Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

NGƯỜI NHÀ QUÊ


Ghi chép của VĂN QUANG

Cũng chỉ vì cuộc chiến dài dằng dẳng mấy chục năm. Cũng vì cuộc mưu sinh và cũng vì những lý do không thể lý giải – mà ở vùng đất này có biết bao đứa con, đứa cháu suốt cả một đời chưa một lần được về quê cha, đất tổ ; được thắp nén hương thơm lên mồ mả ông bà trong ngày giỗ, chạp hay xuân về, tết đến. Dẫu có thế, những người con tứ xứ vẫn giữ được giọng nói quê mình – vẫn giữ được chút mặn mòi, chân chất của quê hương, và dẫu có ai đó vô tình bảo : Người nhà quê ấy mà - thì cũng bằng lòng. Ghi chép : Người nhà quê, của Văn Quang :
-----------------------------------

Còn nhớ cái ngày đang học lớp 8, lớp 9 – mỗi lần thằng bạn cùng lớp lên bảng trả bài là cả lớp bụm miệng cười. Chẳng phải vì thằng bạn tôi không thuộc bài, hay vì cái quần ngắn tủn lên tận gối vì đang tuổi ăn, tuổi lớn và vì cảnh nghèo chật vật – mà chỉ vì thằng bạn cùng lớp nói tiếng Huế rặt, không lẫn vào đâu được. Bao nhiêu từ mô – tê – răng – rứa được thằng bạn tôi nhắc tới trong mỗi lời nói. Đến nỗi lúc nhận lại bài kiểm tra của thầy giáo dạy môn toán, có lần nó hỏi : Răng câu này em làm đúng mà thầy cho có một điểm ? Nghe thầy giáo dạy toán giải thích, nó bảo : Rứa hả thầy ? Vậy là cả lớp cười ầm.
Thằng bạn tôi là người gốc Huế, nhưng chưa một lần về nơi nội sinh ra ba nó, mà nó chỉ được nghe, rồi mường tượng về cánh đồng có đàn cò trắng thẳng cánh trong chập chờn hoàng hôn, qua lời kể của ba, của mạ nó. Gần trọn đời sống ở vùng đất này, nhưng vì cảnh nghèo túng, lại thêm chiến tranh dai dẳng mấy chục năm trời nên ngày ba mạ nó thành vợ, thành chồng chỉ có con gà trống mới lớn, tréo cổ thắp nhang xin phép ông bà, và thêm lít rượu nếp than mời hai nhà hàng xóm. Nhiều khi nhớ quê, nhớ người thân đêm về nằm khóc, nhưng vì bầy con sáu đứa nheo nhóc nên mỗi lần như thế ba mạ nó chỉ biết thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, nhưng không tấm hình nào mà chỉ có một lá vị. Và cũng vì nhớ quê cha, đất tổ mà ba mạ nó không nỡ bắt chước tiếng nói lợ lợ ở vùng đất mới, mà vẫn mô – tê – răng – rứa để bầy con sáu đứa giữ chất giọng quê mình. Và dẫu đám bạn cùng lớp bụm miệng cười - khi nó lên bảng trả bài, rồi bảo : Người nhà quê !.... Thế rồi hơn hai chục năm không gặp nhau vì cuộc mưu sinh, có một ngày nghe giọng nói qua điện thoại : Mi đi mô mà tau tới nhà không gặp ? Chưa kịp trả lời, nó hỏi tiếp : Vợ con mô, răng bây chừ chỉ sống có một mình ? Chỉ có thế mà nhận ra thằng bạn hồi học lớp 8, lớp 9 cách đây hơn hai chục năm. Chợt nghĩ : Người nhà quê trở thành người thành phố mấy chục năm rồi mà giọng vẫn rứa …
Có thằng bạn quê ở Hà Tĩnh, sinh ra, lớn lên trên vùng đất này. Ba nó theo nội nó vào Nam khi mới bước đi tập tễnh, rồi ba nó gặp mẹ nó là người cùng làng. Cũng vì cảnh nhà túng thiếu, thời chiến loạn lạc, kẻ mất người còn nên nó chưa một lần về mảnh đất mang tên Kỳ Anh – quê nội. Vậy mà bây giờ đã ngót nghét tuổi bốn mươi. Vậy mà bây giờ mỗi lần lên tiếng là rặt giọng quê – dẫu nó đàng hoàng đã là người thành phố. Có người bảo, người thành phố gì mà gọi con trâu là con tru ; cái chén ăn cơm mà gọi là cái đọi ; còn dang nắng cả ngày lên cơn nhức đầu thì nó lại bảo đau cái trốt. Nghe, nó chỉ cười, rồi bảo : Ba mất sớm, không biết mặt – Nội dạy sao thì nghe vậy. Giọng quê của mình mà !
Sinh ra rồi lớn lên trên vùng đất này. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua nhưng có mấy lần về thăm quê, cũng vì một lý do vẫn được nhiều người chấp nhận : Vì cuộc sống. Vài ba năm vào dịp giỗ kỵ ông bà, chú bác, người thân lại gói gém mấy ngày để về nơi chôn nhau cắt rốn của ba mình và để được làm người nhà quê – nhưng không thể. vẫn gói trà, ký mứt dâu và thanh socola làm quà cho người già, con trẻ - nhưng nghe ai đó bảo : Sao không để tiền mua nải chuối thắp nhang cho nội ? Nghe đến chạnh lòng. Bà con lối xóm đến thăm, họ hàng đủ cả để được nghe trăm lời thăm hỏi. Vậy mà … mỗi câu hỏi, giọng nói quê chỉ hiểu được phân nửa – còn nửa kia thì chịu lỗi, bởi bây giờ đã là người thành phố. Chợt nghĩ : Người thành phố về quê của chính mình mà sao lạc lõng, xa lạ quá, và cứ tiếc sao không giữ giọng quê mình – dẫu có ai bảo rằng : Mày là dân xứ nẫu !
Người nhà quê như thằng bạn gốc Huế mấy chục năm về trước bây giờ đã là dân thành phố, nhưng vẫn là người nhà quê khi bây giờ nó vẫn mô – tê – răng – rứa với bất cứ ai, chứ không riêng gì với người quê nó ; vẫn hỏi thăm bạn bằng cái giọng rất Huế mà nó nghe, nó nhớ từ lời ru của mạ nó thuở lọt lòng. Người nhà quê như thằng bạn gốc Hà Tĩnh lưu lạc nơi phố thị, gần bốn chục năm rồi chưa một lần thăm quê mà vẫn là người nhà quê, bởi con trâu nó gọi là con tru, còn cái đầu thì gọi bằng cái trốt ; vẫn cười mà chẳng giận ai bao giờ khi người ta bảo cái chén ăn cơm lại gận cổ cãi lại, gọi là cái đọi. Hóa ra người nhà quê tay bắt, mặt mừng, nước mắt rưng rưng từ lần gặp đầu tiên đâu phải vì nhà cao cửa rộng, xe hơi nhà lầu, quần là áo lụa … mà người nhà quê nhận ra nhau bằng giọng nói rất riêng của quê hương mình.
Mấy ngày mưa to, gió lớn. Mấy ngày miền Trung cam lòng cho cơn bão dữ đi qua. Người nhà quê vẫn lặng thầm gạt giọt nước mắt, ngâm mình trong lũ vớt hạt lúa non cầm hơi qua bữa ; vẫn gọi giấc mơ về sau những ngày chống lại mái nhà nát vụn, lấm lem bùn đất ; vẫn rặt giọng quê, í ới gọi nhau chia phần cứu trợ. Vậy mới biết, người nhà quê sống với nhau tình nghĩa thế nào. Vậy mới hiểu, người nhà quê có mấy ai muốn trở thành người thành phố - khi chợt nhận ra mình chẳng giữ được một chút của quê …
Văn Quang
Đàlạt tháng 10.2009