Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

ĐÀ LẠT XƯA QUA HỒI ỨC NHỮNG NGƯỜI LÀM VƯỜN

Thời gian đã qua đi không trở lại… Bây giờ vãn cảnh Đà Lạt trong không gian cổ tích sương giăng bảng lảng và cả trong sự phát triển đô thị theo guồng quay cuộc sống, đã đôi lần du khách vẫn tự vấn rằng: Đà Lạt hiện hữu, còn Đà Lạt trong giấc mơ xưa…?

Đà Lạt nước mênh mang, nước xanh rờn…

Đà Lạt xưa hoang vu, huyền bí. Đà Lạt nay như huyền thoại của hiện thực. “50 năm trước (1953) tôi đưa vợ và 6 đứa con từ Xiêng Khoảng – Lào trở về Việt Nam, nhưng không về quê ở Nghệ An mà tìm đường lên Đà Lạt cùng với 17 hộ khác” - cụ Hoàng Nghĩa Trân tự là Dần – 81 tuổi kể. Ông nói tiếp: “Tất cả mọi con đường đều rất nhỏ, len lỏi dưới cánh rừng thông, rừng dẻ. Từ đây toả về các ngả đều là rừng hết, hoang vu và xanh ngút ngàn. Buổi sáng sương mù mịt, nước lạnh cứng không thể thò tay được. Hồi đó đi đến đâu cũng thấy suối và hồ nước. Nước xanh rờn, sâu và đẹp lắm: Những vạt bông súng nở tím ngắt suốt chiều dài của những hồ nước, hầu hết những con suối nước màu xanh ngắt, cắm cây tre thật dài cũng chưa thấy đáy. Vào tháng 8, sương muối dày đặc. Mưa đá liên tục, mỗi lần mưa đá vừa dứt, ra xúc hàng thúng đá…”
Một vùng muông thú và chim chóc
“Hổ, nai, đỏ, heo, trăn, rắn, chim, gà rừng… nhiều quá trời”.
Cụ Lê Kế - 95 tuổi, hiện ở ấp Thái Phiên, phường 12 – thành phố Đà Lạt nhớ lại:
Tôi là một trong 17 hộ đầu tiên đến khai hoang lập ấp ở vùng Thái Phiên này. Hồi đó vùng này bạt ngàn rừng ngo, rừng dẻ, rừng dớn… những gốc ngo, gốc dẻ to mấy người ôm không xuể. Thú rừng rất nhiều. Tôi làm cái chòi ở trong, đêm đến cọp cứ đi bép bép ở ngoài. Cọp xứ này rất hiền, có lần cọp đi trước, tôi tưởng người nên cứ kêu hoài “chờ với” tôi chạy theo miết, đến sáng ra mới thấy đi trước mình là những dấu chân cọp to bằng nắm đấm người lớn. Tôi đã gặp cọp nhiều lần. Gặp “ổng” thì đừng có chọc, mà chỉ cần lấy cái cày quắt chóc chóc vào không khí, hoặc cầm cục đá “chó cữ thổ, hổ cữ thạch” mà. Hồi đó trăn, rắn, đỏ, thỏ, heo rừng, chim chóc, gà rừng… thứ gì cũng có. Ăn tối xong, nai, mang kêu dầm dầm, cọp đi vòng vòng ngoài chòi, nhưng không bao giờ vào chòi vồ người, hoặc bắt heo, gà trong chòi.
Người đi mở đất lập làng
Ông Nguyễn Xuân Bách – 76 tuổi bắt đầu câu chuyện của ông từ việc mới đây người dân ấp Thái Phiên đã xây dựng một ngôi đình thờ cụ Phan Văn Miễu, người đầu tiên đưa dân về Thái Phiên mở đất, lập làng. Ngoài việc suy tôn cụ Phan Văn Miễu là “Thành hoàng làng”. Đến nay các bậc cao niên ở Thái Phiên vẫn kể lại và nhắc nhở cho con cháu về lòng biết ơn đối với những người đã có công dẫn dắt những người nghèo khổ đến vùng đất này tìm đất sống. “Ngoài tấm lòng thương dân, cụ Phan Văn Miễu còn là một người yêu nước” – ông Nguyễn Xuân Bách khẳng định: “Vì cụ đã chọn chữ Thái Phiên là tên của một nhà yêu nước nổi tiếng để đặt cho ngôi làng mới này”.
Một người có cùng tâm huyết, cùng chí hướng với ông Phan Văn Miễu là ông Bát Kỳ… Sau đận Mậu Thân 68, Mỹ ném bom tan nát làng Phước Yên - huyện Quảng Điền - tỉnh Thừa Thiên Huế, ông bà Bát Kỳ dẫn nhau vào Thái Phiên khai khẩn đất đai, thấy vùng đất lành, ông bà đã trở về làng đỡ đần toàn bộ trẻ mồ côi làm con nuôi và 200 hộ người cùng làng quê nghèo đói vào đây sinh sống.
Những căn nhà mộc mạc bên những con đường đất đỏ
“45 năm trước (1957) tôi mang vợ con từ Sài Gòn lên Đà Lạt, cuốc sạch một đám cỏ sình, tôi cất một túp lều lá buông để ở - sình cỏ đó bây giờ là chợ Đà Lạt”. Bác Nguyễn Hữu Nam tự Tư Phong – 74 tuổi kể lại: Lúc đó Đà Lạt chỉ có vài chục biệt thự, dinh thự, còn nhà dân hầu hết làm bằng gỗ, vách đất, mái lợp lá buông. Mọi con đường đều bằng đất rất nhỏ xuyên qua những cánh rừng hoang vu, những đồi thông nối tiếp nhau đến bất tận. Đến năm 1963 – 1964 những con đường mới đổ đá cấp phối, khoảng năm 1966 – 1967 vùng Thái Phiên này mới có điện. Khoảng năm 1964 – 1965 một người dân là ông Chỉnh xây được một căn nhà, nổi tiếng đến mức vùng này đặt chết tên là “Chỉnh nhà lầu”. Hồi đó thích che chòi, che trái kiểu gì cũng được. Người đi mở đất vất vả lắm, hầu hết dân sống bằng nghề trồng la gim, ngày ngày gánh nước từ dưới hục lên tưới rau. Đến năm 1966, tôi mua được máy Bẹc Na tưới nước cho rau là mừng hung rồi. Mãi tận sau giải phóng người dân mới bắt đầu trồng hồng (ăn trái), atisô và hoa các loại để kinh doanh. Từ đây người dân có của ăn của để, nếu đủ đầu tư xây nhà cửa - hạ tầng cơ sở được nhà nước đầu tư nên thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
(Dalatnews)