nội dung, chương trình giảng dạy ngày càng được cải tiến, đảm bảo chương trình chuẩn quốc gia với hệ thống học phần bắt buộc và tự chọn khá phong phú. Khoa cũng đã tham gia xây dựng chương trình đào tạo, và thực tế đã đào tạo Cao học ngành Văn học Việt Nam từ năm học 2002-2003. Khoa đang đề nghị và chuẩn bị mọi mặt cho đào tạo Tiến sĩ khi được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép.

Hơn hai mươi năm qua, đặc biệt là từ những năm gần đây, khoa Ngữ văn đã có sự mở rộng quy mô đào tạo với phương châm đa dạng hóa về ngành học và loại hình đào tạo. Từ chỗ chỉ đào tạo đại học chính quy, giờ đây Khoa song song đào tạo ba loại hình: chính quy, tại chức và đào tạo từ xa. Từ chỗ chỉ có gần 150 sinh viên chuyển về từ Đại học Tây Nguyên (1982), hiện tại Khoa đang đào tạo hơn một ngàn bốn trăm sinh viên chính quy và gần hai trăm sinh viên hệ tại chức, đào tạo từ xa.

Trong những năm qua hàng ngàn sinh viên khoa Ngữ văn đã ra trường, công tác ở mọi miền đất nước (chủ yếu là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên). Nhiều cựu sinh viên của Khoa đã làm việc có hiệu quả và trưởng thành nhanh chóng tại trường Đại học Đà Lạt, Đại học Tây Nguyên, các trường trung học phổ thông, các sở văn hóa, các báo, đài, các hội văn nghệ, và nhiều cơ quan chính quyền, đoàn thể xã hội khác.

Để đạt được những thành tích đào tạo như vậy, các thầy giáo, cô giáo trong khoa đã nỗ lực hết mình trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhiều người đã liên tục được bầu là “giảng viên giỏi” của Trường Đại học Đà Lạt.

Khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt luôn ghi nhớ công lao của các giáo sư, tiến sĩ các khoa Ngữ văn Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội & nhân văn khác đã tham gia đào tạo với tư cách là cán bộ thỉnh giảng và đã tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho khoa. Trong số đó, PGS Nguyễn Thạch Giang có thời kỳ được mời làm Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam. Thầy trò khoa Ngữ văn ghi nhớ công lao của PGS-TS Nguyễn Khắc Tụng, cựu Trưởng khoa Văn – Sử (đã trở lại Hà Nội), cố PGS - cựu Trưởng khoa Ngữ văn Hồ Tấn Trai và những cán bộ đã từng tham gia công tác quản lý Khoa.

Trong hơn hai mươi năm qua, khoa Ngữ văn đã thực hiện gần ba mươi đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và hàng trăm đề tài cấp trường. Các đề tài tập trung vào mấy hướng chủ yếu sau:
1. Nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản về văn học và ngôn ngữ học phục vụ trực tiếp nội dung giảng dạy. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và đề tài luận án tiến sĩ của TS. Nguyễn Đình Hảo, TS. Dương Hữu Biên, TS. Nguyễn Khắc Huấn, TS. Huỳnh Thông, ThS. Nguyễn Hữu Hiếu, GV. Phạm Hậu Thành… đã đáp ứng trực tiếp hướng nghiên cứu này.
2. Nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong đời sống văn học đương đại của đất nước . Các đề tài, các bài báo của PGS.TS Lê Chí Dũng, PGS.TS Phạm Quang Trung, TS. Nguyễn Văn Kha, TS. Phạm Quốc Ca, TS. Nguyễn Mạnh Hùng… đã tham gia vào việc nhận diện đặc điểm văn học Việt Nam đương đại, nghiên cứu thơ, văn xuôi và lý luận văn học… Năm 2001 tập thể cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn đã thực hiện đề tài cấp Bộ “Văn học Việt Nam thế kỷ XX”. Công trình này đã được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 2002.

3. Nghiên cứu những vấn đề văn học, ngôn ngữ và rộng ra là xã hội, nhân văn gắn với địa bàn Tây Nguyên . PGS.TS Lê Chí Dũng tham gia Ban chỉ đạo các chương trình Khoa học xã hội và Nhân văn của tỉnh Lâm Đồng. TS. Lê Hồng Phong, TS. Phan Thị Hồng, GV Nguyễn Tuấn Tài… đã tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu địa chí Lâm Đồng, Đà Lạt, văn hóa, văn học dân gian Tây Nguyên, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số K’ho, Mạ, Rơ-măm, Ba-na… Nhiều buôn làng xa xôi, hẻo lánh đã in dấu chân thầy trò khoa Ngữ văn trong những chuyến đi điền dã…
Thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa đã được ghi nhận xứng đáng. Tập thể khoa Ngữ văn và nhiều cá nhân đã được Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt khen thưởng. Các công trình nghiên cứu văn học dân gian Tây Nguyên của TS. Phan Thị Hồng, TS. Lê Hồng Phong đã được tặng giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, PGS.TS Phạm Quang Trung và TS. Phạm Quốc Ca được Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Uỷ ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng về lý luận, phê bình. Nhân kỷ niệm 25 năm đổi mới và phát triển của Đại học Đà Lạt, tập thể khoa Ngữ văn và 10 cán bộ giảng dạy của Khoa đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng bằng khen.

Khoa Ngữ văn còn là cái nôi trưởng thành của nhiều cây bút sáng tác văn học và đã có đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội Văn học - nghệ thuật Lâm Đồng, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (Khoa Ngữ văn có PGS.TS Phạm Quang Trung và TS. Phạm Quốc Ca là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, TS. Lê Hồng Phong, TS. Phan Thị Hồng là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 6 cán bộ là hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Lâm Đồng). Nhiều sinh viên khoa Ngữ văn đã có tác phẩm được in ở các báo, tạp chí trung ương và địa phương và trở thành hội viên các hội văn học, nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố.

Hơn hai mươi năm qua là chặng đường nỗ lực phấn đấu của thầy trò khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt. Những gì đã đạt được là tiền đề vững chắc cho những bước phát triển trong tương lai của khoa.

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu của Khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt là đào tạo các cử nhân khoa học ngành Ngữ văn, Sư phạm Ngữ văn và Ngữ văn báo chí (đào tạo hệ tại chức). Sinh viên Ngữ văn khi ra trường có thể công tác trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, báo chí đài, báo hoặc có thể tiếp tục nâng cao trình độ, đi sâu vào nghiên cứu các vấn đề văn học, ngôn ngữ học và các vấn đề xã hội – nhân văn gắn với địa bàn Tây Nguyên và của đất nước.

Về chương trình học: ngoài khối kiến thức giáo dục đại cương, sinh viên được cung cấp các kiến thức chuyên ngành về Văn học Sử (Văn học Việt Nam các thời đại, Văn học nước ngoài (Văn học Phương Tây; Văn học Trung Quốc; Ấn Độ; Văn học Đông Nam Á, Văn học Mỹ, Văn học Nga, Văn học Xô Viết…), Lý luận, phê bình văn học, Phương pháp sáng tác văn học và Ngôn ngữ học… cùng các tác gia và tác phẩm tiêu biểu của mỗi thời đại văn học.

Bên cạnh phần kiến thức cốt lõi, chương trình đào tạo còn bao gồm một danh mục phong phú các chuyên đề về văn học VN, văn học nước ngoài, các tác gia và tác phẩm tiêu biểu, Tâm lý học sáng tạo văn chương, Ngôn ngữ thơ, Lịch sử Tiếng Việt, Loại hình học Tiếng Việt, Lịch sử báo chí, Ngôn ngữ báo chí, cách thể ký văn chương và thể ký báo chí…

Ngoài chương trình chính khóa, sinh viên còn tham gia các chương trình ngoại khóa gồm:
- Các buổi Xêmina, giao lưu văn học với các GS, các nhà nghiên cứu văn học, các nhà văn…
- Tham gia các đợt thực tập điền dã hoặc tham quan các cơ quan văn hóa, Báo, Đà trong và ngoài Tỉnh. Đặc biệt tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên khác như Gia Lai, Kontum, DakLak.
(Theo website Trường Đại học Đà Lạt)

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2008

HÌNH CỦA LỚP DO BẢO LONG VÀ HỒNG NGA LƯU GIỮ (Phần 2)

Mời các bạn xem tiếp bộ sưu tập hình lớp ta của Bảo Long và Hồng Nga. Nhân tiện tiếp tục kêu gọi mọi người gởi hình cũ về vandalat11@gmail.com để cùng xây dựng "bảo tàng" của lớp.