Đọc Bình Định điện tử chợt gặp bài giới thiệu này đã lâu lắc rồi
Phạm Ánh làm thơ từ khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Đà Lạt. Anh là sinh viên nam duy nhất của trường bị tàn tật nhưng có nghị lực phi thường. Tính cách anh điềm đạm, ham học hỏi và chất thơ của anh mang nặng nỗi nhớ quê hương, nỗi buồn nhớ mẹ, nhớ vùng cát cháy da nhưng đầy tự hào về truyền thống cách mạng.
Phạm Ánh được giải thưởng thơ (giải ba) của Hội văn học Nghệ thuật Bình Định từ năm 1993, và trong những năm gần đây liên tục anh có 3 tác phẩm thơ được xuất bản: Một miền trăng (năm 2002), Những vì sao mơ ước (năm 2003) và Lối cũ (năm 2004), đã chứng tỏ nghị lực của một nhà thơ bị khuyết tật này.
Với tập thơ Lối cũ (40 bài) do NXB Đà Nẵng ấn hành, Phạm Ánh đã thể hiện khá xúc động tình yêu quê hương đau đáu, thường trực trong anh. Đó là những câu thơ được gạn lọc theo những dòng hồi ức ngọt ngào, những nỗi niềm trắc ẩn: "Cuối năm về lại quê mình/ không dưng mới một chút tình đã xưa"(Chiều mưa). Những tứ thơ nhè nhẹ nhưng gợi nên bao nỗi niềm ấy, chúng ta còn gặp rất nhiều trong các bài khác như "Hương quê", "Hoa quê", "Đêm xa quê", "Hồn quê", "Chút tình quê"... Ai chẳng có một quê hương-quê hương để nhớ, để quay về nương náu tâm hồn và tìm lại cái ngày tuổi thơ ham chơi theo lũ bạn chân đất đầu trần... Chốn quê của Phạm Ánh nhắc nhớ về kỷ niệm xứ dừa xanh, cát trắng rất Bình Định: "Ôi quê hương/đã hóa hương lòng/dịu ngọt nước dừa/ mặn hồng muối biển". Và ta còn thấy hình ảnh "Một trái dừa non dịu cơn nắng gắt", hay "hạt cát long lanh nặng tình xứ sở"...
Quê hương trong thơ Phạm Ánh còn sâu nghĩa nặng tình bởi công mẹ cha khó nhọc, bởi công ông bà, công chị tần tảo, hy sinh. Với Phạm Ánh, thơ là điểm tựa trong hành trình cuộc đời một con người phải chịu cảnh tật nguyền. Vì thế, thơ anh không thể thiếu vắng hình ảnh: " Mẹ cuốc trắng, cha cấy nắng cày mưa" hay "Ngoại tôi tóc bạc lưng còng/Hai sương một nắng giờ cong bóng chiều".... Ai yêu quê hương như Phạm Ánh thì mới thấy là anh có sự thấu tận và gắn bó sâu sắc với quê hương biết nhường nào! Có lúc không ngăn được cảm xúc tuôn trào, anh đã âu yếm gọi Cát Hanh-quê anh là Mẹ: "Sông La tinh như khăn nhỏ buông mềm/ Vắt bên vai mẹ Cát Hanh ruột thịt/ Tôi là con lớn lên từ đất..."(Mẹ Cát Hanh)
Ngoài tình quê và những vần thơ về quê hương, thấp thoáng trong thơ Phạm Ánh còn là bóng dáng người phụ nữ, những niềm đồng cảm sâu lắng đối với các em học sinh khiếm thính (nơi anh công tác), là trăng, là người vợ cùng cảnh ngộ khuyết tật....
Qua thơ Phạm Ánh, người đọc còn nhận chất thơ mộc mạc nhưng truyền cảm, tứ thơ có sức lan tỏa, để từ đó cảm nhận từ cuộc sống này có biết bao điều tốt đẹp mà ta chưa nhận ra...
. Nguyễn Huỳnh Huyện
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét