Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

KHOA NGỮ VĂN- CHẶNG ĐƯỜNG HƠN 20 NĂM

Tiếp tục uống... bia nhớ nguồn

Hơn hai mươi năm xây dựng và trưởng thành khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt đã và đang khẳng định vị trí của mình là một trong những khoa có quy mô đào tạo lớn, uy tín giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngày càng được nâng cao.
Những thành viên ban đầu của Khoa là một số cán bộ giảng dạy thuộc khoa Sư phạm Đại học Tây Nguyên chuyển về Đại học Đà Lạt năm 1982. Khoa đã được bổ sung dần từ nguồn tự đào tạo và từ các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn khác. Hiện tại tổng số giáo chức tham gia giảng dạy ngữ văn là 21 người, trong đó có 10 người kiêm nhiệm công tác quản lý trong Ban Giám hiệu các khoa, phòng, trung tâm và đoàn thể. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa hầu hết đã được đào tạo sau đại học; trong đó có 02 người là PGS-TS; 9 TS; 2 ThS. Đây là vốn quý để khoa Ngữ văn tiếp tục phát triển đào tạo đại học và sau đại học.
Ban Chủ nhiệm khoa gồm TS. Phan Thị Hồng – Trưởng khoa; TS. Dương Hữu Biên – Phó trưởng khoa. Khoa có 4 bộ môn là: Văn học Việt Nam do TS. Phạm Quốc Ca làm Trưởng bộ môn; bộ môn Lý luận văn học và Văn học nước ngoài do PGS. TS. Phạm Quang Trung làm Trưởng bộ môn; bộ môn Ngôn ngữ học do TS. Nguyễn Khắc Huấn làm Trưởng bộ môn và bộ môn Văn hóa học do TS. Phan Thị Hồng làm Trưởng bộ môn. Đây là mô hình tổ chức tương đối phù hợp với tính chất và quy mô đào tạo hiện nay của Khoa.
Định hướng chính trong hoạt động của khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt là đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản thuộc hệ đại học tổng hợp. Để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, ngay từ khóa đầu Khoa đã có chủ trương đúng đắn là mở thêm hướng đào tạo ngữ văn sư phạm. Gần đây để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, Khoa đã xác định và cơ cấu chương trình đào tạo theo ba hướng: ngữ văn, ngữ văn sư phạm và ngữ văn - báo chí (cho sinh viên hệ tại chức). Nội dung, chương trình giảng dạy ngày càng được cải tiến, đảm bảo chương trình chuẩn quốc gia với hệ thống học phần bắt buộc và tự chọn khá phong phú. Khoa cũng đã tham gia xây dựng chương trình đào tạo, và thực tế đã  đào tạo Cao học ngành Văn học Việt Nam từ năm học 2002-2003. Khoa đang đề nghị và chuẩn bị mọi mặt cho đào tạo Tiến sĩ khi được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép.
Hơn hai mươi năm qua, đặc biệt là từ những năm gần đây, khoa Ngữ văn đã có sự mở rộng quy mô đào tạo với phương châm đa dạng hóa về ngành học và loại hình đào tạo. Từ chỗ chỉ đào tạo đại học chính quy, giờ đây Khoa song song đào tạo ba loại hình: chính quy, tại chức và đào tạo từ xa. Từ chỗ chỉ có gần 150 sinh viên chuyển về từ Đại học Tây Nguyên (1982), hiện tại Khoa đang đào tạo hơn một ngàn bốn trăm sinh viên chính quy và gần hai trăm sinh viên hệ tại chức, đào tạo từ xa.

Trong những năm qua hàng ngàn sinh viên khoa Ngữ văn đã ra trường, công tác ở mọi miền đất nước (chủ yếu là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên). Nhiều cựu sinh viên của Khoa đã làm việc có hiệu quả và trưởng thành nhanh chóng tại trường Đại học Đà Lạt, Đại học Tây Nguyên, các trường trung học phổ thông, các sở văn hóa, các báo, đài, các hội văn nghệ, và nhiều cơ quan chính quyền, đoàn thể xã hội khác.
Để đạt được những thành tích đào tạo như vậy, các thầy giáo, cô giáo trong khoa đã nỗ lực hết mình trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhiều người đã liên tục được bầu là “giảng viên giỏi” của Trường Đại học Đà Lạt.
Khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt luôn ghi nhớ công lao của các giáo sư, tiến sĩ các khoa Ngữ văn Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội & nhân văn khác đã tham gia đào tạo với tư cách là cán bộ thỉnh giảng và đã tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho khoa. Trong số đó, PGS Nguyễn Thạch Giang có thời kỳ được mời làm Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam. Thầy trò khoa Ngữ văn ghi nhớ công lao của PGS-TS Nguyễn Khắc Tụng, cựu Trưởng khoa Văn – Sử (đã trở lại Hà Nội), cố PGS - cựu Trưởng khoa Ngữ văn Hồ Tấn Trai và những cán bộ đã từng tham gia công tác quản lý Khoa.

Trong hơn hai mươi năm qua, khoa Ngữ văn đã thực hiện gần ba mươi đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và hàng trăm đề tài cấp trường. Các đề tài tập trung vào mấy hướng chủ yếu sau:
1. Nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản về văn học và ngôn ngữ  học phục vụ trực tiếp nội dung giảng dạy. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và đề tài luận án tiến sĩ  của TS. Nguyễn Đình Hảo, TS. Dương Hữu Biên, TS. Nguyễn Khắc Huấn, TS. Huỳnh Thông, ThS. Nguyễn Hữu Hiếu, ThS. Phạm Hậu Thành…  đã đáp ứng trực tiếp hướng nghiên cứu này.
2.      Nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong đời sống văn học đương đại của đất nước . Các đề tài, các bài báo của PGS.TS Lê Chí Dũng, PGS.TS Phạm Quang Trung, TS. Nguyễn Văn Kha, TS. Phạm Quốc Ca, TS. Nguyễn Mạnh Hùng… đã tham gia vào việc nhận diện đặc điểm văn học Việt Nam đương đại, nghiên cứu thơ, văn xuôi và lý luận văn học… Năm 2001 tập thể cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn đã thực hiện đề tài cấp Bộ “Văn học Việt Nam thế kỷ XX”. Công trình này đã được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 2002.
3.      Nghiên cứu những vấn đề văn học, ngôn ngữ và rộng ra là xã hội, nhân văn gắn với địa bàn Tây Nguyên . PGS.TS Lê Chí Dũng tham gia Ban chỉ đạo các chương trình Khoa học xã hội và Nhân văn của tỉnh Lâm Đồng. TS. Lê Hồng Phong, TS. Phan Thị Hồng, GV Nguyễn Tuấn Tài… đã tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu địa chí Lâm Đồng, Đà Lạt, văn hóa, văn học dân gian Tây Nguyên, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số K’ho, Mạ, Rơ-măm, Ba-na… Nhiều buôn làng xa xôi, hẻo lánh đã in dấu chân thầy trò khoa Ngữ văn trong những chuyến đi điền dã…
Thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa đã được ghi nhận xứng đáng. Tập thể khoa Ngữ văn và nhiều cá nhân đã được Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt khen thưởng. Các công trình nghiên cứu văn học dân gian Tây Nguyên của TS. Phan Thị Hồng, TS. Lê Hồng Phong đã được tặng giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, PGS.TS Phạm Quang Trung và TS. Phạm Quốc Ca được Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Uỷ ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng về lý luận, phê bình. Nhân kỷ niệm 25 năm đổi mới và phát triển của Đại học Đà Lạt, tập thể khoa Ngữ văn và 10 cán bộ giảng dạy của Khoa đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng bằng khen.
Khoa Ngữ văn còn là cái nôi trưởng thành của nhiều cây bút sáng tác văn học và đã có đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội Văn học - nghệ thuật Lâm Đồng, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (Khoa Ngữ văn có PGS.TS Phạm Quang Trung và TS. Phạm Quốc Ca là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, TS. Lê Hồng Phong, TS. Phan Thị Hồng là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 6 cán bộ là hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Lâm Đồng). Nhiều sinh viên khoa Ngữ văn đã có tác phẩm được in ở các báo, tạp chí  trung ương và địa phương và trở thành hội viên các hội văn học, nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố.
Hơn hai mươi năm qua là chặng đường nỗ lực phấn đấu của thầy trò khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt. Những gì đã đạt được là tiền đề vững chắc cho những bước phát triển trong tương lai của khoa.


MỤC TIÊU ĐÀO TẠO            
Mục tiêu của Khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt là đào tạo các cử nhân khoa học ngành Ngữ văn, Sư phạm Ngữ văn và Ngữ văn báo chí (đào tạo hệ tại chức). Sinh viên Ngữ văn khi ra trường có thể công tác trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, báo chí đài, báo hoặc có thể tiếp tục nâng cao trình độ, đi sâu vào nghiên cứu các vấn đề văn học, ngôn ngữ học và các vấn đề xã hội – nhân văn gắn với địa bàn Tây Nguyên và của đất nước.

            Về chương trình học: ngoài khối kiến thức giáo dục đại cương, sinh viên được cung cấp các kiến thức chuyên ngành về Văn học Sử (Văn học Việt Nam các thời đại, Văn học nước ngoài (Văn học Phương Tây; Văn học Trung Quốc; Ấn Độ; Văn học Đông Nam Á, Văn học Mỹ, Văn học Nga, Văn học Xô Viết…), Lý luận, phê bình văn học, Phương pháp sáng tác văn học và Ngôn ngữ học… cùng các tác gia và tác phẩm tiêu biểu của mỗi thời đại văn học.

            Bên cạnh phần kiến thức cốt lõi, chương trình đào tạo còn bao gồm một danh mục phong phú các chuyên đề về văn học VN, văn học nước ngoài, các tác gia và tác phẩm tiêu biểu, Tâm lý  học sáng tạo văn chương, Ngôn ngữ thơ, Lịch sử Tiếng Việt, Loại hình học Tiếng Việt, Lịch sử báo chí, Ngôn ngữ báo chí, cách thể ký văn chương và thể ký báo chí…

            Ngoài chương trình chính khóa, sinh viên còn tham gia các chương trình ngoại khóa gồm:
-    Các buổi Xêmina, giao lưu văn học với các GS, các nhà nghiên cứu văn học, các nhà văn…
-    Tham gia các đợt thực tập điền dã hoặc tham quan các cơ quan văn hóa, Báo, Đà trong và ngoài Tỉnh. Đặc biệt tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên khác như Gia Lai, Kontum, DakLak.



Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

KẾ HOẠCH GẶP MẶT KỶ NIỆM 20 NĂM RA TRƯỜNG (PHẦN 1)


Thân gởi các anh chị và các bạn cựu sinh viên Văn Đà Lạt 11,
Đây là kế hoạch do nhiều bạn trong lớp nêu ra và tổng hợp thành dự thảo. Việc lấy ý kiến cho dự thảo này hoàn chỉnh hơn- để cuộc gặp mặt hoành tráng, thiết thực và ý nghĩa hơn- Ban Liên lạc mong các anh chị và các bạn tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn chỉnh kế hoạch, gởi cho Ban Tổ chức hoặc phản hồi qua weblog của lớp.
Thân ái
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Gặp mặt, thăm hỏi và ôn lại những tháng ngày tươi đẹp dưới mái trường xưa.
- Tri ân các thầy cô.
- Động viên, chia sẻ về công việc, cuộc sống… tăng cường tình đòan kết của tất cả các thành viên của lớp.
2. Yêu cầu:
- Tất cả các thành viên của lớp Văn K11 (và gia đình) có mặt đông đủ, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Tổ chức trọng thể, thiết thực, vui tươi, tiết kiệm.
II. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
1. Thời gian: Dự kiến tổ chức trong 3 ngày (25,26,27/06/2011)
- Thứ 7 (25/06/2011): Tập trung tại Đà Lạt.
- Chủ nhật (26/06/2011): Tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra trường.
- Thứ hai (27/06/2011): Tổ chức gặp mặt thân mật, giao lưu toàn bộ thành viên của lớp.
2. Địa điểm: Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
III.BAN TỔ CHỨC:
1/ Trần Bảo Long
2/ Nguyễn Ngọc Hiểu
3/ Châu Vĩnh Lương
4/ Nguyễn Văn Quang
5/ Nguyễn Công Tùng Chinh
6/ Đường Anh Ngữ
7/ Nguyễn Văn Bình
(Mời xem tiếp phần 2)

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

KẾ HOẠCH GẶP MẶT KỶ NIỆM 20 NĂM RA TRƯỜNG (PHẦN 2)














(Tiếp theo phần 1)
IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:
1. Tiểu ban nội dung gồm:
- Trần Bảo Long: Trưởng Tiểu ban
- Nguyễn Ngọc Hiểu: Phó Tiểu ban
- Châu Vĩnh Lương
- Nguyễn Công Tùng Chinh.
* Tiểu ban nội dung có nhiệm vụ:
- Chịu trách nhiệm nội dung, chương trình và điều hành chương trình gặp mặt của lớp.
- Xây dựng kịch bản chi tiết và điều hành chương trình Lễ kỷ niệm,
- Liên hệ với các tiểu ban để phối hợp hoạt động.
- Dự kiến khách mời, phát hành giấy mời.
2. Tiểu ban hậu cần, tài chính gồm:
- Đường Anh Ngữ: Trưởng Tiểu ban
- Nguyễn Văn Bình: Phó Tiểu ban
- Lê Công Bình: Phó Tiểu ban
- Phạm Bai
- Nguyễn Thế Hải
- Trần Thị Ánh Nguyệt
- Bạch Thị Trà My
- Đinh Thị Hồng Nga
- Nguyễn Thị Kim Giang
* Tiểu ban hậu cần, tài chính có nhiệm vụ:
- Lập kế hoạch và dự trù kinh phí tổ chức chương trình gặp mặt và lễ kỷ niệm.
- Chịu trách nhiệm toàn bộ khâu tài chính, ăn, nghỉ cho lớp.
- Chuẩn bị quà lưu niệm,
- Xây dựng chương trình vận động, đóng góp tài chính cho Lễ kỷ niệm.
3. Tiểu ban liên lạc gồm:
- Phan Đức Thiệu: Phụ trách liên lạc khu vực Lâm Đồng, Quy Nhơn, Quảng Ngãi.
- Nguyễn Thế Hải: Phụ trách liên lạc khu vực Gia Lai, Kon Tum, ĐakLak.
- Trương Văn Lin: Phụ trách liên lạc khu vực Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận.
- Trần Hương Hải: Phụ trách liên lạc khu vực Sài Gòn, Tây Ninh
* Tiểu ban liên lạc có nhiệm vụ:
- Chịu trách nhiệm thông tin, xác nhận danh sách người dự nhằm phục vụ cho khâu bố trí ăn, nghĩ, đi lại...
- Phát hành giấy mời và xác nhận số lượng, thành phần khách mời.
4. Tiểu ban hoạt động:
- Nguyễn Văn Quang: Trưởng tiểu ban.
- Phan Tiến Minh: Phó tiểu ban
- Lê Tú Oanh
- Nguyễn Thị Bảo Thuý
- Trần Thị Kim Chung
- Huỳnh Thị Sen.
* Tiểu ban hoạt động có nhiệm vụ:
- Phối hợp với ban Tổ chức và các tiểu ban để cùng điều hành hoạt động chung.
- Xây dựng, thiết kế và điều hành các chương trình giao lưu, vui chơi, tham quan dã ngoại cho tât cả các thành viên tham dự tại Đà Lạt (bao gồm cả thân nhân, gia đình, trẻ em của thành viên lớp).
IV. Tổ chức thực hiện:
1. Các Tiểu ban làm nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên đảm nhận từng khâu công việc, trách bỏ sót hoặc trùng lắp nhiệm vụ theo nguyên tắc mỗi người mỗi việc, vì nhiệm vụ chung.
Các Tiểu ban (đặc biệt là Trưởng và phó Tiểu ban) phải có mặt tại Đà Lạt trước một ngày để rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị để kịp thời điều chỉnh, bổ sung.
2. Tất cả thành viên trong lớp phát huy tinh thần trách nhiệm, mỗi nguời tuỳ theo khả năng của mình chung sức chung lòng vì sự thành công của Lễ kỷ niệm.
Chấp hành nghiêm túc chương trình, nội dung Lễ kỷ niệm, gặp mặt.
(Mời xem tiếp phần3)

KẾ HOẠCH GẶP MẶT KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY RA TRƯỜNG (PHẦN 3)












(Tiếp theo phần 2)
DỰ KIIẾN TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH CÁC HOẠT ĐỘNG
1/ Từ 06/05/2011- 10-05/2011:
Gởi DỰ THẢO KẾ HOẠCH TỔ CHỨC KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY RA TRƯỜNG VĂN K11 – ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT cho các thành viên Ban tổ chức, các trưởng, phó tiểu ban để lấy ý kiến đóng góp và thống nhất Chương trình chính thức.
2/ Từ 11/05/2011-15/05/2011:
Ban tổ chức và các Tiểu ban chính thức hoạt động, phổ biến Chương trình chính thức Lễ kỷ niệm lên blog của lớp.
Ban tổ chức xây dựng nôi dung hoạt động chi tiết.
Các Tiểu ban hôi ý các thành viên trong Tiểu ban của mình để xây dựng và thống nhất nôi dung hoạt động của từng Tiểu ban.
3/ Từ 16/05/2011-25/05/2011:
Ban Tổ chức và các trưởng Tiểu ban hội ý, thống nhật nội dung chi tiết cho mọi hoạt động của chương Lễ kỷ niệm và gặp mặt.
Các Tiểu ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên của tiểu ban.
4/ Từ 26/05/2011-05/06/2011:
Các thành viên đăng ký danh sách tham dự chính thức cho Tiểu ban liên lạc theo từng khu vực đã phân công.
Các Tiểu ban tiến hành công tác chuẩn bị theo nội dung đã phân công.
5/ Từ 06/06/2011-15/06/2011:
Thống nhất danh sách tham dự, danh sách khách mời, phát hành giấy mời.
Phổ biến chi tiết nội dung chương trình họat động chính thức đến tất cả thành viên của lớp.
Tiểu ban hậu cần, tài chính công bố vấn đề vận động đóng góp tài chính, tài trợ.
6/ Từ 16/06/2011-23/06/2011:
Ban tổ chức và các Tiểu ban kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị.
Hoàn chỉnh nội dung chi tiết của các hoạt động.
7/ 24/06/2011:
Ban tổ chức và các trưởng, phó các Tiểu ban tập trung tại Đà Lạt để tiến hành rà soát, hội ý lần cuối cho công tác chuẩn bị.
8/ Từ 25/06/2011-27/06/2011:
Chương trình chính thức Lễ kỷ niệm, gặp mặt.
(Hết)