Người ta bảo : Đời người như một dòng sông. Đời dòng sông qua bao thác, qua bao ghềnh, qua bao buồn - vui, qua những thăng - trầm … rồi hòa chung một một dòng để đổ về biển cả. Thế nhưng đời người khác với đời sông chỉ có một điều : Khi đã sắp hòa dòng về biển – con người lại muốn quay lại về nguồn để thắm thía cảm nhận hai chữ quê hương ngày ngày vẫn chảy trong dòng máu của chính mình. Vậy mà có một lần – một lần thật tình nhớ, thật tình ngậm ngùi – một lần mới đây thôi - quê ở rất gần mà chỉ ghé ngang qua.
Ghi chép của VĂN QUANG
Kể từ ngày bà nội đi về phía núi – còn người ba không còn trên cuộc đời này nữa – những chuyến thăm quê cứ thưa dần dẫu nỗi nhớ thì vẫn cứ đầy. Vẫn là cách giải thích quen thuộc của những người tha phương cầu thực. Vẫn là cách lý giải của những phận đời mãi loay hoay vì cái chuyện cơm áo, chuyện gạo tiền và bao chuyện khác nữa trong cuộc sống bộn bề này. Vậy nên mới có chuyện : Nhớ quê mà chẳng thể về. Nhớ quê mà chỉ … đi ngang qua quê….
Mùa này đi ngang qua quê – chợt nhớ quá những ngày theo ba về quê nội. Vẫn là ngã ba Phú Lâm nơi xe trả khách – để rồi nơi đó là chỗ để hai ba con đứng đợi những chiếc cộ bò, nhờ quá giang đoạn đường gần 10 cây số về nhà nội cho đôi chân đỡ mỏi. Có lần chẳng có chiếc cộ bò nào – nên ba đi trước, con theo sau, oằn trên lưng ký su su, củ cà rốt, khoai tây và cả mấy túm trà … làm quà cho bà con lối xóm. Ngày đó còn nghèo lắm. Ngày đó muốn vượt qua hơn 300 cây số về thăm quê phải hết một ngày một đêm ; phải chắt chiu, dành dụm cả năm trời và phải học hành chăm ngoan để khoe với nội. Nghèo khó là vậy mà năm nào cũng một lần về thăm quê, thăm nội không chỉ vì nhớ - mà còn vì cái câu ba dạy : Quê hương là khúc ruột mình.
Mùa này đi ngang qua quê – chợt nhớ quá cặp mắt mù lòa của nội vẫn nhận ra đầy đủ tiếng nói, hình hài những đứa cháu mỗi năm, hay nhiều năm chỉ gặp có một lần ; vẫn bao lời thương mến thăm hỏi, nhưng không nhận được câu trả lời nào – bởi mấy đứa nhỏ ở thành phố về không hiểu được tiếng nói của người xứ nẫu. Vậy nên mới có câu chuyện còn nhớ mãi : Mấy đứa cháu từ thành phố về hỏi : Nội ơi ruộng này của ai ? Nội tỏm tẻm nhai trầu bảo : Của nẫu cháu à ! Lại hỏi : Còn đồng kia của ai ? Nội nheo mắt bảo : Cũng của nẫu cháu à ! … Mấy đứa nhỏ ở thành phố về mừng thầm vì ruộng đồng nội mình nhiều quá – bởi chúng nó nghĩ : Của nẫu là của mình. Hỏi ba – ba bảo : Của nẫu là của người ta ! Làm cho mấy đứa nhỏ ở thành phố về quê tiu nghỉu.
Mùa này đi ngang qua quê – chợt nhớ hạt gạo ruộng nấu trong chiếc nồi làm bằng đồng trên bếp lửa rơm nhưng không bao giờ xới ; nhớ con cá trê đồng không bao giờ chiên mà phải nướng, dầm với thứ nước mắm mặn có trái ớt xanh mới hái sau vườn ; nhớ người con gái ngày nào cũng rủ ra sông hái bó củi tre - bây giờ đã có tới 5 mặt con mà vẫn mặn mà, đằm thắm ; nhớ người bác, người cô vẫn cần mẫn với ruộng, với đồng – vẫn cần mẫn với cái cày, cái bừa để cây lúa mỗi năm ba vụ tràn sân, đầy bồ và để cột rơm cao hơn mái nhà dành cho con bò, con nghé no nê mỗi lần đồng xa hết cỏ. Người dân quê vậy đó – vẫn cần mẫn sống, cần mẫn làm và cần mẫn cam chịu để rồi những cần mẫn đó làm nên cái rất riêng, rất đẹp của chốn quê nhà.
Mùa này đi ngang qua quê – chợt nhớ ra lâu lắm rồi không về nơi chôn nhau, cắt rốn của ba mình ; không thắp hương cho nội để thưa với nội rằng : Mấy đứa cháu của nội ở thành phố bây giờ đã lớn, đã trưởng thành, có công ăn việc làm đắp đổi cuộc sống. Có nhiều chuyện buồn, chuyện vui - nhưng có một điều chắc chắn sẽ làm nội không vui – khi nội biết dẫu những đứa con, đứa cháu xa quê, mà bây giờ đã là người thành phố đã lớn, đã trưởng thành nhưng sao không nhớ về những cánh đồng ngày càng vắng bóng người ; nhớ những đôi chân xưa ngập sâu trong bùn quánh mà làm thành những cái tên, những hình hài cho đám con, đám cháu bây giờ.
Mùa này đi ngang qua quê – chợt nhận ra dòng sông Ba bao đời vẫn âm thầm góp nước đổ về biển cả ; nhận ra những hạt phù sa vẫn chắt chiu cuộn mình trên đồng cho hạt lúa nẩy mầm, cho mùa bội thu ; nhận ra ngã ba Phú Lâm bây giờ không còn phải là nơi để hai ba con đứng đợi chiếc cộ bò, nhờ quá giang mỗi lần về thăm quê của mấy chục năm về trước – mà ngã ba Phú Lâm xưa đã là con đường rộng, xe cộ ầm ào ngày cũng như đêm, ngược xuôi về quê nội và nhận ra chút thật lòng của chính mình : Sao cứ mãi đi ngang qua quê …. ?
Người ta bảo : Đời người như một dòng sông. Đời một dòng sông qua bao thác, qua bao ghềnh, qua bao buồn - vui, qua những thăng - trầm … rồi hòa chung một một dòng để đổ về biển cả. Thế nhưng đời người khác lắm với đời sông chỉ có một điều : Khi đã sắp hòa dòng về biển – con người lại muốn quay lại về nguồn để thắm thía cảm nhận hai chữ quê hương ngày ngày vẫn chảy trong dòng máu của chính mình. Vậy mà có một lần – một lần thật tình nhớ, thật tình ngậm ngùi – một lần mới đây thôi, quê ở rất gần mà chỉ ghé ngang qua…..
…. Mùa này đi ngang qua quê – chợt nhận ra những hạt nắng hiếm hoi rớt xuống dòng Ba trong mùa nước lụt ; nhận ra những cánh đồng trắng nước đang chờ vụ mới và chợt nhận ra có cánh cò mồ côi đang chấp chới bay về phía góc chân trời – rồi tự hỏi : Có phải nó cũng đang đi ngang qua quê ? ….