Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

ĐỊA DANH ĐÀ LẠT

Nghiên cứu của Thầy NGUYỄN TUẤN TÀI

Một bài nghiên cứu ngắn, hay, rất bổ ích của Thầy Nguyễn Tuấn Tài.

1. Trên cơ sở so sánh và đối chiếu các tài liệu nghiên cứu về Đà Lạt từ trước đến nay với các tư liệu điều tra hồi cố qua các đợt điền dã tại các vùng dân cư trong địa bàn thành phố và các huyện ngoại vi, chúng tôi thu thập được một danh mục các tên gọi có liên quan đến Đà Lạt trong hơn một trăm năm qua. Tư liệu phản ánh khá nhiều mặt, đặc biệt là lịch sử hình thành và phát triển của thành phố cao nguyên này. Kết quả xử lý tư liệu nói trên phần nào được công bố trong các bài viết của chúng tôi nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Bài viết này chỉ dừng lại khảo sát một mảng tư liệu nói trên về địa danh Đà Lạt.
2. Chính các địa danh Đà Lạt cũng đã phản ánh khá rõ nét các thời kỳ lịch sử của thành phố:
2.1 Trước hết, đó là thời kỳ khi người Pháp chưa đặt chân lên khai phá cao nguyên Lang Biang. Đà Lạt là vùng đất của tộc người Lạch (dân tộc Kơho) với những địa danh bằng tiếng Thượng dùng để gọi các sông, suối, thác, núi, đèo ... mà nhiều từ còn lưu giữ cho đến ngày nay: Đà Lạt, Lang Biang (Lâm Viên), Đan Kia, Ankroet, Đatanla, Cam Ly, Prenn, Manglinh, Tà Nung, núi Lu Ruas v.v...
2.2 Thời kỳ người Pháp đặt tên cho các đường phố và những công trình xây dựng, các địa danh trên bản đồ đều bằng tiếng Pháp. Một vài ngọn núi được đổi thành tên Pháp vào thời kỳ này, như Labbé (Láp-bê Bắc và Láp-bê Nam), Pin Thouard, Pic Robin. Trong số 72 tên đường có 54 từ gốc Pháp (75%), 12 từ gốc Việt (16%) và 6 từ gốc Kơho (8%).
2.3 Trong giai đoạn tiếp theo (1949-1974), quyền quản lý thành phố chuyển sang người Việt Nam, nhiều đường phố mang tên người Pháp đổi dần sang tên người Việt Nam, chỉ còn giữ lại những địa danh kiểu mốc địa chính: Pin Thouard, Pic Robin, Labbé Sud... hay các hồ: Grand Lac, Lac des soupirs, Lac S' Benoit... Từ năm 1953, với chủ trương Việt hóa các địa danh, các tên hồ, danh lam thắng cảnh đều được chuyển sang tiếng Việt.
2.4 Chiến thắng mùa xuân 1975 đưa Đà Lạt sang kỷ nguyên mới - chủ nghĩa xã hội, việc đổi tên là tất yếu. Những đường phố mang tên các nhân vật lịch sử có ít nhiều thay đổi (19 trường hợp), còn hầu hết vẫn giữ nguyên như trước đây.

3. Nhìn chung, qua các địa danh Đà Lạt, chúng ta có thể hình dung một số quy định như sau:
3.1 Dùng tên người, trong đó:
a. những người có công khai phá: Đạ Pàng Đòng (suối ông Đoòng), Liêng Tô Sra (Thác ông Tô và ông Sra), Trại Hầm (Trại ông Hầm), Ferme Faraut (Đồn điền Pha rô), rue Champoudry, Thouard, Yersin,...
b. các danh nhân văn hóa và lịch sử: Pasteur, Yersin, Lamartine, Bà huyện Thanh Quan, hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương...
c. các nhân vật lịch sử - chính trị: Roume, Doumer, Gia Long, Hàm Nghi, Ngô Đình Huân, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân...
3.2 Dùng tên các địa danh khác nhằm:
a. tôn vinh: Annam, France...
b. địa danh lịch sử: Mê Linh, Vạn Kiếp, Lam Sơn...
c. biểu thị các đợt di cư lớn: Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Sầm Sơn...
3.3 Đặt tên theo đặc điểm khu vực: Đa Prenn, Đatanla, Đăng Bồ Liềng (đồi đầu thác), lò Gạch, Cầu Quẹo, rue des Missions hay Nhà Chung, đồi Cù...
3.4 Đặt tên theo cảm hứng nghệ thuật:
a. theo sự tích văn học: Brah Sét (Đồi thần Sét), Đạ Chớt Ruas (suối chết voi), Đồi thông hai mộ...
b. mang tính chất trang trọng bằng cách dùng âm Hán Việt: Xuân An, Bình Minh, Ánh Sáng, Đa Thành, Đa Thiện, Đa Phước,...
c. và đầy hình tượng: Vallée d'amour (Thung lũng Tình Yêu), Bois d'amour (Rừng Ái Ân), Lac des soupirs (hồ Than Thở)...
3.5 Dùng tên hoa: Hiện tượng này chủ yếu dành cho các tên gọi các quán xá, trường hợp hiếm hoi dùng để đặt tên cho các đường phố ở Đà Lạt, ta chỉ bắt gặp hai con đường Rue des Roses (đường Hoa Hồng), Rue des Glaieuls (đường Hoa Layơn).

4. Nhân đây, chúng tôi xin đính chính lại những hiểu nhầm của các tác giả đi trước về một vài địa danh Đà Lạt
4.1 Trước hết, tên gọi Đà Lạt: "đất của người Lạch, người vùng rừng thưa, đồi trọc ..." là cách hiểu đúng quy luật danh học mà nhiều tác giả đã giải thích, cũng có thể hiểu đó là con suối Lạch (chảy từ Học việc lục quân đến thác Cam Ly nay là suối Cam Ly). Các giả thuyết mang tính chất suy luận văn nghệ như Đa Lạc (đọc theo phương ngữ Nam Bộ) - nhiều niềm vui, hay viết tắt từ câu La-tinh "Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem" (cho người này niềm vui, cho người kia sự mát mẻ) không nên cho là giả thiết khoa học như một vài tác giả đã bàn.
4.2 Hồ Xuân Hương là tên gọi hồ nhân tạo từ những năm ba mươi, được người Pháp đặt tên là Hồ Lớn (Grand Lac), sau đó chủ trương Việt hóa của Hội đồng thành phố và Nguyễn Vỹ lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội đồng đổi tên là hồ Xuân Hương (hồ hương xuân) chứ không phải lấy tên bà chúa thơ nôm, họ Hồ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì:
a. Các hồ Đà Lạt được đổi tên có hai xu hướng chính: theo địa danh lịch sử (Vạn Kiếp, Mê Linh...) hay theo cảm hứng văn chương (Than Thở, Xuân Hương, Đa Thiện, Tuyền Lâm), chứ không hề dùng tên người . Đây không kể những hồ giữ nguyên tên cũ của người Thượng: Dankia, Danhim...
b. Nếu lấy tên nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thì chúng ta phải ghi là hồ Hồ Xuân Hương mới đúng.
c. Và nếu như vậy, thì con đường xung quanh hồ này vốn từ đường Lamartine (nay là đường Bà huyện Thanh Quan) đổi thành đường Hồ Xuân Hương mới hợp lý hơn, chứ không ai lại chọn con đường khác xa hơn, gần hồ Than Thở để đặt tên cả.
Đây là khu vực cư trú của người Lạch, cư dân làm lúa nước vùng rừng thưa, đồi thông, không thể có người Chil, một cư dân làm rẫy ở đây được. Việc khẳng định dưới đáy hồ là buôn làng cũ của các cư dân Kơho - Chil (chúng tôi nhấn mạnh), Kơho - Lạt là thiếu thận trọng. Bằng con đường hồi cố, chúng tôi lần theo gia phả của những dòng họ Lạch ở vùng trung tâm Đà Lạt (Da Gút, Bon Yô, Bon Dơng), những vị trí làng gần mép hồ ít nhất bảy đời gần đây cũng không ai xác nhận cả. Có một nhóm người Chil - Chil Kon Klang (Chil con Ó) không có vùng đất cố định thường mua đất của các làng khác, thì lúc ở Đà Lạt cũng chỉ nằm phía Trại Mát và xa hơn gần chân đèo Prenn, nơi những vùng rừng hỗn giao và lá rộng thuận tiên cho họ làm rẫy.
4.3 Cam Ly: các nhà nghiên cứu về Đà Lạt hoàn toàn đúng khi khẳng định đây là tiếng Thượng, chứ không phải tiếng Việt như Cunhac cảm nhận. Nhưng việc đưa ra hai giả thuyết khác nhau (do ghép tên hai người Ha Mon và M'Ly và do tên một người tù trưởng Kơ M'Ly) mà không có lý giải sẽ tạo ra những hiểu biết mơ hồ không cần thiết. Theo điều tra của chúng tôi, việc người Pháp dùng tên Cam Ly để đặt tên cho con suối Đạ Lạch kéo dài từ phía đông bắc Đà Lạt qua hồ Xuân Hương, qua thác Cam Ly là dựa vào tên làng cũ của người Lạch: Rhang Pàng M'Ly (làng cũ ông M'Ly). Làng đó đóng tại ngọn đồi gần nghĩa trang liệt sĩ bây giờ. Con đường khảo sát của người Pháp theo chúng tôi nắm được chủ yếu qua phía Tà Nung...
Bởi nếu họ đi theo con đường lên Đà Lạt hiện nay (con đường Yersin đã đi chẳng hạn), thì con suối phải mang tên Đạ Lạch, thác Cam Ly phải có tên là Liêng Tô Sra hay Liêng Sra như người Thượng đã khẳng định. Câu chuyện về "voi trắng cọp trắng" có nhiều biến thể là đề tài của văn học dân gian, nhưng nên thận trọng khi dùng nó làm sự kiện lịch sử.
4.4 Hồ Than Thở vốn được dịch từ tiếng Pháp "Lac des Soupirs" (hồ của tiếng thở dài, thì thào).... Cách đặt tên này rất đúng thực tế vì một trăm năm trước đây vùng này là đầm lầy, có con suối chảy qua gọi là Đạ Pàng Đòng (suối ông Đoòng) mọc rất nhiều lau sậy. Hồ được tạo dựng khi xây nhà máy nước đầu tiên ở Đà Lạt. Câu chuyện mối tình của chàng trai Việt - Hoàng Tùng và cô gái Thượng - Mai Nương... cũng như việc chàng trai theo Nguyễn Huệ... là sáng tác sau này. Việc xác định vùng ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có kéo dài đến đây hay không, hay trong cuộc chinh phạt của Tây Sơn có lần nào kéo quân qua Đà Lạt không vẫn chưa có những chứng cớ lịch sử nào thuyết phục.
4.5 Prenn là tiếng Thượng với nghĩa là cây cà đắng, một món ăn được đồng bào ưa thích và mọc khá nhiều dọc theo con suối cùng tên. Nó không hề có nghĩa là Chăm, bởi theo tiếng Kơho, Chăm có thể đọc là Prưm hay Prum. Cuộc chiến tranh giữa người Chăm với cư dân bản địa là có thật, nhưng đó không phải là lý do để suy ra Prenn được dùng gọi người Chăm và càng vô lý hơn là từ gốc Chăm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đà Lạt, thành phố cao nguyên, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993.
2. Nguyễn Diệp, Trương Phúc Ân, Đà Lạt trăm năm.
3. Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng, Mạc Đường chủ biên.
4. Nguyễn Đức Thận, Ghi nhanh về Đà Lạt (bản chép tay), Dalat, 1953.
5. Monographie de Dalat, 1953.

NGUYỄN TUẤN TÀI
Khoa ngữ văn Đại học Đà Lạt

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

VỊ " KHÔ MỘC ĐẠI SƯ" KÍNH YÊU CỦA TÔI


TTO - Năm 2003, tôi nhận công tác tại khoa công tác xã hội và phát triển cộng đồng Trường đại học Đà Lạt với bao lo lắng: cuộc sống mới của tôi nơi xứ cao nguyên này sẽ thế nào? Sinh viên, đồng nghiệp sẽ đối xử với tôi ra sao?...
Kính tặng thầy Nguyễn Tuấn Tài, giảng viên Trường đại học Đà Lạt
Vậy mà bao âu lo ấy dần tan biến khi tôi nhận được ánh mắt đầy quan tâm, nụ cười bao dung, ấm áp của thầy trưởng khoa Nguyễn Tuấn Tài.







Thầy Nguyễn Tuấn Tài là người khai sinh ra khoa và mong muốn có nhiều sinh viên trưởng thành từ nơi này. Tính thầy mộc mạc, dáng người gầy gò, xương xương; gương mặt rất hiền, nụ cười thường trực như che lấp hết những khó khăn của cuộc sống, vì thế những sinh viên tinh nghịch tặng cho thầy biệt danh "khô mộc đại sư". Mỗi bài giảng của thầy không chỉ có kiến thức mà còn là nơi thầy gửi gắm, sẻ chia đến người trẻ những kinh nghiệm sống, những trải nghiệm trong ngành, trong nghiên cứu khoa học.
Tôi là một trong những nhân sự trẻ đầu tiên của khoa. Dù không trực tiếp dạy tôi nhưng thầy Tuấn Tài đã cho tôi nhiều bài học sinh động trong cuộc sống. Gặp thầy, tôi như gặp được người cha thứ hai trong đời. Không chỉ dìu dắt, chỉ bảo tôi tận tình trong những bước đầu vào nghề giáo, thầy còn đồng hành cùng tôi trong hành trình học tập, định hướng sự nghiệp tương lai.
Khi tôi thất bại trong việc nộp hồ sơ xin học bổng du học vì không đáp ứng yêu cầu tiếng Anh, thầy đặt tay lên vai tôi nói: “Em vẫn còn nhiều cơ hội. Điều quan trọng là không từ bỏ ước mơ của mình. Thầy có thể giúp đỡ em về mặt vật chất, còn tri thức khoa học hay tiếng Anh thì em phải tự tích lũy lấy”. Ánh mắt trìu mến của thầy làm tiêu tan những buồn chán, thất vọng trong tôi để tôi quyết tâm hơn trên hành trình tìm kiếm cơ hội học tập.
Rồi thầy tích cực liên lạc với nhiều đầu mối liên quan đến chuyên ngành, tìm các nguồn tình nguyện viên nước ngoài cho khoa để chúng tôi vừa có cơ hội trau dồi kỹ năng tiếng Anh vừa nâng cao chuyên môn. Ngày tôi bảo vệ luận văn thạc sĩ, thầy xuống Sài Gòn tặng hoa, chúc mừng và không quên dặn: “Em cố gắng lên nhé! Đây chưa phải là đích đến”. Lời nhắc nhở ấy in đậm trong lòng tôi trong mỗi hành trình học tập, giảng dạy, nghiên cứu.
Lứa cán bộ trẻ chúng tôi lần lượt tìm được cơ hội du học. Có người đã tốt nghiệp và quay về trường, có người vẫn đang học. Những quả ngọt đầu mùa ấy có dấu ấn lớn lao của thầy.
Thầy hiện đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, lại bị bệnh tật tấn công, nhưng thầy vẫn gắng đến giảng đường theo lời mời để tiếp tục trao ngọn lửa dấn thân vì cộng đồng đến những bạn trẻ đã chọn ngành công tác xã hội làm lối vào đời. Cũng vì gắng sức mà có lần thầy phải đi cấp cứu khi bài giảng còn dang dở.
Tâm hồn, trái tim, tấm lòng, nhiệt huyết của người thầy giản dị ấy là động lực để chúng tôi bền chí hơn trước những gian nan, thử thách của sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học. Cảm ơn thầy - vị "khô mộc đại sư" kính yêu của chúng tôi!
VÕ VĂN DŨNG (Nghiên cứu sinh Đại học Tổng hợp Passau, Đức)


Mời tham gia viết về "Người thầy đáng kính của tôi"

Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn - trở thành động lực để ta vươn tới.

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết "Người thầy đáng kính của tôi" để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu.

Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn.

Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài.

Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào.

Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm và hoàn cảnh chụp.

Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email thuymai@tuoitre.com.vn, từ nay đến hết ngày 20-11-2012.

Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.
Nguồn : Tuổi trẻ

THẦY TÀI VỚI VĂN ĐÀ LẠT 11






THẦY NGUYỄN TUẤN TÀI ĐÃ VỀ CÕI VĨNH HẰNG

 
Thầy Nguyễn Tuấn Tài sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, đã mất lúc 1g45 ngày 14-7-2013.

Lễ nhập quan lúc 19g30 ngày 14-7-2013 tại tư gia.
Lễ thiết linh sàn lúc 20g30 ngày 14-7-2013
Lễ thành phục lúc 8g ngày 17-7-2013
Lễ di quan lúc 10g ngày 17-07-2013
Lễ hỏa táng lúc 11g cùng ngày

Văn K11 sẽ tổ chức đi viếng lúc 19g ngày 16-7-2013
 
                          
 Ban liên lạc Văn Đà Lạt 11 thông báo