Thứ Năm, 25 tháng 9, 2008

NỖI NHỚ CỦA PHẠM ÁNH



Nỗi nhớ trong tôi
Tiếng nôi đưa
Tiếng võng đưa
Tiếng bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa


Tiếng má gọi con
Tiếng gà gọi nắng
Tiếng vỗ cánh cào cào châu chấu...

Tất cả tiếng yêu thương
Nơi làng quê xóm cũ
Lặng lẽ trong tôi
Soi rọi nỗi niềm...

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2008

KHÔNG ĐỀ CỦA NGUYỄN VĂN QUANG



Trở về vùng trống của quá khứ
Ta thấy ta lạc lõng giữa cuộc đời
Chạy tìm hình hài cho ngày tới
Bỗng trở thành đứa trẻ mồ côi

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

LYCÉE YERSIN XƯA- CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NAY

Cao đẳng sư phạm Đà Lạt còn là một di sản kiến trúc văn hóa xinh đẹp, độc đáo nổi tiếng Đông Dương, là chứng nhân của một sự kiện lịch sử bi hùng có liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam...Nhân dịp đầu năm học mới, Văn Đà Lạt 11 xin giới thiệu.


MỘT VẺ KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO
Trường CĐSP Đà Lạt vốn ngày xưa mang tên: Lycée Yersin. Ngôi trường được khánh thành vào năm 1935 dưới thời Toàn quyền Varenn với tên gọi Grand Lyccé. Tháng 6/1936 hai trường Petit Lycée (nay là Trường Kỹ thuật Đà Lạt được xây dựng năm 1927) và Grand Lycée hợp nhất lấy tên chung là Lycée Yersin, để ghi nhớ công ơn của BS Yersin - người thám hiểm cao nguyên Lang Bian và có công khai sinh thành phố Đà Lạt xinh đẹp. Ngày 28/6/1935 Lycée Yersin làm lễ khai giảng khóa học đầu tiên, BS Yersin đã đến dự và xúc động phát biểu: "Tôi rất cảm động về tình cảm mà các em đối với tôi. Các em hãy tin rằng tôi cũng rất yêu mến và thân ái đối với các em... Các em làm tôi nhớ đến việc phát hiện ra cao nguyên Lang Bian vào tháng 6 năm 1893 trong một cuộc tìm kiếm , nghiên cứu nhằm mục đích khai phá một vùng rừng núi phía Nam Trung phần cho đến lúc đó vẫn chưa ái biết... Các em muốn đặt cho trường trung học đẹp đẽ này cái tên của người sống sót cuối cùng của phòng thí nghiệm Pasteur. Tôi xin cảm ơn các em".
Ai đã thiết kế và thi công công trình kỳ vĩ Lycée Yersin? Theo các tài liệu còn để lại thì công trình này được phác họa đầu tiên bởi sáng kiến của kiến trúc sư E.Hébard, nhưng lại được thiết kế và chỉ huy thi công một cách táo bạo và tài tình bởi kiến trúc sư Moncet. Cuối năm 1927, Grand Lycée chính thức khởi công trên một quả đồi bằng phẳng có diện tích tự nhiên khoảng 8 ha. Để xây dựng công trình này, lúc ấy người Pháp đã huy động hàng trăm phu phen, thợ nề, thợ mộc người Việt có tay nghề sắc sảo tại Đà Lạt và khắp nơi đưa về thi công. Có ai ngờ rằng họ đã phải vượt qua bao khó khăn, thử thách khắc nghiệt trong suốt 8 năm ròng rã chỉ bằng... đôi tay khéo léo và những giọt mồ hôi mặn đắng của chính mình! Do kết cấu các hạng mục phức tạp, nên lúc đó những người thợ đã phải dùng gạch ép để xây tường và đầu tiên ngôi trường được lợp bằng ngói Ardoise xanh đen từ Pháp đem qua. Để thực hiện cho bằng được những nét tinh tế theo đúng bản vẽ của các kiến trúc sư người Pháp, những người công nhân Việt đã phải liều mạng sống trên độ cao hàng chục mét. Nhờ đó mà hôm nay Cao đẳng sư phạm Đà Lạt mới có được một kiến trúc khá ngoạn mục về trường học và hiếm thấy ở Việt Nam: Mặt bằng tuy vẫn ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cổ điển, nhưng đã vượt lên bằng cách tự uốn mình theo một đường cung tròn mềm mại ôm lấy một khoảng sân rộng bên trong với tháp bút lợp bản thạch, vươn cao giữa những rặng thông xanh biếc hướng về hồ Xuân Hương, ghi một dấu ấn mạnh mẽ vào bức tranh thơ mộng chung của Đà Lạt.
MỘT HỘI NGHỊ LỊCH SỬ KHÓ QUÊN
9 giờ sáng ngày 19/4/1946, Hội nghị Đà Lạt trù bị cho Hội nghị Fontainebleau bàn về vận mệnh đất nước Việt Nam chính thức khai mạc tại Lycée Yersin, nay là Trường Cao Đẳng sư phạm Đà Lạt. Sau hơn 80 năm nô lệ, những người con ưu tú nước Việt đã ngẩng cao đầu ngồi vào bàn đàm phán với một đế quốc hung hãn như thực dân Pháp. Phái đoàn VNDCCH có 11 thành viên gồm: Nguyễn Tường Tam (Trường đoàn), Võ Nguyên Giáp (Phó đoàn), Trịnh Văn Bính, Cù Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Vũ Hồng Khanh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Luyện, Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường và 12 cố vấn. Phái đoàn Pháp cũng có 11 người gồm: Max Anndré (Trưởng đoàn), Ren Pignon (Phó đoàn), Mesmer , Bousquet , D’arcy,Gourou, Bourgoin, Torel, Clarac, Gonon, Ner, Guilanton, Sa lan. Phóng viên thông tấn, báo chí của các nước Pháp, Bỉ, Tiệp... và Ana Lê Trung Cang của Nhật báo Điện Tín Sài Gòn đã có mặt để theo dõi, đưa tin và tường thuật hội nghị. Trong gần 1 tháng cả 2 phái đoàn tranh cãi quyết liệt về các vấn đề: Đình chiến; hợp nhất ba "Kỳ" (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ); liên lạc ngoại giao giữa Việt Nam với các nước; quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Liên hiệp Pháp; liên lạc văn hóa Pháp - Việt; các trường của Pháp ở Việt Nam; Pháp tham gia giáo dục tại Việt Nam; tiền tệ; thuế quan; hoạt động của các doanh nghiệp của Pháp hiện có tại Việt Nam; Pháp tham gia vào việc phát triển kinh tế ở Việt Nam và các vấn đề về quân sự... Lúc ấy báo chí đưa tin: Mặc dù Phái đoàn Việt Nam đã tỏ ra hết sức thiện chí trong đàm phán, song cuối cùng chỉ vì tham vọng điên cuồng muốn chia cắt Nam Bộ và quay trở lại cướp Việt Nam một lần nữa của thực dân Pháp nên hội nghị đã lâm vào con đường bế tắc! Trước khi đóng sầm cánh cửa phòng họp báo hiệu hội nghị vỡ tan, chính tại ngôi trường này Phó trưởng đoàn VNDCCH - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố một câu bất hủ: "Nhân danh một dân tộc đã được tôi luyện qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tôi khẳng định với các ông rằng: Ngày nào Nam Bộ còn bị chia tách khỏi Việt Nam, thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam Bộ về lại với Tổ quốc. Nếu tiếng nói của chúng tôi không được đáp lại một cách công bằng, bản Hiệp định sơ bộ không được tôn trọng thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong tương lai. Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng!". Vâng! Sau đó hội nghị Đà Lạt bất thành, song cũng từ ấy đã đưa dân tộc Việt Nam vào cuộc kháng chiến trường kỳ và dẫn đến đài vinh quang: "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
7 giờ 30 phút ngày 12 tháng 5 năm 1946, Phái đoàn VNDCCH rời Đà Lạt, tạm biệt Lycée Yersin khi làn sương mù hãy còn giăng trên khắp các nẻo đường của "thành phố hoa". Mỗi người mang theo một tâm trạng, buồn vui lẫn lộn. Buồn vì tham vọng cướp nước của thực dân Pháp đã đẩy Hội nghị Đè Lạt đến chỗ vỡ tan. Buồn vì thấy một số người Pháp vốn trước đây một thời đã từng đau khổ vì bị Phát xít Đức cướp nước, nay lại toan đem cái điều mà họ không muốn để áp đặt lên một dân tộc nhỏ bé khác. Vui vì thấy cả phái đoàn đều đoàn kết, nhất trí để bảo vệ quyền lợi dân tộc, lo với nỗi lo nước mất nhà tan. Vui vì nhân dân Đà Lạt nói riêng và cả nước nói chung, đều quan tâm ủng hộ cho Hội nghị Đà Lạt và hạ quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và tài sản, nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của non sông. Hôm nay đến thăm Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nhiều người không khỏi bàng hoàng khi được biết rằng ngôi trường xinh đẹp này có một bề dày lịch sử gắn liền với Đà Lạt và vận mệnh đất nước Việt Nam như thế. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngày 28/12/2001 Bộ VHTT chỉ mới ký Quyết định số 52/2001/ QĐ-BVHTT xếp hạng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt vào di tích kiến trúc quốc gia chứ chưa thấy hết nơi đây còn là di tích văn hóa, lịch sử có liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam trong những giờ phút "ngàn cân treo sợi tóc". Để kết thúc bài viết này, tôi xin được mạn phép mượn mấy vần thơ của cố GS Hoàng Xuân Hãn nói về tâm sự của ông và Phái đoàn VNDCCH trong Hội nghị lịch sử này:
"Núi Đà Lạt xa quanh mình uốn éo
Lũng lưng đồi, ai khéo vẽ rừng thông
Mặt hồ xanh, mây bạc bóng gương lồng
Trên cỏ lục, lối hồng đang uốn khúc
Ngắm cảnh tay người, thêm tâm tức
Gẫm mình việc nước vẫn đeo đai!
Giữ non sông, thao lược đã không tài
Nêu sứ mệnh một vài câu biện luận
Thấy lẽ mạnh ép hèn, sôi nổi giận
Tuốt gươm thù, toan quyết trận phong ba”.
TRƯƠNG PHÚC ÂN

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

THỜI BA ĐI HỌC

Nhân ngày khai trường sắp đến, xin giới thiệu một tản văn của Trương Văn Lin viết cho con. Có hơi than nghèo kể khổ...nhưng, đây có thể là tâm sự chung của nhiều người lớn lên từ nông thôn. Không biết có phải vậy không? Mời mọi người có ý kiến

Tản văn của TRƯƠNG VĂN LIN
Viết cho con trai nhân ngày khai trường



Vậy là, con đã vào lớp một, bậc đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc gia – Giáo dục tiểu học. Vậy mà ba chẳng làm được gì cho con, vì tất cả mọi việc từ áo quần, sách vở mẹ con đã lo chu toàn. Cái duy nhất mà ba có thể lo được cho con là: Chạy cho con vào một trường điểm nào đó. Nhưng ba đã không làm.

Ba đã không xin cho con vào trường điểm, vì ngôi trường đó thật ra cũng chẳng “điểm” lắm đâu. Có lẽ do đồn đãi, quá nhiều người “chạy” vào nên nó trở thành “điểm”. Cũng như các “sao” lên vùn vụt nhờ công nghệ lăng xê ấy mà. Rồi nữa, khi ngôi trường đã trở thành “điểm”, mức đóng góp sẽ cao hơn. Bạn bè con đáng lẽ được học ở trường đó, do hoàn cảnh khó khăn, không đủ sức đóng góp lại bị dạt sang trường khác ít “điểm” hơn. Thôi con ạ, lọt ra ngoài tấm chăn “trường điểm”, ba sẽ chăm sóc con bằng cách khác.

Ba lại nhớ đến cái thời ba đi học. Ba học lớp vỡ lòng (như lớp mẫu giáo của con bây giờ) ở trường làng do bác Hai con dạy. Trong khuôn viên trường có thêm trụ sở của thôn, nơi ông nội con làm việc (hồi ấy gọi bằng ấp) nên nó được gọi là Trường Lẫm. Thời chiến tranh, ở các cơ quan, công sở người ta thường đào các giao thông hào. Đây là thiên đường của ba và bạn bè. Cứ đến giờ ra chơi lại ra móc đất sét, nặn tất cả mọi thứ theo trí tưởng tượng của mình. Vào lớp, áo quần dính đầy đất sét, thế nào ba cũng bị bác Hai cho mấy roi vào mông.

Vào tiểu học, ba được học ở trường Tiểu học cộng đồng, kiến thức cũng chỉ gói gọn trong mấy quyển sách Tân Việt văn và sáu môn học yếu lược, tám môn học yếu lược. Đâu phải mang chiếc cặp nặng hàng mấy ký như con bây giờ. Học một buổi, một buổi tha hồ rong ruổi với các trò chơi bắt dế, thả diều, bắn bi, đánh trống… chẳng phải học cua, học kèm thích lắm con ạ.

Ba học cấp II sau giải phóng, cũng ở ngôi trường này, nhưng nó đã già nua, xuống cấp rất nhiều, mùa mưa cả lớp nháo nhào chạy mưa là chuyện thường. Đây là thời gia đình ta khó khăn nhất, sau giờ học ba đã biết giúp đỡ ông bà nội những việc lặt vặt. Ở trường, giờ lao động nghiêm túc hơn giờ chính khóa. Trường còn thành lập “Hợp tác xã Măng non” để học sinh lao động gây quỹ. Ba nhớ, hình như ba là thành viên Ban Quản trị của cái Hợp tác xã này.

Lên cấp III, ba được học ở trường huyện, cách nhà nội chừng 15 cây số. Nhà mình nghèo, có hai chiếc xe đạp ưu tiên để bác Bảy và mấy cô con chở giống, chở phân… đi làm ruộng. Ba đi học phải ở trọ nhà người ta, nói đúng hơn là ở ké (vì đâu có mất tiền trọ). Đầu tuần theo xe đạp bạn bè ra, cuối tuần theo về. Đã đi theo xe thì phải chở bạn. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa phùn, gió chướng chở được bạn qua khỏi cánh đồng trống khoảng năm sáu cây số, vất vả (nếu không nói là cực nhọc) vô cùng con ạ.

Suốt những năm học cấp III, trong các kỳ nghỉ hè ba và bạn bè đã biết làm đủ các nghề như hái củi, đốt than, làm gạch… để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học sau, để ông bà nội đỡ lo. Khổ nhưng mà vui lắm!

Rớt đại học lần đầu, ba ở nhà làm ruộng và đủ các nghề linh tinh khác ở nông thôn, phụ với bác Bảy con chèo chống gia đình mình, vì bấy giờ ông nội con đã mất sau một thời gian dài bị bệnh. Nhà mình lâm vào cảnh rất nghèo con ạ. Mấy năm sau, bằng sự cố gắng của cả gia đình, ba thi lại và đậu đại học. Ba và cả gia đình mừng như nhà có hội (Hồi ấy, thanh niên được mang cái mác sinh viên sang lắm con ạ).

Học đại học thời bao cấp, Nhà nước lo gần như toàn bộ, gia đình rất ít tốn kém. Thế nhưng đã bao cấp thì làm gì có đầy đủ, nên chuyện đói khổ, thiếu thốn của sinh viên đã thành “chuyện không của riêng ai”. Bốn năm sinh viên đi qua, ba cũng tích tụ một ít kiến thức để vào đời.

Ra trường, tuy hơi vất vả và cuối cùng ba cũng kiếm được một chỗ làm. Thấm thoát, vậy mà đã qua 15 năm làm công chức Nhà nước. Tuy chẳng dám gọi là thành đạt, thành danh, nhưng ba đã có một việc làm ổn định và lương thiện, không xấu hổ với đồng lương mình nhận để nuôi con ăn học nghiêm túc, đàng hoàng hơn thời ba đi học.

Đi học, ai chẳng muốn mình ngồi trong ngôi trường có nhiều chính khách, nhà khoa học, văn nghệ sĩ từng ngồi. Ba tin rằng những thế hệ sau con sẽ rất tự hào khi được ngồi trong ngôi trường mà con từng học. Hãy cố gắng nghen con!

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

TỔ QUỐC CỦA THẦY CA

Nhân kỷ niệm Quốc khánh, mời các bạn đọc lại bài thơ "Tổ quốc" của thầy Phạm Quốc Ca



Tuổi thơ con chỉ được ngắm hình cha
Áo trấn thủ vành mũ nan Vệ Quốc
Dòng chữ đỏ ghi công con đánh vần tên Nước:
“ Việt Nam”…

Trời xanh trên cánh buồm
Bóng tre mát đường làng con đi học
Đất nước đẹp như Đồng Nai, Phú Xuân…
Mẹ cặm cụi với đồng sâu, nước bạc
Lời ru gửi bao nhiêu mong ước
Mà lớn lên con khát những chân trời?

Con đã kịp yêu đâu những vẻ đẹp của Người
Ôi Đất Nước nghìn năm lời “ Giã bạn”!
Nghỉ lại núi Hội Thề dọc đường ra mặt trận
Câu thơ Kiều xanh sắc cỏ ngày xuân.

Chiều mùa khô cháy khát cả cánh rừng
Gặp suối đá trong như chảy từ nguyên thuỷ
Chợt nhận ra: Tổ quốc gần gũi như lòng mẹ
Giữa ngực con ngụm nước diụ dàng.

Khi cờ thắp bừng bừng trên tuyến giáp ranh
Con đã khóc trước thiêng liêng màu đỏ
Tổ quốc là đích giặc bắn ngày đêm
Lá cờ rách tả tơi ngọn gió

Tổ quốc
Là trần trụi một mô đất nhỏ
Giặc lấn sang con giành lại mấy lần
Là một mảng lục bình kịp trôi đến che lưng
Lúc tàu giặc bật đèn pha bất chợt
Trưa khét nắng Tổ quốc là bóng mát
Trước cửa hầm: Tổ quốc- trời xanh…

Phải cách xa mới hiểu lòng mình
Con đã trải nỗi vắng xa Tổ quốc
Trận giặc càn tháng Năm Bảy mươi
Đại đội bật sang bờ tây Vàm Cỏ
Nghe lạ lẫm cả từng cơn gió
Tiếng cuốc kêu úa đỏ trăng hè
Thương từng gốc mua rừng đẫm máu
Ngược đêm bom chúng con đánh quật về.

Con đã hát niềm vui chừng vỡ ngực
Một mùa hoa đỏ nắng Sài Gòn
Đạn Pôn Pốt lại bắn vào vết thương bom Mỹ
Thịt da con đỏ máu với biên cương.

Bão rồi gió dồn tấp lên bán đảo
Giữa lòng con cũng xoáy từng cơn
Tổ quốc là những đêm không ngủ
Con yêu Người đến xót xa, đau thương.

Hạnh phúc của con- một cuộc đời thường
Ngày đẫm ướt giọt mồ hôi mặn chát
Miếng cơm thanh sạch, trắng trong
Ai đen trắng, lương tâm nào thức ngủ
Trái tim con phẫn nộ hồi chuông.
Tổ quốc- Người là niềm khát vọng
Chúng con đứng cao hơn cơm áo ngày thường

Việt Nam!
Con của Người cả khổ đau, hạnh phúc
Bởi khi núm rau con gửi vào một đất
Con đã gửi Người một kết giao máu thịt
Trọn cuộc đời con.

1980